Giọng điệu triết lý

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 147 - 153)

6. Kết cấu luận văn

3.3.2. Giọng điệu triết lý

Trong cuốn Tiểu thuyết hiện đại, Dorothy Brewster và John Brurrell đã vạch ra một trong những con đường hình thành nên tính triết lý ở tiểu thuyết như sau

“Nhiều tiểu thuyết gia có sẵn một quan niệm về cuộc đời, và chọn những biến cố(một cách hữu ý hay vô tình) khả dĩ diễn tả quan niệm đó, còn nhân vật trong truyện thì phải lệ thuộc vào biến cố” [8, tr.164]. Như vậy tính triết lý trong tiểu thuyết sẽ bắt nguồn từ quan niệm của nhà văn trong xã hội. Nhà văn sẽ thể hiện những quan niệm về cuộc sống mà mình chiêm nghiệm được qua những tình huống, hoàn cảnh mà nhà văn sắp xếp trong tiểu thuyết. Độ sâu của tính triết lý sẽ phản ánh được thái độ của nhà văn trước hiện thực cuộc sống cũng đồng thời phản ánh được vốn sống của tác giả.

Hành trình viết văn của Hồ Anh Thái từ năm 1986 đến nay là hành trình tìm về với đời sống thực với rất nhiều sự ngổn ngang, chồng chất của những mặt đối lập nhau nhưng cùng tồn tại song song nhau. Vấn đề bi kịch cá nhân cùng với số phận của mỗi cá thể trở thành một trong những đối tượng mà nhà văn hướng đến.Từ đây tính triết lý nhân sinh được bật lên một cách sâu sắc qua từng số phận con người trong mà nhà văn hướng đến. Quan tâm đến đời sống cá nhân, Hồ Anh Thái chú ý đến việc những nhu cầu thầm kín của mỗi con người trong xã hội. Tiểu thuyết

Người đàn bà trên đảo dựng lên hình ảnh kìm chế dục vọng ở mỗi người lính của nghĩa quân Tần Đắc, của những người đàn bà trong đội Năm cùng với dục vọng trong người Tường bùng lên dữ dội dù anh đã cố gắng kìm chế. Bên cạnh sự kìm nén tính dục của những nhân vật nói trên, Hồ Anh Thái sử dụng chi tiết hai trái mít và cây măng sau khi bị tướng sĩ của nghĩa quần Tần Đắc xông vào băm xả cho nát đi thì một việc lạ lùng xuất hiện “Nhưng thật lạ lùng, quanh ang cá hồng mọc lên

rất nhiều mít. Một rừng mít, quả sum suê, cứ tự chín cho chim ăn, rồi tự rụng. Đến mùa mít ai mạo hiểm leo lên tới đây đều say đi vì thứ hương đậm đặc, ngốt ngát. Còn cách đó không xa là một rừng vầu. Măng non đâm tua tủa, sức sinh sôi của chúng hoá thành một mãnh lực, không có gì có thể kìm hãm được” [63, tr.13]. Chi tiết này được tác giả lồng vào bi kịch của những con người ở hai thời điểm khác nhau về lịch sử nhằm nói lên một điều rằng tình dục là bản năng con người, chỉ có thể kìm nén tạm thời nhưng khi có điều kiện nó sẽ trở lại thường xuyên. Giống như cây măng, cây mít sẽ mọc lên từ chỗ hạt còn vương vãi mà nghĩa quân Tần Đắc không thể nào tiêu diệt được.

Sau năm 1986, đất nước bước sang trang mới. Đây là thời điểm giao nhau giữa cái mới và cái cũ với nhiều giá trị tốt xấu đan cài vào nhau. Có những giá trị trước kia cần giờ đây cần phải thẩm định lại, những điều mà quá khứ phủ định thì hôm nay nó được con người hiện đại dần thừa nhận. Tiểu thuyết Hồ Anh Thái trong giai đoạn này ẩn chứa quan niệm của con người về lịch sử cũng như vị trí của mỗi cá nhân trong dòng chảy của thời đại. Đứng vào vị trí của người kể chuyện toàn tri, ở tiểu thuyết Người và xe chạy dưới ánh trăng nhà văn thể hiện niềm tin của mình trước sự đổi mới của đất nước cũng đồng thời qua đó muốn nói rằng đất nước Việt Nam đang chuyển mình vào một thời kỳ mới, những khó khăn, chướng ngại là điều không thể tránh được trong hành trình đổi mới này. Vì vậy mỗi cá nhân cần có một cái nhìn sâu sắc hơn. Tiểu thuyết Trong sương hồng hiện ra phản ánh cái nhìn của thế hệ thanh niên thời hậu chiến vào lịch sử của đất nước. Tuy nhiên điều mà những thanh niên thời hiện tại này mong muốn là có một cái nhìn thật khách quan vào quá khứ, nhìn vào lịch sử của các thế hệ cha ông mình như là lịch sử vốn có chứ không phải là lịch sử được tô điểm qua sách vở. Mạch văn đậm chất trữ tình trong tiểu thuyết khiến người đọc như đồng tình hơn với những suy tư của tác giả về quá khứ

“Nhưng quá khứ ấy, cũng như con tàu đắm kia, không được quyền ngủ yên dưới bãi sông. Một ngày nào đó, nó sẽ được khai quật lên, được thay đổi một số phận, được sửa chữa và tân trang. Rồi con tàu ấy sẽ hú còi chạy trên sông Hồng, nhắc nhở mọi người về sự hiện diện của nó trong hiện tại”[63, tr.365].

Cuối thế kỷ XX bước sang đầu thế kỷ XXI, nền văn minh của xã hội gắn liền với những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nhưng sự phát triển của xã hội kéo theo hàng loạt những biến tướng và kéo theo cả sự tha hoá của con người. Sự tự ý thức về chính mình của con người dần phôi pha. Đứng trước những điều trước kia hằng được tôn sùng đột ngột bị phủ định, đạo đức xã hội cũng như tình cảm tốt đẹp giữa người và người bị luồng văn hoá ngoại xâm thực vào hoá lung lay. Con người trở nên hoài nghi về sự tồn tại của mình trong cuộc sống. Hồ Anh Thái là người gắn mình với từng hơi thở của đời sống hiện đại, có lẽ vì thế mà người đọc luôn tìm thấy được trong tác phẩm của nhà văn một chút gì đó là của mình, những cái mà mình hằng trăn trở nhưng không dễ giải bày với ai. Không chỉ thể hiện một cách trực tiếp quan niệm của mình về cuộc sống, Hồ Anh Thái để cho nhân vật tự bộc lộ thái độ của mình về chính nó, về thế giới mà nó đang tồn tại. Điều đặc biệt là tuy các nhân vật ở tiểu thuyết Hồ Anh Thái đều nằm trong ý đồ sáng tác của nhà văn song nó vừa là khách thể trong lời văn của tác giả, giọng nói của nó mang âm hưởng lời văn mà tác giả sử dụng nhưng nó cũng lại vừa là chủ thể lời nói của mình. Vì vậy, những trăn trở, suy nghĩ của nhân vật trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái không phải là cái loa phát ngôn cho quan niệm sống của nhà văn. Ý thức của nhân vật tồn tại trong tác phẩm như là một ý thức của con người khác, ý thức ấy phần nào đó có tính độc lập tương đối. Nhân vật trong tác phẩm không đơn giản chỉ là khách thể mà tác giả chiếm lĩnh được. Tiếng nói của nhân vật lúc này ngang hàng với tiếng nói của tác giả. Đây là đặc điểm làm cho tính triết lý nhân sinh trong tiểu thuyết không bị khô cứng, gò bó, gượng ép. Cõi người rung chuông tận thế kể về hành trình nhân vật Tôi đi tìm cách hoá giải cho mình thoát khỏi cái chết. Trong cuộc kiếm tìm ấy, “Tôi” gặp Mai Trừng -một cô gái mang lời nguyền trừng phạt cái ác - Ai có ý định làm ác với cô đều bị trừng phạt hoặc chết. Cách nhân vật “Tôi”

sám hối cùng với sự cuống quýt của Mai Trừng xin cha mẹ giải lời nguyền để trở về với con người bình thường đều mang hàm nghĩa: cả hai đều đi tìm bản thể của chính mình, đi tìm cái cốt lõi trong con người mình. Trong cuộc hành trình ấy họ gặp nhau, hiểu nhau hơn và cùng lúc họ gặp lại chính mình. Dòng suy tư của “Tôi” sau

tình thế này là những lời nhận định của “Tôi” về thế giới mà nhân vật đang tồn tại và hoạt động. Một thế giới bấp bênh, nhiều hiểm hoạ. Vì lẽ đó mà làm một người bình thường trong thế giới ấy là điều không phải dễ. Con người cần trân trọng và vui vì được làm người “Rồi ít ngày nữa, chúng tôi sẽ rời chùa Bảo Sơn. Mai Trừng sẽ trở về với cõi người. Tôi sẽ trở về với biển. Cũng có thể dự định sẽ thay đổi. Chẳng có điều gì dám chắc. Cả hai nơi ấy đều có sóng ngầm, sóng dữ, sóng thần. Cả hai nơi đều đầy bất trắc. Cả hai nơi đều có kẻ chán làm người, và những kẻ sung sướng vì được làm người” [65, tr.235]. Để cho nhân vật đi tìm bản thể của mình, tiểu thuyết Hồ Anh Thái đặt ra nhiều vấn đề khác nhau của cuộc sống. Tính triết lý trong mỗi vấn đề được nói đến tạo nên độ sâu của tiểu thuyết. Triết lý về cái chết “Mọi nỗi đau đều được thời gian xoa dịu. Mọi sai lầm đều có thể sửa chữa được. Chỉ trừ cái chết” [65, tr.93]. Từ quy luật của cái chết, nhân vật trong tiểu thuyết rút ra được cái đáng quý của sự sống “Ví như cô gái đang khóc dầm dề này, bây giờ thì tôi thấy rõ cô khóc vì bị mất của hoặc là bị cách chức. Tiền bạc không đáng để cô khóc như vậy. Chuyện công danh không đáng để cô tuyệt vọng như vậy. Cô sẽ hiểu điều này nếu cô bước đến thả một nắm đất xuống huyệt một người thân”

[65, tr.94].Chứng kiến liên tiếp bốn cái chết diễn ra trước mắt mình, nhân vật “Tôi”

lại nghĩ về cái sống, khát khao sống và cảm thấy may mắn vì được làm người. Chết và sống là hai mặt đối lập nhau trong sự vận hành của vũ trụ, chúng không tồn tại song song với nhau mà ngược lại, chúng loại trừ nhau. Nhưng trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái thì hai mặt đối lập này lại có mối quan hệ hoàn toàn khác. Đó là từ cái chết nảy sinh khát vọng sống, từ cái chết giúp con người nhận ra sự ưu đãi của thượng đế khi cho mình được tồn tại trong dáng vóc của con người. Từ cái chết con người cảm thấy yêu cuộc sống và yêu người hơn. Đây là điểm sáng khiến tiểu thuyết của tác giả giàu chất nhân văn hơn. Nhưng cũng từ cái chết, “Tôi” lại nghĩ về vị trí của mỗi con người trong xã hội. “Tôi” nhận ra rằng dẫu sống hay chết thì kẻ có thế có tiền bao giờ cũng mạnh “Đêm ấy anh Thế gọi điện vào thu xếp hết với bệnh viện, với hàng không. Con cháu của anh khi chết vẫn còn có đặc quyền. Hàng không dù không muốn chở xác chết thì vẫn phải chở, hai xác chết trong vòng một

tuần”. [65, tr.97]. Xét toàn bộ cấu trúc của cốt truyện Cõi người rung chuông tận thế, tiểu thuyết kể về rất nhiều cái ác mà con người dùng nó để hành xử nhau, nhà văn hoàn toàn không có ý định bôi xấu cuộc sống. Đằng sau những bi kịch của kiếp người ấy nhà văn vẫn tin tưởng về con người và khát khao mỗi cá nhân sẽ tìm về với nẻo thiện trong từng ý nghĩ, từng hành động khi nghe được hồi chuông mà tác giả gióng lên để cảnh báo con người sẽ bị huỷ diệt vì cái ác do chính mình gây ra.

Tính triết lý trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái còn được dệt nên từ những lời Phật dạy, từ giáo pháp của Ngài. Lời dạy của Phật được thuật lại một cách gián tiếp qua người kể chuyện ở ngôi thứ nhất “Ngài nói tất cả những gì ta yêu quý nhất, ta được sở hữu, đều sẽ có lúc thay đổi, đều sẽ triệt tiêu, vậy thì chỉ thêm đau khổ nếu con người chỉ khư khư những vật sở hữu, cứ tin rằng người thân của mình là bất tử” [65, tr.100]. Lời truyền dạy của Phật có khi được thuật lại trực tiếp từ người kể chuyện xưng “Tôi”.Từ lời dạy này người đọc có thể ngẫm ra rằng kiến thức trên đời như lá trong một rừng cây. Kiến thức cần cho mỗi người như một nắm lá trong lòng bàn tay nhưng cũng vì vậy mà chúng ta cần nắm chắc và biết rõ kiến thức ấy. Lời đối đáp giữa Đấng Giác Ngộ với đạo sư được thuật trực tiếp qua lời kể của cô hướng dẫn viên du lịch Savitri mang tính triết lý về sự tồn tại của vạn vật trong vũ trụ “Nước sạch mà đạo sư cầm trên tay sắp uống cũng không hoàn toàn vô trùng. Có muôn vạn con trùng trong ấy. Nhưng có phải vì vậy mà ta bảo nước uống không sạch đâu” [66, tr.312]. Bài giảng đầu tiên của Phật về kinh Chuyển Pháp Luân (quay bánh xe chân lý) được cô gái Savitri lược thuật lại theo cách gián tiếp. Kinh có Bốn Chân Lý Diệu Kỳ gồm chân lý thứ nhất là chân lý về nỗi đau khổ, chân lý thứ hai là nguyên nhân của sự đau khổ, chân lý thứ ba là cách dứt khỏi đau khổ và chân lý thứ tư là con đường Chính Đạo. Kinh Chuyển Pháp Luân tác động tích cực đến người đọc. Lời Phật dạy giúp con người tự ngẫm lại những điều trong cuộc sống quanh mình từ đó hướng mình theo con đường chân chính như lời Phật dạy.

Hồ Anh Thái là nhà văn thành công trong thể loại tiểu thuyết. Vì vậy, trong tác phẩm của tác giả, người đọc vẫn thường bắt gặp những triết lý về nghề văn, về thể loại tiểu thuyết “Vào tiểu thuyết là được sống nhiều cuộc đời khác. Cuộc đời ta

chỉ có một, hữu hạn, đọc tiểu thuyết ta có thêm kinh nghiệm của nhiều cuộc đời, vô tận. Cuốn sách giúp ta sống nhiều hơn, chẳng tội gì” [69, tr.291], “Nhưng người viết văn không phải bạ gì cũng viết. Biết sử dụng chữ cũng phải thận trọng như biết dùng súng dùng dao. Không khéo thì sẩy tay cướp cò. Trúng vào người vô tình ngang qua. Trúng vào chính mình” [70, tr.107]. Những triết lý này được các nhân vật trong tác phẩm rút ra được từ môi trường hoạt động của mình. Nhà văn là người sáng tạo ra nhân vật, truyền vào trong nhân vật luồng tư tưởng của mình nhưng cái tài của Hồ Anh Thái là ở chỗ để cho nhân vật nói được tính triết lý của vấn đề bằng giọng của nhân vật. Giọng phát ngôn này cũng không phải là kiểu giọng bằng phẳng, vô hồn mà là giọng nói gắn liền với tâm lý nhân vật, gắn liền với tình huống khi bật ra những lời nói ấy (Nhân vật đó trong diễn biến tâm lý như vậy và trong khung cảnh ấy chỉ có thể nói với giọng điệu như vậy, nếu thay bằng một giọng khác thì sẽ dẫn đến việc nhân vật sẽ trở thành hình nộm được gắn con chíp để phát ra giọng nói của tác giả). Trong lời phát ngôn của nhân vật, Hồ Anh Thái sử dụng các từ ngữ để làm vách ngăn giọng của mình với giọng của nhân vật như : “chẳng tội gì”, từ này diễn tả thái độ ủng hộ của nhân vật đối với chính mình, từ đây tiếng nói của nhân vật giữ vị trí ngang bằng với lời nói của tác giả. Sự ngang bằng giữa hai lời nói này còn được tác giả để cho nhân vật phát ngôn bằng giọng điệu mang bản chất của nhân vật.

Trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái, giọng điệu triết lý về người, về đời, về nghề có khi như những tảng băng nổi lên trang giấy nhưng cũng có khi lại chìm sâu xuống mạch văn trong văn bản. Dù là bề nổi hay ở dạng chìm đi thì những trăn trở và suy tư của tác giả bao giờ cũng sâu sắc, thể hiện được chiều sâu văn hoá cũng như vốn sống của nhà văn. Mỗi tiếng nói vang lên trong tiểu thuyết của nhà văn cũng là tấm lòng và cái tâm của tác giả đối với con người và cuộc đời như tác giả từng nói “Nhà văn đích thực phải là người tử tế” [69, tr.326].

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 147 - 153)