Cốt truyện lồng ghép

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 103 - 110)

6. Kết cấu luận văn

2.3.3. Cốt truyện lồng ghép

Tiểu thuyết Hồ Anh Thái thường không tập trung mô tả chỉ duy có một nhân vật, ngay trong cùng một nhân vật thì nhà văn lại kể rất nhiều sự việc của nhân vật đó. Tất cả những chi tiết, sự việc ấy đều được tác giả lựa chọn kỹ càng. Chính vì vậy, tuy tiểu thuyết của tác giả có rất nhiều chi tiết, sự kiện nhưng không thể giảm đi bất kỳ một chi tiết nào cả trong cốt truyện bởi vì nếu nhà văn tuỳ tiện thêm hay bớt một vài sự việc hay chi tiết nào đó thì chỉnh thể của cốt truyện sẽ thay đổi như Aristotle đã từng nói “Cũng giống như trong các nghệ thuật mô phỏng khác, sự mô phỏng thống nhất là sự mô phỏng một [đối tượng], thì ở đây cốt truyện dùng để mô phỏng hành động cũng phài là sự miêu tả một hành động - hành động hoàn chỉnh, và các phần của sự kiện (chi tiết – N.D) cần phải sắp xếp như thế nào để khi thay đổi hay bỏ đi một phần thì cái chỉnh thể cũng biến động theo; bởi vì cái gì mà có hoặc thiếu nó cũng được, thì cái đó không phải là bộ phận hữu cơ của thể thống nhất ấy” [4, tr.44].

Bên cạnh việc xây dựng cốt truyện với kết cấu xâu chuỗi, phân mảnh, tiểu thuyết của Hồ Anh Thái còn xây dựng cốt truyện theo kết cấu lồng ghép. Lối kết cấu lồng ghép được tác giả thực hiện trong tiểu thuyết theo nguyên tắc xây dựng nhiều câu chuyện giống như những truyện ngắn, lồng bên trong một truyện ngắn khác. Mỗi nhân vật trong những câu chuyện này đều có những số phận riêng, hoạt

động trong một môi trường độc lập. Điểm gắn kết giữa các câu chuyện và số phận của các con người này lại với nhau là nội dung tư tưởng chủ đề của truyện. Tiểu thuyết Mười lẻ một đêm mở đầu là câu chuyện của người đàn ông và người đàn bà, cả hai sau một quãng thời gian dài mới gặp lại nhau. Họ không tiện mướn khách sạn nên mượn căn hộ của hoạ sĩ Chuối Hột vài tiếng đồng hồ để “trả nợ tình xưa”. Điều cả hai không ngờ đến là gã hoạ sĩ đã “Chu đáo khoá cửa từ bên ngoài để phòng chống bà mẹ” [69, tr.14] sau khi hẹn chiều về “giải phóng” nhưng rồi gã đi luôn.

“Sau mười giờ đêm, căn hộ thực sự trở thành hoang đảo” [69, tr.32]. Người đàn ông và người đàn bà bị nhốt trên tầng sáu của căn hộ chung cư trong tình trạng điện thoại hết pin. Để giết thời gian và đợi hoạ sĩ về, họ bắt đầu kể chuyện.Chuyện đầu tiên mà người đàn ông và người đàn bà đem ra kể sau khi “Hoạ sĩ đi mà đợi mãi không về, đợi hết ngày hôm ấy, đợi hết đêm hôm ấy” [69, tr. 33] là chuyện về gã hoạ sĩ. Gã là một hoạ sĩ “tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu hẳn hoi” nhưng gã lại không biết vẽ mà trở thành một nhà phê bình tranh. Xung quanh nhân vật này là những sự việc và hành động bi hài. Xung quanh cái sở thích khoả thân của gã là những câu chuyện hài hước vừa thực nhưng cũng dường như được tác giả khuếch đại lên. Mở đầu những câu chuyện rối rắm về cái sở thích quái lạ của hoạ sĩ là chuyện “Bắt đầu từ hôm ấy thằng bé đã ria mép lún phún. Lún phún cà lông cả lá. Nó thì không ý thức được sự thay đổi của cơ thể. Nó vẫn vô tư như mọi lần. Tắm xong nó lại tô hô tênh hênh chạy từ bãi sông dọc theo đường phố về nhà. Tổ bảo vệ dân phố rầm rập đuổi theo. Bắt lấy. Bắt lấy thằng cởi truồng. Lũ trẻ con reo hò đuổi theo. Dân phố rôm rả nhìn theo” [69, tr. 20]. Tiếp đến câu chuyện này là những biến cố liên tiếp xảy ra trong đời gã và hầu hết những chuyện chẳng may đến với gã đều liên quan đến “chủ nghĩa khoả thân”. Từ việc gã khoả thân nằm tắm trên bãi biển kéo theo hàng trăm người - cả tây lẫn ta - bắt chước gã dẫn đến “ một trận truy quét kinh hồn” [69, tr. 22] của công an. Tiếp theo là việc gã bị “Chính quyền phường lập kế hoạch mai phục bắt quả tang” [69, tr.23] vì nghi gã liên quan đến tà giáo khi gã khoả thân trồng chuối hột (tập yoga) một bên còn bên kia thì mẹ gã và các đệ tử đang “lung lay lúc lắt trong tiếng nhạc lên đồng”. Rồi chuyện gã

khoả thân thực hành đủ tư thế làm mẫu cho đám bạn hoạ sĩ vẽ khi người mẫu vẫn chưa đến. Việc này khiến gã bị thầy chủ nhiệm theo trường phái “khắc kỷ” trông thấy liền rút chiếc giầy đang mang ra chọi và rượt gã chạy vòng vòng quanh lớp. Câu chuyện về sở thích khoả thân kéo theo chuyện tổ chức “hội hoạ biểu diễn” của nhóm ngũ hổ (cũng liên quan đến đề tài khoả thân). Tiếp theo câu chuyện của hoạ sĩ Chuối Hột là câu chuyện về bà mẹ. Bà ở tuổi về hưu nhưng vẫn còn nhuộm sắc, lời nói đưa đẩy. Bà luôn “lầm lỡ”, mỗi lần như vậy đều được đền bù bằng đất và quay về mếu máo trong vòng tay bao dung của con gái. Tiếp đến là câu chuyện về cuộc đời của người đàn bà - người phụ nữ “một bước lên bà”. Chị luôn tin mình thuộc tầng lớp thượng lưu và trở thành người của giới thượng lưu bằng niềm tin và biết chộp nhanh cơ hội khi tiếp cận với thằng bé người cá (con ông Víp). Tiếp theo câu chuyện này là các truyện về người đàn ông xuất thân từ một anh nông dân nhưng lại trở thành một nhà phê bình nghệ thuật và mở dịch vụ hùng biện dạy cho các doanh nhân; Tiếp nữa là truyện về thằng bé hàng xóm; Truyện của thằng bé người cá. Hình thức cốt truyện này khiến cho chúng tôi liên tưởng đến cốt truyện khung trong truyện Nghìn lẻ một đêm. Câu chuyện đẩy đưa làm nàng Sheherazad phải nhập cung là một cái khung. Trong cái khung ấy là những truyện mà nàng phải kể dang dở trong mỗi đêm để đêm sau có thể kể tiếp câu chuyện. Nếu nàng kể xong một câu chuyện trong một đêm hoặc ngừng kể thì nàng sẽ bị vua chém đầu. Tiểu thuyết

Mười lẻ một đêm giống truyện Nghìn lẻ một đêm ở chỗ nó cũng có một truyện làm khung. Đó là truyện kể về nguyên nhân khiến cho người đàn ông và người đàn bà phải gặp nhau, lồng vào truyện này là hàng trăm câu chuyện khác được hai người bị nhốt kể ra nhằm giết thời gian. Chính xác thì đa số các câu chuyện này chỉ được kể trong bảy đêm tám ngày và được tiếp tục bằng những ngày sau khi họ được thả ra. Tiểu thuyết Mười lẻ một đêm được viết theo thi pháp cốt truyện hiện đại. Diễn biến của các câu chuyện không được kể theo trình tự thời gian như trong cốt truyện

Nghìn lẻ một đêm. Thêm vào đó cốt truyện ở tiểu thuyết Mười lẻ một đêm không giống cốt truyện khung của Nghìn lẻ một đêm. Nghìn lẻ một đêm là những câu chuyện được kể lại qua lời kể của nàng Sheherazad (trừ truyện về nàng Sheherazad)

còn trong những truyện kể Mười lẻ một đêm thì điểm nhìn trần thuật trong mỗi câu chuyện dịch biến liên tục với giọng điệu chuyển đổi theo từng truyện. Bên trong những câu chuyện then chốt còn có những câu chuyện được kể bởi lời của nhân vật đang được nói đến. Đó là những câu chuyện “cổ tích hiện đại” mà người đàn bà dùng để kể cho thằng bé người cá nghe và thằng bé người cá kể lại cho người đàn bà nghe. Lồng trong câu chuyện về lần gặp gỡ ngoài dự tính ban đầu của hai kẻ “nữa bạn nữa tình” là những truyện được kể bởi chính tác giả. Những truyện này rất ngắn, vừa giống như một truyện mini (có mở đầu, diễn biến và kết thúc, có cả những lời bình cuối truyện) nhưng lại vừa giống những mẫu tin rất ăn khách vẫn được đăng ở các báo, đặc biệt là câu chuyện về các cuộc tình trong khách sạn. Nếu tách câu chuyện này ra thành một chương riêng biệt sau đó đặt tên chương nhại theo giọng văn của Hồ Anh Thái thì chúng tôi xin lấy tên của chương này là “ tình trong hô teo”.

Đức Phật, nàng Savitri và Tôi có mở đầu là không gian vùng biên giới Nepal với câu chuyện về Savitri, một cô gái làm nghề hướng dẫn viên du lịch. Thời thơ ấu Savitri từng được chọn làm nữ thần đồng trinh. Sự việc này là minh chứng khẳng định mối quan hệ huyền bí giữa cô gái Savitri ở hiện tại và nàng công chúa Savitri vào 2500 trước là có thật (Vì chọn đúng cái khăn màu đỏ mà Savitri được phong làm nữ thần đồng trinh. Cách 2500 năm trước hoàng tử Siddhattha cũng tặng công chúa Savitri chiếc khăn choàng đầu màu đỏ của mình). Như vậy cô gái hướng dẫn viên du lịch và nàng công chúa Savitri tuy hai là một. Nói một cách khác thì Savitri hiện tại là hậu thân của công chúa Savitri của 2500 năm trước. Hành trình hướng dẫn khách du lịch của nàng (nhân vật Tôi) bắt đầu từ vườn Lumbini (nơi Phật ra đời) và kết thúc ở kushinagar (nơi phật nhập diệt). Đây cũng là hành trình tìm về với những chứng tích còn lại của Phật. Bên trong câu chuyện về cô hướng dẫn viên du lịch Savitri và người nghiên cứu Ấn Độ là câu chuyện về nàng công chúa Savitri và cuộc đời tám mươi năm của Đức Phật. Nếu cô gái Savitri suốt chặng đường làm hướng dẫn viên du lịch của mình tìm về những Phật tích thì cả cuộc đời của nàng công chúa Savitri đều dành tình yêu của mình cho thái tử Siddhattha. Từ lúc chỉ là

một đứa bé gái bốn tuổi theo chị đi dự buổi tuyển chọn vợ của thái tử nàng đã yêu đắm say thái tử và cố giành cho mình được một kỷ vật từ nơi thái tử, đó là chiếc khăn xếp màu đỏ. Sau đó nàng trở thành hoàng hậu rồi trốn thoát khỏi giàn thiêu và trở thành tội phạm chạy trốn án thiêu sống theo chồng khắp đất nước Ấn Độ cổ đại. Suốt cuộc đời của nàng luôn hướng tình yêu của mình đến thái tử Siddhattha và tìm cách đem Đức Phật trở về với cuộc sống phàm tục. Lồng trong truyện về nàng công chúa Savitri là câu chuyện về cuộc đời Đức Phật. Đây là những truyện kể về quá trình đi tìm và tạo lập ra tôn giáo mới của thái tử Siddhattha. Truyện kể về Đức Phật tuy chỉ được kể qua lời cô gái Savitri nhưng hình ảnh Đức Phật giống như ngọn đuốc toả sáng các phần còn lại của truyện. Bên trong câu chuyện về ba nhân vật chính là Tôi, Savitri (ở hiện tại và ở tiền kiếp), Đức Phật còn có các câu chuyện khác về kỹ nữ danh tiếng Usa, công tử hào hoa Yasa, tướng cướp Raja. Bên cạnh đó còn có câu chuyện về nàng công chúa xinh đẹp, chung thuỷ Savitri lấy chàng Satyavan (câu chuyện này nhằm lý giải tại sao nàng công chúa tiền kiếp của cô gái hướng dẫn viên du lịch được đặt tên là Savitri), rồi còn có cả ba truyện truyền thuyết về nữ thần Đồng Trinh Kumari. Tiểu thuyết kết thúc với kết cục mà người đọc không ngờ đến. Tất cả những con người quanh Savitri từ nàng Yuhi, kĩ nữ Usa, tướng cướp Raja, công tử Yasa đều quy y dưới giáo pháp của Phật, chỉ duy có nàng công chúa Savitri (người mà người đọc ngỡ sẽ đến quy y dưới giáo pháp của Phật sau này) thì vẫn đứng ngoài tôn giáo mà thái tử Siddhattha lập ra. Điều này khiến cho người đọc cảm nhận về hai thái độ cũng như quan niệm khác nhau của hai nhân vật Đức Phật, nàng Savitri: Với Đức Phật thì tình yêu lớn nhất của Ngài là con đường giải thoát con người khỏi đau khổ. Với nàng Savitri thì tình yêu lớn nhất trong đời của nàng là thái tử Siddhattha. Câu chuyện về nhân vật Tôi và cô gái Savitri cũng kết thúc theo kiểu ngược lại với hướng mở đầu câu chuyện (mở đầu Tôi phải vịn vào vai Savitri để đi trong làn sương dày đặc, kết thúc Savitri đi trước,

“Tôi đi sau, nhưng thực ra là đang lái cô đi. Xuyên qua đêm tối. Với cô lúc này là đêm tối. Còn với tôi đây là buổi chạng vạng bình thường” [66, tr.431]). Hình ảnh này nhằm biểu đạt ý nghĩa: “Tôi” sau khi đến với đất Phật, nghe, chứng kiến những

câu chuyện về cuộc đời của Ngài, “Tôi” thoát khỏi vô minh. Đây là một cốt truyện có kết thúc thuộc dạng cao tay của tác giả Hồ Anh Thái. Truyện tuy đã kết thúc nhưng dường như vẫn chưa kết thúc. Các nhân vật vẫn còn đi lại trong không gian của những câu chuyện. Nàng công chúa Savitri ôm cái bát gỗ (cái bát đựng nước trong buổi lễ hiến tặng cuối cùng dâng lên Đức Phật) ra đi sau khi Phật nhập diệt. Cô gái Savitri lại tiếp tục hành trình đưa khách tìm về với Phật tích.

Tiểu kết

Với quan niệm “Vào tiểu thuyết là được sống nhiều cuộc đời khác. Cuộc đời ta chỉ có một, hữu hạn, đọc tiểu thuyết ta có thêm kinh nghiệm của nhiều cuộc đời, vô tận. Cuốn sách giúp ta được sống nhiều hơn” [69, tr.291]. Tiểu thuyết Hồ Anh Thái dựng lên hàng lớp nhân vật vô cùng phong phú và đa dạng. Nhà văn không trực tiếp miêu tả tính cách hay diện mạo của nhân vật nhưng chỉ bằng việc đặt nhân vật vào những tình huống mà mình đã đề ra, gọi tên nhân vật bằng những ký hiệu hay chỉ bằng vài chi tiết gợi mở nhưng hình ảnh những con người của thời đại hiện qua tác phẩm của nhà văn thật sống động. Qua cách xây dựng nhân vật của Hồ Anh Thái, chúng tôi nhận thấy tác giả không chỉ làm chủ kỹ thuật viết mà còn hiểu rất rõ bản chất của những lớp người mà mình đem vào trang viết. Nhà văn đạt được thành công này cũng có lẽ bắt nguồn từ quan niệm xây dựng nhân vật của mình “Những gì tôi đã viết đều nằm trong nắm lá mà tôi đã chọn. Tôi chỉ viết những gì tôi thích và hợp với mình, như vậy thì không phải tự ép mình, không gò gẫm như đánh vật. Với mỗi nhân vật là thêm một lần được sắm vai mới, mỗi hoàn cảnh tạo dựng ra cho nhân vật là thêm một lần người viết được trải nghiệm, được phiêu lưu” [65, tr. 252]. Những lớp người trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái như vừa từ cuộc đời thực bước vào trang sách nhưng cũng lại vừa giống như những nhân vật được tác giả hư cấu nên để thể hiện quan niệm của mình về con người cũng như cuộc đời. Đến với các nhân vật trong tiểu thuyết của nhà văn họ Hồ, độc giả không chỉ có được cái nhìn về những tấn trò đời trong một trần thế nghiêng ngã chứa đầy những cảnh bi

hài mà còn có thể tìm thấy những tấm lòng bao dung, những con người mang trong mình những khát vọng được làm đẹp cuộc đời và hoàn thiện chính mình. Những bài học triết lý nhân sinh được tác giả thể hiện trong những tiểu thuyết có kết cấu và cốt truyện mang hệ thống thi pháp hiện đại. Với lối dẫn vào truyện một cách tự nhiên, kết cấu truyện dù được tác giả mở rộng trên nhiều bình diện, rất nhiều thể loại được tác giả đưa vào trong tác phẩm nhưng tiểu thuyết của nhà văn lại có sự liên kết chặt chẽ. Điều này chứng tỏ tác giả hoàn toàn làm chủ kỹ thuật viết. Điều đặc biệt trong cốt truyện của tiểu thuyết Hồ Anh Thái là các kết thúc gần như là đi chệch với lối kết thúc nằm trong dự đoán của người đọc khi đọc tiểu thuyết. Cũng có lẽ đây là một phần lý do biến một số tác phẩm của nhà văn trở thành những cuốn sách best- seller trên thị trường. Từ đây cũng có thể nhận ra rằng mỗi cuốn tiểu thuyết đều thể hiện được những cố gắng của tác giả trên từng con chữ, những nỗ lực tự làm mới mình trong nghệ thuật xây dựng kết cấu và cốt truyện. Tiểu thuyết của Hồ Anh Thái từ năm 1986 đến năm 2000 và từ sau năm 2000 đến nay là những minh chứng hùng hồn cho quá trình không ngừng học hỏi và tự làm mới mình của tác giả.

CHƯƠNG 3: THỦ PHÁP NGHỆ THUẬT, NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU TIỂU THUYẾT HỒ ANH THÁI

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 103 - 110)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(176 trang)