Thủ pháp dòng ý thức

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 119 - 123)

6. Kết cấu luận văn

3.1.3. Thủ pháp dòng ý thức

Nhiều ý kiến cho rằng William James là người đã sáng tạo ra danh từ này. Các nhà tâm lý học sử dụng phương pháp này để phát hiện ra rằng việc tìm hiểu về những mơ mộng nơi con người là một phương tiện để khám phá ra tính cách của con người. Cuộc sống của mỗi con người không chỉ được tính bởi những hành động có trong thực tế được điều khiển bằng lý trí. Tư tưởng và hành động gần như vô thức của con người đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo nên cuộc sống của mỗi

cá nhân. Nói như vậy có nghĩa là bên cạnh phần lý tính tồn tại trong mỗi con người thì còn có cả những ý nghĩ mơ mộng. Phần lý tính chỉ trỗi dậy mạnh mẽ, lấn át đi phần mộng mơ trong mỗi con người khi chúng ta phải quyết định một cái gì đó thật thực tế hoặc khi “Vì muốn biện minh những hành vi và ý kiến của chúng ta trước mặt người khác và trước lương tâm, nên chúng ta phải suy nghĩ cho hợp tình hợp lý” [8, tr.258]. Để đi sâu và phát triển tính cách nhân vật, các nhà văn sử dụng kỹ thuật dòng ý thức như là một phương tiện đắc lực. Theo Bowling thì dòng ý thức là

“Phương pháp kể chuyện mà tác giả dùng để trực tiếp diễn tả tâm tính nhân vật, không phải chỉ đóng khung trong phạm vi lời nói có thể diễn tả được mà cả phần tâm tính không thể diễn tả bằng lời nói. Có lẽ ta có thể gọi phương pháp đó như như là một cách nghe trộm điện thoại” [8, tr.259].

Tiểu thuyết Hồ Anh Thái sử dụng các yếu tố như giấc mơ, cơn hôn mê, dòng hồi tưởng như một thủ pháp để tạo nên những khoảng không gian và những dòng thời gian của quá khứ và hiện tại hoà lẫn vào nhau. Thủ pháp dòng ý thức được tác giả sử dụng như một kỹ thuật trong việc hồi tưởng về quá khứ. Tiểu thuyết của Hồ Anh Thái từ năm 1986 đến năm 2000 chủ yếu đi sâu vào phản ánh đời sống và tư tưởng của thế hệ thanh niên thời hậu chiến. Trong sự thay đổi của xã hội, con người đôi khi cảm thấy chơi vơi trong việc thẩm định những giá trị xã hội. Cuộc sống thời hậu chiến không còn đơn giản theo kiểu trắng và đen như hai mặt của một bàn tay, cũng không thể được phân chia rõ ràng thành hai chiến tuyến thù và bạn như thời chiến tranh. Trong tình cảnh cái xấu và cái tốt không chỉ tồn tại song song nhau mà còn hoà lẫn vào nhau, con người ta không thể hoàn toàn tốt cũng chẳng thể nào xấu hoàn toàn thì việc con người dần tìm về với những quãng thời gian trước kia để sống giữa những hồi ức là điều không thể tránh được. Thêm vào đó hành trình tìm về thời quá khứ của con người cũng là một cách để người ta định giá lại những giá trị đang hiện diện ở thời hiện tại. Và nguyên nhân nữa đẩy đưa con người luôn tìm về với những hoài niệm chính là như Dorothy Brewster và John Angus Burrell đã nói khi lý giải tại sao Proust thường gợi lại hoài ức trong khi viết tiểu thuyết của mình “Nhưng tại sao ông muốn bắt lại quá khứ ? Vì ông đi tìm cách tự cứu lại linh

hồn, hay nói một cách khác, vì ông muốn tìm những giá trị không thể bị thời gian biến đổi hay huỷ diệt được. Và ông đã tìm thấy phương cách tự cứu linh hồn, nhưng phương cách này không thể dễ dàng viết vào một vài dòng chữ” [8, tr.200].

Thủ pháp dòng ý thức được Hồ Anh Thái sử dụng trong tiểu thuyết Người và xe chạy dưới ánh trăng trước hết qua môtíp giấc mơ. Hành trình tìm về hồi ức của Toàn trong giấc chiêm bao vừa giống như sự thức tỉnh tự vấn lương tâm của mình cũng lại vừa giống như hiện tượng phân thân giữa một người tên Toàn ở hiện tại và một người tên Toàn khác ở quá khứ. Trong cơn thiếp đi Toàn nhìn thấy cha mình và một bóng ma đòi Toàn trả mạng. Từ khung cảnh này Toàn quay về với khoảng thời gian năm 1972, trong cảnh hỗn loạn sau khi máy bay Mĩ thả bom, Toàn nhớ lại tình huống mình vượt qua nỗi sợ hãi, trườn đến bên “con ma hôi của” vật nhau với nó, dùng hai bàn tay như gọng sắt của mình siết lấy cổ nó để cứu bà Nhớn. Khi kể về giấc chiêm bao của Toàn tác giả sử dụng cả thủ pháp lồng ghép. Vòng ngoài là giấc chiêm bao của Toàn, vòng bên trong là trí nhớ của Toàn trong cơn mơ quay về khung cảnh đổ nát 1972, trong khung cảnh này Toàn lại nhớ về những hành động của mình vào lúc máy bay ném bom. Lồng trong diễn biến từ lúc Toàn bắt đầu trườn đến “bóng ma hôi của” cho đến khi bóp cổ nó là những câu chuyện huyền bí mang tính tâm linh về những hồn ma hôi của mà bà Nhớn kể đang lướt qua trong tâm trí Toàn. Độ chênh giữa hiện thực và những sự việc xảy ra trong giấc chiêm bao của Toàn được tác giả khéo léo xoá mờ đi chỉ trong ba câu văn đặt cận nhau. Câu văn thứ nhất diễn tả trạng thái muốn đi ngủ của Toàn, câu văn thứ hai diễn tả trạng thái ngủ thiếp của Toàn được đặt sát với câu văn thứ ba diễn tả hoạt động của Toàn trong giấc chiêm bao. Giữa ba câu này không có bất kỳ từ chuyển tiếp nào báo cho người đọc biết nhân vật đã thực sự chìm vào giấc ngủ, tác giả để cho người đọc phải tự suy đoán lấy “Nhìn lướt chồng sách trên bàn, bên cạnh cái bát hương nhỏ và khung ảnh bố mẹ, Toàn định lăn xuống giường ngủ tiếp. Đến lúc này anh mới nhận ra đã đóng nguyên com-lê và cravát và ngủ thiếp đi. Anh ngồi dậy, cởi quần áo ngoài, và nhớ ra buổi tối chưa ăn gì” [62, tr.18]. Thêm vào đó tác giả lại kể những sự việc xảy ra trước giấc ngủ được thực hiện tiếp trong giấc ngủ khiến người đọc

khó phân biệt được đâu là thực, đâu là giấc chiêm bao. Thêm nữa là những sự việc xảy ra trong giấc chiêm bao cũng là những sự việc từng xảy ra trong quá khứ của Toàn. Tất cả những điều này đã gần như san bằng độ chênh giữa đời thực và mộng ảo. Thủ pháp dòng ý thức trong tiểu thuyết còn được tác giả thể hiện qua những hoài niệm của nhân vật Trang. Đấy là những ký ức về những dự cảm của Trang trong buổi sáng trước khi Mỹ ném bom Na-pan huỷ diệt toàn bộ ngôi làng nơi Trang và mẹ tản cư. Trang thoát được trận càn quét ấy chỉ nhờ vào sự may mắn của số phận. Kỹ thuật này còn được tác giả sử dụng khi diễn tả dòng hồi ức của Đức và Khuynh nhớ về những biến cố trong cuộc đời của mình. Sự đan xen giữa các tuyến sự kiện xảy ra ở hiện tại và quá khứ cùng với kỹ thuật xoá nhoà đi đường ranh phân biệt ở hai khoảng không gian và thời gian đã tạo nên cấu trúc đa tầng trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái.

Tiểu thuyết Trong sương hồng hiện ra, tác giảsử dụng môtíp cơn mê để có thể đưa nhân vật của mình trở về quá khứ. Toà nhà được xây dựng dưới sự giám sát của anh hùng lao động Nguyễn Văn Tựu bị sụp móng do nó được đặt trên nền đất úng. Chàng trai tên Tân bị điện giật hai lần bởi sự cố này. Trong cơn hôn mê, từ năm 1987 Tân bị đưa ngược trở về năm 1967. Ở đây Tân được gặp những con người được sử sách nói đến như những người anh hùng mà Tân đã gặp hoặc được biết qua sách vở ở thời gian hiện tại. Tân nhận ra những khát khao và những tính cách rất người của họ, những điều này đã bị thời hiện tại khoả lấp đi và tô hồng lên. Việc sử dụng thủ pháp dòng ý thức như một kỹ thuật chính trong tiểu thuyết góp phần bày tỏ khát khao được nhìn thẳng vào sự thật của quá khứ của lớp thanh niên thời hậu chiến như nhà văn Wayne Karlin từng đề cập đến “Trong sương hồng hiện ra dường như bày tỏ khao khát của thế hệ hậu chiến được nhìn xuyên qua màn sương của huyền thoại anh hùng và quyền uy bao phủ lên thế hệ chiến tranh, không phải nhằm bóc trần, mà để xem xét nguồn cội của họ một cách rõ ràng” [63, tr.448].

Truyện kể về nàng công chúa Savitri trong tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và Tôiđược thuật lại bởi cô gái hướng dẫn viên du lịch. Cô gái và nàng công chúa Savitri tuy hai mà một. Savitri hiện tại là hậu thân của nàng công chúa Savitri của 2500 năm trước. Sợi dây nối giữa hai con người của hai kiếp xa nhau hàng nghìn năm này chính là sáu cái bao tải. Cô gái cựu nữ thần Đồng Trinh nhớ tất cả về tiền kiếp của mình. Đó cũng là nguyên nhân cô được chọn làm nữ thần Đồng Trinh khi còn bé. Khi kể về tiền kiếp của nàng, Hồ Anh Thái không sử dụng các mô tip thường có trong thủ pháp dòng ý thức như giấc mơ hay những hồi ức. Savitri kể về nàng công chúa Savitri không phải bằng trí nhớ của mình cũng chẳng phải thông qua trạng thái hôn mê hay lên đồng. Để kể được quá khứ của mình, cựu nữ thần Đồng Trinh phải lục tay vào sáu cái bao tải. Và khi ấy, tất cả các ký ức dần chảy về trong lời kể của cô gái. Với việc để cô gái Savitri nhớ lại những ký ức trong tiền kiếp của mình thông qua sáu cái bao tải, có thể nói thủ pháp dòng ý thức của Hồ Anh Thái rất lạ. Đây cũng là những nổ lực đáng ghi nhận của tác giả trên con đường cách tân nghệ thuật và đổi mới chính mình.

Các sáng tác của Hồ Anh Thái không bao giờ dừng lại ở việc tái hiện những sự việc ở hiện tại. Ngòi bút của nhà văn luôn xuyên thời gian, nhìn qua tấm màn che chắn quá khứ để dựng nên một xã hội khác mà từ đó con người có thể nhìn nhận lại những giá trị đương thời. Những dự cảm cũng như hồi ức của nhân vật trong tiểu thuyết của tác giả mở rộng ra cho chúng ta những kiến thức về thế giới nội tâm con người, giúp cho người đọc có một đường lối mới nhận ra những vỉa tầng sâu, ẩn khuất trong mỗi phần sâu mỗi cá nhân để từ đó hướng cái nhìn về con người và cuộc đời bao một cách dung hơn.

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 119 - 123)