Cốt truyện xâu chuỗi

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 100 - 103)

6. Kết cấu luận văn

2.3.2.Cốt truyện xâu chuỗi

Một cuốn tiểu thuyết bao giờ cũng có rất nhiều các tình tiết, sự kiện xảy ra bên trong cốt truyện. Sự thành công của một cuốn tiểu thuyết còn phải kể đến khả năng sắp xếp các sự kiện và biến cố ấy như thế nào để sự xếp đặt ấy vừa đạt đến sự hợp lý vừa tạo sức lôi cuốn từ đầu đến cuối. Cốt truyện xâu chuỗi ở tiểu thuyết được thực hiện qua việc sắp xếp chuỗi biến cố, các sự việc trong sự tương quan với yếu tố thời gian nghệ thuật. Thời gian ở đây không còn là thời gian của những câu chuyện đời thường mà là những dòng thời gian đã được tác giả xử lý để phù hợp với cốt truyện. Việc sắp xếp lại một cách khéo léo các chuỗi biến cố này thường được tác giả sử dụng những thủ pháp như mở đầu truyện bằng đoạn giữa hay đoạn cuối của câu chuyện, các chuỗi sự kiện và biến cố được đan cài vào nhau tạo thành dòng chảy liên tục trong câu chuyện. Cốt truyện Vẫn chưa tới mùa đông được tạo nên từ việc xâu chuỗi các sự kiện xảy ra trong cuộc đời của nhân vật chính tên Dân. Tiểu thuyết mở đầu bằng đoạn giữa của câu chuyện khi Dân đã không kìm chế được

những ham muốn về một cuộc sống đầy đủ về vật chất và đang trên đường trượt dài xuống sự tha hoá. Đoạn giữa của tác phẩm kể lúc Dân còn là một cậu sinh viên hiền ngoan sau đó là những sự việc xảy ra khiến Dân bắt đầu thay đổi. Điểm mấu chốt tạo nên bước ngoặt trong cuộc đời của Dân là khi Dân quen và yêu Xiêm Hoa -một cô gái xinh đẹp, có cuộc sống vật chất dư giả nhờ vào công việc buôn bán ở cửa hiệu trong thời kỳ tem phiếu. Sự thay đổi càng lớn dần trong Dân khi Xiêm Hoa được Phú - một thanh niên có cuộc sống khá giả cũng nhờ vào việc buôn bán- theo đuổi. Tiếp đó hàng loạt các sự việc xảy ra tiếp theo như cãi nhau với cán bộ y tế của trường, bị Quyết đưa ra trước hội đồng nhà trường đòi kỷ luật Dân. Đỉnh điểm tạo nên sự tha hoá của Dân chính là Dân quen với Lai- một người giàu có nhờ vào việc buôn bán. Nút thắt của truyện bắt đầu bằng ham muốn về vật chất của Dân. Nút mở của câu chuyện là Dân tự nhận thức lại chính mình. Bản chất hướng thiện và việc tự nhận ra những việc làm sai trái của mình cùng với tấm lòng rộng mở của bác Thụ và Huỳnh đã đưa Dân trở về lại với chính mình. Với cốt truyện theo lối xâu chuỗi những sự việc, biến cố xảy ra trong cuộc đời của nhân vật, tiểu thuyết Vẫn chưa tới mùa đôngđã dựng lên hình ảnh, thái độ của những lớp thanh niên trước sự thay đổi của xã hội. Qua những suy nghĩ và trăn trở của nhân vật Huỳnh, tiểu thuyết đã vạch ra cho người đọc những cách cư xử hợp lý của một tình bạn đúng nghĩa.

Con người bản năng trở thành hình tượng nổi bật trong văn học thời kỳ đổi mới. Nhà văn không chỉ ca ngợi vẻ đẹp trong phẩm chất đạo đức của con người mà còn đi sâu vào khám phá chiều sâu trong vỉa tầng ý thức của con người để từ đó phát hiện ra phần ẩn khuất trong những góc tối của con người, những ham muốn, khát vọng con người phải kìm chế bởi những quy ước xã hội. Tiểu thuyết Hồ Anh Thái thể hiện rất tinh tế tư tưởng chủ đề này. Cốt truyện của tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo xoay quanh những chấn thương về thể xác và tinh thần mà những người phụ nữ trong một lâm trường trên đảo Cát Bạc phải gánh chịu.Từ cốt truyện này tác giả muốn thể hiện tư tưởng chủ đề tình dục, một phần quan trọng của bản năng con người, những mưu cầu riêng về hạnh phúc của mỗicá nhân chỉ có thể kìm nén tạm thời và nó sẽ xuất hiện trở lại trong những hoàn cảnh thuận lợi. Để làm nổi bật vấn

đề, tác giả dùng thủ pháp xâu chuỗi để kết nối những tình tiết lại với nhau. Cốt truyện bắt đầu bằng câu chuyện bản năng dục vọng bị kìm chế của nghĩa quân Tần Đắc, tiếp theo câu chuyện này là sự khát khao được làm mẹ của những người phụ nữ trong đội Năm. Tường xuất hiện trên đảo Cát Bạc, tâm trí anh luôn hướng về những người phụ nữ này. Luyến là người đầu tiên tạo lối đi từ sườn núi phía tây đến bãi cát để gặp Tường. Tường trở thành người “gieo giống” trên đảo. Việc Luyến có thai bị ông Quản phê bình rồi bị nhốt giống như một giọt nước làm tràn ly nước, những người phụ nữ này đã thẳng thắn nói lên khát khao của họ và những kìm nén bấy lâu trong họ. Truyện kết thúc bằng một tai nạn ô tô với chi tiết Tường được Hoà cho biết “Bộ đội phục viên sẽ đến tiếp nhận lâm trường, thay cho những người đàn bà chuyển về đất liền” [63, tr.195]. Tiếp theo chi tiết đó là chi tiết Tường nghe trong gió đại ngàn thổi xuống tiếng “xôn xao của nghĩa quân Tần Đắc đang lao vút đi qua những rừng mít rừng vầu” [63, tr.195]. Đây là chi tiết mở ra nhiều suy đoán cho người đọc khi gấp sách lại. Như vậy, tuy tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo tuy có cốt truyện được tạo nên từ sự xâu chuỗi các sự việc lại với nhau, sức lôi cuốn của tiểu thuyết được tạo ra bằng nghệ thuật sắp xếp các sự việc, biến cố xảy ra trong tác phẩm. Nhà văn dàn dựng những sự việc trong cốt truyện không theo trình tự thời gian của những sự kiện xảy ra trong đời sống. Thời gian của dòng sự kiện diễn ra trong tiểu thuyết là thời gian nghệ thuật, là dòng thời gian được tác giả bài bố lại để phục vụ cho việc khắc hoạ tư tưởng chủ đề của truyện.

Cốt truyện có kết cấu theo lối xâu chuỗi còn được nhà văn thực hiện qua tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế. Tác phẩm bắt đầu bằng ba cái chết liên tiếp nhau và cùng diễn ra trước mắt nhân vật Tôi. Nhân vật Tôi bắt đầu nhận ra cái chết thứ tư sẽ dành cho mình vì nghi ngờ ba cái chết ấy có liên quan đến cô gái đẹp tên Mai Trừng. Nhân vật Tôi nuôi ý định giết Mai Trừng để trả thù cho ba đứa cháu của mình. Cuộc kiếm tìm Mai Trừng khiến nhân vật Tôi nhận ra Mai Trừng không làm chủ được khả năng trừng trị cái ác của mình. Cô mang lời nguyền của mẹ trước khi chết đó là diệt trừ cái ác. Tất cả những người định hại cô hoặc những người đàn ông định yêu cô theo những cách họ có thể đều bị trừng phạt, cho dù đó là người yêu

của cô. Tiếp theo sự việc này là Tôi và Mai Trừng trở về nơi cha mẹ cô bị giết để xin giải lời nguyền. Cuối cùng lời nguyền đã được giải, Mai Trừng vui mừng vì được trở thành người bình thường. Với cốt truyện được kết cấu xâu chuỗi các sự việc lại với nhau, tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế mang đến cho người đọc cảm nhận chiều sâu triết học về cái ác trong cuộc sống. Cái ác không chỉ hiện diện qua lớp vỏ chiến tranh, cái ác đang tồn tại trong cuộc sống hiện đại qua những khuôn mặt trẻ trung nhưng tràn ngập dục vọng. Tiểu thuyết đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo khuyên nhủ con người nên tránh xa cái ác, có như vậy con người mới tránh được ngày phán xét cuối cùng dành cho mình.

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 100 - 103)