6. Kết cấu luận văn
3.2.4. Ngôn ngữ mang đậm chất dân gian
Để trở thành một người viết tiểu thuyết thành công, nhà văn phải là người đi nhặt nhạnh, tích luỹ, ghi chép cẩn thận vốn chữ mà mình tích luỹ được. Một điều lý thú và cũng đáng tự hào rằng tiếng nói trong dân gian Việt Nam rất giàu có và tinh vi, mỗi một từ, một ngữ đều có sức biểu đạt rất cao. Không hiểu được cái sâu, cái đẹp, cái tinh tế của vốn từ dân tộc thì bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương không thể cho ra đời những bài thơ càng đọc càng cảm thấy thấm thía, càng đọc càng cảm thấy nét đáng yêu nơi người phụ nữ Việt Nam:
“Quả cau nho nhỏ miếng trầu ôi Này của Xuân Hương mới quệt rồi. Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá, bạc như vôi” [35, tr.28].
Theo dòng lịch sử, ngôn ngữ dân gian không bị mất đi mà nó ngày càng phát triển hơn. Ngôn ngữ dân gian ngày nay ra đời không chỉ từ quần chúng lao động mà còn xuất phát từ tầng lớp trí thức, vì vậy loại ngôn ngữ này không những không thoát ly khỏi tính hài hước vốn có của ngôn ngữ dân gian mà còn rất tinh tế và hiện đại.
Tiểu thuyết không chỉ dừng ở việc kể về cuộc đời của một nhân vật mà ngược lại, nhiều số phận con người sẽ được đưa vào tác phẩm, đan xen lẫn nhau để làm bật lên nội dung tư tưởng của tác giả. Hơn nữa, có khi trong cùng một nhân vật cũng có thể có sự không đồng nhất trong giọng điệu và ngôn ngữ được sử dụng. Thí dụ như con người mà tác giả đang nói đến ở thời điểm hiện tại là người trí thức sống trong thành phố nhưng lại có gốc gác ở một vùng miền nào đó. Khi lâm vào những tình huống đặc biệt không thể khống chế bản thân lập tức ngôn ngữ gốc hay bản chất của của nhân vật ấy trỗi dậy, bộc phát ra. Vì vậy trong tiểu thuyết bao giờ cũng chứa đựng nhiều tiếng nói thậm chí ngôn ngữ xã hội khác nhau. Những tiếng nói và ngôn ngữ này được phát ngôn từ nhiều nhân vật, hoặc thậm chí chỉ của một nhân vật thôi. Nhà văn là người phải tổ chức lại những ngôn ngữ ấy trong tác phẩm của
mình một cách nghệ thuật. Chính vì lẽ đó mà tiểu thuyết Hồ Anh Thái tuy viết về con người hiện đại, cuộc sống nơi thành thị nhưng lại sử dụng rất nhiều lối nói nhân gian.
Tiểu thuyết Hồ Anh Thái là một hành trình tìm về với ngôn ngữ trong dân gian. Số lượng các câu thành ngữ, tục ngữ, câu hát trong những trò chơi ở các lễ hội dân gian xuất hiện với mật độ cao. Cuộc sống hiện lên trong tiểu thuyết của nhà văn có muôn hình vạn trạng với sự đan cài lẫn lộn giữa hai mặt tốt xấu. Để có thể đưa được cái nhốn nháo lẫn sự phồn tạp của những “tấn trò đời” lên trang văn, nhà văn không ngần ngại khi sử dụng ngôn ngữ suồng sã. Chính ngôn ngữ suồng sã này đã tạo nên tính “không bằng phẳng” trong ngôn ngữ tiểu thuyết của nhà văn. Một trong những đặc trưng của ngôn ngữ suồng sã là nhà văn sử dụng lời mắng chửi trong dân gian. Theo M. Bakhtin thì “Đặc trưng cho ngôn ngữ suồng sã – quãng trường là sự sử dụng khá phổ biến những lời mắng rủa, tức là những từ chửi rủa và cả những câu chửi đôi khi khá dài và phức tạp. Những câu mắng chửi ấy thường được biệt lập về ngữ pháp và ngữ nghĩa trong lời nói và được tiếp thụ như những chỉnh thể hoàn bị, giống như những ngạn ngữ” [6, tr.168]. Người đọc dễ dàng tìm thấy lời mắng rủa mang đặc trưng ngôn ngữ ba miền của đất nước trong tiểu thuyết của nhà văn am hiểu lời ăn tiếng nói của nhân dân này. Đây là lời mắng chửi của những bà mẹ quê gốc Bắc “Mày đi đằng ngược mày chết đằng ngược, mày đi đằng xuôi mày chết đằng xuôi, chết đâm ô tô, chết xô tàu hoả … Mày chết mù hai mắt, chết quặt hai tay, chết đêm không ai hay, chết ngày không ai biết” [62, tr.28]. Đây là lời mắng chửi của người miền Trung “Tổ cha mi mi từ mô ra mi mần răng mà mi lại ra ri” [69, tr.21]. Đây là lời chửi của dân “miền đù” (người miền Nam chửi tục được gọi là dân miền đù) “Con cá rô đực kia, con đu đủ đực kia, không có việc đứng đắn để làm nữa hay sao mà đàn đúm với bọn nạ dòng” [70, tr.16]. Những lời mắng chửi mà nhà văn đưa vào trong tác phẩm gần như là những lời chửi mà tác giả góp nhặt được từ đời thực. Tuy nhiên khi những câu mắng mỏ này đi vào tiểu thuyết Hồ Anh Thái chúng mất đi tính ứng dụng vốn có trong cuộc sống đời thường mà khoác lên mình một mục đích khác. Trước tiên, những lời mắng chửi này khi được nhà văn
đưa vào trong tiểu thuyết của mình nó đã được tác giả lựa chọn trong kho tàng ngôn ngữ trong dân gian. Vì vậy, tuy nó vẫn mang tính suồng sã trong lời nói của đời thường nhưng nó đã ẩn trong mình tư duy nghệ thuật của nhà văn do đó nó là ngôn ngữ của nghệ thuật, được tác giả sử dụng như một mục đích nghệ thuật. Tiếp đó nếu những lời mắng chửi này khi hiện diện trong đời thực nó thường chứa trong mình sự tức giận của người chủ dùng nó và lúc này nó xuất hiện chỉ với một mục đích duy nhất là làm cho “đối phương kia thật đau”. Thế nhưng khi vào tiểu thuyết của Hồ Anh Thái, nó thoát ly khỏi chủ thể trong đời thực và hiện diện cùng với những lời bình và giọng kể trào tếu vì vậy nó chuyển mình sang mục đích gây cười. Ví dụ khi thuật lại lời chửi của ông thầy miền Trung, nhà văn vừa kể, vừa bình như sau
“Ở trường mỹ thuật, có lần đúng giờ học vẽ mà người mẫu nam không đến. Gã sinh viên tót lên cái bục gỗ, tụt hết ra làm mẫu cho cả lớp vẽ. Đứng ngồi tô hô các tư thế, lại còn cười nói đối đáp trêu chọc bạn cùng lớp. Chẳng có người mẫu nào tự nhiên sinh động bằng. Đám sinh viên nam và sinh viên nữ đều được việc. Chỉ có thầy chủ nhiệm, một hoạ sĩ khắc kỷ cuối giờ vào lớp thấy vậy thì rút dép ném đúng vào chỗ hiểm của gã. Thầy đuổi trò tồng ngồng chạy vòng quanh cái bục gỗ, thầy chửi bằng giọng miền trong nồng nặc như tiếng Ý. Tổ cha mi mi từ mô ra mi mần răng mà mi lại ra ri” [69, tr.21]. Chính những lời mắng chửi trong dân gian này tạo nên ngôn ngữ suồng sã, thô ráp trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái. Tuy nhiên, theo chúng tôi nhà văn vẫn chưa thành công lắm khi diễn tả giọng chửi của người miền Nam. Chúng tôi xin lấy lại ví dụ câu chửi nói trên: “Con cá rô đực kia, con đu đủ đực kia, không có việc đứng đắn để làm nữa hay sao mà đàn đúm với bọn nạ dòng”
[70, tr.16]. Tác giả gọi chủ nhân của câu chửi này là dân “miền đù” sau đó viết tiếp
“Ấy thế, lâu lâu lão chồng miền đù lại tẩn cho cô một trận. Người miền Nam nào hay văng tục gọi là dân miền đù” [79, tr.15]. Như vậy người đàn ông mà tác giả kể trên là người miền Nam. Theo chúng tôi đây là cách chửi mang âm hưởng của người miền Bắc nhiều hơn. Ngôn ngữ dùng để chửi của người miền Nam (nhất là khi đang cơn tức giận ào đến bất ngờ, không còn đủ lý trí để chọn từ lựa ngữ) không có độ sắc như vậy. Ngôn ngữ người miền Nam thường sử dụng thuần phát hơn,
mang tính đời thường hơn. Từ năm 1986 đến nay các nhà văn có xu hướng tìm về với khẩu ngữ trong tiểu thuyết để phản ánh linh hoạt hơn đời sống hiện thực. Vì vậy nếu lời ăn tiếng nói trong dân gian được tác giả diễn đạt đúng với từng vùng miền, phù hợp với từng văn cảnh thì tác phẩm sẽ hấp dẫn và lôi cuốn hơn.
Một trong những yếu tố làm gia tăng chất dân gian trong ngôn ngữ tiểu thuyết Hồ Anh Thái là sự hiện diện khối lượng lớn các thành ngữ, tục ngữ. Nhà văn sử dụng các thành ngữ này trong lời phát ngôn của nhân vật, dùng để bình phẩm, dùng để dẫn dắt vào các tình huống, … . Thành ngữ hiện diện với hình thức là ngôn ngữ nước ngoài như: “Skeleton in the cupboard” [62, tr.9], “Whom sow the wind will reap the whirlwind” [62, tr.10], “Let the dead bury the dead”[62, tr.12],
“Castle in the air” [62, tr.16], … . Thành ngữ, tục ngữ Việt Nam trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái hiện diện ở nhiều văn cảnh khác nhau và được trích dẫn nguyên văn:
“Hang hùm nọc rắn” [69, tr.11] “Thân bại danh liệt” [69, tr.11], “Thằng vua thua thằng liều” [69, tr.23], “Chim chết vì mồi, người chết vì lợi” [69, tr.38], … . Mỗi một thành ngữ, tục ngữ được sử dụng đều đặt chính xác vào một văn cảnh cụ thể. Cách vận dụng thuần phục lời ăn tiếng nói trong dân gian này của nhà văn gợi lên sự liên tưởng cả một kho tàng tục ngữ đều nằm sẵn trong trí nhớ của nhà văn, cứ mỗi hoàn cảnh có vấn đề là tự động các câu nói dân gian này bật ra ngay, trùng khớp mà không cần suy nghĩ, nhất là khi tác giả đặt các câu thành ngữ, tục ngữ nối tiếp lại với nhau để diễn đạt một tình huống nào đấy hay như để tỏ thái độ của mình về một vấn đề nào đó. Trong tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột, để diễn tả chuyện vợ chồng “miền đù” hễ nghe có nơi nào có xoá đói giảm nghèo đều lái xe hơi đến xin hỗ trợ tác giả đã viết một mạch các câu thành ngữ đặt kế tiếp nhau “Đi đâm đơn xin đầu tư sáng tạo, xin hỗ trợ xoá đói giảm nghèo mà chồng lái xe hơi đưa vợ đến. Chỗ nào thơm thì được dăm bảy triệu. Chỗ nào bèo cũng được một triệu. Lấy ngắn nuôi dài. Tha lâu đầu tổ. Thân lươn bao quản lấm đầu” [70, tr.15]. Hoặc trong tiểu thuyết Mười lẻ một đêm để bình luận về những con người sống trong các căn hộ chung cư, nhà văn dùng hàng loạt các câu nói dân gian “Những căn hộ làm lưới sắt,
tự biến thành lồng chim giam mình. Giời đánh bẫy người. Người tự bẫy người. Người chết vì lợi chim chết vì mồi. Chuồn chuồn mắc phải nhện vương. Chim khôn mắc phải lưới hồng” [69, tr.103].
Lối chơi chữ, cố ý phát âm chệch cũng được nhà văn đưa vào tiểu thuyết của mình như: “minh hồi”, “hôi lách”, ... . Điều đặc biệt trong ngôn ngữ mang tính dân gian của nhà văn là bên cạnh các thành ngữ, tục ngữ có sẵn trong kho tàng ngôn ngữ dân nhân thì Hồ Anh Thái đưa vào trong tiểu thuyết của mình các câu nói cũng được sáng tác và “lưu truyền” ở thời hiện đại như: “Chó Nhật Tân vần Hồ Tây”
[69, tr.8], “Ngủ Gia Lâm đâm Thái Hà” [69, tr.18], “Cao nguyên đi dễ khó về” [69, tr.63], ….Đây là lớp ngôn ngữ mang hơi thở của cuộc sống hiện đại nơi thành thị, chúng xuất hiện trong tiểu thuyết của nhà văn khiến cho lời văn trong tiểu thuyết nhấp nhô, thô ráp, sần sùi theo kiểu: “Liên thanh. Súng máy. Ngôn ngữ chao chát tung tẩy. Ngôn ngữ ngồn ngộn sặc sỡ ẩm thực Đông Nam Á” [69, tr.54].
Sự kết nối, đan quyện vào nhau giữa ngôn ngữ trữ tình giàu chất thơ, ngôn ngữ mang tính thị dân hiện đại và ngôn ngữ dân gian trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái tựa như sự gắn kết của những sợi tơ nhện tạo thành một mạng nhện, có vòng trong cùng, rồi vòng tiếp theo lại lớn hơn vòng trong, các vòng này được bắt nối với nhau bởi những sợi tơ khác giăng dọc xuống. Vừa thoáng nhìn qua cứ ngỡ như không tuân theo một trật tự nào nhưng nhìn lại một lần nữa đều thấy có lớp có hàng, sợi tơ giăng theo quán tính của con nhện nhưng khoảng cách của từng vòng, từng điểm nối gần như khớp từng milimet. Sợi tơ giăng dọc để nói các ngôn ngữ trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái chính là tư tưởng chủ đề mà nhà văn muốn nói đến. Với việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa ba ngôn ngữ này, nhà văn đã tạo được ma trận ngôn ngữ, đưa người đọc tìm đến tiểu thuyết của mình như là tìm đến với hình thức giải trí độc đáo và cũng là tìm đến một phương thức bổ sung vốn liếng ngôn ngữ của mình.