6. Kết cấu luận văn
2.1.4 Tên nhân vật được ký hiệu hoá qua việc khắc hoạ đặc điểm, tính cách, chức
Ký hiệu là một hiện tượng bên ngoài có tính chất cố định của sự vật hiện tượng trong hoạt động lao động và nhận thức của con người. Qua lớp vỏ này, con người nhận được những thông tin mà sự vật, hiện tượng này muốn biểu đạt. Ví dụ
như đèn giao thông, tiếng trống vào học, ký hiệu toán học … . Nhà nghiên cứu Trịnh Bá Đĩnh nói về ký hiệu trong ngôn ngữ như sau “Ngôn ngữ là một hệ thống ký hiệu, mỗi ký hiệu ngôn ngữ có hai phần: cái biểu đạt (le signifiant) và cái được biểu đạt (le signifié). Cái biểu đạt là một hình ảnh thính giác, cái được biểu đạt là một hình ảnh khái niệm. Không có mối liên hệ tất yếu nào giữa ký hiệu với vật được chỉ định, hay như người ta thường nói, liên hệ giữa chúng là võ đoán”.[19, tr.20].
Hình tượng nghệ thuật bắt nguồn từ đời sống, vừa phản ánh đời sống vừa là hiện tượng ký hiệu trong giao tiếp. Nếu bản chất của hiện tượng ký hiệu mang tính cố định thì bản chất của sự phản ánh nhận thức luôn hướng về sự tìm tòi, đổi mới. Chính vì vậy mà trong cuộc sống luôn diễn ra quá trình đổi mới và cắt nghĩa lại ký hiệu. Đây là điểm xuất phát của mối quan hệ giữa cái như thật và cái ước lệ, cái lặp lại và cái không lặp lại của nghệ thuật.
Tên nhân vật là một trong những yếu tố tạo nên nhân vật. Nó thể hiện phần nào đó cá tính của nhân vật. Nhân vật cũng giống như những đứa con mà nhà văn sinh ra, cho nên việc lựa chọn những cái tên cho chúng là một việc làm không hề ngẫu nhiên, tuỳ tiện. Nguyễn Du là một nhà thơ rất thành công trong việc đặt tên cho nhân vật của mình. Mỗi cái tên trong tác phẩm Truyện Kiều không chỉ gắn với một tính cách mà còn là đại diện cho một hạng người, một lớp người. Theo dòng thời gian, những danh từ riêng trong Truyện Kiều đi vào lời nói thường ngày của nhân dân và trở thành những danh từ chung như: Hoạn Thư, Tú Bà, Sở Khanh, Kiều, … . Đến nay, trên văn đàn Việt Nam vẫn chưa xuất hiện một tác giả thành công trong việc biến nhiều tên nhân vật của mình thành tên chung của một lớp người như tác gia Nguyễn Du. Qua khảo sát một số sáng tác của nhà văn Hồ Anh Thái, đặc biệt là thể loại tiểu thuyết, chúng tôi nhận thấy mỗi cái tên mà nhân vật đang mang luôn thể hiện được cá tính của mình và còn thể hiện được một phần nào đó quan niệm của tác giả về con người, nhất là những cái tên của những nhân vật “có vấn đề”. Các nhân vật trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái từ năm 1986 đến năm 2000 đều có một cái tên cụ thể để gọi. Điều đặc biệt là hầu hết các nhân vật trong
tiểu thuyết giai đoạn này đều có cái tên ở vần bằng, rất ít nhân vật có cái tên xuất hiện ở vần “trắc”. Sự khác biệt cơ bản của tên nhân vật đại diện cho cái thiện và nhân vật đại diện cho cái ác là tên của nhân vật đại diện cho cái thiện thường gợi lên sự hiền hoà, mang biểu tượng của những phẩm chất tốt của con người: Vẫn chưa tới mùa đông có Dân (sinh viên), Thảo (chị của Dân), Đông (em của Dân), Huỳnh (công an), Giang, Quỳ (bạn của Dân), bác Thụ (thầy giáo), Phúc (hiệu trưởng). Ở tiểu thuyết Người và xe chạy dưới ánh trăng có Toàn, chú Đôn (thương binh), Trang, Đức, Mỵ, Hiệp, cô Hậu, … Ở tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo có Tường, Hoà, chú Chỉnh, Thắm, Miền, …Ở tiểu thuyết Trong sương hồng hiện ra có Bà Lam, Tân, Đông, Đô, Trinh, …. Ngược với tên những nhân vật đại diện cho cái thiện thì số ít những cái tên thuộc về vần “trắc” trong tiểu thuyết giai đoạn này hầu hết đều rơi vào những nhân vật đại diện cho cái ác. Nếu ở vần “bằng” thì nhân vật loại này thường có cái tên rất xấu hoặc là những cái tên nghe rất sắc, gợi cho người ta liên tưởng đến sự hai mặt của một con người như: Xiêm Hoa, Quyết, Liệu, Bính, Lai, ... trong Vẫn chưa tới mùa đông; Khuynh, thằng Sa (con của Khuynh), Mai Lý, ông Khảm (cán bộ vụ đào tạo), … trong Người và xe chạy dưới ánh trăng; Ông Quản (phó giám đốc), cô Hào (phó bí thư), Cương (thủ khoa), bà Cậy (mẹ chồng của Thắm), ... trong Người đàn bà trên đảo; Bà Si (thầy bói), Nguyễn Văn Tựu (người chỉ đạo xây dựng khu nhà A1), … trong Trong sương hồng hiện ra.
Ngoài những cái tên Ấn Độ như Siddhattha, Savitri, Juhi, Yasa, Usa, ... có ở tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và Tôi thì nhân vật mang những cái tên bình thường xuất hiện rất ít trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái từ sau năm 2000 đến nay. Các nhân vật trong tiểu thuyết của nhà văn giai đoạn này (nhất là nhân vật có vấn đề) nếu có một cái tên cụ thể thì đều là những cái tên rất xấu như: Xí (giáo sư một), Khoả (giáo sư hai), cô Tỳ. Kiểu đặt tên rất xấu này xuất hiện rất nhiều trong dòng văn học giai đoạn 1930 - 1945, nhất là các sáng tác viết về đề tài nông thôn: Nam Cao có nhân vật Thị Nở, Chí Phèo, Lang Rận, … . Ngô Tất Tố có Cái Tý, Cái Đĩ, … . Kiểu đặt tên rất xấu này đều bắt nguồn từ môi trường sống hoặc một đặc điểm nào đó của nhân vật. Điều đặc biệt trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái giai đoạn sau
là nhà văn không còn đặt cho những nhân vật “có vấn đề” một cái tên cụ thể (Nếu nhân vật có tên cụ thể thì cái tên này hầu như chỉ xuất hiện duy nhất một lần lúc tác giả cần giới thiệu lý lịch của nhân vật). Tên nhân vật được tác giả gọi theo số thứ tự: giáo sư một, giáo sư hai (Mười lẻ một đêm). Phần lớn trong các tiểu thuyết sau này, nhà văn có xu hướng không đặt tên cho những nhân vật “có vấn đề”. Tác giả có khi gọi tên nhân vật theo giới tính, tiếp sau đó giới thiệu một đặc điểm của nhân vật: Bà mẹ - người đàn bà mê đàn ông và đất ; Chú địch - chồng thứ hai của bà mẹ; Người đàn ông - nhà phê bình nghệ thuật mở dịch vụ hùng biện - Lập luận xoay vòng theo kiểu “phê phán sự phê phán có tính chất phê phán sự phê phán” [69, tr.172]. Người đàn bà - người phụ nữ “một bước lên bà” (Mười lẻ một đêm); Nàng - nữ doanh nhân; Chàng -nhà báo (SBC là săn bắt chuột). Có khi nhà văn gọi tên nhân vật bằng chức danh mà nhân vật đang mang: Hoạ sĩ Chuối Hột; Madam -vợ của một quan chức cấp cao; Ông Víp -cán bộ ngoại giao cấp cao, ... (Mười lẻ một đêm). Ông phó chủ tịch xã; Goá phụ tiết hạnh khả nghi ,Hoa khôi, … (Cõi người rung chuông tận thế). Luật sư; Cô Báo; Bà trưởng công an huyện; Ông cốp; Giáo sư; Đại gia …. (SBC là săn bắt chuột). Bản chất, đặc điểm của nhân vật cũng được thể hiện qua những cái tên: Thằng Bóp - gã luôn tìm khoái cảm qua việc bóp cổ cho đến chết một con vật; Cốc - “Đọc chệch thì được một cái tên Mĩ - Cock. Cock là con gà trống, vừa có nghĩa là cái vật ngọ nguậy giữa đôi chân một gã trai. Cả hai nghĩa đều đúng với thằng Cốc” [65, tr.8],…(Cõi người rung chuông tận thế). Nhà thơ lửa - nhà thơ đốt nhà - tự tạo giai thoại bằng cách đốt thơ do mình sáng tác, … (SBC là săn bắt chuột).
Có thể nói thế giới nhân vật trong các tiểu thuyết của Hồ Anh Thái là thế giới của những ký hiệu. Từ hệ thống các ký hiệu này bản chất nhân vật, hiện thực xã hội được người đọc nhận ra. Đây cũng là một đặc điểm của tiểu thuyết hiện đại như Alain Robbe – Grillet nói “Thế giới của Bousquet - cũng là của chúng ta - là thế giới của các ký hiệu. Ở đây, tất cả là ký hiệu; Và không phải ký hiệu của một vật khác, vật gì đó hoàn hảo ngoài tầm tay của chúng ta, mà là ký hiệu của chính nó, của cái hiện thực này, cái hiện thực chỉ đòi hỏi phải được phát hiện” [53, tr.151].
Khả năng khắc hoạ hình ảnh nhân vật trong các tên gọi theo ký hiệu này chẳng thua kém so với các thủ pháp nghệ thuật kể, miêu tả nhân vật. Tên của các nhân vật có khả năng tự biểu đạt rất cao. Qua các tên gọi này, người đọc có thể hình dung được tính cách, đặc điểm và lối sống của nhân vật dù chưa đi sâu vào các câu chuyện về cuộc đời của chúng. Việc gọi tên nhân vật bằng cách gọi ngay chức danh của nhân vật ấy cho thấy tác giả có dụng ý trong việc xoá nhoà ranh giới trong tính cách của một con người cụ thể để xây dựng những tính cách mang tính khái quát cho một lớp người, một hạng người. Cách đặt tên nhân vật của nhà văn để lại những ấn tượng khó phai trong lòng người đọc khi hình dung về chân dung của mỗi cá thể trong các sáng tác của tác giả. Tuy các nhân vật của nhà văn chưa trở thành nhân vật điển hình cho một giai cấp, một lớp người như chị Dậu, Xuân tóc đỏ, Chí Phèo, Bá Kiến, ... nhưng qua đây ta cũng có thể nhận ra được những nổ lực, cách tân trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Hồ Anh Thái.