Kết cấu theo chương

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 88 - 91)

6. Kết cấu luận văn

2.2.2Kết cấu theo chương

Nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ nói về vị trí chương trong kết cấu tiểu thuyết như sau “Chương là đơn vị của sự phân bố kết cấu trong tác phẩm và việc xây dựng chương chiếm một vị trí quan trọng hàng đầu trong nghệ thuật kết cấu tiểu thuyết”

[18, tr.538]. Tiểu thuyết Hồ Anh Thái hầu hết đều được chia chương rất rõ ràng. Tuy nhiên cách chia chương của mỗi tác phẩm của nhà văn không giống nhau. Việc chia chương này phụ thuộc vào mục đích tư tưởng chủ đề mà tác giả thể hiện trong tác phẩm. Tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo có tám chương. Xung đột trong quan niệm sống cá nhân góp phần tạo nên kết cấu của tác phẩm. Tác giả đã kể chuyện từ người này sang người khác nhằm bộc lộ quan niệm về cuộc sống cá nhân của mỗi con người trong thời hậu chiến..

Kết cấu của tiểu thuyết Mười lẻ một đêm gồm có chín chương. Có thể xem mỗi chương trong tiểu thuyết là một truyện ngắn bởi vì mỗi chương đều có tên riêng và được phân thành nhiều đoạn. Mỗi chương đều có nhân vật trung tâm với những đặc điểm nổi bật trong tính cách: Cặp tình nhân / Căn hộ chung cư - Hoạ sĩ trồng chuối (bảy đoạn); Bà mẹ / Năm lần đò và những cuộc phiêu lưu (sáu đoạn); Người đàn bà / Người đỡ đầu - Chuyến đi dọc theo đất nước (chín đoạn); Người đàn ông / Nhà phê bình nghệ thuật mở dịch vụ hùng biện (ba đoạn); Người đàn bà / Trở thành mệnh phụ phu nhân (bốn đoạn); Thằng bé hàng xóm / Cứu tinh sành điệu (bốn đoạn) ; Ông Víp / Tình huống trớ trêu - Nhắm mắt diễn thuyết (bốn đoạn); Thằng bé/ Người cá và người kể chuyện (năm đoạn); Phần vĩ thanh / Chuyện chưa có trong mười lẻ một đêm.

Đặc điểm của tiểu thuyết có kết cấu theo chương là các dòng sự kiện xảy ra liên tục, dòng thời gian ngừng đọng không diễn ra quá lâu vì sự hấp dẫn ở loại tiểu thuyết này chủ yếu là cốt truyện và hành động của nhân vật. Tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế có tất cả tám chương, tác giả không đặt tiêu đề cho mỗi chương. Bốn chương đầu kể về bốn người đàn ông và trong mỗi chương đều xuất hiện một cái chết trong số bốn người đàn ông này. Chương một là cái chết của thằng

Cốc. Chương hai là cái chết của thằng Bóp. Chương ba là cái chết của thằng Phũ. Chỗ mở ra của mỗi chương cũng chính là chỗ đóng lại của nó. Chương một mở ra bằng việc thuyết minh vì sao nhân vật chính của chương tên là Công nhưng mọi người gọi là Cốc “Cốc đọc chệch đi thì được một cái tên Mỹ - Cock. Cock là con gà trống, vừa có nghĩa là cái vật ngọ nguậy giữa đôi chân một gã trai. Cả hai nghĩa đều đúng với thằng Cốc” [65, tr.8]. Kết thúc chương một thằng Cốc lại chết vì thói tật làm nên biệt danh gã đang mang. Chương hai xoay quanh nhân vật trung tâm là thằng Bóp. Điểm mở của chương là việc thuyết minh vì sao nhân vật tên Bắc lại được gọi là Bóp. Gã luôn tìm được khoái cảm trong việc bóp cổ một người hay một vật. Kết thúc chương hai thằng Bóp chết trong tư thế “Thằng Bóp đang đung đưa như một hình nộm giữa phòng tắm khá rộng. Một sợi dây thừng siết quanh cổ nó, treo vào cái móc ở trên trần. Mặt nó bầm tụ máu, mắt nó trợn tròn, lưỡi nó thè lè”

[65, tr.54]. Chương ba kể về cuộc đời từ lúc sinh ra của thằng Phũ (Phũ chỉ là biệt danh. Tên thật của nhân vật này là Tạ Đắc Phú). Trong câu chuyện về nhân vật này, tác giả chú ý nhấn mạnh đến hành động của nhân vật xoay quanh sự việc “Vậy là trong quãng đời ngắn ngủi chín năm làm đàn ông, ông mãnh này đã sống bằng cuộc đời của 101 người đàn ông đạo đức suốt đời chỉ biết có một người đàn bà”

[65, tr.79]. Phũ nổi bật lên trong đám ăn chơi choai choai bởi cái “tài” đua xe bạt mạng. Cái chết của thằng phũ trong một “tai nạn” xe mô tô cũng chính là chỗ đóng của chương ba. Điểm để nối các chương lại với nhau chính là thái độ hậm hực trả thù của những kẻ còn sống. Sau bốn chương với ba cai chết liên tục, nhân vật Tôi bắt đầu nhận ra cái chết thứ tư sẽ dành cho mình và từ đây bắt đầu chuyến đi tìm sự sống cũng chính là hành trình hướng thiện của nhân vật Tôi.

Lối viết tiểu thuyết theo kết cấu chương giúp nhà văn có thể lắp ghép các tài liệu, xâu chuỗi các câu chuyện của nhiều người lại với nhau. Tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột được tính tổng cộng là mười ba chương. Có thể xem mỗi chương trong tác phẩm là một tháp đoạn.Ở mỗi chương là một câu chuyện giới thiệu cho ta một chân dung, một kiểu người của xã hội hiện đại. Chương đầu và chương cuối dựng lên hai hiện tượng tương phản nhau. Sự tương phản này chứa đựng cả trong tiêu đề mà tác

giả đặt cho mỗi chương: “Mở đầu bằng một trận lụt”“Kết thúc bằng một trận hạn hán”. Số chương còn lại là mười một, ở đầu mỗi chương đều có một lời “rào trước” giống như lời chống chỉ định trong một hộp thuốc được phát thanh viên đọc “ào ào” trên ti vi: “Ai quá lứa lỡ thì đừng đọc chương này”, “Ai sợ chuột đừng đọc chương này”, “Ai báo chí văn thơ đừng đọc chương này”, “Ai giàu xổi đừng đọc chương này”, “Ai rào giậu đừng đọc chương này”, “Ai ngại chiến trận đừng đọc chương này”, “Ai ăn đất đừng đọc chương này”, “Ai ngại chiến trận đừng đọc chương này”, “Ai làm luật đừng đọc chương này”, “Ai quá sốt ruột đừng đọc chương này”, “Ai giáo sư đừng đọc chương này”, “Ai sợ bãi tha ma đừng đọc chương này”. Lời “rào giậu” này vừa ghi lại dấu ấn bút pháp trào phúng của tác giả vừa kích thích sự tò mò của độc giả cũng đồng thời tạo được sự hấp dẫn của tác phẩm.

Tiểu thuyết có kết cấu theo chương của nhà văn Hồ Anh Thái là một hành trình tổng kết và đúc rút ra những kinh nghiệm trong kết cấu của các tiểu thuyết chương hồi truyền thống. Mỗi chương trong tiểu thuyết của nhà văn không chỉ đơn thuần diễn tả những hành động, sự kiện của nhân vật mà còn kết hợp cả miêu tả, xen vào những lời bình, lời đồn, … tạo nên lối kể hồn nhiên nhưng lại mang tính trí tuệ cao. Trong kết cấu theo chương này, Hồ Anh Thái đến sự thống nhất về nội dung và hình thức bởi ở mỗi chương tác giả đều chú ý đến cách diễn đạt từng câu văn, ở mỗi câu văn đều có những tiết tấu riêng đi kèm với việc tách chương hợp lý. Mỗi chương tuy nói về những sự kiện, sự việc khác nhau nhưng đều xoay quanh chủ đề tư tưởng mà tác giả muốn nói đến như Lưu Hiệp từng nói về việc gắn kết giữa câu, chương trong Văn tâm điêu long “Chương mà sáng rõ được là do chỗ câu không có tì vết. Câu mà trong đẹp được là do chỗ chữ không sai. Nắm lấy cái ngọn theo, biết một mà nắm được vạn. Việc làm văn làm chương [thì cần biết] thiên có cái nhỏ, cái lớn, tách các chương, hợp các câu. Điệu văn có khi khoan thai có khi gấp rút, theo sự biến đổi mà làm, không có tiêu chuẩn cố định. Câu là gồm vài chữ, nó phải tiếp nhau mới có tác dụng. Chương thì thâu tóm trong một nghĩa (tư tưởng). Ý phải hết thì cái thể của chương mới trọn vẹn (thể ở đây là cái bản chất)”

[19, tr.103]. Đây cũng là một ưu thế trong tiểu thuyết chương hồi của tác giả Hồ Anh Thái

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 88 - 91)