Vài nét về cốt truyện tiểu thuyết

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 98 - 100)

6. Kết cấu luận văn

2.3.1.Vài nét về cốt truyện tiểu thuyết

Một trong những nhân tố góp phần tạo nên sức hấp dẫn và lôi cuốn của tác phẩm phải kể đến cốt truyện. Tư tưởng, chủ đề sẽ được bộc lộ thông qua cốt truyện. Vì vậy nếu tác phẩm có cốt truyện hay thì nội dung tư tưởng sẽ được bộc lộ một cách nhuần nhuyễn. Ngược lại nếu cốt truyện nhàm chán, sơ lược thì tư tưởng chủ đề sẽ xuất hiện một cách lộ liễu, áp đặt với người đọc. Cốt truyện không đặc sắc sẽ dẫn đến tính cách nhân vật mờ nhạt, không thể hiện được bản chất và cá tính của mình. Như vậy cốt truyện là “Một hệ thống các sự kiện phản ánh những diễn biến của cuộc sống và nhất là các xung đột xã hội một cách nghệ thuật, qua đó các tính cách hình thành và phát triển trong những mối quan hệ qua lại của chúng nhằm làm sáng tỏ chủ đề và tư tưởng tác phẩm” [21, tr.137].

Quan điểm truyền thống cho rằng cốt truyện là một yếu tố thuộc về nội dung. Thực ra cốt truyện cũng là một yếu tố thuộc về hình thức. Khái niệm cốt truyện chỉ được hiểu rõ hơn qua sự phân biệt nó với khái niệm câu chuyện và sườn truyện.

Câu chuyện là tập hợp diễn biến của những sự việc có liên hệ với nhau theo trình tự thời gian. Do yêu cầu nhận thức của người nghe cho nên người kể chứng kiến sự việc sẽ kể lại câu chuyện ấy đúng như trình tự vốn có của nó trong đời sống. Việc nào xảy ra trước kể trước, việc nào xảy ra sau kể sau. Từ những câu chuyện của đời sống nhà văn có thể xây dựng cốt truyện hoàn chỉnh trong văn học. Nhưng cũng có khi câu chuyện trong đời sống chỉ là một chi tiết của tác phẩm còn toàn bộ cốt truyện là do nhà văn sáng tạo ra. Trong cốt truyện, trình tự diễn biến của sự việc có thể bị đảo lộn chứ không tuân theo trình tự diễn biến của những sự việc xảy ra trong đời sống. Như vậy sự khác nhau cơ bản giữa câu chuyện và cốt truyện là

“Trong khi câu chuyện liên kết các mô-típ trong sự kế tục về thời gian và đi từ nguyên nhân đến kết quả, thì cốt truyện lại liên kết các mô-típ theo trình tự xuất hiện trong tác phẩm, và như vậy đó là một cấu trúc hoàn toàn có tính chất nghệ

thuật” [52, tr.128]. Sườn truyện là cái khung, nó không bao hàm cả các tình tiết cụ thể trong truyện. Trong sườn truyện chỉ chứa những biến cố chính của câu chuyện, là điểm bật cho sự phát triển cốt truyện.

Trong tiểu thuyết hiện đại cốt truyện là phương tiện để nhà văn thể hiện tính cách nhân vật. Tính cách của nhân vật chỉ có thể được bộc lộ qua cốt truyện mà thôi. Nhà văn sử dụng cốt truyện để miêu tả tính cách nhưng những biến cố, những tình huống, những mối quan hệ mà nhà văn đặt nhân vật của mình vào phải được chọn lựa sao cho phù hợp với cốt truyện. Có như vậy tác phẩm mới phản ánh được bản chất cuộc sống và làm nổi bật nội dung tư tưởng chủ đề.

Cốt truyện trong một cuốn tiểu thuyết phải phục vụ cho việc thể hiện tư tưởng chủ đề và nội dung nghệ thuật của tác phẩm. Tác giả có thể vay mượn các sườn truyện trong truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn,… nhưng những sườn truyện này phải cùng phản ánh được bản chất xã hội, tư tưởng chủ đề mà tác giả muốn nói đến. Tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo sử dụng câu chuyện về nghĩa quân Tần Đắc, câu chuyện này kết hợp với cốt truyện của tiểu thuyết đã thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm: Tình dục, bản năng con người, nhu cầu làm tròn thiên chức không thể bị triệt tiêu dù có bất kỳ lý do gì. Việc tạo dựng một cốt truyện trong tiểu thuyết là một công việc khó khăn bởi vì cốt truyện trong tiểu thuyết có những yêu cầu về nghệ thuật nhất định của nó.

Cốt truyện trong tiểu thuyết phải tổ chức các tuyến sự kiện, biến cố một cách chặt chẽ. Chúng phải đan bện vào nhau chứ không được rời rạc, phân tán. Sự phân tán về tư tưởng chủ đề sẽ dẫn đến cốt truyện trong tiểu thuyết bị rời rạc, thiếu chặt chẽ.

Hệ thống tình tiết phải được phát triển một cách hợp quy luật khi được đặt trong cốt truyện. Thêm vào đó các câu chuyện trong cốt truyện phải được diễn ra một cách tự nhiên như chính bản thân nó vốn có chứ không phải dưới bàn tay xếp đặt của tác giả.

Cốt truyện trong tiểu thuyết nên cần có sự xung đột. Những mâu thuẫn trong cuộc đấu tranh xã hội được phản ánh qua xung đột cá nhân. Các nhà viết tiểu thuyết đã tạo được sức hấp dẫn trong tác phẩm của mình nhờ xây dựng thành công những tình huống căng thẳng, éo le trong cốt truyện của mình. Tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố có cốt truyện được xây dựng trên sự xung đột giữa nông dân và địa chủ. Tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn của Ma văn Kháng rất thành công trong việc tạo nên sự xung đột giữa cái cũ và cái mới trong buổi giao thời được thể hiện qua sự xung đột giữa những mâu thuẫn cá nhân trong một gia đình.

Như vậy cốt truyện đóng vai trò rất quan trọng trong tác phẩm tự sự nói chung và tiểu thuyết nói riêng. Nó không phải là những câu chuyện được kể thông thường mà nó là những câu chuyện được xếp đặt một cách logic, thẩm mỹ trong một tác phẩm văn học. Sự thành công của một cuốn tiểu thuyết phụ thuộc rất nhiều vào cốt truyện có hấp dẫn hay không. Chính vì vậy quá trình xây dựng cốt truyện của các nhà viết tiểu thuyết là một quá trình lao động nghiêm túc và vô cùng vất vả.

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 98 - 100)