Nhận diện tiểu thuyết Việt Nam từn ăm 1986 đến nay

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 29 - 35)

6. Kết cấu luận văn

1.1.2. Nhận diện tiểu thuyết Việt Nam từn ăm 1986 đến nay

Quá trình đổi mới tiểu thuyết Việt Nam thực chất bắt đầu từ sau 1975 nhưng lúc này chỉ diễn ra một cách thầm lặng. Đỉnh điểm của đổi mới là năm 1986. Tiểu thuyết Việt Nam từ năm 1986 đến nay đã có những thành công đáng kể. Giai đoạn này tiểu thuyết nở rộ, đội ngũ người viết tiểu thuyết ngày càng đông đúc. Trên văn đàn xuất hiện những nhà văn chuyên viết về tiểu thuyết như: Chu Lai tính đến năm 2004 đã viết 11 tiểu thuyết và rất thành công với tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng (1992).

Tác phẩm nổi bật lên với thủ pháp đồng hiện và sự đối lập giữa những năm tháng chiến đấu chống Mĩ anh hùng của những người lính ở phân khu miền Đông ven đô Sài Gòn với cuộc sống thời bình trong nền kinh tế thị trường. Những con người này đã có sự thay đổi đến bất ngờ và kì lạ trong tính cách và cuộc sống ở thời buổi làm ăn “chụp giật”. Tiểu thuyết là một lời nhắn nhủ cho những con người sống thời hậu chiến rằng chiến tranh vẫn mới đó, vẫn đi qua chưa lâu vậy mà sao ngay cả những người trong cuộc và những người ngoài cuộc đều lãng quên một cách nhanh chóng; Lê Lựu tính đến năm 2000 đã viết 7 tiểu thuyết trong đó nổi bật là tiểu thuyết Thời xa vắng (1986). Tiểu thuyết là một bước đột phá mới trong cái nhìn đời thường của con người Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám. Giang Minh Sài là một con người bình thường, xuất thân từ một gia đình nông thôn. Anh là người không chấp nhận tảo hôn nhưng lại là nạn nhân của tảo hôn. Giang Minh Sài được rèn luyện và trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến. Anh luôn là người nhận lấy khổ đau và cay đắng trên con đường tìm kiếm tình yêu và hạnh phúc của mình. Từ số phận của Giang Minh Sài, tiểu thuyết đã để nhân vật chính uỷ Đỗ Mạnh nói lên khát vọng cá nhân của mỗi con người: “Hãy đòi hỏi mỗi con người sự cống hiến cao nhất khi xã hội cần, tập thể cần. Đến khi tập thể quan tâm đến người ta thì cũng phải quan tâm đến cái người ta cần, chính người ta đòi, người ta khát chứ không phải mình quan tâm đến cái mình muốn ở người” [45, tr.134]; Nguyễn Khải tính đến năm 2003 đã có 7 tiểu thuyết, tiểu thuyết Thượng đế thì cười nổi bật lên với cách viết khá độc đáo theo xu hướng tiểu thuyết - tự thuật; Ma Văn Kháng hiện nay có 8 tiểu thuyết, có những tác phẩm nổi bật như Mùa lá rụng trong vườn (1985), Đám cưới không có giấy giá thú (1889), Ngược dòng nước lũ (1999) in đậm phong cách của nhà văn bởi lối viết triết luận - trữ tình; Hồ Anh Thái tính từ năm 1986 đến năm 2011 đã có 8 tiểu thuyết trong đó có 2 tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế (2003) và Mười lẻ một đêm (2006) với giọng điệu giễu nhại, châm biếm đã tạo nên “thương hiệu” Hồ Anh Thái trong lĩnh vực tiểu thuyết.

Song hành với đội ngũ người viết tiểu thuyết hùng hậu là số lượng tác phẩm dồi dào. Có một số cuốn nhận được giải thưởng thường niên của Hội nhà văn, có cuốn không nhận được giải nhưng tạo nên sự xôn xao dư luận như: Thời xa vắng

(Lê Lựu), Bên kia bờ ảo vọng (Dương Thu Hương), Thiên sứ (Phạm Thị Hoài),

Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ, Côi cút giữa cảnh đời (Ma Văn Kháng), Một cõi nhân gian bé tý (Nguyễn Khải), Ông cố vấn - hồ sơ một điệp viên (Hữu Mai), Sao đổi ngôi (Chu Văn), Những ngày thường đã cháy lên (Xuân Cang), Ác mộng (Ngô Ngọc Bội), Chim én bay (Nguyễn Trí Huân), Mảnh đất tình yêu (Nguyễn Minh Châu), Quãng đời xưa in bóng (Dũng Hà), Cuốn gia phả để lại

(Đoàn Lê), Phố, Ăn mài dĩ vãng (Chu Lai), Bến không chồng (Dương Hướng),

Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Lời nguyền hai trăm năm (Khôi Vũ), Miền hoang tưởng (Đào Nguyễn),

Ngoại tình, Nền móng (Nguyễn Mạnh Tuấn), , ….

Có rất nhiều cuộc thi viết tiểu thuyết được tổ chức như: cuộc thi viết tiểu thuyết do Hội nhà văn tổ chức trong hai năm (1998-2000) có hơn 200 bản thảo gửi tham dự; cuộc thi tiểu thuyết và ký do Bộ công an và Hội nhà văn tổ chức trong ba năm (1999-2002) có hơn 100 bản thảo gửi tham dự. Cuộc thi tiểu thuyết của Hội nhà văn tổ chức trong hai năm (2002-2004) với hơn 300 bản thảo tham dự. Trong các giải thưởng văn học của Hội nhà văn, Bộ quốc phòng, Bộ công An tiểu thuyết vẫn chiếm tỉ lệ cao: Giải thưởng Hội nhà văn năm 1991 trao cho sáu tác phẩm trong đó có ba tiểu thuyết: Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường,

Thân phận tình yêu của Bảo Ninh và Bến không chồng của Dương Hướng, … . Làm nên diện mạo của tiểu thuyết Việt Nam cũng phải kể đến sáng tác của các cây bút hải ngoại. Trong quá trình giao lưu và hội nhập văn hoá quốc tế, các tác giả, tác phẩm ở hải ngoại được giới thiệu và được bạn đọc trong nước đón đọc nồng nhiệt: Sông Côn mùa lũ (Nguyễn Mộng Giác), Thiên sứ (Phạm Thị Hoài), Phố Tầu, Paris 11 tháng 8 (Thuận), Tìm trong nỗi nhớ, Trên đỉnh dốc (Lê Ngọc Mai), Thảo

(Võ Hoàng Hoa), Và khi tro bụi (Đoàn Minh Phương), Gió từ thời khuất mặt (Lê Minh Hà), … .

Trong xu hướng mở rộng quan hệ quốc tế, văn học Việt Nam hoà mình vào nền văn học của thế giới. Các tác giả Việt Nam có dịp giới thiệu tác phẩm của mình với bạn bè trên thế giới và thông qua những đứa con tinh thần của mình họ đã khẳng định vị trí của con người và đất nước Việt Nam trong thời đại mới. Một số quyển tiểu thuyết được dịch ra tiếng nước ngoài như: Hồ Anh Thái (1997),Trong sương hiện ra, NXB Curbstone Press, Mỹ; Ma Văn Kháng (2000), Ngược dòng nước lũ, NXB Curbstone Press, Mỹ; Nguyễn Khải (2002), Thời gian của người, NXB Curbstone Press, Mỹ; Lê Lựu (2000), Thời xa vắng, NXB Massachusetts; Bảo Ninh (1997), Nỗi buồn chiến tranh, NXB Secker & Warburg; Phạm Thị Hoài (1997),

Thiên sứ, NXB Hyland House; Hồ Anh Thái (2003), Người đàn bà trên đảo, NXB Silkworm, Thái Lan; Phố của Chu Lai được dịch giả Alain Clanet chuyển ngữ sang tiếng Pháp và được NXB L’aube ấn hành tháng 1 năm 2003 với cái tên Rusdes soladats,… . Chúng tôi nhận thấy rằng số lượng tác phẩm của Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài vẫn còn chưa nhiều so với số lượng tác phẩm ra mắt bạn đọc hàng năm ở Việt Nam. Tuy vậy, với con số khiêm nhường kể trên, các nhà văn Việt Nam đã giúp cho độc giả trên thế giới nhận rõ diện mạo văn học Việt Nam, khẳng định thế đứng của con người và đất nước Việt Nam trong thời kì đổi mới. Đây cũng là một cố gắng rất lớn của các nhà văn Việt Nam và cũng là một tín hiệu đáng mừng cho văn học Việt Nam. Wayne Karlin, một giáo sư ngôn ngữ và văn chương Mỹ đã nói: “Điều mà đổi mới thật sự cho phép là xuất bản những tác phẩm trước đây không được công bố ở các nhà xuất bản của nhà nước. Chính sách này xoá bỏ bao cấp và khuyến khích nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Một trong những kết quả kèm theo của nó là cho phép nhà văn tạo dựng nên một nền văn học phá vỡ hình thức và nội dung của phương pháp hiện thực cũ, cho phép phê phán sự yếu kém và tham nhũng của những quan chức cấp cao, miêu tả những mất mát do chiến tranh cũng như chủ nghĩa anh hùng và sự hy sinh, tạo nên những nhân vật hoà trộn phức tạp cả cái xấu và cái tốt, cho dù là Đảng viên đi nữa, được viết về cá nhân cũng

như về xã hội” [63, tr.426]. Trên cơ sở đó Wayne Karlin nói về nhà văn Việt Nam:

“Hồ Anh Thái và những người đương thời Việt Nam đang tiên phong cho nền văn học của các nước đang phát triển, nền văn học không còn bị định nghĩa bằng những thông số của cuộc đấu tranh giữa hai bên tư bản và cộng sản. Đó là nền văn học toàn châu Á, thực tế là toàn cầu, chỉ quan tâm tới sự căng thẳng giữa một bên là sự ức chế và một bên là khát vọng tự do, giữa khát vọng được đảm bảo về kinh tế và sự xói mòn về văn hoá cùng mối quan hệ giữa người với người, khi mà cuộc sống chỉ còn bị thôi thúc bởi khao khát tiền bạc và tài sản - những mối quan hệ căng thẳng in dấu trong cuộc đấu tranh quyết liệt trên hầu khắp thế giới đang chuyển mình sang thế kỉ XXI” [63, tr.433].

Tiểu thuyết Việt Nam từ năm 1986 đến nay viết về mọi đề tài nhưng hệ quy chiếu chủ yếu là các giá trị nhân bản. Con người cá nhân luôn là trung tâm của tiểu thuyết. Các cây bút tiểu thuyết đi sâu khám phá thế giới tâm linh, vô thức, tiềm thức, giấc mơ. Các nhà văn đã cố gắng thoát khỏi kiểu phản ánh một chiều để hướng đến một hiện thực đa chiều, hiện thực vừa có tính ổn định vừa có tính bất định, vừa hữu lý vừa phi lý, vừa trật tự vừa hỗn độn, vừa thuộc về lý trí vừa thuộc về cõi siêu linh và bí ẩn như Chim én bay (Nguyễn Trí Huân), Gốc tăm tối (Khuất Quang Thuỵ), Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), Người đi vắng (Nguyễn Bình Phương),

Ngược dòng nước lũ (Ma Văn Kháng), Cõi người rung chuông tận thế (Hồ Anh Thái), Thiên sứ (Phạm Thị Hoài), Mẫu thượng ngàn (Nguyễn Xuân Khánh).

Khi nói về tiểu thuyết đương đại, không thể không nhắc đến các tiểu thuyết gây tiếng vang trong dư luận một thời. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên trong bài

Tính sổ văn học năm 2004 cho rằng hiện tượng văn học đáng chú ý nhất năm 2004 là tiểu thuyết Dòng sông mía của Đào Thắng. Tác giả Đào Thắng đã viết cuốn tiểu thuyết này trong hàng chục năm trời. Tiểu thuyết được viết theo lối kể chuyện thông thường kết hợp với thủ pháp của văn học “huyền ảo”. Phạm Thị Hoài với tiểu thuyết Thiên sứđã tạo ra được bước ngoặc trong thể loại tiểu thuyết. Tác phẩm có ý nghĩa quan trọng trong vấn đề đề xuất một tinh thần thẩm mỹ mới, mô hình tiểu

thuyết mới. Tiếp sau Thiên sứ là tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Với tiểu thuyết này, nhà văn Bảo Ninh làm dậy lên những làn sóng tranh cãi gay gắt về vấn đề “có thể viết về chiến tranh như thế nào ?”. Nhưng việc trả lời câu hỏi “có thể viết tiểu thuyết như thế nào ?” của tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh lại làm cho tác phẩm trở thành một trong những tác phẩm có sức đột phá về tư duy thể loại. Tiếp sau đó là một số tiểu thuyết được dư luận quan tâm như : Chinatown, Paris 11 tháng 8, T mất tích của Thuận, Người sông mê của Châu Diên, Trí nhớ suy tàn, Người đi vắng, Thoạt kỳ thuỷ, Ngồi của Nguyễn Bình Phương, Khải huyền muộn

của Nguyễn Việt Hà, Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh, Chuyện của thiên tài của Nguyễn Thế Hoàng Linh, … . Cái khác và lạ của những cuốn tiểu thuyết này chính là việc không tuân theo mô hình tiểu thuyết truyền thống, có xu hướng dịch chuyển đến mô hình tiểu thuyết hậu hiện đại.

Khi nói về tiểu thuyết Việt Nam đương đại, nhiều người tỏ ra lo lắng vì chúng ta còn thiếu những tác giả trẻ tuổi, viết khoẻ. Trên văn đàn Việt Nam vẫn thường xuất hiện một số cây bút trẻ với một vài tác phẩm xuất sắc. Thế nhưng các cây bút này nổi lên như một hiện tượng, gây xôn xao dư luận một thời gian rồi rơi vào tình trạng không viết hoặc viết những cái mờ nhạt. Ta có thể nhìn nhận vấn đề này qua nhà văn trẻ viết tiểu thuyết Nguyễn Thế Hoàng Linh. Hiện nay chúng ta có khoảng 800 nhà văn, trong đó có một nửa chuyên viết văn xuôi và chỉ có khoảng 50 người chuyên viết tiểu thuyết. Đây cũng là vấn đề nan giải cho tiểu thuyết Việt Nam đương đại.

Tiểu thuyết Việt Nam thời kì đổi mới đã đi qua một chặng đường khá dài. Trong quá trình đó không tránh khỏi những hiện tượng vấp váp, sai lầm, cực đoan hoặc chệch hướng. Nhưng bên cạnh đó tiểu thuyết cũng đạt được những thành tựu đáng kể. Chính những thành tựu này góp phần thúc đẩy văn học Việt Nam phát triển, có chỗ đứng trong dòng văn học thế giới. So với các loại hình văn xuôi khác thì những hạn chế và những thành công của tiểu thuyết luôn là vấn đề gây tranh cãi trên văn đàn. Những ý kiến, những băn khoăn về sự dẫm chân tại chỗ của tiểu

thuyết hiện nay cũng là một vấn đề đáng lưu ý và cần phải sớm vạch ra phương hướng giải quyết để tạo lối thoát và lối đi riêng cho tiểu thuyết Việt Nam. Và một điều đáng ghi nhận là những lo lắng, những quan tâm này đều bắt nguồn từ khát vọng của công chúng về sự đổi mới tư duy tiểu thuyết và sự hoàn thiện về nội dung cũng như về nghệ thuật tiểu thuyết để tiểu thuyết Việt Nam không chỉ được đón nhận ở trong nước mà còn được đón nhận nồng nhiệt ở nước ngoài, hoà nhập vào dòng chảy của văn chương thế giới.

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 29 - 35)