Viettel cạnh tranh với các đối thủ ngoài ngành 1 Cạnh tranh với các nhà cung cấp trong nước

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của Tổng công ty Viễn thông Quân đội trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 68 - 74)

2.2.2.1. Cạnh tranh với các nhà cung cấp trong nước

a/ Thu hút và giữ nhân tài bằng văn hoá doanh nghiệp

Tổng công ty Viễn thông Quân đội đang bước vào giai đoạn đã và đang phát triển cả về quy mô đầu tư và nhân sự. Nhiều thách thức mà Viettel đang phải đối mặt, trong đó thách thức lớn nhất là thu hút và giữ nguồn nhân lực chất lượng cao, có kinh nghiệm và nhiệt huyết với ngành, nghề.

Muốn giữ người tài phải đảm bảo cho họ 3 vấn đề: Thứ nhất, mức lương tương xứng với trí tuệ và sức lao động, vừa thể hiện sự sòng phẳng, vừa bày tỏ sự tôn trọng. Thứ hai, công khai thi tuyển và sử dụng để người tài được làm việc với nhau. Một mức thu nhập xứng đáng, một môi trường làm việc khuyến khích sáng tạo và tôn vinh những giá trị của sự sáng tạo, một văn hóa doanh nghiệp khiến mỗi thành viên đều có

thể tự hào và tự nguyện gắn kết. Thứ ba, phải luôn rộng mở để họ vươn lên không ngừng. Đối với người tài thực sự, không có biên giới hữu hình.

Định hướng phát triển trong tương lai của TCT cũng bao gồm việc xây dựng một môi trường văn hoá đồng nhất và một môi trường văn hoá đẹp, những con người trong tổ chức sẽ làm nên môi trường văn hoá cho chính họ. Nét văn hoá ấy có thể được thể hiện từ niềm tự hào, sự tự tin của mỗi người về chính mình, về công ty, từ cách suy nghĩ sáng tạo đối với những vấn đề khúc mắc, khó khăn trong thành công để tìm ra giải pháp.

Hiện nay, những nền kinh tế đi trước chúng ta đã làm tốt sự phân tách về công việc và lao động. Đối với phần lao động đơn giản, họ đã biết cách quy trình hoá, có thể đào tạo rất nhanh để ai cũng làm được và thuê ngoài với giá trị rất thấp. Cách làm của Viettel là đào tạo con người để nắm vững về mặt công nghệ, kiến thức kinh doanh để nhân viên chủ chốt của Viettel đảm đương 10% lao động trí tuệ, 90% còn lại sẽ được qui trình hoá dành cho lao động đơn giản và thuê ngoài. Hiện nay, số người thuê ngoài của Viettel đã lên tới gần 5.000 người, chiếm gần 50% lao động của TCT. Viettel cũng có những chính sách thu hút và gìn giữ nhân tài, tạo ra môi trường làm việc cởi mở, khuyến khích sáng tạo, nhằm tạo ra sự gắn bó mật thiết giữa con người và TCT để tránh nguy cơ chảy máu chất xám khi các công ty viễn thông nước ngoài thâm nhập thị trường. Bên cạnh đó, Viettel cũng nhận thức rất rõ vấn đề phải tuyên truyền, giáo dục cho các cán bộ, công nhân viên trong việc xác định đâu là thời cơ, là thách thức cũng như khó khăn thuận lợi khi trong quá trình hội nhập WTO.

Nhân sự là một trong những cốt lõi để thực hiện công việc thành công. Để mọi người có cơ hội thăng tiến, cũng như đảm bảo công khai dân chủ trong việc bổ nhiệm cán bộ, đầu năm 2007, TCT đã tổ chức thi tuyển các chức danh Giám đốc, các vị trí quản lý, Ban Giám đốc TCT trực tiếp phỏng vấn các ứng viên, đây cũng là dịp để Ban Giám đốc nghe tiếng nói trực tiếp từ cấp dưới, nghe những đóng góp từ nhân viên, truyền thông những chủ trương, chiến lược TCT xuống dưới, và sau cùng là nhận

dạng, đánh giá từng người để sử dụng vào những vị trí thích hợp. Điều mà Viettel đạt được qua đợt thi tuyển là lòng tin của CBCNV về tính công khai minh bạch và tiếng đồn này đã lan ra ngoài TCT, góp phần xây dựng thương hiệu cho Viettel. Đây chắc chắn sẽ là một cách làm thường xuyên trong Tổng công ty Viễn thông Quân đội, điều mà nhiều DN nhà nước khác còn chưa thực hiện được.

Viettel thực hiện kích thích người lao động thông qua thưởng tháng về năng suất lao động. Hiện nay, các đối thủ cạnh tranh của Viettel chưa DN nào có nhận thức lương cơ bản là để sống còn thưởng là để CBCNV giàu lên. Trong những năm qua, Tổng công ty Viễn thông Quân đội đã tăng tỷ lệ thưởng từ 20% năm 2005, lên 40% năm 2006 và năm 2007 thưởng gần như ngang bằng với lương. Thưởng tháng là theo kết quả sản xuất kinh doanh, còn thưởng quý là theo kết quả thi đua, được đánh giá toàn diện hơn. Viettel cũng đưa vào vận hành việc thưởng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và tiết kiệm chi phí theo tỷ lệ làm lợi.

Sự phát triển của Viettel trong những năm gần đây bắt nguồn từ việc nắm bắt các ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, sự sáng tạo và tinh thần quyết tâm của CBCNV toàn TCT. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Viettel tăng nhanh trong các năm qua. Điều này đã chứng minh trình độ, kiến thức năng lực của lực lượng quản lý của Viettel đã đáp ứng kịp được với giai đoạn đầu của thời kỳ CNH – HĐH đất nước. Tính đến 31/12/2007, số lượng và trình độ lao động của Viettel như sau:

Bảng 2.4. Trình độ người lao động của Viettel năm 2007

Cơ cấu Số tuyệt đối (người) Tỷ lệ (%)

Tổng số 9055 100

Trên đại học 95 1.05

Đại học và cao đẳng 7107 78.49

Trung cấp 1003 11.08

Công nhân 850 9.39

Nguồn: Phòng Tổ chức lao động - Tổng công ty Viễn thông Quân đội

Bảng trên cho thấy tỷ lệ lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm khoảng 80%, cao hơn so với một số công ty viễn thông khác trong nước như VNPT là 50%, VP Telecom là 60%...

Có thể thấy rằng, Viettel đang duy trì một đội ngũ lao động lành nghề và có kinh nghiệm chiếm tỷ lệ khá cao. Việc cần thiết của Viettel là làm sao thu hút thêm và giữ được những nhân sự có chất lượng thực sự như vậy để có thể phát triển bền vững trong quá trình cạnh tranh, khai thác thị trường.

b/ Nhà cung cấp thiết bị đầu cuối

Mạng thông tin di động đang phát triển như vũ bão trên phạm vi toàn cầu. Tốc độ phát triển có thể được ghi nhận thông qua số lượng ĐTDĐ tiêu thụ liên tục tăng và việc các nhà phân phối không ngừng đẩy ra thị trường những model mới nhất.

ĐTDĐ sẽ là những bộ máy nhỏ và cực kỳ tiên tiến. Các model rẻ, đơn giản (giá khoảng 30 USD) sẽ phổ biến trong tầng lớp những người thu nhập thấp. Điện thoại tinh vi hơn giá từ 150 – 500 USD nhẹ và mỏng, sẽ tích hợp màn hình “touch screen”, nhận dạng giọng nói, lưu số bằng giọng nói (ví dụ: nhập số và lưu số thông qua khẩu lệnh “Gọi X”). Xu thế chung là điện thoại sẽ tích hợp cả những tiện ích phổ biến nhất của một chiếc máy tính cá nhân (PC). Cơ sở dữ liệu nhỏ lưu trữ những thông tin như tên, số điện thoại, thông tin kinh doanh, lịch nhắc việc v.v... Bên cạnh đó, điện thoại còn có thể kết nối dễ dàng với máy tính để đồng bộ hoá dữ liệu; gửi nhận tin nhắn đa phương tiện (multimedia) dung lượng lớn.

Mọi thành phố sẽ được phủ sóng di động. Công nghệ mới cho phép thiết lập vùng phủ sóng tạm thời trên các chuyến tàu, thậm chí máy bay.

Sẽ có hàng trăm loại hình dịch vụ nhằm vào đối tượng người dùng telephone. Ngoài mạng lưới truyền thống (PSTN), những dịch vụ này còn tận dụng các giao thức Internet khác nhau; tận dụng được ưu điểm cũng như cả nhược điểm của việc truyền số liệu qua giao thức Internet (ví dụ spam, virus…). Những dịch vụ hiện có sẽ tiếp tục

tồn tại như pager, dịch vụ trả lời tự động... Điện thoại sẽ hỗ trợ dịch vụ xác minh thoại (Calling Line Identification - CLI), cho phép người nhận biết được ai ở đầu bên kia, những thông tin liên quan. Sẽ tồn tại nhiều danh bạ điện thoại trực tuyến, cho phép bạn tìm kiếm số điện thoại của một cá nhân, tổ chức chỉ với một chút thông tin “đầu vào”. Ví dụ, “tên anh ấy là A, anh ta sống ở thành phố B và số điện thoại của anh ấy bắt đầu bằng XYZ!”. Và cuối cùng, mọi điện thoại đều có thể gửi, nhận card điện tử (lưu trữ tên, địa chỉ, số điện thoại, email…) của đối tác.

Hiện nay có đa dạng các nhà cung cấp thiết bị đầu cuối: đứng đầu thị trường là Nokia, thứ hai là SamSung, thứ ba là Motorola, Sonyericcson, tiếp đó là O2, Simens, Banshine,… Với sự cạnh tranh gay gắt của hàng loạt hãng và sự phát triển vũ bão của công nghệ, trong tương lai gần sẽ được đón nhận những sản phẩm ưu việt rất nhiều xét về cả chất lượng, tính năng và giá cả.

Giải pháp nhằm tiết giảm chi phí đàm thoại khi tham gia mạng phủ sóng rộng là sử dụng điện thoại mạng cá nhân (Personal Network Phone). Thiết bị này có bộ nhận và chuyển phát tín hiệu radio cố định, có khả năng thiết lập kết nối với các thiết bị khác có cùng tần số và sử dụng chung mã truy nhập mạng (access code). PNP thực sự là giải pháp liên lạc tối ưu về giá cả trong phạm vi không quá rộng (trường học, công sở v.v..).

Videophone sẽ là bước phát triển tiếp theo của các phương tiện liên lạc cá nhân. Thiết bị này có kích cỡ tương tự như một chiếc ĐTDĐ tích hợp camera hiện đang phổ dụng, cho phép hai đối tác đang đàm thoại có thể thấy được nhau. Giá bán sẽ vẫn ở mức cao (350 USD/đơn vị) và người dùng sẽ phải tốn thêm khoảng 50 USD/tháng cho nhà cung cấp dịch vụ để đảm bảo chất lượng băng thông.

ScanPhone là ĐTDĐ tích hợp máy quét (scan) siêu nhỏ và phần mềm nhận dạng OCR. Chỉ cần “áp” điện thoại vào các chất liệu có lưu trữ thông tin (ví dụ một tờ báo, danh thiếp…), điện thoại có thể tự động “nhận dạng” số điện thoại, tên người,… rồi lưu vào bộ nhớ máy. Giá điện thoại như vậy dự kiến từ 200 - 500 USD, nặng khoảng 230g.

Xét trên nhiều phương diện, có thể coi Pocket Pal là một chiếc máy tính siêu nhỏ, tích hợp các tính năng cơ bản của một chiếc ĐTDĐ. Tên chính thức của Pocket Pal là “Telecomputer”. Pocket Pal gồm 2 màn hình cảm ứng “touch screen”, một màn hình chứa các phím chức năng chính và một màn hình hiển thị dữ liệu. Bên cạnh các tính năng đàm thoại, lưu trữ thông tin cuộc gọi…, Pocket Pal còn tích hợp các ứng dụng khác như trình xử lý văn bản, các ứng dụng cơ sở dữ liệu, khả năng truy nhập web, duyệt email… Sản phẩm này thực sự hữu ích cho các KH thường xuyên phải làm việc ở xa công sở. Giá dự kiến 600 USD.

Mở rộng tính năng của ĐTDĐ hiện thời, trong tương lai gần chúng ta có thể sử dụng Satphone - điện thoại không bị giới hạn vùng phủ sóng vì tín hiệu sẽ được truyền trực tiếp qua các vệ tinh. Chất lượng đàm thoại có thể không tốt như điện thoại truyền thống, tuy nhiên, ưu điểm là KH có thể liên lạc được ở bất cứ đâu, không phụ thuộc vào khoảng cách địa lý và các lớp băng tần kết nối cũng như công nghệ áp dụng (GSM, CDMA…). Dự kiến, giá điện thoại chỉ ở mức 200 USD/chiếc, giá dịch vụ khá đắt- ở mức trên dưới 1 USD/phút.

Bắt nhịp với những xu hướng của thị trường thiết bị đầu cuối, các mạng cung cấp dịch vụ thoại di động Việt Nam (07 mạng: Vinaphone, Mobiphone, Viettel, Sfone, HT Mobile, EVN Telecom, Gtel) cũng thi tuyển cấp phép mạng 3G diễn ra vào tháng 12/2008.

Băng tần (băng tần số) là môi trường để truyền sóng vô tuyến và là cơ sở vật chất thiết yếu để triển khai các ứng dụng truyền dữ liệu (âm thanh, hình ảnh...). Mỗi nước, mỗi khu vực trên thế giới quy hoạch băng tần số của mình cho các ứng dụng khác nhau phục vụ cuộc sống như truyền hình, truyền thanh, bộ đàm, ĐTDĐ, mạng máy tính...Băng tần là hạ tầng đặc biệt quan trọng đối với các dịch vụ điện thoại và dữ liệu di động đang ngày càng phát triển mạnh và trở thành nền công nghiệp có lợi nhuận khổng lồ. Tuy nhiên, băng tần là nguồn tài nguyên có hạn và giấy phép sử dụng băng tần nào đó cho một dịch vụ chỉ giới hạn trong một vài nhà khai thác để đảm bảo việc phát triển,

quản lý và tránh gây nhiễu tín hiệu. Đó là lý do tại sao, băng tần và giấy phép (license) sử dụng băng tần cho dịch vụ mạng di động có giá rất cao ở các nước phát triển. Ví dụ: Pháp đã cấp license 3G thứ 4 cũng là cuối cùng cho Free Telecom với mức phí 619 triệu EUR trong vòng 20 năm vào tháng 7/2007 tức khoảng 619 tỷ đồng/năm; chi phí license 3G ở Anh là 653 triệu EUR.

Việc có giấy phép 3G có vị trí đặc biệt, đây là giấy thông hành mở ra tương lai cho bất cứ nhà khai thác nào khi sở hữu được nó và mạng nào không được cấp sẽ gặp không ít khó khăn.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của Tổng công ty Viễn thông Quân đội trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 68 - 74)