Kết cấu đa tuyến

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 91 - 94)

6. Kết cấu luận văn

2.2.3Kết cấu đa tuyến

Đặc trưng của tiểu thuyết hiện đại là trong kết cấu chứa nhiều tuyến sự vật, có sự đan xen giữa các tuyến cá nhân và những tuyến lịch sử, sự luân phiên giữa các cảnh khác nhau. Êrenbua đã nói về kết cấu đa tuyến như sau: “Tiểu thuyết của thời đại ta có nhiều chỗ khác với tiểu thuyết của thế kỷ XIX, vốn được xây dựng trên lịch sử của một con người hay của một gia đình. Trong tiểu thuyết hiện đại có nhiều nhân vật hơn, số phận của họ đan chéo vào nhau, nhà văn thường đưa người đọc từ thành phố này sang thành phố khác, đôi khi còn sang cả nước khác nữa, cách kết cấu khiến chúng ta nhớ đến những cảnh nối tiếp nhau trên màn ảnh, những đoạn cận cảnh luân phiên với những cảnh quần chúng” (1) .Tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo, Trong sương hồng hiện ra, Người và xe chạy dưới ánh trăng là những tác phẩm có kết cấu đa tuyến. Các tiểu thuyết này đều xuất hiện nhiều lớp nhân vật . Không gian và thời gian đều được luân phiên nhau giữa hai chặng quá khứ và hiện tại. Nhân vật là những con người bước ra khỏi cuộc chiến với những quan niệm khác nhau về cuộc sống thực tại. Quan niệm riêng về lối sống cá nhân của những con người này mâu thuẫn nhau và đan xen với nhau. Tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo có phần mở đầu và kết thúc là câu chuyện mang tính chất ngụ ngôn về nghĩa quân Tần Đắc trên đảo Cát Bạc chống lại thực dân Pháp. Trong cuộc chiến này, họ phải nén dục vọng của mình lại. Bên cạnh câu chuyện này còn có câu chuyện của những người đàn bà trong đội Năm với khát vọng được làm vợ, làm mẹ. Rồi hàng loạt các tuyến nhân vật khác xuất hiện như Tường, Hoà, chú Chỉnh cùng các nhân vật bảo thủ khác. Xung đột trong mỗi quan niệm cá nhân cũng chính là xung đột ở trung tâm cuốn tiểu thuyết. Tuy không gian của các sự kiện là đảo Cát Bạc nhưng thời gian giữa huyền thoại, lịch sử và hiện tại luôn đan xen nhau như trong điện ảnh.

Tiểu thuyết Mười lẻ một đêm bắt đầu bằng tình huống trớ trêu: hai con người bị nhốt. Nhưng xuyên suốt chiều dài của tiểu thuyết không phải là câu chuyện về sự tồn tại của hai con người bị nhốt trên tầng sáu trong căn hộ ở chung cư mười một ngày đêm như tiểu thuyết Rôbinsơn trên đảo hoang. Mười lẻ một đêm của Hồ Anh Thái có phần giống với tiểu thuyết Nghìn lẻ một đêm. Nghìn lẻ một đêm là truyện kể về những câu chuyện mà nàng Sheherazad phải kể cho đức vua nghe trong mỗi đêm. Nàng phải phân bố thời gian kể một cách hợp lý để đến sáng thì câu chuyện vẫn chưa kết thúc được, có như vậy nàng mới tránh khỏi bị chém đầu như bao phụ nữ khác từng được đưa đến cung với đức vua một đêm. Tiểu thuyết Mười lẻ một đêm là chuyện của đời nay. Câu chuyện xảy ra bên trong cánh cửa được tác giả lược thuật. Truyện của Mười lẻ một đêm là 1001 câu chuyện xảy ra bên ngoài cánh cửa đóng. Chuyện của Mười một ngày đêm là chuyện của cả cuộc đời, của cả một xã hội với đầy đủ những hoạt náo của nó: Chuyện về một người đàn ông và một người đàn bà, một bà mẹ “mười hai bến nước”, một ông Víp, hai ông giáo sư, một thằng

“choai choai” đầu nửa xanh nửa đỏ, một thằng bé “người cá” gắn cuộc đời mình trên chiếc xe lăn,… . Không gian sự kiện được mở rộng tối đa. Từ hội thảo quốc tế đến hội thảo mua đất lập trang trại của các quý phu nhân. Từ “bãi cò” của các cô cậu sinh viên đến các cuộc thi hoa hậu … . Tất cả các tuyến nhân vật này, các sự kiện và cả không gian sự kiện cùng vận động tạo nên một cuộc sống hiện đại với tất cả sự phồn tạp của nó.

Tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột cũng là một quyển tiểu thuyết có kết cấu đa tuyến. Một cõi nhân gian được tác giả phơi ra dưới ánh sáng bỗng trở nên trần trụi, trơ trẽn. Một câu lạc bộ nữ quyền thực chất là nơi hội họp của những phụ nữ quá lứa lỡ thì và những bà mẹ độc thân. Một nhà thơ lửa còn gọi là nhà thơ đốt nhà tự tạo giai thoại cho mình bằng đốt thơ nhưng chẳng may bén màn làm cả xóm suýt mang vạ lây. Một bà trưởng công an huyện có bàn tay “vuốt hổ” sẵn sàng thả tội phạm ma tuý để được cùng vui một đêm với đứa em trai tội phạm. Một Đại Gia đất cát chơi thân với ông Cốp, cả hai đều lên đến mức có đủ thất quyền “Nói có người nghe / Đe có người sợ / vợ có người chăm / Nằm có người bóp / Họp có người ghi /

Chi có người bù / Đi tù có người chạy” [70, tr.124]. Một luật sư chân thọt không cần biết đến nguyên tắc mà chỉ cần quan tâm đến thân chủ mình có tiền hay không. Một hoa hậu kim tiêm “Không học mà mỗi năm xỉa ra chục triệu thì vẫn lên một lớp” [70, tr.128], … . Trong kết cấu đa tuyến của tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột, tác giả đã khai thác thủ pháp song song. Một thế giới người được đặt song song bên cạnh thế giới chuột. Cả hai thế giới của hai loài khác nhau này giống nhau ở chuyện lắm thủ đoạn và đầy tham vọng. Cả hai loài đều có thê thiếp và đi làm thê thiếp, có tướng và có lính. Điều khác nhau cơ bản giữa thế giới người và chuột là chuột giở thủ đoạn với người nhưng lại trung thành, thuỷ chung với đồng loại của chúng còn người thì thủ đoạn, mưu mô với cả người và chuột. Thế giới người và chuột lẫn vào nhau. Người giết chuột, người hại người. Chuột trừng phạt người rồi tự tử theo đồng loại.

Tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và Tôi là một kết cấu đa tuyến rất độc đáo. Tác phẩm được tạo nên từ sự luân phiên giữa các chương Tôi, Đức Phật, và Savitri. Số lượng của các chương không đều nhau. Truyện có ba tuyến nhân vật chính: Tôi là lối dẫn vào câu chuyện. Nàng Savitri là chiếc cầu nối giữa hai dòng thời gian tiền kiếp và cuộc sống ở hiện tại. Ở dòng thời gian tiền kiếp cuộc đời Đức Phật được dựng lên. Và cũng trong dòng thời gian này một lịch sử và một nền văn hoá của Ấn Độ cổ đại được dưng lên với các tư liệu về Bà La Môn giáo, Veda, Upanishad, Ramayana, Mahabharata, Kamasutra, … . Những cuộc chiến tranh giành quyền lực, đố kị, khổ đau, dục lạc hoà trộn vào nhau. Điều độc đáo trong kết cấu của tiểu thuyết này là tuy cuộc đời Đức Phật được dựng lên qua tiền kiếp của nàng Savitri nhưng cuộc đời tám mươi năm của Ngài lại xuyên suốt cuốn tiểu thuyết và những giáo pháp trong kinh Phật là chủ đề chính của truyện. Đan giữa các chương này là giọng của ba người trần thuật khác nhau. Các chương “Đức Phật”

được kể bằng giọng khách quan mà người kể ở vị trí biết hết tất cả. Các chương

“Savitri” là lời tự thuật của nàng Savitri về tiền kiếp của mình, người kể xưng

“Ta”. Các chương “Tôi” là lời kể của nhà nghiên cứu Ấn Độ về chặng thời gian cùng nàng Savitri hành hương trên đất “Phật”, người kể xưng Tôi.

Như vậy các tiểu thuyết có kết cấu đa tuyến của Hồ Anh Thái luôn có sự đan xen giữa các tuyến nhân vật với nhau. Nhà văn không chỉ dừng lại ở một chặng thời gian hay một khoảng không gian nhất định mà luôn có sự luân chuyển giữa hai khoảng không gian và thời gian này. Tiểu thuyết không chỉ dừng lại ở cuộc đời của một nhân vật mà là tấn bi kịch của cả cuộc đời. Nhiều lớp người được dựng lên với những số phận và những tính cách khác nhau. Sợi chỉ nối để làm cho kết cấu trong các tiểu thuyết này được chặt chẽ là tuy mỗi nhân vật tách biệt nhau nhưng lại hoạt động trên một cái khung chung đó là cuộc đời. Mỗi một nhân vật là mỗi mặt khác nhau của thế giới muôn màu.

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 91 - 94)