6. CẤU TRÚC BÁO CÁO
3.2.3. Thực trạng úng, ngập năm 2013
Theo thông tin từ TTĐHCN, mùa mưa năm 2013, nhiều tuyến đường trên địa bàn TP vẫn tiếp tục bị ngập nước. Kết thúc năm 2012 và đầu năm 2013, vùng trung tâm TP còn 18 điểm ngập, theo kế hoạch sẽ xóa 7 điểm vào cuối năm. Như vậy, ít nhất trong mùa mưa này, vùng trung tâm TP vẫn còn 11 điểm ngập, chưa tính các điểm ngập mới sẽ phát sinh và tái ngập. Trong đó tập trung chủ yếu ở các quận như: 2, 6, 7, 8, 9, 11, Tân Bình, Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức v.v. Trong đó những tuyến đường có nguy cơ ngập cao, như: Quốc lộ 1A, Kinh
Dương Vương (quận 8), An Dương Vương (quận Bình Tân), Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), Lương Định Của (quận 2), Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Đổ Xuân Hợp (quận 9), khu Bàu Cát (quận Tân Bình) v.v.
Trong điều kiện mưa lớn (vũ lượng trên 50 mm), thời gian mưa kéo dài nhiều giờ, xảy ra cùng lúc đỉnh triều cường vượt mức báo động 3 (mực nước tại trạm Phú An, trên sông Sài Gòn, đạt mức 1,5m MSL) sẽ gây ngập nặng ở nhiều nơi (Hình 3.3), nhất là các khu vực có địa hình thấp hơn mực nước đỉnh triều.
Nguồn: Ảnh của báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 16/5/2013
Hình 3.3 Mưa kết hợp triều cường gây ngập nhiều nơi trong TP.HCM
Các điểm ngập tại Quốc lộ 13, Quốc lộ 1A, Kha Vạn Cân của quận Thủ Đức, ngập do triều cường kết hợp nguồn nước từ các khu công nghiệp ở Bình Dương đổ về. Ngoài ra, một số tuyến đường nằm trong lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm (Hòa Bình, Bàu Cát, Đồng Đen, Trương Công Định) cũng tiếp tục ngập nước trong mùa mưa năm 2013. Nguyên nhân chính là đang triển khai thi công các gói thầu xây lắp số No.1, No.2 và No. 3 (lấp kênh, thay thế bằng cống hộp có kích thước từ 2 m x 2,5 m x 3,0 m đến 4 m x 2,5 m x 3,0 m), thuộc dự án vay vốn WB: Nâng cấp đô thị TPHCM - HUUP, Thành phần 4 "Cải tạo kênh và đường
dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm", do Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình nâng
Theo tin từ báo điện tử Tuổi trẻ (TTO), cơn mưa chiều 3/7/2013, kéo dài khoảng hơn một giờ đã làm cho nhiều tuyến đường của TP.HCM ngập nặng, giao thông ùn tắc. Tại đường Hòa Bình (Q.11 và Q.Tân Phú), triều cường từ cống thoát nước kết hợp nước mưa đã biến đoạn đường dài khoảng 100m từ ngã tư Lạc Long Quân và Âu Cơ đến đường kênh Tân Hóa (Q.11) thành sông, làm cho hầu hết các phương tiện lưu thông qua các đoạn đường trên đây bị chết máy, có nhiều xe tải nằm chắn ngang đường, khiến giao thông hỗn loạn, trong khi các hộ dân hai bên đường phải dùng bao tải đất để chắn nước tràn vào nhà (Hình 2.4). Một số tuyến đường khác như Âu Cơ, Đồng Đen, Bàu Cát, Hồng Lạc v.v. (Q.Tân Bình) ngập nước lênh láng (Hình 3.4 và 3.5).
Hình 3.4: Ngập nước và ùn tắc giao Hình 3.5: Đường Đồng Đen, Tân Bình thông tại Lạc Long Quân - Âu Cơ. ngập lênh láng sau cơn mưa 3/7/2013
Nguồn: Tuổi trẻ TTO
Hình 3.6: Đường Bạch Đằng, Phường 15, Bình Thạch ngập nặng sau cơn mưa chiều ngày 8/7/2013
Cơn mưa ngày 8/7/ 2013, kéo dài trên hai giờ, cùng lúc nhiều tuyến đường ở các quận nội thành bị ngập nước tương tự xảy ra như cơn mưa ngày 3/7/2013. Đặc biệt đường Bạch Đằng và các hẻm, phường 15, quận Bình Thạnh, bị ngập sâu, nước tràn lên cả vỉa hè, mật độ người và các loại phương tiện giao thông đông đặc, khiến cho việc di chuyển rất hạn chế (Hình 3.6).
3.2.4. Nhận xét
Các báo cáo tổng kết công tác chống ngập của TTĐHCN thường được làm trong 6 tháng đầu năm (mùa khô) nên số lượng các điểm ngập đều thấp hơn thực tế rất nhiều.
Năm 2012, khi mưa chính vụ xuất hiện vào các tháng 8, 9 và 10, với lượng mưa lớn hơn 70 mm, số lượng điểm ngập (lưu niên, tái ngập và mới phát sinh) ở các quận nội và ngoại thành được kiểm đếm thực tế có trên 50 vị trí, cao hơn nhiều so với số liệu công bố của TTĐHCN (31 điểm).
Báo cáo 6 tháng đầu năm 2013 của TTĐHCN cho biết chỉ còn 18 điểm ngập trong vùng trung tâm TP. Tuy nhiên những cơn mưa đầu vụ (tháng 5 và
tháng 6), nhiều điểm ngập đã xuất hiện ở các quận nội thành và ngoại vi TP. Thậm chí một số nơi vẫn bị ngập do triều cường, như đường Phạm Thế Hiển (quận 8), có đoạn ngập sâu 20 cm. Cũng do triều cường, có nơi do bể bờ bao hoặc mất van ngăn triều, nước từ kênh chảy ngược qua đường ống tiêu, thoát hoặc tràn vào các hẻm trũng gây ngập nước diễn ra ở khu dân cư đường D1, phường 25, quận Bình Thạnh (vào lúc 15:00, ngày 10/6/2013), mặc dù trời không mưa (Hình 3.7).
Nguồn: Báo Pháp Luật, ngày 11/6/2013
Hình 3.7: Ngập triều xảy ra vào chiều ngày 10/6/2013 tại khu dân cư đường D1, phường 25, quận Bình Thạnh.
Theo tin của báo điện tử Tuổi Trẻ (TTO), Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, đỉnh triều thực đo rạng sáng ngày 21/10/2013 tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn lên đến 1,62m . Chiều tối 21-10, người dân Sài Gòn tiếp tục đối mặt với ngập lụt nhiều nơi khi đỉnh triều đạt mức 1,68m MSL, cao nhất trong vòng gần 60 năm qua, tính từ 1960, vào lúc 18g30. Nhiều nơi trong và ngoại vi TP bị ngập nặng. Diễn biến ngập như sau: Nơi ngập sâu nhất là trên đường Bến Bình Đông (P.16, Q.8) nước ngập gần 1m, xe cộ qua lại chết máy hàng loạt. Nước tràn vào nhà làm cho người dân phải bì bõm trong nước, nhiều vật dụng như ti vi, tủ lạnh, quần áo… bị hỏng và ướt. Nhiều người phải lên gác xếp, hoặc chịu cảnh sống chung với ngập (Hình 3.8). Một số người phải đến nhà người thân tá túc chờ nước rút.
Hình 3.8: Một nhà dân trên đường Bến Phú Định, Quận 8, bị ngập nặng trong đợt triều cường ngày 21-10 (Ảnh: M.Trường)
Đợt triều cường giữa tháng (13/11/2013), đỉnh triều đạt trên mức báo động 3 (1,50m MSL) cũng gây ngập nhiều nơi. Trong đó ngập nặng do triều cường như đường Bình Tây (P.1, Q.6), Hồ Học Lãm, An Dương Vương (P.16, Q.8)... Riêng đường Võ Văn Kiệt (P.16, Q.8) một đoạn đường hơn 1,0 km (từ cầu Lò Gốm - giao lộ Võ Văn Kiệt – An Dương Vương) cũng ngập nước khiến xe cộ phải chạy ép sát vào dải phân cách, leo lên lề đường hoặc qua làn đường dành cho xe ô tô để lưu thông.
Khoảng 18g30 dù chưa phải là thời điểm triều cao nhất trong ngày, nhưng đường Thảo Điền đã ngập hơn nửa bánh xe làm hàng loạt xe chết máy (Hình 3.9). Để hạn chế nước tràn vào nhà, nhiều nhà dân và các công ty phải tấn bao cát trước cửa. Trong khi đó, hàng ngàn người chạy xe máy trên Xa Lộ Hà Nội hướng từ cầu Sài Gòn ra Thủ Đức, Quận 2 phải lưu thông ra làn đường dành cho ô tô do nước ngập sâu. Người dân trên đường Ung Văn Khiêm, D2, D3, khu vực Đài Liệt Sĩ (Quận Bình Thạnh) bất ngờ khi những tuyến đường này đã được nâng cao cũng không thoát khỏi cảnh ngập nước do triều cường. Nhiều phương tiện lưu thông vào đường này phải quay đầu trở lại vì nước ngập. Các tuyến đường
Phú Mỹ, Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh), Kinh Dương Vương, Nguyễn Văn Luông (Q.6), Phạm Thế Hiển (Q.8) v.v. cũng bị ngập tương tự.
Nguồn: Ảnh Quang Khải
Hình 3. 9: Triều cường ngập nặng tại đường Thảo Điền, Quận 2
Triều cường cao không chỉ gây ngập đường sá mà còn làm hàng loạt các đoạn bờ bao bị tràn, bể. Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP.HCM, tính đến trưa ngày 13/11/2013, có hơn 45 đoạn bờ bao bị bể, tràn bờ do triều cường tại 5 quận – huyện (Q.12, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Hóc Môn, Củ Chi) với chiều dài hơn 3.200m.
Đợt triều cường tối ngày 4/12/2013 và trưa ngày 5/12/2013, tuy không cao như tháng 10, nhưng nước vẫn gây ngập nặng cho hàng trăm hộ dân tại khu phố 8, P. Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức. Nước ngập sâu khiến giao thông tê liệt, điện cúp hoàn toàn, người dân phải dắt díu nhau, đưa súc vật ra khỏi khu vực bể bờ bao chờ nước rút (Hình 3.10). Một số tuyến đường thuộc quận 7 như Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Thị Thập, Trần Xuân Soạn v.v (dù mới được đầu tư, quy hoạch những năm gần đây 2010-2011), nhưng vẫn bị ngập khi mực nước triều cường đạt mức 1,60mMSL trong những ngày vừa qua.
Nguồn: Ảnh: Đức Phú
Hình 3.10: Người dân khu phố 8, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, đẩy xe di tản khỏi vùng ngập nước vào sang ngày 5/12/2013.
Trong khi đó theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, đỉnh triều cường rạng sáng 5/12/2013 đạt 1,62m MSL (thấp hơn đỉnh triều 1,68m MSL vào ngày 20/10/2013). Theo dự báo, lúc 5g30 sáng nay (6/12/2013) đỉnh triều cường xuống còn 1,57m; 1,53m lúc 19g30 và sẽ hạ dần trong những ngày tới. Từ nay đến tết âm lịch sẽ còn bốn đợt triều cường nữa, trong đó có những đợt có thể vượt mức báo động 3 (1,5m MSL).
Một số tuyến đường phố được đầu tư nâng cấp rất hiện đại, vừa mới hoàn thành (2010), như đường Võ Văn Kiệt, đoạn phường 8, quận 6, thuộc dự án Đại lộ Đông – Tây Sài Gòn, do Nhật Bản tài trợ. Theo hồ sơ thiết kế, cao độ mặt đường là + 2,25 m MSL, nhưng mực nước kênh Tẻ đã mấp mé mặt đường, trong khi mực nước trạm thuỷ văn Phú An trên sông Sài Gòn xuất hiện đỉnh triều ở cao độ 1,5 m MSL. Khi mực nước đỉnh triều ở mức +1,60 MSL nhiều đường phố ở trong nội và ngoại thành bị ngập sâu như đường Nguyễn Văn Linh, khu Nam Long, thuộc quận 7 cũng bị ngập. Thông tin này chứng tỏ hệ cao độ sử dụng giữa ngành thuỷ văn, xây dựng đô thị và giao thông là không đồng nhất. Dưới
đây chúng ta sẽ đi sâu phân tích các nguyên nhân và những tồn tại của các giải pháp chống ngập đã và đang thực hiện.
3.3. PHÂN TÍCH NGUYÊN NHÂN GÂY HIỆU ỨNG NGẬP NƯỚC: [1], [5], [8], [11], [13], [16], [17], [18], [19]
Úng, ngập ở TP.HCM do nhiều nguyên nhân: chủ quan, khách quan và kết hợp cả hai nguyên nhân trên. Dưới đây các kết quả phân tích chi tiết các nguyên nhân gây ngập.