Xây dựng nhân vật qua tình huống

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 67 - 75)

6. Kết cấu luận văn

2.1.2. Xây dựng nhân vật qua tình huống

Xây dựng nhân vật qua tình huống là đặt nhân vật của mình vào hoàn cảnh bi kịch trong tinh thần để từ đó nhân vật bộc lộ tính cách của mình. Tuy nhiên theo A.Thibaudet thì tình huống bi kịch là quy tắc cần phải tuân theo của bi kịch chứ không phải của tiểu thuyết. Trong tiểu thuyết, khi xây dựng nhân vật qua tình huống, nhà văn phải đặt nhân vật của mình vào tình huống đặc trưng chứ không nhất thiết phải là tình huống nảy sinh bi kịch. Như vậy không phải bất kỳ tình huống nào cũng có thể làm cho nhân vật bộc lộ được toàn vẹn tính cách đặc biệt của mình. Những tình huống bình thường chỉ có thể làm cho nhân vật thể hiện những tính cách không tiêu biểu của mình. Người viết tiểu thuyết cần phải lựa chọn được những tình huống đặc trưng để nhân vật của mình lộ ra những tính cách có tính chất chủ đạo quy định nhân cách của một cá nhân.

Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái luôn gây ấn tượng cho người đọc bởi tính cách độc đáo. Để làm được điều này, nhà văn không bao giờ dễ dãi trong việc tự ban tính cách cho những con người hiện diện trong tác phẩm của mình. Ngược lại nhà văn luôn đặt nhân vật của mình vào những tình huống độc đáo (dù là tình huống đời thường) để từ đây những con người này lộ ra nguyên hình tính cách cá biệt như một phản xạ tự vệ trước những bất thường của đời sống. Hồ Anh Thái thường xây dựng tính cách nhân vật của mình qua các tình huống tiêu biểu như: tình huống nhạy cảm, tình huống đời thường, tình huống luận đề, tình huống giả tưởng, tình huống tương phản, … .

Tiểu thuyết Hồ Anh Thái tạo dấu ấn trên văn đàn bắt đầu từ năm 1986. Đây là giai đoạn mà quá trình đổi mới diễn ra ở đỉnh điểm. Đây cũng là thời khắc giao nhau giữa cái cũ và cái mới, giữa những nếp sống, nếp nghĩ truyền thống với tư thế đón nhận cái mới. Trên đất nước Việt Nam, một cuộc sống mới được mở ra bên cạnh những cái tiêu cực, lạc hậu, lỗi thời của nền kinh tế bao cấp vẫn còn bị níu giữ lại bởi một lớp người vì lợi ích nhỏ nhen của cá nhân mình. Hàng loạt các tiểu thuyết ra đời trong thời gian này phản ánh tâm thế, những trăn trở, sự bất an trong

tinh thần của con người trong bối cảnh giao thời này. Ma Văn Kháng trong tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú đã đặt nhân vật của mình vào thời điểm giao nhau giữa cái cũ và cái mới để từ đó bi kịch tinh thần được xác lập trên cơ sở của một cá nhân say mê với những lý tưởng cao đẹp, hướng đến nếp sống thanh cao nhưng bị ném vào cuộc đời thực dụng của nền kinh tế thị trường. Bi kịch trong tinh thần của nhân vật Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh là dòng hồi tưởng về quá khứ xen kẽ với những dằn vặt, tự thú, suy tư, triết lý và có đôi khi không phân biệt được ranh giới giữa chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa.

Một trong những tình huống bi kịch mà Hồ Anh Thái dùng để tạo dựng nhân vật của mình đó chính là bi kịch bắt nguồn từ xã hội. Từ sự thay đổi của đất nước bước vào thời kỳ hậu chiến, con người lâm vào những bi kịch về tinh thần. Điều khác biệt giữa nhà văn Hồ Anh Thái với các nhà văn khác khi đi sâu vào khám phá những mâu thuẫn trong thế giới nội tâm của con người đó là nếu như các nhân vật trong Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, Giang Minh Sài trong Thời xa vắng của Lê Lựu có sự dằn xé rất dữ dội trong suy nghĩ trước sự đổi thay của con người và thời đại. Trong những con người này luôn diễn ra cuộc đấu tranh giữa một bên là nếp sống thanh cao theo lối giữ mình với một bên là cuộc sống bon chen với những con người mang đầy dục vọng ùa vào cuộc đời họ như cơn lốc. Và như để đề kháng lại với lối sống chạy theo kim tiền ấy, họ luôn mang trong mình một cái “Tôi” đầy mặc cảm và sĩ diện. Cái “Tôi” này có đôi khi thu mình lại để rút về với lối sống theo truyền thống đạo đức của dân tộc. Trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái, khi đặt nhân vật của mình vào tình huống bi kịch do ngoại cảnh tác động nên, tác giả không chú ý đến việc diễn tả những xung đột diễn ra gay gắt và triền miên trong tinh thần. Quan sát mẫu hình nhân vật này, chúng tôi nhận ra có hai dạng nhân vật chủ yếu trong tiểu thuyết của nhà văn. Dạng nhân vật thứ nhất, khi đứng trước sức ép của cuộc sống, những con người này chọn cho mình một lối sống phù hợp với thực tế bằng cách tuân theo bản năng. Tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo có nhân vật Tường và những người đàn bà trong đội Năm là những con người ứng phó với

cuộc sống mới bằng cách đi theo tiếng gọi của bản năng. Tường là một sinh viên Đại học Mỹ thuật bị đuổi học vì liên quan dến một vụ bê bối. Anh được giới thiệu đến đảo Cát Bạc làm việc trong trại ươm giống đồi mồi. Trong khung cảnh cô đơn này, những dục vọng bản năng trong con người Tường sống dậy. Tường trở thành người gieo giống cho những người phụ nữ trong đội Năm. Trong phòng anh lúc nào cũng có ảnh khoả thân của những người đàn bà do anh tự vẽ và “Một tấm bảng “sinh con trai con gái theo ý muốn” in trên bìa sau một cuốn tạp chí vứt lăn lóc trên giường. Bên cạnh ngày 16, 17, 18 tháng mười hai có ba dấu hỏi” [63, tr. 138 ]. Còn những người phụ nữ trong đội Năm, bước ra khỏi chiến trường, họ được đưa lên đảo Cát Bạc làm kinh tế, được khuyến khích yêu những người lính một đơn vị đóng quân trong vùng nhưng bộ đội thuộc thế hệ trẻ hơn và vẫn thường gọi họ là cô, là chị. Họ khao khát có được hạnh phúc, khao khát được làm vợ, làm mẹ. Họ đã cố gắng kìm nén lòng mình lại cho đến khi đi nhặt hài cốt của Nhã trong hang núi, từ trong bản năng, họ ào ạt dùng xà ben đục đá, dùng dao phát quang cây cối mở một lối đi “Ngoằn ngoèo trên vách núi. Con đường vượt qua sự kìm nén khắt khe, con đường thoát ra sự ràng buột, đến với tự do đã dược mở rồi ư ?” [63, tr.139]. Thực ra khi xây dựng nhân vật có tính cách bộc lộ trong hành động theo bản năng này, Hồ Anh Thái cũng để họ có những suy tư, trăn trở khi lựa chọn cách sống của mình nhưng những dòng suy nghĩ ấy rất mờ, thoáng qua rất nhanh, để lại con người bản năng chiếm ưu thế.

Dạng nhân vật thứ hai trong môtíp xây dựng nhân vật qua tình huống bi kịch của nhà văn họ Hồ là những con người khi đứng trước thay đổi của cuộc sống thì họ không bị ảnh hưởng gì. Nghĩa là cuộc đời xung quanh họ có sự xáo trộn giữa cái xấu và cái tốt, giữa trắng và đen, trong họ luôn diễn ra sự tiếc nuối, dằn vặt về sự đổi thay của những con người và cuộc sống xung quanh họ. Thế nhưng tất cả những điều đổi thay về ngoại cảnh đó vẫn không làm biến đổi cái cách mà họ đang sống, bởi vì trong những con người này luôn lấp lánh niền tin vào cuộc sống, lý tưởng của thời đại. Ở dạng nhân vật này bao giờ cũng có sự trùng khít giữa bản chất bên trong và hành động bên ngoài. Đây là mẫu người hoàn tất và hoàn chỉnh như M.Bakhtin

đã từng nói “Giữa bản chất thực thụ và những biểu hiện bề ngoài của nó không có một tí khác biệt nào. Tất cả mọi tiềm năng, tất cả mọi khả năng của nó đều được thể hiện đến cùng ở địa vị xã hội bề ngoài của nó, ở toàn bộ số phận của nó, thậm chí ngay ở ngoại hình của nó; ngoài số phận ấy và địa vị ấy, ở nó không còn lại gì cả. Nó đã trở thành cái nó có thể trở thành, và nó chỉ có thể trở thành cái nó đã trở thành” [6, tr.67]. Hoà trong Người đàn bà trên đảo, Toàn trong Người và xe chạy dưới ánh trăng, Huỳnh trong Vẫn chưa tới mùa đông, Tân trong Trong sương hồng hiện ra là những nhân vật lý tưởng. Về dáng vẻ bên ngoài, suy nghĩ nội tâm và hành động đều có sự trùng khít với nhau. Cuộc đời phồn tạp dội vào tầm nhìn của họ có thể để lại nỗi đau trong họ nhưng không thể làm bản chất thuần lương, tinh khiết của họ thay đổi. Chúng tôi có thể gọi lớp nhân vật này là “nhân vật lý tưởng” vì đây là loại nhân vật được tác giả đề cao, khẳng định. Chúng chính là hiện thân của lý tưởng, quan điểm và đạo đức tốt đẹp của tác giả muốn gởi đến cho cuộc đời. Với những nhân vật có những biểu hiện trùng khít từ đầu đến cuối như vậy, tiểu thuyết Hồ Anh Thái vẫn không rơi vào tình trạng hời hợt, nông cạn trong cách xây dựng nhân vật. Bởi vì, tuy nhà văn không khai thác những trăn trở, dằn vặt diễn ra một cách dữ dội trong tâm trạng khi đặt nhân vật vào tình huống bi kịch nhưng nhân vật của tác giả vẫn đạt đến chiều sâu lý tưởng. Cái mà lớp nhân vật này khắc sâu vào tâm trí của người đọc đó là tấm lòng vị tha của họ đối với cuộc sống, là sự bao dung mà họ dành cho những con người lầm lỡ là những triết lý về cuộc sống mà họ đúc rút ra được từ thế giới ngổn ngang. Những con người chính là biểu tượng của dân tộc Việt Nam bởi vì họ mang những tính cách của người Việt như :biết sống, biết cười, biết vươn tới cái đẹp ngay cả khi đối mặt với giông bão cuộc đời.

Bên cạnh tình huống bi kịch, tác giả còn chú ý xây dựng nhân vật qua tình huống giả tưởng. Đây là tình huống bắt nguồn từ sự tưởng tượng, hư cấu của nhà văn. Để tình huống giả tưởng xuất hiện, tác giả sẽ tạo dựng nên một hoàn cảnh, một môi trường có vấn đề. Trong bối cảnh và môi trường ấy, dưới sự sắp đặt khéo léo của tác giả, nhân vật bắt đầu diễn vai của mình. Từ vai diễn này, nhân vật bộc lộ được tính cách của mình.

Tình huống giả tưởng trong tiểu thuyết của tác giả được xây dựng qua những câu chuyện mang đậm sắc thái huyền thoại (Câu chuyện về nghĩa quân Tần Đắc trong tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo, câu chuyện tiền kiếp gắn với cuộc đời Đức Phật của nàng Savitri trong tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và Tôi), những cốt truyện giả tưởng ,… . Tình huống giả tưởng ở tiểu thuyết Trong sương hồng hiện ra trước hết được xây dựng dựa trên một cốt truyện lạ, mang màu sắc giả tưởng. Chàng trai mười bảy tuổi tên là Tân sống ở thời hiện đại, khi toà nhà bị sụt, lún, anh bị điện giật đến hai lần. Trong cơn hôn mê cận kề cái chết, Tân từ năm 1987 bị đưa ngược về năm 1967 - thời điểm Hà Nội đang tham gia vào cuộc chiến tranh chống Mỹ. Trong tình huống đó, anh chứng kiến và tham gia vào cuộc hẹn hò của cha mẹ mình. Anh phát hiện ra bản chất rất người, rất trẻ trung của cha mẹ. Đây cũng là tính chất người của một thế hệ trẻ huyền thoại tham gia vào cuộc chiến đấu oai hùng. Cha mẹ của Tân thời ấy khác hẳn với những con người nghiêm trang, đạo mạo theo kiểu làm làm gương ở thời hiện đại. Trong hoàn cảnh ấy, anh tự biến mình thành một con người của thời đại ấy. Tân sống hoà mình vào dòng chảy của lịch sử Việt Nam. Đặt nhân vật rất thực của mình vào những tình huống giả tưởng, kỳ ảo là một thủ pháp để tác giả gạn lấy hiện thực một cách khách quan và thể hiện được cái nhìn hiện thực đa chiều. Nhiều ý kiến cho rằng khi xây dựng yếu tố kỳ ảo trong tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo, Trong sương hồng hiện ra, Cõi người rung chuông tận thế ,… Hồ Anh Thái chịu ảnh hưởng và bị chi phối bởi chủ nghĩa hiện thực kỳ ảo Mĩ La tinh. Theo chúng tôi, nhà văn là tác giả của hàng loạt các tác phẩm mang trong mình số lượng lớn các yếu tố dân gian Việt Nam như: Truyện cổ tích, thành ngữ, tục ngữ, ca dao, lời ăn tiếng nói và cả câu chửi mang âm hưởng đanh đá chua ngoa của mẹ Đốp ,.. . Chính vì vậy mà tất cả các yếu tố kỳ ảo, huyền thoại mà tác giả sử dụng đều có nguồn gốc từ thi pháp văn học dân gian Việt Nam chứ không hẳn là xuất phát từ chủ nghĩa hiện thực kỳ ảo Mĩ La tinh. Nhà văn cũng từng nói về nghệ thuật xây dựng yếu tố kỳ ảo của mình như sau: “Tôi cho rằng tái hiện đời sống con người mà chỉ dùng mỗi một công cụ hiện thực là không đủ, như thế là tự làm nghèo trang viết của mình. Trong cổ tích Việt Nam có cô Tấm bốn lần chết đi

sống lại, hoá thân làm chim vàng anh, làm cây xoan đào, làm khung cửi, làm quả thị. Có linh hồn ông Trương Ba phải sống nhờ trong thân xác một anh hàng thịt. Hiện thực huyền ảo đấy chứ phải tìm đâu xa, tận bên châu Mĩ La tinh ?” [65, tr.254]. Đây cũng là một điểm để người đọc nhận ra nét tinh tế cũng như chiều sâu trong quá trình chiếm lĩnh hiện thực của nhà văn.

Tình huống giả tưởng trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Hồ Anh Thái còn thể hiện qua việc tác giả khéo léo “ném” nhân vật của mình vào khung cảnh, môi trường mà nhà văn đã “bài binh bố trận” sẵn. Từ tình huống ấy, hàng loạt vở tấu hài kịch của cuộc đời đã được bày ra. Tiểu thuyết Mười lẻ một đêm mở đầu bằng tình huống “Có một người đàn ông và một người đàn bà bị nhốt trong căn hộ trên tầng sáu suốt mười một ngày đêm. Mười lẻ một đêm. Và mười lẻ một ngày” [69, tr.7]. Đây là hai người đã có tình ý với nhau từ lúc còn trẻ. Họ gặp lại nhau sau mười năm xa cách và muốn trao thân cho nhau. Họ được hoạ sĩ Chuối Hột cho mượn căn hộ của mình. Anh chàng hoạ sĩ đã khoá cửa đi sau khi hẹn chiều về giải thoát cho cặp tình nhân, nhưng anh ta đi luôn. Trong tình huống bị nhốt, không thể thoát ra ngoài, bị đói, điện thoại hết pin,… người đàn ông và người đàn bà không biết làm gì (chuyện ái tình họ chỉ dự tính làm trong một ngày để trả nợ tấm lòng tri kỉ khi xưa). Và trong thời gian chờ hoạ sĩ mở cửa giải thoát, họ bắt đầu kể chuyện. Từ tình huống trớ trêu này, một không gian rộng lớn của xã hội phồn tạp được mở ra theo trải nghiệm của hai nhân vật . Cũng từ đây, Hồ Anh Thái chỉ ra rằng trong xã hội ngày nay có những cái lẽ ra không thể tồn tại nhưng lại tồn tại một cách nghiễm nhiên. Ngược lại, có những giá trị cuộc sống lẽ ra được tồn tại và cần phải tồn tại thì lại bị tiêu diệt đi. Tiểu thuyết cũng cho người đọc nhận ra rằng trong cuộc sống ngổn ngang hôm nay, có những thang giá trị cần phải được nhìn nhận lại, định giá lại để tiến tới những giá trị đích thực của cuộc sống. Để làm được điều này cần có sự nỗ lực rất lớn của các thế hệ cộng lại.

Tình huống luận đề xuất hiện khá nhiều trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái. Có những tình huống nhà văn đưa ra và bàn luận trực tiếp trong tác phẩm của mình. Từ

những luận bàn của tác giả, người đọc có thể rút ra một luận đề có ý nghĩa khác đi. Tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo xuất hiện tình huống nghĩa quân Tần Đắc gặp một ông già đi hái măng. Ông tặng cho nghĩa quân một cây măng và hai trái mít.

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 67 - 75)