Vài nét về giọng điệu tiểu thuyết

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 144 - 147)

6. Kết cấu luận văn

3.3.1. Vài nét về giọng điệu tiểu thuyết

Một trong những đặc trưng trong giọng điệu của tiểu thuyết chính là nó không mang trong mình loại ngôn ngữ đơn thanh mà ngược lại, ngôn ngữ tiểu thuyết là loại ngôn ngữ đa thanh. Khi đọc tác phẩm người đọc sẽ không có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với những âm thanh của cuộc sống như khi nghe ngâm thơ hay hoà nhạc. Vì vậy nhà văn cần phải thể hiện ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật thành kho tàng ngôn ngữ đầy âm vang, thành những giọng nói khác nhau, có như vậy mới tránh khỏi những ghi chép phi cảm xúc trên giấy.

Tiểu thuyết bao giờ cũng có nhiều nhân vật hơn so với các thể loại khác. Do đó trong tiểu thuyết hiện diện nhiều tiếng nói xã hội khác nhau. Với rất nhiều loại ngôn ngữ khác nhau như vậy người viết tiểu thuyết sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi đoán định và lắng nghe, diễn đạt được những tiếng nói của tất cả các nhân vật ấy.

Ngôn ngữ văn xuôi bao giờ cũng có sự tác động qua lại phức hợp giữa tiếng nói của tác giả, người kể chuyện, nhân vật. Bên cạnh những yếu tố cơ bản của văn học như lời độc thoại trong thơ trữ tình, lời kể chuyện khách quan từ ngôi thứ ba trong thể loại sử thi, lời đối thoại đơn giản trong kịch thì trong văn xuôi còn có sự đan xen phức tạp giữa ngôn ngữ của người kể chuyện, lời độc thoại nội tâm của nhân vật. Ở tiểu thuyết, sự xoá nhoà ranh giới giữa tiếng nói của tác giả và tiếng nói của người khác đã tạo nên sự pha trộn về giọng điệu.

Ngôn ngữ trong văn xuôi được chia làm hai loại: ngôn ngữ đơn thanh và ngôn ngữ đa thanh (song thanh). Ngôn ngữ đơn thanh bao gồm ngôn ngữ hướng vào đối tượng một cách trực tiếp, miêu tả đối tượng và lời phát ngôn của các nhân vật,

“ngôn ngữ đối tượng tính” [18, tr.606]. Ngôn ngữ đa thanh bao gồm ngôn ngữ của một người hướng vào tiếng nói của một đối tượng khác. Ví dụ như tiếng nói của tác

giả hướng đến tiếng nói của nhân vật, lời của nhân vật này đan xen với lời của nhân vật khác.

Ngôn ngữ song thanh có hai loại: ngôn ngữ song thanh cùng phương hướng và ngôn ngữ song thanh khác phương hướng. Ngôn ngữ song thanh cùng phương hướng xuất hiện khi các tiếng nói trong tiểu thuyết có sự gần gũi nhau. Ngôn ngữ song thanh khác phương hướng sẽ cho ra đời giọng điệu mỉa mai, châm biếm, tranh luận ngấm ngầm bên trong, ... . Ngôn ngữ người kể chuyện trong tiểu thuyết dịch chuyển vào khoảng giữa hai loại ngôn từ: ngôn từ thông báo phi cảm xúc, khô khan, mang tình chất thông báo và ngôn từ của nhân vật. Khi người kể chuyện hướng ngôn từ của mình về phía ngôn từ nhân vật thì nó mang giọng điệu khác khi diễn tả ngôn từ của nhân vật nhưng cũng có khi nó hoà lẫn vào ngôn từ của nhân vật. Tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột khi kể về chuyện mẹ con luật sư có giọng nói của nhà văn xen kẽ giữa giọng của các nhân vật. Việc không trích dẫn và giới thiệu vai người đang nói khiến người đọc khó phân biệt đâu là lời của tác giả đâu là lời của nhân vật, thêm vào đó việc bình luận theo kiểu giả khách quan của nhà văn làm nổi bật sự ngổn ngang trong tình thân của con người thời văn minh .“ Đang hân hoan thì ông con bước vào phòng. Bà nộp tiền đây cho con. Tiền nào nộp cho mày? Tiền phong bì ấy. Người ta đưa phong bì thuốc thang cho tao chứ cho mày à? Tiền ấy cho bà thực ra là cho con. Họ toàn là người nhờ vả chúng con, chứ không quen biết gì bà. Luật sư ngừng lại rồi thêm. Thuốc thang cho bà thì chúng con đã lo. Có lý. Chịu cứng. Thua. Bà già điên người, ném luôn tập tiền đồng xuống đất. Nghĩ thêm một tí, ném nốt tập tiền đô. Xong. Của thiên trả địa” [70, tr.248].

Ở hình thức song thanh khác phương hướng, khi đường ranh giới giữa ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ của nhân vật trở nên mờ đi thì ngôn ngữ người kể chuyện sẽ mang giọng điệu mỉa mai, châm biếm, trêu chọc. Vẫn giữ phong cách đưa lời đối đáp của các nhân vật, lời của người kể chuyện vào cùng một đoạn văn, viết liền một mạch, đặt san sát nhau, tiểu thuyết Mười lẻ một đêm có cấu trúc lời thoại lồng ghép, người đọc chỉ ngờ ngợ nhận ra giọng của người kể chuyện qua sự

trêu chọc ngầm trong mạch lời thoại “Người đàn bà đã tiến lại gần chàng đúng lúc

ấy. Mời. Mời vào nhà ngồi mà đợi. Không thể biết bao giờ bạn của chàng mới về.

Chàng không đề phòng. Biết gì đâu mà đề phòng. Người đàn bà kia hơn chàng tới mười lăm tuổi. Ngọt ngào chân thành như thế. Vui vẻ vào. Vui vẻ trò chyện.” [69, tr.101]. Xét các câu văn in đậm, căn cứ vào biểu hiện hình thức – cú pháp thì đây là lời của người kể chuyện, nhưng về mặt lựa chọn từ ngữ và kết cấu biểu đạt thì đây là giọng ẩn kín của chàng trai đang được kể đến.

Ngôn ngữ song thanh có sự xen kẽ giữa giọng của người kể với giọng của nhân vật thì ngược lại, trong giọng của nhân vật chúng ta nghe được giọng của tác giả. Điều đặc biệt là có trường hợp ngôn ngữ của nhân vật này hoà lẫn với ngôn ngữ nhân vật khác. Người đọc tìm thấy trong tiếng nói nhân vật này bộc lộ công khai tiếng nói thầm kín của nhân vật kia. Đây là hình thức đối thoại trong ngôn ngữ song điệu mà M. Bakhtin từng nói đến “Trong một lời nói như thế có hai tiếng nói, hai ý tứ, hai cung cách biểu cảm. Mà hai tiếng nói ấy quan hệ đối thoại với nhau (như hai câu vấn đáp trong đối thoại biết về nhau), dường như đàm thoại với nhau. Lời song điệu bao giờ cũng được đối thoại hoá từ bên trong.” [6, tr.186].

Ý thức ngôn ngữ chỉ có tính tương đối. Vì vậy khi nghiên cứu ngôn ngữ không nên đặt nó trong hệ thống ngôn ngữ cũng không nên đặt nó vào văn bản bị tách rời. Ngôn ngôn ngữ luôn tham gia vào môi trường giao tế linh hoạt và sinh động. Đời sống của ngôn từ sẽ lưu diễn từ môi trường này sang môi trường khác, từ cửa miệng người này sang cửa miệng người khác, từ văn cảnh này sang văn cảnh khác, … . Cho nên việc định hướng giữa các ngôn từ khác nhau, sự cảm giác về ý nghĩa biểu đạt của ngôn từ của người khác, việc nói trực tiếp hay nói kèm theo đính chính, nói gián tiếp, … đều là tiền đề của ngôn ngữ song thanh,…Người viết tiểu thuyết phải tìm kiếm tính song thanh của ngôn ngữ từ các môi trường xã hội khác nhau chứ không phải tự chế tác ra các cuộc tranh luận hùng biện giữa các nhân vật với nhau một cách hời hợt. Nếu người viết tiểu thuyết hoàn toàn không có sự hiểu biết gì về tính song điệu và tính đối thoại nội tại bên trong thế giới ngôn từ sống

động và luôn biến đổi thì tác giả ấy chỉ có thể viết nên một tác phẩm rất giống tiểu thuyết về mặt kết cấu và chủ đề, được làm y như tiểu thuyết nhưng nhà văn ấy không thể sáng tạo được tiểu thuyết.

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 144 - 147)