1.2.3.1.Hình thành KN tự học: Có nhiều ý kiến khác nhau của các nhà tâm lý học về cơ chế hình thành KN nhưng đều thống nhất: KN được hình thành trong hoạt động. Leonchiev đã nhấn mạnh: hành động là đơn vị của hoạt động, vì thế, muốn hình thành hoạt động, trước hết phải hình thành được hành động. Căn cứ vào những điều ở trên, quá trình hình thành KN hành động gồm ba giai đoạn chính:
- Giai đoạn nhận thức: Đây là giai đoạn GV phải định hướng, tạo động cơ, nhu cầu học tập cho HS và giúp HS nhận thức đầy đủ về mục đích, cách thức và điều kiện hành động.
Ở bước này, hành động có được sự định hướng, chưa có KN vì nó chỉ thể hiện mặt lý thuyết, tri thức về hành động, chứ chưa có mặt kỹ thuật, thao tác thực tiễn của hành động để đạt mục đích đề ra.
- Giai đoạn quan sát: Thông qua hệ thống bài tập, các thao tác kỹ thuật, phân tích của GV, HS quan sát, rút ra nhận thức về mẫu và làm thử theo mẫu.
Ở bước này, KN đã được hình thành nhưng chưa ổn định.
- Giai đoạn hình thành KN: KN được hình thành nhờ sự luyện tập thường xuyên cùng với sự phân tích, tự đánh giá, tự điều chỉnh hoạt động của HS. Trong giai đoạn này, GV cần tổ chức cho HS luyện tập để tiến hành các hoạt động theo đúng yêu cầu, điều kiện hành động nhằm đạt mục đích đặt ra.
Ở bước này, KN chắc chắn được hình thành và trên đà phát triển thông qua hành động có kết quả trong những điều kiện khác nhau.
Như vậy, KN chỉ được hình thành thông qua luyện tập nhiều lần. Để hình thành KN cho HS, GV phải trang bị cho các em tri thức về KN, GV làm mẫu để HS quan sát việc thực hiện thao tác và GV giúp HS tiến hành thực hành, luyện tập các thao tác về KN cần hình thành.
1.2.3.2. Quá trình RL KN tự học: Sự phát triển KN có thể hiểu theo hai hướng:
- Hướng thứ nhất: về mặt số lượng, tức là tăng dần số lượng các KN trên cơ sở các KN đã có để hình thành thêm những KN mới.
- Hướng thứ hai: về mặt chất lượng, theo nghĩa nâng dần mức độ thuần thục. Sau khi hình thành, KN (ở mức biết cách và làm được) sẽ được phát triển lên mức thuần thục, rồi rất thuần thục.
Trong luận văn này, chúng tôi xem sự phát triển KN theo hướng thứ hai, do đó, giai đoạn hình thành có thể coi là trọng tâm và nâng dần mức độ để phát triển là điều tất yếu. Như vậy, quá trình phát triển KN tự học bao gồm hai khâu: hình thành KN, từ đó, trên cơ sở KN đã hình thành để củng cố, nâng cao dần mức độ thuần thục của KN. Nắm được điều này, GV phải giúp HS có nhận thức về hoạt động, đồng thời phải tạo cơ hội để HS luyện tập, củng cố KN với các yêu cầu nâng cao dần. KN tự học của HS được RL thông qua hoạt động học tập của HS; qua PP dạy của thầy và PP học của trò. Để có chất lượng cao trong học tập của HS, đặc biệt là HS TH, các KN tự học (như: KN tự xác định mục tiêu, nội dung tự học; KN tự lập kế hoạch tự học…) không nên tách rời riêng rẽ, hỗn độn mà cần được kết hợp với nhau, sắp xếp thành một hệ thống và hoạt động theo quy trình nhất định, sao cho phát huy được tối đa tính tích cực, tự giác của người học, với mức độ thuần thục các hoạt động tự học ngày càng nâng cao.