Vài nét về ngôn ngữ tiểu thuyết

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 128 - 131)

6. Kết cấu luận văn

3.2.1. Vài nét về ngôn ngữ tiểu thuyết

Ngôn ngữ là yếu tố cơ bản của văn học. Nhà văn diễn đạt tất cả những điều mình muốn nói trong tác phẩm bằng hệ thống ngôn ngữ. Muốn tạo được dấu ấn riêng từ đó tạo dựng phong cách của mình đòi hỏi nhà văn phải có tiếng nói riêng. Họ phải có một quá trình rèn luyện lâu dài và gian khổ mới có thể làm chủ được kỹ thuật viết tiểu thuyết của mình.

Để có một kho của cải ngôn ngữ đồ sộ nhà văn trước hết phải là người có vốn từ phong phú, sinh động và giàu sức biểu hiện. Và như một mối liên hệ tất yếu, vốn từ của nhà viết tiểu thuyết bao giờ cũng phụ thuộc vào vốn sống và cả trình độ văn hoá. Từ hai cái vốn cơ bản này, gia tài về ngôn ngữ của nhà viết tiểu thuyết sẽ không ngừng được củng cố và bổ sung từ rất nhiều nguồn khác nhau.

Trong hệ thống ngôn ngữ mà các nhà viết tiểu thuyết tích luỹ được thì ngôn ngữ nghề nghiệp, tiếng dân tộc, từ địa phương góp phần đắc lực vào việc biểu đạt của tác phẩm, trong đó ngôn ngữ thuộc về nghề nghiệp luôn có sự hiện diện của tiếng lóng là loại tiếng đặc biệt nếu tác giả vận dụng khéo sẽ tạo được sự thích thú,

hấp dẫn nơi người đọc. Khi đến với tiểu thuyết của nhà văn Tô Hoài người đọc biết đến và hiểu được rất nhiều từ ngữ của các dân tộc miền núi. Tiểu thuyết Bỉ Võ của Nguyên Hồng sử dụng rất nhiều những tiếng lóng của giới giang hồ. Đây là loại tiếng lóng của bọn gái điếm, du côn. Hệ thống tiếng lóng này được xây dựng trên nguyên tắc làm lệch đi hoặc bóp méo âm thanh và nghĩa của từ. Chính vì vậy tiểu thuyết của ông có rất nhiều tiếng nói khác nhau nhưng vì dùng quá nhiều tiếng lóng nên sự trong sáng trong ngôn ngữ của tác phẩm bị giảm đi rất nhiều.

Không khí tự do dân chủ trong văn học mở ra từ năm 1986, đây là thời kỳ các nhà viết tiểu thuyết phát huy tinh thần cách tân trong nghệ thuật viết tiểu thuyết của mình. Một trong những đổi mới về ngôn ngữ trong tiểu thuyết đó là các nhà văn đưa vào tác phẩm của mình những phương ngôn, thổ ngữ, tiếng nói quần chúng, … . Tuy nhiên ngôn ngữ của văn học trước hết phải là ngôn ngữ của toàn dân, nếu nhà văn lạm dụng từ địa phương sẽ dẫn đến sự khó hiểu nơi người đọc. Nhà văn Đoàn Giỏi vì sử dụng quá nhiều từ địa phương trong tiểu thuyết Cá Bống Mú đã tạo nên sự khó hiểu cho những người đọc khác vùng.

Các nhà viết tiểu thuyết sử dụng ngôn ngữ để tạo hình trong tác phẩm của mình sau khi đã quan sát từ đời sống thực tiễn. Chính vì vậy ngôn ngữ tiểu thuyết là một loại ngôn ngữ rất giàu tính tạo hình.

Ngôn ngữ quần chúng luôn là cái kho vô tận bổ sung vốn liếng ngôn ngữ của nhà văn. Các nhà văn học hỏi, ghi chép lời ăn tiếng nói trong nhân dân sau đó nâng cao hơn tạo thành một tiếng nói riêng của mình. Quá trình tích luỹ vốn từ luôn đi song song với việc không ngừng trau dồi cú pháp và hệ thống ngôn ngữ, chỉ có như vậy ngôn ngữ trong các tác phẩm mới trong sáng và giàu sức biểu hiện.

Ngôn ngữ tiểu thuyết và ngôn ngữ của các thể loại khác có sự khác nhau rõ rệt. M. Bakhtin đã nói về vấn đề này như sau “Sự khác biệt giữa tiểu thuyết và một số loại hình lân cận so với tất cả các thể loại khác - các thể loại thi ca hiểu theo nghĩa hẹp - là cơ bản và có tính nguyên tắc đến nỗi mọi ý định mang sang tiểu

thuyết những khái niệm và tiêu chí của chất hình tượng thi ca đều tất yếu thất bại. Chất hình tượng thi ca hiểu theo nghĩa hẹp mặc dù cũng có ở tiểu thuyết (chủ yếu ở lời trực tiếp của tác giả) nhưng nó chỉ có ý nghĩa thứ yếu đối với tiểu thuyết. Thậm chí trong tiểu thuyết, chất hình tượng trực tiếp ấy rất thường khi lại có được những chức năng hết sức đặc thù, không trực tiếp” [6, tr.80]. Như vậy ngôn ngữ hình tượng trong tiểu thuyết tuy cũng chứa đựng những ngôn ngữ hình tượng thi ca nhưng loại ngôn ngữ hình tượng thi ca khi mang sang thể loại tiểu thuyết nó sẽ không đóng vai trò quan trọng trong hệ thống ngôn ngữ của tiểu thuyết. Sở dĩ có tình huống này xảy ra vì ở ngôn ngữ thi ca mỗi một từ có thể mang những ý nghĩa biểu đạt riêng trong khi đó nghĩa của tiểu thuyết không thể được xây dựng trong một vài từ. Ngôn ngữ tiểu thuyết là “Cả một hệ thống những ngôn ngữ soi sáng lẫn nhau. Không thể mô tả và phân tích nó như một ngôn ngữ thống nhất” [6, tr.81].

Trong tiểu thuyết, mỗi một dấu nháy, ngoặc kép, xuống dòng, lời trực tiếp và lời gián tiếp đều góp phần tạo nên hình thái và phong cách khác nhau trong việc xây dựng ngôn ngữ của tác giả. Nếu chúng ta xoá bỏ tất cả chúng đi thì chúng ta sẽ được một tập hợp rất hỗn độn các từ ngữ được sắp xếp một cách vô nghĩa. Vì vậy

“Những hình thái và phong cách khác nhau là thuộc về những hệ thống khác nhau trong ngôn ngữ tiểu thuyết” [6, tr.89]. Trong một cuốn tiểu thuyết thường có rất nhiều nhân vật, nhiều sự kiện và sự việc ở những khoảng không gian và thời gian khác nhau. Do đó không thể quy tất cả ngôn ngữ có trong nó về hẳn một bình diện hay một tuyến nào đó. Hệ thống ngôn ngữ trong tiểu thuyết bao giờ cũng ở bình diện tương giao. Tác giả thường ở trung tâm bình diện tương giao này. Tuy vậy giữa cái vị trí trung tâm của tác giả với các bình diện khác nhau này luôn có một khoảng cách nhất định.

Điều đặc biệt trong ngôn ngữ tiểu thuyết là nó không chỉ được sử dụng để miêu tả sự vật, sự việc mà ngay chính bản thân nó cũng trở thành đối tượng để miêu tả. Ví dụ như tất cả những sự việc hay đối tượng của sử thi, truyền thuyết, thần

thoại, … hay chính bản thân các thể loại ấy khi gia nhập tiểu thuyết đều trở thành đối tượng miêu tả của tiểu thuyết.

Tóm lại tất cả những vấn đề liên quan đến ngôn ngữ tiểu thuyết đều được M.Bakhtin quy về những vấn đề cơ bản của phong cách học tiểu thuyết. Ông nói

“Những hình tượng đặc thù về các ngôn ngữ và các phong cách, sự kết hợp hình tượng ấy, loại hình của chúng (chúng rất đa dạng), sự kết hợp hình tượng các ngôn ngữ vào một chỉnh thể tiểu thuyết, những sự chuyển dịch và chuyển hoá các ngôn ngữ và bè giọng, quan hệ đối thoại của chúng – đó là những vấn đề cơ bản của phong cách học tiểu thuyết” [6, tr.91]. Từ đây ta có thể thấy ngôn ngữ đóng vai trò rất quan trọng trong tiểu thuyết. Nó là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của một tác phẩm. Muốn sử dụng thành công hệ thống ngôn ngữ trong tác phẩm của mình đòi hỏi người viết tiểu thuyết phải nắm vững được kho tàng ngôn ngữ phong phú và quý báu của các lớp người trong xã hội.

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 128 - 131)