Thực trạng úng, ngập năm 2012

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả giải pháp chống ngập cho thành phố Hồ Chí Minh (Trang 96 - 98)

6. CẤU TRÚC BÁO CÁO

3.2.2.Thực trạng úng, ngập năm 2012

Năm 2012 mùa mưa đến sớm, đặc biệt cơn bão số 1 đổ bộ vào trung tâm thành phố (ngày 31/3/2012) mang theo lượng mưa khá lớn gây ngập cục bộ trên nhiều tuyến đường cả trong nội thị và vùng ngoại vi. Đầu mùa mưa (tháng 5 và tháng 6) lượg mưa không lớn, nhưng cũng gây ngập không ít. Những cơn mưa liên tục xuất hiện từ ngày 20/8 trở đi thì tình trạng úng ngập trong thành phố đã rõ nét hơn.

Báo Tuổi Trẻ ngày 20/8/2012 đăng tin bài “Chống ngập càng ngập hơn” phản ảnh những lời phàn nàn của cư dân sống trong quận 12 ở các khu phố 1 và 2 phường Tân Thới Nhất; khu phố 5 và đường Hà Huy Giáp, phường Thạnh Xuân. Mọi người đều bức xúc cho biết trước đây con hẻm chưa nâng cấp thì ít bị ngập, nhưng kể từ khi hẻm được tôn cao mặt đường từ năm 2010 thì tình trạng ngập xảy ra nhiều hơn mỗi khi khi mưa xuống. Đặc biệt nền nhà thấp hơn mặt đường từ 0,7m đến 1,0m nên nước tràn vào nhà dân gây ngập nơi ở của nhiều hộ dân.

Cơn mưa chiều ngày 22/8/2012 kéo dài khoảng gần 3 giờ với lượng mưa 70 mm đã gây ngập trên 11 tuyến đường trong địa bàn thành phố như Nơ Trang Long, Bùi Hữu Nghĩa và Nguyễn Xí của quận Bình Thạnh; đường Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Thập, các hẻm khu nhà Nam Long quận 7, đường Nguyễn Văn Quá, Kha Vạn Cân thuộc phường Linh Trung quận Thủ Đức v.v. Thậm chí có tới 14 điểm tái ngập như đường Phan Đình Phùng quận Phú Nhuận dù đã được tôn cao mặt đường gần 1,0 m vẫn bị ngập kéo dài hơn 1 giờ. Các tuyến đường ngập nặng như Âu Cơ, Bàu Cát, Đồng den, Trương Công Định của quận Tân Bình, đường Hoà Bình, Bà Hom, Trần Đại Nghĩa quận Bình Tân v.v. Theo báo cáo của TTĐHCN một số nơi chiều sâu ngập tới khoảng 0,5m, như đường Nguyễn Xí, phường 26 quận Bình Thạnh, Quốc lộ số 13, đoạn khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức. Đó là chưa kể đến các khu phố xung quanh bến xe Miền Đông thường xuyên bị ngập khi mỗi khi cơn mưa đổ xuống.

Cũng theo báo Tuổi Trẻ ngày 22/8/2012 kèm theo video clip quay hình ảnh 70 hộ dân sống trong hẻm 476, phường 13, đường Nơ Trang Long, quận

Bình Thạnh. Đoạn phim mô tả cảnh tượng nhà dân bị ngập nước bẩn hôi thối đã kéo dài hơn một tháng, kể cả những ngày không mưa. Đó chưa kể khu vực Tân Hoá – Lò Gốm đang thi công dang dở cũng gây ngập trên một số tuyến phố, hẻm thuộc các quận 6, 10, 11, v.v.

Đặc biệt trong cơn mưa chiều ngày 23/8/2012, hầm chui cầu Khánh Hội, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 bị ngập sâu tới 50cm làm chết nhiều xe máy và ô tô. Đường Đổ Xuân Hợp của quận 9, ngập nhiều đoạn trên mặt đường và khu dân cư. Quận 2 tái ngập một số điểm trên các tuyến hẻm nối đường Thảo Điền (khu báo chí), khu dân cư của Công ty tư vấn xây dựng Thuỷ lợi II (HEC-2) đường Nguyễn Bá Lân, kế chùa Kỳ Quang. Đường Trần Đại Nghĩa nối với đường cao tốc đi Trung Lương thuộc quận Tân Phú, đường Lê Đức Thọ quận Gò Vấp, một số tuyến đường trong bán đảo Thanh Đa ở quận Bình Thạnh thường xuyên bị ngập khi mưa và triều cường.

Rõ ràng với các cơn mưa trung bình (lượng mưa khoảng 50 - 70mm) trong những ngày được liệt kê, kiểm đếm cho thấy số điểm ngập thực tế trong nội ô nhiều hơn con số trong báo cáo 6 tháng đầu năm 2012 của TTĐHCN (12 vị trí ngập). Mưa chính vụ vào 3 tháng (8,9 và tháng 10) với lượng mưa lớn hơn trị số 70 mm, chắc chắn tổng số điểm ngập thực tế cao hơn số liệu thống kê của TTĐHCN (31 điểm).

Nguồn: Ảnh của báo Tuổi trẻ online

Hình 3.2 Đường Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 22, Quận Bình Thạnh, thường xuyên bị ngập trong mùa mưa.

Đáng lưu ý là đường Nguyễn Hữu Cảnh (đoạn từ cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh kéo dài đến gần chân cầu Thủ Thiêm, thuộc phường 22, quận Bình Thạnh) tiếp tục ngập nặng mỗi khi trời mưa, triều cường. Trong mùa mưa năm 2012, đoạn đường này bị ngập không dưới 5 lần, thậm chí có lúc lượng mưa đạt vũ lượng 70 mm, nơi đây đã biến thành sông, toàn khu vực ngập sâu hơn nửa mét, khiến hàng chục ô tô và hàng trăm xe máy chết máy, giao thông bị ách tắc, dồn ứ trong nhiều giờ (Hình 3.2).

Theo đánh giá của TTĐHCN, nguyên nhân là do khu vực này đường đang bị lún nghiêm trọng, dẫn đến hệ thống thoát nước bị ảnh hưởng. Để hạn chế ngập cho khu vực này, TTĐHCN đã cho sửa chữa một số vị trí cống thoát nước vào đầu năm 2012, Trước đó, cũng đã lắp đặt trạm bơm 4.000 m3/giờ tại khu vực kế cận để điều tiết giảm ngập. Tuy nhiên hiệu quả chưa đạt như mục tiêu đề ra. Do đó TTĐHCN cho rằng biện pháp lâu dài để khu vực này hết ngập, phải chờ Sở GTVT thực hiện dự án nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Đợt triều cường ngày 17/10/2012 kéo dài trong 3 ngày. Đỉnh triều đo tại trạm Phú An là 1,60 m MSL, là mức thủy triều cao nhất trong 52 năm, kể từ năm 1960, đã gây ngập lụt trầm trọng ở Sài Gòn. Hậu quả gây tình trạng ngập, úng trên diện rộng ở các quận 2, 5, 6, 7, 8, Bình Thạnh, Thủ Đức, Tân Bình, Bình Tân. Dọc các tuyến đường như Lương Đình Của (Quận 2), Ngô Tất Tố, Nguyễn Hữu Cảnh, khu vực Bình Quới (Bình Thạnh, Kha Vạn Cân, Tô Ngọc Vân (Thủ Đức), Trần Hưng Đạo (Quận 5), Đồng Đen (Tân Bình), Phạm Thế Hiển, Bến Phú Định (quận 8) v.v.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả giải pháp chống ngập cho thành phố Hồ Chí Minh (Trang 96 - 98)