Vài nét về thủ pháp nghệ thuật văn xuôi

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 110 - 112)

6. Kết cấu luận văn

3.1.1.Vài nét về thủ pháp nghệ thuật văn xuôi

Vào thế kỷ XIX các nhà nghiên nghiên cứu và phê bình của Nga khi nghiên cứu một tác phẩm văn chương đã đặt nhân vật vào vị trí trung tâm của tác phẩm để khai thác tính chất văn học của nó. Sở dĩ như vậy là vì thế kỷ XIX là thế kỷ của chủ nghĩa hiện thực. Văn học ở Nga lên ngôi với những tác gia danh chấn như: Tolstoi, Dostoievski, Gogol, … .

Bước sang thế kỷ XX, khi tiếp cận tác phẩm các nhà phê bình đã bỏ đi thói quen truyền thống xem nhân vật là nhân tố số một để đánh giá một tác phẩm văn chương. Quan niệm khi muốn nghiên cứu một tác phẩm văn học bằng cách nghiên cứu “nhân vật” không còn phổ biến trong thời đại hôm nay. Có rất nhiều cách tiếp cận văn chương từ những góc độ khác nhau, trong đó cách tiếp cận qua hệ thống thủ pháp để tìm hiểu về tác phẩm được các nhà nghiên cứu xem trọng. Để nhận ra những thành công của tác phẩm văn học, người ta sẽ đi tìm hiểu các thủ pháp nghệ thuật được tác giả sử dụng trong tác phẩm. Một tác phẩm được xem là có đạt đến tính thẩm mỹ về nghệ thuật phụ thuộc nhiều vào hệ thống thủ pháp được sử dụng để tạo ra tác phẩm ấy. Giữa thủ pháp và tính nghệ thuật của tác phẩm có sự liên hệ chặt chẽ với nhau. Tính nghệ thuật của một tác phẩm được quyết định bởi các thủ pháp tạo nên nó được Viktorshklovski đề cập đến trong bài tiểu luận Nghệ thuật như là thủ pháp như sau: “1) Nó được tạo ra như văn xuôi nhưng lại được cảm nhận như thơ, 2) Nó được tạo ra như thơ nhưng lại được cảm nhận như văn xuôi. Điều đó cho thấy rằng tính nghệ thuật, việc coi một cái gì đó là thơ, là kết quả của cách cảm nhận của chúng ta; nhưng theo nghĩa hẹp, chúng ta thường gọi những cái gì được tạo ra bằng thủ pháp đặc biệt là những cái có tính nghệ thuật, vì mục đích của chúng là làm sao cho những cái đó được cảm nhận như nghệ thuật” [78, tr.143].

Do có vị trí then chốt trong việc xây dựng tác phẩm nghệ thuật, thủ pháp nghệ thuật trở thành tiêu điểm thứ nhất để các nhà nghiên cứu tiếp cận hình thức của tác phẩm văn học. Một tác phẩm văn học bao giờ cũng chứa đựng trong mình vô số thủ pháp nghệ thuật. Mỗi thủ pháp được nhà văn sử dụng đều có những dụng ý nghệ thuật riêng và được lựa chọn, tính toán cho phù hợp với nội dung mà tác giả cần thể hiện. Các nhà hình thức luận đã đưa khái niệm thủ pháp lên vị trí quan trọng của tác phẩm văn chương. Theo quan niệm của họ thì “Chất liệu cung cấp nguyên liệu thô cho văn học, mang chứa tiềm lực thẩm mỹ nhưng chỉ thích hợp cho tác phẩm nghệ thuật khi thông qua tác dụng của những thủ pháp độc đáo của văn chương hư cấu” [52, tr.122].

Từ đây có thể khẳng định thủ pháp là một trong những yếu tố quyết định tính nghệ thuật trong một phẩm văn xuôi. Chính vì vậy mà ngày càng có nhiều thủ pháp được nhà văn sáng tạo ra trong tác phẩm của mình. Hệ thống các thủ pháp được sử dụng trong văn bản sẽ tạo cho các lớp ngôn ngữ trở nên sinh động, nhân vật trở nên linh hoạt và bộc lộ hết được những ẩn ý mà nhà văn muốn truyền đạt.

Như vậy, qua các thủ pháp nghệ thuật nhà văn sẽ sáng tạo ra những hình thức thể hiện mới về tư tưởng chủ đề. Hệ thống ngôn ngữ, hình tượng, sự vật được phản ánh trở nên mới và hấp dẫn hơn. Cũng chính các thủ pháp nghệ thuật sẽ tạo cho người đọc một góc nhìn mới trong việc tiếp nhận tác phẩm văn chương, hình ảnh cuộc sống cũng từ đây sẽ hiện lên lung linh và lay động được nhiều cảm xúc của độc giả hơn.

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 110 - 112)