Thách thức và khó khăn

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của Tổng công ty Viễn thông Quân đội trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 85 - 88)

8 GIÁ TRỊ CỐT LÕI VIETTEL

3.1.2.2. Thách thức và khó khăn

Cũng như nhiều lĩnh vực khác, các doanh nghiệp Viễn thông Việt Nam đang ở trong tư thế chuẩn bị đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ phía các DN nước ngoài.

Với những doanh nghiệp kinh doanh viễn thông di động, sức ép đó càng lớn hơn, bởi đây được xem là thị trường sẽ phải mở cửa sớm nhất và cũng là một trong vài lĩnh vực có tính toàn cầu hóa lớn nhất hiện nay.

Trong những năm qua, thị trường viễn thông di động Việt Nam luôn duy trì mức tăng trưởng 60%-70%/năm và được coi là thị trường đầy tiềm năng đối với các nhà đầu tư. Xếp về mức độ tăng trưởng cao trên thế giới về viễn thông di động, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc. Theo thống kê mới của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong quý I/2008 Việt Nam có khoảng 8 triệu thuê bao di động phát triển mới, nâng tổng số thuê bao cả nước đạt gần 50 triệu. Trong đó có khoảng 43,9 triệu thuộc về ba nhà khai thác di động có cùng công nghệ GSM, gồm Mobifone với 14,5 triệu, Vinaphone với 12,4 triệu và Viettel với 17 triệu. Số còn lại là của các mạng di động sử dụng công nghệ CDMA. Như vậy số thuê bao phát triển trong quý 1/2008 đã vượt xa dự đoán của giới chuyên môn rằng đến năm 2010 Việt nam mới đạt được con số 50 triệu.

Tốc độ tăng trưởng nhanh, khả năng thu hồi vốn lớn... là những yếu tố khiến lĩnh vực thông tin di động của Việt Nam thu hút sự chú ý của không ít nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là khi nước ta gia nhập WTO. Bởi thế, không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt các nhà khai thác và cung cấp dịch vụ mạng di động hàng đầu thế giới trong thời gian qua ráo riết tiếp xúc và tìm cách tạo dựng tên tuổi của mình ở Việt Nam.

Ngoài những hãng tên tuổi như Motorola, Siemens, Ericsson, Nokia… đến những hãng lần đầu tên được nhắc đến tên ở Việt Nam như Telenor của Na Uy đến Lucent Technologies của Mỹ… Chính vì sức hút lớn của thị trường viễn thông di động Việt Nam, mà chắc chắn rằng, khi gia nhập WTO, các nhà cung cấp mạng di động Việt Nam sẽ chịu sức ép rất lớn từ các hãng tên tuổi của nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu không có những chính sách và chiến lược phát triển đúng đắn, có thể những mạng di động Việt Nam sẽ không theo kịp các hãng nước ngoài. Kinh nghiệm về kinh doanh và khai thác mạng, cũng như công nghệ, tiềm lực tài chính yếu

kém - Nếu so sánh với các tập đoàn BCVT trên thế giới thì các DN BCVT Việt Nam có tiềm lực về tài chính hết sức nhỏ bé, ngay cả DN lớn như VNPT, VIETTEL thì tiềm lực về tài chính cũng chưa bằng một công ty con của Tập đoàn hay một DN nhỏ của những nước phát triển - là điểm mà các mạng di động Việt Nam chưa thể bằng các hãng tên tuổi nước ngoài. Và, đó có thể là điểm yếu mà các hãng nước ngoài sẽ khai thác triệt để nhằm tìm kiếm thị phần ở thị trường Việt Nam khi Việt Nam đã gia nhập WTO. Do vậy, việc mở cửa một thị trường còn non trẻ của Việt Nam là một thách thức lớn có tính sống còn đối với các DN BCVT trong nước.

Một thách thức nữa là Việt Nam cần có cơ chế thực hiện nghĩa vụ cung cấp dịch vụ Viễn thông công ích của các DN, cân đối đầu tư, phát triển các dịch vụ phổ cập, dịch vụ cơ bản và dịch vụ mới đảm bảo tiêu chí phát triển chung và ổn định. Đồng thời cần có cơ chế tính giá cước các dịch vụ Viễn thông trên cơ sở chi phí cũng như cơ chế về chi phí kết nối mạng công bằng.

Một số vấn đề khác cũng đang là thách thức với Viễn thông Việt Nam, như yêu cầu phát triển mạng Viễn thông nông thôn trong khi vẫn đảm bảo các mục tiêu kinh doanh, phát triển thông tin di động, phổ cập Internet và công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và phát triển nguồn nhân lực.

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, từng bước chúng ta phải tuân thủ, chấp nhận các quy định, thỏa thuận song phương, đa phương và quốc tế, trong khi đó trình độ luật pháp, ngoại ngữ, khoa học công nghệ… của người Việt Nam nói chung và nhân lực ngành Viễn thông nói riêng còn chưa theo kịp trình độ thế giới. Mặc dù trong những năm gần đây, trình độ khoa học công nghệ của các DN BCVT trong nước đã có những tiến bộ nhất định, song còn thua kém nhiều so với các DN nước ngoài. Trang thiết bị, công nghệ lạc hậu dẫn đến chi phí sản xuất cao, năng suất lao động thấp dẫn đến sẽ rất khó cạnh tranh được với các DN nước ngoài.

Đội ngũ quản lý và nhân viên còn yếu về trình độ và năng lực đáp ứng. Vì thế trong thời gian đầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sẽ gặp rất nhiều khó khăn

trong việc thích nghi và đáp ứng những thay đổi nhanh chóng của công nghệ cũng như thị trường.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của Tổng công ty Viễn thông Quân đội trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 85 - 88)