6. Kết cấu luận văn
2.2.4 Kết cấu liên văn bản
Tiểu thuyết giống như một ống kính vạn hoa, luôn chứa trong mình muôn hình vạn trạng những con người và cuộc đời khác nhau. Khi tìm đến với tiểu thuyết, ta có thể bắt gặp mọi vấn đề của cuộc sống: triết học, văn nghệ, hát nhại, chính trị, kinh tế, đạo đức, quân sự, văn hoá, tính cách, những nét tinh tế và bí ẩn trong tâm hồn của con người, bức tranh quy mô của xã hội, những tông màu trong hội hoạ, những hình ảnh muôn vạn màu sắc và âm thanh của thiên nhiên,… . Để làm được điều này đòi hỏi tiểu thuyết phải dung nạp trong mình tất cả các thể loại. Đây gọi là lối kết cấu liên văn bản của tiểu thuyết. M. Bakhtin nói về tính chất này của tiểu thuyết như sau “Tiểu thuyết cho phép đưa vào trong nó nhiều thể loại khác nhau, cả những thể loại nghệ thuật (những truyện ngắn, những bài thơ trữ tình, những trường ca, những màn kịch nói, v.v...) lẫn những thể loại phi nghệ thuật (các thể văn đời sống hàng ngày, văn hùng biện, khoa học, tôn giáo, v.v…) Với nguyên tắc, bất cứ thể loại nào cũng có thể được đưa vào cấu trúc tiểu thuyết và trên thực tế rất khó tìm được một thể loại nào chưa bao giờ và chưa được ai đưa vào tiểu thuyết”
[6, tr.132].
Kết cấu liên văn bản là một trong những dạng kết cấu không thể không nhắc đến trong kết cấu của tiểu thuyết Hồ Anh Thái. Nhà văn không tuân theo kiểu kết
cấu truyền thống mà viết theo lối tự nhiên. Tiểu thuyết của tác giả hầu hết đều có sự kết nối với các văn bản ở những thể loại khác nhau. Có khi là một câu chuyện ngụ ngôn được nhà văn kể lại bằng giọng văn của mình như câu chuyện về nghĩa quân Tần Đắc trên đảo Cát Bạc trong tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo. Cũng có khi kết cấu liên văn bản được tác giả thực hiện bằng cách kể lại một tình huống trong một văn bản. Tiểu thuyết Người và xe chạy dưới ánh trăng sử dụng tình huống nàng Tiên Dung vây màn tắm, nước dội đến đâu, cát lấp Chữ Đồng Tử đang ẩn nấp tan ra để lại một cuộc gặp gỡ bất tử với thời gian. Từ tình huống trong văn học dân gian ấy, Hồ Anh Thái xây dựng cuộc gặp gỡ giữa Trang và Toàn. Và từ đây tạo được dấu ấn lãng mạn trong tiểu thuyết thời kỳ hậu chiến của anh.
Thi pháp kết cấu liên văn bản chỉ ra rằng những thể loại văn bản du nhập vào tiểu thuyết vẫn có thể giữ nguyên văn phong của mình như M. Bakhtin đã nói:
“Những thể loại được du nhập vào tiểu thuyết ấy thường giữ được tính co giãn về kết cấu và tính độc lập, cũng như ngôn ngữ và văn phong đặc thù của chúng” [6, tr.132]. Bên cạnh phần lược thuật một số văn bản, tiểu thuyết Hồ Anh Thái có khi lồng vào trọn cả một văn bản. Trong sương hồng hiện ra tác giả trích nguyên một phần nội dung lá thư mà chủ tịch Hồ Chí Minh gởi cho nhân dân Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh đã tạo nên một không khí trang trọng trong khoảng thời gian 1967 - thời gian Tân bị hôn mê và bị đưa trở về thời quá khứ, thời điểm mà cha mẹ Tân chưa cưới nhau.
Đức Phật, nàng Savitri và Tôi là một tác phẩm có kiểu kết cấu liên văn bản - đây là kiểu kết cấu đặc biệt nhất trong hệ thống kết cấu của tiểu thuyết. Bên cạnh những tư liệu về lịch sử cổ đại, tiểu thuyết còn cung cấp cho độc giả những giáo điều trong tôn giáo Bà La Môn vào thế kỷ thứ VI trước công nguyên. Kinh dục lạc, kinh Vệ Đà, kinh Upanishad, … cũng được tác giả khái quát và đưa vào trong tiểu thuyết của mình bên cạnh hệ thống các thần được người dân Ấn Độ thờ phụng như: Thần Sáng Tạo Brahma, thần Bảo Vệ Vishnu, thần Huỷ Diệt và Tái Tạo Shiva, nữ thần Ganga, thần chết Yama, … . Hệ thống giai cấp Ấn Độ cổ đại được nhà văn
dùng làm một chi tiết của truyện để từ đó làm nổi bật vấn đề tôn giáo Bà La Môn thời kỳ cổ đại với âm mưu thống trị cùng với những cư xử bá đạo của mình đã bị dân chúng chán ghét. Người ta cũng ngán ngẫm với hệ thống đẳng cấp truyền đời gông cùm cuộc đời của họ, dân chúng bất mãn với đẳng cấp giáo sĩ ngang ngược, ngạo mạn, dốt nát thường xuyên bày ra những cuộc tế lễ tốn kém để rồi bao nhiêu trâu, bò, cừu đều rơi vào tay tầng lớp giáo sĩ này.
Đức Phật, nàng Savitri và Tôi là cuốn tiểu thuyết sử dụng rất nhiều tư liệu lịch sử Phật giáo cũng như những triết thuyết, giáo pháp của Phật, kinh điển Tiểu Thừa, Đại Thừa, các công trình nghiên cứu Ấn Độ cổ đại của các chuyên gia Anh và Đức nhằm xây dựng hình ảnh Đức Phật qua hình tượng một nhân vật lịch sử, một nhà hiền triết. Tuy tác phẩm chứa rất nhiều tư liệu về xã hội, tôn giáo, văn hoá nhưng các tư liệu này được tác giả trình bày một cách hợp lý, tuỳ vào từng văn cảnh cụ thể để nhân vật của tiểu thuyết trở thành một nhân vật văn học chứ không phải là một hình tượng của lịch sử. Lời tuyên thệ trong giáo lý Phật giáo được tác giả sử dụng nguyên văn tiếng Phạn sau đó được dịch ra tiếng Việt cũng là một thủ pháp độc đáo để vừa tạo được cái mới trong văn bản vừa khắc hoạ được tính trang trọng nhưng giản dị trong buổi lễ thu nhận khất sĩ: “- Buddham Saranam Gacchami./ Dhammaam Saranam Gacchami./ Sangham Saranam Gacchami” [45, tr.234]. “Đệ tử nương tựa Phật. Đệ tử nương tựa Pháp. Đệ tử nương tựa Tăng” [45, tr.234]. Các thể loại du nhập vào tiểu thuyết đặc biệt là những tác phẩm được tác giả giữ nguyên cả văn bản đóng một vai trò rất quan trọng. Các văn bản này giữ nhiệm vụ như một phần của cấu trúc tiểu thuyết. Tiểu thuyết sử dụng các thể loại này như là một cách chiếm lĩnh thực hiện bằng hệ thống từ ngữ của văn bản ấy. M.Bakhtin nói về vai trò của những thể loại du nhập vào tiểu thuyết như sau: “Vai trò của các thể loại du nhập vào tiểu thuyết ấy to lớn đến nỗi có thể có cảm tưởng rằng dường như tiểu thuyết không có cách tiếp cận hiện thực bằng ngôn từ mang tính nguyên khởi của mình, mà cần phải được các thể loại khác gia công sơ bộ hiện thực của nó, còn bản thân nó chỉ là sự tổng hợp, sự hợp nhất mang tính thứ sinh của những thể
loại ngôn từ đã có trước đó” [6,tr.132]. Tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột khai thác chất liệu từ những sự việc xảy ra quanh ta vẫn thường được ti vi thông báo trong những chương trình thời sự hàng ngày. Các hình tượng nhân vật trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái dù xuất hiện dưới dạng danh từ chung như: cô Báo, chú Thơ, Luật Sư, ông Cốp, Đại Gia, … nhưng cũng là những mẫu hình ngoài đời. Tính thống nhất trong tiểu thuyết này còn thể hiện ở chỗ ngay đầu văn bản tác giả mở đầu bằng một trận lụt ở Hà Nội và kết thúc bằng một trận hạn hán trên sông Hồng. Đây là sự “đại chiếu ứng” trong tác phẩm. Trận lụt được tác giả đặt vào vị trí đất bằng - thủ đô Hà Nội (đây không phải là trận lụt hư cấu mà là trận lụt có thực xảy ra ở thủ đô Hà Nội vào năm 2008), hạn hán thì lại được tác giả chọn con sông Hồng để mô tả. Trận lụt mở ra đầu chương là quãng không gian cho cuộc gặp gỡ giữa hai nhân vật Chàng và Nàng. Ứng với phần mở đầu là phần kết thúc, Chàng bế Nàng trên tay trong khung cảnh hạn hán xảy ra dữ dội trên con sông Hồng. Cả hai phần mở đầu và kết thúc đều xuất hiện hai bài thơ miêu tả trận lụt và trận hạn hán. Ở quãng giữa của tiểu thuyết thì tác giả chú ý mô tả những gì liên quan đến chuột và sự truy kích của “biệt đội SBC” truy bắt con chuột trùm. Một trong những điều tạo nên sự hấp dẫn trong nghệ thuật xây dựng cuốn tiểu thuyết này là tác giả không cần miêu tả về trận lụt và hạn hán này mà chỉ dẫn bài thơ trên internet nhưng lại tạo được sức hấp dẫn trong cuốn tiểu thuyết của mình. Lời thơ trích dẫn từ mạng internet này thể hiện trực tiếp ý đồ miêu tả trận lụt ở Hà Nội bằng bút pháp giễu nhại – là một giọng điệu chủ đạo trong cuốn tiểu thuyết này. Nó xuất hiện giống như một kiểu hiện vật được trưng bày trong tủ kính của bảo tàng, giúp người ta nhìn vào nó mà hình dung về những sự kiện có thật đã xảy ra một cách hình ảnh. Đây cũng là một lối kết cấu tạo nên tính hiện đại và trẻ trung mang hơi thở thời hiện đại trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái.