6. CẤU TRÚC BÁO CÁO
4.2. XUẤT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHỐNG NGẬP:
[8], [12], [15], [18]
Giải pháp chống ngập vùng trung tâm TP hiện nay thực hiện theo Quy hoạch hệ thống thoát nước mưa và nước thải cho TP.HCM đến 2020 của Nhật (JICA, 2000) và Quy hoạch thuỷ lợi chống ngập khu vực TP.HCM và vùng lân cận của Bộ NN&PTNT (1547/QĐ – TTg, 2008) dựa trên nguyên tắc “ngăn chặn
bằng đê đập” kết hợp các hoạt động san lấp mặt bằng các vùng ao hồ, đầm lầy,
bãi sông, bãi ngập triều, kèm theo việc bê tông hoá các công trình kiến trúc dân sinh và công cộng trong quá trình đô thị hoá.
Kết quả các giải pháp chống ngập những năm qua cho thấy còn nhiều bất cập, hạn chế và còn nhiều tồn tại. Do đó muốn cho việc chống ngập cho TP.HCM có hiệu quả, việc trước nhất là phải điều chỉnh quy hoạch hệ thống thoát nước của TP dựa trên nguyên tắc hoàn toàn khác biệt với nguyên tắc “ngăn
chặn bằng đê đập” vẫn theo đuổi từ trước cho đến nay. Đó là nguyên tắc “khai thông/mở rộng dòng chảy – room for water”.
Mở rộng dòng chảy để nước mưa có thể thoát dễ dàng vào những vùng trũng tự nhiên ở phía Nam của thành phố. Diện tích dòng chảy cần phải được gia tăng bằng cách nạo vét hoặc nới rộng hệ thống kinh rạch hiện có. Quan trọng là các kênh, rạch: rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, các Kênh Tẻ - Đôi, Tân Hóa - Lò Gốm, Tham Lương - Bến Cát và các trục tiêu khác như sông
Cần Giuộc, Chợ Đệm v.v cũng phải được nạo vét để tăng khả năng tiêu nước và các đường thoát nước mới (ngầm hoặc lộ thiên) dành riêng cho việc tiêu, thoát nước mưa sẽ được xây dựng.
Các công trình cản trở hay ngăn chận đường thoát nước tự nhiên trong toàn vùng cần phải nghiên cứu lại, thậm chí nếu cần thiết phải được tháo dỡ. Ngoài ra các trạm bơm có công suất cao sẽ được lắp đặt để gia tăng khả năng thoát nước của hệ thống.
Để làm giảm mực nước thủy triều trong sông Sài Gòn, diện tích dòng chảy từ ngoài biển cần phải được gia tăng. Các công trình ngăn mặn hoặc đê bao đã được xây dựng dọc theo sông Xoài Rạp, Nhà Bè và Sài Gòn phải được tháo dỡ để thủy triều có thể chảy tràn lan vào những vùng trũng dọc theo các sông, mà quan trọng nhất là vùng rừng Sác và vùng trũng phía Nam của TP. Ngoài ra các dự án tiêu thoát nước và xử lý nước thải cho các vùng phía Bắc, phía Tây, Đông – Nam và vùng Đông - Bắc TP.HCM.
Sau khi mở rộng, hệ thống thoát nước mưa và các dòng chảy cho thủy triều từ ngoài biển cần phải được tiếp tục duy trì hoặc cải thiện.
Biện pháp tối ưu là tránh xây cất bất cứ công trình trong phạm vi của hệ thống thoát nước và của dòng chảy thủy triều. Nếu phải xây cất, thì công trình trong tương lai, nhất là cầu, cống, âu thuyền cần phải được nghiên cứu cẩn trọng để tránh thu hẹp diện tích dòng chảy.
Thay vì thoát thật nhanh nước ra khỏi đô thị bằng các hệ thống kênh thẳng, sâu hoặc hệ thống cống ngầm thì nên làm chậm lại bằng cách cho nước mưa thoát theo qui luật tự nhiên (hạn chế bê tông hóa, tăng cường bề mặt thấm, hồ điều hòa, diện tích cây xanh) nhằm làm giảm hệ số dòng chảy tràn hoặc có thể sử dụng các hệ thống lưu trữ và tái sử dụng nước mưa tại mỗi gia đình.
Thực tiễn công tác chống ngập những năm vừa qua cho thấy sự phối hợp giữa các ngành của TP là yếu kém từ khâu chuẩn bị đầu tư, quy hoạch, thiết kế, thi công, vận hành và quản lý. Hệ lụy của nó khi thực hiện các dự án phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật là kéo dài thời gian thi công gây tốn kém, lãng phí và thất
thoát các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Do đó cần phải tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các quy hoạch phát triển hạ tầng. Đặc biệt là phải đánh giá lại hiệu quả của hệ thống tiêu thoát nước hiện hữu, các công trình đã và đang tiến hành thi công. Từ đó kết hợp các quy hoạch ngành trong quy hoạch tổng thể phát triển đô thị của TP hướng tới tương lai, có tầm nhìn xa trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức bảo vệ hệ thống tiêu thoát nước, bảo vệ môi trường của cộng đồng cư dân. Sự tham gia của cộng đồng là một trong những nhân tố quan trọng mang tính quyết định tới sự thành công của kế hoạch phát triển KTXH nói chung và của công tác chống ngập nói riêng.
Nâng cao chất lượng dự báo lũ và triều để chủ động ứng phó với tình trạng bất thường của thời tiết.