Vài nét về kết cấu tiểu thuyết

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 85 - 88)

6. Kết cấu luận văn

2.2.1 Vài nét về kết cấu tiểu thuyết

Tác phẩm nghệ thuật bao gồm nhiều yếu tố và thành phần phức tạp như nhân vật, cốt truyện, quan niệm về con người, không gian, thời gian, ... . Giống như kiến trúc của một ngôi nhà, từ những vật liệu khác nhau, người ta sắp xếp, gắn kết và xây dựng chúng thành một công trình hoàn chỉnh. Kết cấu trong một tác phẩm văn học nghệ thuật cũng vậy, trên cơ sở của những yếu tố, bộ phận khác nhau đó, nhà văn sẽ sắp xếp và tổ chức chúng theo một trật tự nhất định và hợp lý. Như vậy, kết cấu là

“Sự tạo thành và liên kết các bộ phận trong bố cục tác phẩm, là sự tổ chức, sắp xếp các yếu tố, các chất liệu tạo thành nội dung của tác phẩm trên cơ sở đời sống khách quan và theo một chiều hướng tư tưởng nhất định” [21, tr.143].

Các yếu tố trong tiểu thuyết như hệ thống hình tượng, sườn truyện, cốt truyện có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với kết cấu. Bởi vì khi người viết tiểu thuyết

xây dựng hệ thống nhân vật có nghĩa là tác giả đang phát triển cốt truyện. Đây cũng là điểm khởi đầu của kết cấu.

Kết cấu của tiểu thuyết có những đặc trưng khác với kết cấu của các thể loại khác. Trong thơ ca trữ tình kết đóng vai trò phân bố hệ thống những từ ngữ, hình ảnh, cảm xúc để làm nổi bật tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Truyện ngắn chỉ là một hồi, một tháp đoạn. Hệ thống nhân vật trong truyện ngắn cũng ít hơn tiểu thuyết nên kết cấu của truyện ngắn cũng chặt chẽ hơn tiểu thuyết. Tiểu thuyết chứa đựng trong mình các thể loại như bi kịch, hài kịch, chính trị, âm nhạc, lịch sử, báo chí, … . Tiểu thuyết có các loại kết cấu như: Kết cấu theo chương, kết cấu đa tuyến, kết cấu liên văn bản, kết cấu xâu chuỗi, …. Mỗi tiểu thuyết đều phải có một kết cấu tối tiểu nhưng không có cuốn tiểu thuyết nào có thể dung nạp trong mình tất cả các kết cấu. Tiểu thuyết thường có nhiều hồi, nhiều tháp đoạn, hệ thống nhân vật phong phú với hàng loạt các biến cố phức tạp. Tuy nhiên tiểu thuyết không phải là một tập hợp các tháp đoạn, các tuyến nhân vật theo cách xâu chuỗi chúng lại một cách tuỳ tiện. Nghệ thuật kết cấu tiểu thuyết đòi hỏi phải có sự chặt chẽ, cân xứng nhưng bên trong tiểu thuyết vẫn ẩn chứa những ngổn ngang, bề bộn, phức tạp như cuộc đời thực mà nó phản ánh.

Một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh phải có sự thống nhất với nhau về kết cấu. Người viết tiểu thuyết phải chú ý đến các mối liên hệ giữa các bộ phận, các tuyến sự kiện, các tuyến nhân vật trong một chỉnh thể nghệ thuật. Trong mối liên hệ này thì tư tưởng chủ đề đóng vai trò là trung tâm của kết cấu tiểu thuyết. Sự thống nhất của kết cấu chỉ đạt được hiệu quả cao khi tư tưởng chủ đề thấm sâu vào từng yếu tố trong tác phẩm và góp phần tham gia vào quá trình hình thành nhân cách của nhân vật.

Tiểu thuyết hiện đại bao giờ cũng mang trong mình tính chất nhiều tuyến, nhiều bình diện, sự đan xen giữa các tuyến nhân vật và các tuyến lịch sử. Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là cuốn tiểu thuyết có sự nối tiếp nhau

giữa dòng thời gian hiện tại và quá khứ, có cuộc sống hiện đại đang trôi qua cùng với những hồi ức về một cuộc chiến đã qua.

Điều đặc biệt trong tiểu thuyết thuyết hiện đại là nó có thể không có nhân vật trung tâm. Tuy nhiên, tác phẩm vẫn đảm bảo tính thống nhất của kết cấu nhờ các hình tượng trong tác phẩm luôn vận động và hướng tới phục vụ mục đích chung. Tiểu thuyết Mười lẻ một đêm không có nhân vật trung tâm. Thay vào đó là một hệ thống nhân vật đang hoạt động. Mỗi nhân vật đang hoạt động trong một môi trường độc lập nhưng đồng thời hoạt động của tất cả nhân vật ấy lại có chung một môi trường là cuộc đời. Tuy các hoạt động của nhân vật không liên quan đến nhau nhưng cộng tất cả các hoạt động ấy lại người đọc sẽ cảm nhận được một trần thế nghiêng ngã, đầy những cái vô lý và tức cười.

Kết cấu tiểu thuyết hiện đại thường gắn với tư tưởng chủ đề và tính cách nhân vật nhiều hơn là gắn với dòng thời gian sự kiện. Mỗi phần, mỗi chương trong tiểu thuyết thường chú ý khai thác nội dung tư tưởng, chủ đề hay một tính cách nào đó của nhân vật chứ không tuân theo nguyên tắc trình tự của những sự kiện chảy theo dòng thời gian. Tiểu thuyết Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu có mười bảy chương, mỗi chương gắn với một sự kiện nhưng tác giả không nhằm mục đích xây dựng những sự kiện lịch sử mà chỉ sử dụng những sự kiện lịch sử này như một phương tiện để khắc hoạ tính cách của nhân vật. Từ đây, hình ảnh những người lính trong cuộc kháng chiến chống Mĩ được dựng lên vừa hào hùng vừa gần gũi với người đọc.

Trong một cuốn tiểu thuyết, nghệ thuật kết cấu đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên đây không phải là yếu tố duy nhất tạo nên sự thành công của tác phẩm. Nó cũng không thay thế được sự hiện diện của vốn sống cũng như thế giới quan của nhà văn trong tầng sâu của tác phẩm.

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 85 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(176 trang)