Giọng điệu giễu nhại, trào phúng

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 153 - 162)

6. Kết cấu luận văn

3.3.3. Giọng điệu giễu nhại, trào phúng

Tiếng cười trong tiểu thuyết bắt nguồn từ tiếng cười dân gian. Khi đi vào thể loại tiểu thuyết, tiếng cười dần khẳng định vị trí của mình. Nếu không có tiếng cười, tiểu thuyết sẽ không phát triển hoàn thiện hoặc hiện thực được nó phản ánh sẽ trở nên nhạt đi. M. Bakhtin khi so sánh tiểu thuyết với sử thi đã nhấn mạnh tinh thần của tiểu thuyết chính là yếu tố trào tếu “Chính tiếng cười đã xoá bỏ khoảng cách sử thi và nói chung mọi khoảng cách ngôi thứ - giá trị - ngăn chia” [6, tr.50].

Tính sử thi trong tiểu thuyết Việt Nam sau năm 1986 ngày càng nhạt đi, tiểu thuyết tiếp xúc cuộc sống theo chiều hướng hiện thực mang tính hài hước. Không nằm ngoài quy luật trên, tiểu thuyết Hồ Anh Thái bao giờ cũng có tiếng cười vọng lên đâu đó trên từng trang giấy. Tuy nhiên, người đọc theo dõi các tiểu thuyết của nhà văn từ năm 1986 đến nay có thể nhận ra nếu tiếng cười trong các sáng tác từ năm 1986 đến năm 2000 chỉ là tiếng cười hóm hỉnh, duyên dáng như cô gái mười tám cười sau nhánh lá thì tiếng cười trong các sáng tác từ giai đoạn từ sau năm 2000 đến nay trở nên dữ dội. Đây là tiếng cười dội lên qua cách tiếp xúc hiện thực theo lối suồng sã. Nếu tiếng cười giai đoạn trước vang lên từ một cá nhân đơn lẻ nào đó thì tiếng cười giai đoạn sau theo kiểu “đời cười”, cả một trần thế nghiêng ngả trong văn chương của tác giả đầy rẫy sự tức cười, đáng phải cười.

Tiếng cười vang lên trong tiểu thuyết Người và xe chạy dưới ánh trăng qua hình ảnh mang đầy chất lãng mạn của hai chàng trai trong cơn hưng phấn vì thi đỗ đại học cộng với một chút hơi say do men bia phả vào đã đạp xe suốt trong đêm ngập đầy ánh trăng, xe nảy lên vì bị xóc, kéo theo mấy cái thùng bia và cả Minh đang ngồi bên trên lăn kềnh ra đường. Tiếng cười còn nhẹ nhàng bật lên từ lời chửi có vần có điệu, có câu có cú của bà Nhớn hoặc từ những trò trêu ghẹo tếu táo của Minh. Kiểu cười châm biếm, đả kích trong dòng văn học dân gian được tác giả thực hiện qua hai tiểu thuyết Người đàn bà trên đảoTrong sương hồng hiện ra. Trong tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo, tiếng cười đả kích sâu cay ẩn trong tình huống

ông Quản vì muốn loại trừ ông Viễn nên đã nhốt cô Luyến vào nhà kho và buột cô ấy thừa nhận cái thai trong bụng cô là của ông Viễn. Tiếng cười nối dài khi người đọc hôm nay bắt gặp cảnh một cô gái chưa chồng mà mang thai trở thành một sự kiện lớn trong lâm trường đội Năm, bị những người cầm quyền trong lâm trường nhốt vào nhà kho, bị bỏ đói, bị lập biên bản, bị đưa ra trước hội đồng kỷ luật, … . Tiếng cười này nêu bật nên một vấn đề rằng đất nước đã thống nhất nhưng một số kẻ bảo thủ khi nắm quyền lực trong tay còn cố thủ tiêu quyền tự do cá nhân của mỗi con người nhất là người phụ nữ. Tính đả kích sâu cay trong tiếng cười qua tiểu thuyết Trong sương hồng hiện ra thể hiện qua chi tiết cả toà nhà A1 được ông Nguyễn Văn Tựu xây dựng vội vã trên nền đất úng để cố gắng củng cố hình ảnh của mình nhầm được công nhận “Anh hùng lao động”. Đây là một trong những căn bệnh thành tích mà con người hiện đại ngay nay vẫn thường mắc phải. Bên cạnh tiếng cười đả kích sâu cay, tác giả còn hướng nụ cười tinh tế, hài hước khi nhìn về quá khứ. Ở tiểu thuyết cùng tên tác giả dựng lên hình ảnh những người lính trong khẩu đội pháo cao xạ tập nhảy điệu vanx theo lời bài hát Ca-chiu-sa, thấy Tân đến cứ ngỡ là có người đi kiểm tra liền “đâm bổ về bên khẩu pháo”, hát vang một bài ca cách mạng. Chi tiết này giúp cho người đọc thế hệ hôm nay nhìn rõ hơn về những người lính anh hùng trong quá khứ, một quá khứ được xây dựng qua hiện thực chứ không phải là một quá khứ bị “đóng khung”.

Tính chất gây cười trong các tiểu thuyết giai đoạn sau của Hồ Anh Thái thể hiện ở giọng điệu mà tác giả dùng để kể. Một câu chuyện được kể có mang lại tiếng cười cho người đọc, người nghe hay không phụ thuộc rất nhiều vào giọng điệu của người kể chuyện. Một câu chuyện có những yếu tố hài hước nhưng nếu người kể không có giọng điệu kể chuyện phù hợp sẽ không lấy được tiếng cười của người khác. Ngược lại, một câu chuyện xem ra chẳng có gì để cười, với những tình tiết mang tính bình thường trong cuộc sống nhưng nếu người kể mang trong mình “năng khiếu” gây cười thì ngay khi vừa bắt đầu câu chuyện đã dể dàng mang tiếng cười đến cho người nghe, người đọc. Hồ Anh Thái là nhà văn có biệt tài làm cho độc giả phải bật ra tiếng cười, cười ngả nghiêng theo trần thế nghiêng ngả qua từng

lời nhà văn kể. Lời phát biểu đúng về nội dung của một người không có gì đáng cười. Nhưng lời phát biểu của một giáo sư văn hoá được nhà văn kể lại đột nhiên lại đáng phải cười “Nhưng bản tính xã giao, phó thủ tướng đỡ lời:không sao, ông nói rất hay. Giáo sư một hồn nhiên tin ngay lời khen: Đúng phóc, tui đang nói dở tới chỗ ảnh hưởng của zăng mưn phương Tây. Tui xing tiếp tục zới ảnh hưởng của zăng hoá Nga, Mỹ ở Ziệc Nam nửa cuối thế kỷ hai mươi” [69, tr. 201]. Tính chất gây cười trong ngôn ngữ kể chuyện của tác giả còn thể hiện qua kiểu giọng tưng tửng. Diễn biến của sự việc đang được nói đến có thể diễn đạt trong một câu văn ngắn nhưng tác giả lại kéo dài câu văn ra, dẫn dắt người đọc đi lòng vòng theo lời kể của tác giả để rồi kết thúc vấn đề theo kiểu “muốn hiểu sao thì hiểu” “Có một người đàn ông và một người đàn bà bị nhốt trong căn hộ trên tầng sáusuốt mười một ngày đêm. Mười lẻ một đêm. Và mười lẻ một ngày. Chính xác thì không đúng mười lẻ một đêm ngày, nhưng thực sự là bao nhiêu thì độc giả phải theo dõi hết cả cuốn sách mới biết được. Chẳng phải là tác giả giữ mánh hay giấu bí quyết gia truyền mà cái gì cũng phải tuần tự. Đôi khi đọc sách cũng là dịp thử thách lòng kiên nhẫn. Sách dở thì thử thách lòng khoan dung” [69, tr.7]

Một trong những yếu tố tạo nên tính chất gây cười trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái là sự liên tưởng khác lạ. Chính bản thân của mỗi sự vật không có yếu tố gây cười. Nhưng nếu nhà văn đưa nó vào tác phẩm, từ hình tượng sự vật ban đầu, bằng sự tưởng tượng của mình liên tưởng đến những sự vật khác rồi bằng ngôn từ của mình kéo hai sự vật sự việc ngỡ chừng không dính dáng gì với nhau lại gần nhau tạo cho chúng sự giống nhau bằng ngôn từ gợi ý của tác giả. Rất nhiều hình ảnh gây cười trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái được xây dựng dựa trên nguyên tắc này. Thí dụ hình ảnh cả tây, cả ta khoả thân trồng chuối nếu diễn tả bằng ngôn ngữ bình thường thì không gây cười, nhưng nụ cười của độc giả lại bùng lên khi tác giả nói “Bên kia bà mẹ lảo đảo gõ mõ. Bên này dăm ba cây chuối trồng ngược, chuối da trắng chèn giữa chuối da vàng”[69, tr.36]. Khi miêu tả hình ảnh cả Tây cả ta khoả thân nằm phơi nắng trên bãi biển nhà văn không dùng từ ngữ Hán Việt để diễn tả mà ngược lại, tác giả dùng ngay từ thuần Việt để chỉ hình ảnh ấy kết hợp với lối

liên tưởng có một không hai của mình, cộng thêm với một chuỗi câu xen vào nhằm để diễn giải thêm, mới nghe thì ngỡ là lời diễn giải khách quan nhưng thực ra cũng là lời cợt nhã của tác giả đã tạo nên tính trào tếu cao “Một đồn mười, mười đồn trăm, bãi biển này có khu tắm nuy. Tắm truồng. Ta đồn với ta rồi lan sang Tây. Tây lại đồn với Tây. Sang ngày thứ hai gã nằm phơi công cụ được một lúc thì có mấy Tây kéo sang, cũng thản nhiên nằm nuy hết cả ra. Một giờ sau thì thêm cả Tây cả ta kéo đến. Bãi biển đời người thịt da trắng lôm lốp. Bánh chay bột lọc có cục đường đen làm nhân. Ngày thứ ba thì tiếng đồn đến tai công an bảo vệ thị trấn. Xứ này chưa bao giờ và mãi mãi không bao giờ có bãi tắm nuy. Một trận truy quét kinh hồn. Hơn một trăm kẻ trần truồng ôm quần áo chạy dọc theo bãi biển lẩn lút giữa một nghìn kẻ có quần áo tắm” [69, tr.22]. Tính chất gây cười trong giọng kể của nhà văn còn được tạo nên từ hình thức ngôn ngữ hiện đại. Ngôn ngữ hiện đại nảy sinh trong điều kiện giao tiếp hiện đại. M. Bakhtin đã nói về điều này như sau

“Kiểu giao tiếp mới bao giờ cũng đẻ ra những hình thức sinh hoạt ngôn ngữ mới: những thể loại ngữ ngôn mới, sự chuyển nghĩa hoặc huỷ bỏ một số hình thức cũ, v.v … . Ai cũng biết những hiện tượng tương tự như thế ngay trong điều kiện giao tiếp ngữ ngôn hiện đại” [6, tr.167]. Kỹ thuật sử dụng ngôn ngữ xuất hiện trong giao tiếp của thời hiện đại được tác giả thực hiện qua việc đưa tiếng nước ngoài vào tiểu thuyết nhưng không ở dạng nguyên gốc mà được viết dưới dạng phát âm của tiếng Việt. Cách bê nguyên kiểu phát âm của người Việt khi nói tiếng nước ngoài vào văn bản như vậy vừa có tác dụng nhại giọng điệu của nhân vật vừa tạo được sức biểu cảm cao trong câu văn vừa có ý đả kích thói chuộng tiếng nước ngoài trong giao tiếp hàng ngày của một số người Việt như: báibai hani, Xinhgapo, Hồng Kông, em xi… . Trên cơ sở viết tiếng nước ngoài dưới hình thức phát âm tiếng Việt, Hồ Anh Thái đã dựng lên một bản tấu hài trong giao tiếp của nhóm Ngũ Hổ và “Hồng Kông”: “Không ai biết tiếng của ai mà vẫn rôm rả. Tao nói tiếng của tao mày nói tiếng của mày. Chả có gì khác ngoài chuyện món ăn. Ngon không? Chỉ tay vào đĩa thịt chó. Hồng Kông hiểu ngay. Ô gút gút. Bốn ông Việt Nam rộ theo gút gút. Đấy hiểu nhau rồi, dễ thế. Hồng Kông khen thêm một tiếng ngon dilisớt. Nó bảo sốt sốt

cái gì ? Thịt chó không chấm sốt, đồ ngu” [69, tr.41]. Kiểu giao tiếp bằng hình thức nhắn tin qua điện thoại cũng được tác giả khai thác tạo nên những mẫu truyện cười thời kỹ thuật số. Qua tình huống giao tiếp từ tin nhắn này, ngôn ngữ suồng sã xuất hiện như: mày, lão, thằng đầu đất, … . Lời mắng chửi: mẹ nó chết, tao deo hieu may noi gi, gã giời đánh … . Các câu trong nội dung tin nhắn không dấu và được đặt nối tiếp nhau cùng với những câu văn tác giả cố ý diễn giải thêm như “không thể để hiểu nhầm là mày tìm chó tao. Tìm người ai tìm chó làm gì”đã tạo nên tiếng cười trong thời hiện đại.

Tiếng cười trào tiếu còn được thể hiện qua lối cắt nghĩa từ có một không hai của nhà văn. Tác giả giải nghĩa từ không tuân theo bất kỳ một công thức hay quy luật logic nào vì vậy nội dung chứa đựng trong từ mà tác giả diễn giải trong tiểu thuyết sẽ không đúng theo nghĩa chính thống nhưng ngược lại lối cắt nghĩa phi lý này lại trở nên có lý khi nó dùng để chỉ nhân vật đang được nói đến “Chuyện trò một tiếng đồng hồ là phải đi tìm chỗ tiểu tiện. Thận yếu, phải chạy vào toa let, gọi tắt là chạy thận. Lúc lúc phải chạy thận” [79, tr.33], “Vô tư hồn nhiên gọi tắt là vô hồn” [70, tr.65], “Nó không thích nhân vật Đường Tăng. Một ông chủ thiếu sáng suốt, thậm chí dốt nát, lại vô tư duyên dáng, gọi tắt là vô duyên” [70, tr.158].

Tiểu thuyết Hồ Anh Thái dựng lên hàng loạt các nhân vật nghịch dị. Những nhân vật loại này thường có những biểu hiện khác người gần như là quái đản và từ đây tiếng cười trào tếu được phát lên từ hình tượng các nhân vật này. Người đọc tiểu thuyết Hồ Anh Thái thường nhận thấy từ các nhân vật mang tính nghịch dị có một sự tràn trề quá mức về đời sống tính dục, ăn uống, phóng uế, … . Tất cả những yếu tố trên được tác giả cường điệu, phóng đại hết cỡ trên trang giấy. Đây là những yếu tố mà M. Bakhtin gọi là yếu tố “vật chất- xác thịt”. M. Bakhtin khi nhận xét về yếu tố vật chất, xác thịt trong tác phẩm của nhà văn Rabelais cho rằng đây là “di sản của văn hoá trào tếu”. Ông khẳng định tính vật chất, xác thịt trong tiểu thuyết là những “yếu tố tích cực sâu sắc”. Ông lý giải như sau “Yếu tố vật chất-thể xác ở đây được lĩnh hội như một yếu tố có tính phổ biến và toàn dân và chính với tư cách

ấy nó đối lập với mọi sự xa rời những nguồn gốc vật chất-thân xác của thế giới, mọi sự biết lập và tự đóng kín, mọi lý tưởng trừu tượng, mọi tham vọng về những giá trị thoát ly hoàn toàn cõi trần thế về thân xác và độc lập với chúng” [6, tr.173]. Chất nghịch dị trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái qua các yếu tố như lễ hội, ăn uống, đời sống dục tính, … được tác giả nhặt nhạnh trong đời sống rồi bơm phồng lên, tô đậm vào, đặt nó vào cuộc sống đời thường vì vậy những hình tượng này càng trở nên buồn cười hơn trong dáng vẻ bất thường của mình. Nhân vật hoạ sĩ Chuối Hột với sở thích khoả thân đưa người đọc đến với nghệ thuật hội hoạ hiện đại, nơi của những lễ hội sắp đặt và diễn. Điều quan trọng trong những lễ hội “sắp đặt và diễn”

này là yếu tố nghệ thuật không được chú ý đến, mục tiêu quan trọng nhất khi tổ chức lễ hội là “Người ta thấy là lạ ngô ngố ghê ghê kinh kinh, người ta xúm lại xem. Cái ú ớ khờ khạo vớ vẩn lại làm cho người ta thinh thích nhơ nhớ” [69, tr.39]. Yếu tố vật chất xác-thịt được trong tiểu thuyết được nhà văn khai thác qua những nhu cầu cơ bản của con người đời thường. Nhưng những nhu cầu đời thường này lại không bình thường khi chủ nhân của nó lại là những nhân vật nghịch dị. Đây là sự ăn của nhà văn hoá lớn “Nhà văn hoá lớn đang vục đầu vào ăn. Nhai chòm chọp chèm chẹp. Những cái đĩa đựng thức ăn chung cho bao nhiêu người, giờ chỉ có một mình ông vung vẩy công phá. Dao ăn của ông xỉa vào cắt cả miếng thịt to như con lợn sữa. Đĩa ăn của ông ba ngạnh xiên hết miếng nọ đến miếng kia. Cái đinh ba Trư Bát Giới. Cả một vùng bán kính một mét chỗ ông ngồi, món ăn đã bị cày bừa lật gạt bốc bải ngổn ngang” [69, tr.202]. Hai nhu cầu về bản năng trong một cơ thể bình thường là bài tiết và sex của con người cũng đuợc nhà văn khuếch trương lên trong văn bản. Điều mà người đọc nhận ra ở đây là các bản năng này được nhân vật thực hiện dường như theo quán tính, theo một lập trình được thiết lập từ trong bản chất của nhân vật. Cả hai nhân vật Giáo Sư Một (Mười lẻ một đêm) và Giáo Sư

(SBC là săn bắt chuột) đều có chung đặc điểm là đi toa let ngoài thiên nhiên. Tác giả lý giải sở dĩ hai nhân vật này có hành vi không tương đồng với chức danh mà mình đang mang vì cả hai đều có gốc là dân quê. Hành động theo bản năng được tác giả chú ý khắc hoạ qua yếu tố sex nghịch dị của nhân vật Phũ, Bóp,Yên Thanh (Cõi

người rung chuông tận thế), Giáo sư Hai, bà mẹ, ông Vip, ông chủ quán rượu

(Mười lẻ một đêm), Giáo Sư (SBC là săn bắt chuột),…. Tất cả các nhân vật này đều có điểm khác lạ khi thực hiện hành vi tính dục của mình. Điều đặc biệt là chính bản thân nhân vật cũng không thể tự điều khiển các hành vi của mình trở lại bình

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 153 - 162)