6. Kết cấu luận văn
3.1.4 Thủ pháp hiện thực huyền ảo
Thế giới mà chúng ta đang sống là thế giới thực với tất cả sự rộng lớn và bao la của nó. Chúng ta thừa nhận rằng có rất ít văn nghệ sĩ phản ánh được thế giới đúng như chiều kích mà thế giới vốn có.Thế giới do các văn nghệ sĩ tạo ra là một thế giới hữu hạn. Sự hữu hạn này bao gồm các phương diện như kiểu mẫu nhân vật được tạo
ra (trong một tác phẩm nhà văn không thể đưa vào tất cả các hạng người trong xã hội), bản chất con người, đạo đức, tôn giáo, địa lý hay tất cả những đau khổ hoặc vui sướng của nhân loại,… . Nhưng bù lại điều này, nhà văn có thể tạo ra trong tác phẩm một thế giới của riêng mình. Cái thế giới ấy vừa thực nhưng cũng lại có một cái gì đó không giống thực bởi nó được tạo nên từ sự chiêm nghiệm, tưởng tượng và hư cấu của mỗi nhà văn. Và cái thế giới không được sáng tạo bởi bàn tay của thượng đế này càng khiến cho người đọc ngỡ ngàng lẫn thích thú hoặc có khi lại là cảm giác của sự bực bội khi không tìm thấy sự tương đồng giữa quan niệm của mình với quan niệm về cuộc sống của người tạo ra nó.
Khi đề cập đến phương pháp xây dựng thế giới trong tiểu thuyết của mình, Hồ Anh Thái đã nói “Tôi quan niệm tiểu thuyết như một giấc mơ dài, gấp sách lại người ta vừa mừng rơn như vừa thoát khỏi cơn ác mộng, lại vừa tiếc nuối vì phải chia tay với những điều mà đời thực không có. Nếu tôi chỉ dùng phương pháp hiện thực thuần tuý thì sẽ không có được giấc mơ ấy đâu” [65, tr.248]. Từ đây có thể nói rằng thế giới được phản ánh trong tiểu thuyết của nhà văn không chỉ là một thế giới như đúng với thực tế của nó mà còn là thế giới được dựng lên từ những yếu tố kỳ ảo. Trước hết đó là thế giới được tạo nên từ những câu chuyện huyền thoại trong tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo. Tác phẩm mở đầu bằng truyện kể về nghĩa quân Tần Đắc. Một thế giới của cõi âm linh được tác giả dựng lên qua cái chết của hai cha con ông già. Người đọc tiểu thuyết như bị chìm đi trong nỗi sợ hãi bởi khung cảnh mang đầy âm khí “Xác bị ném xuống ang cá hồng. Một cái hồ nước lợ trên núi cao bỗng khét tiếng vì đã hoà lẫn máu người. Vào những ngày động trời, cá hồng nổi trên mặt ang đỏ rực như một lá buồm. Nhưng dân địa phương tưởng đó là một khoảng máu oan không đông đặc mà cũng không tan được” [63, tr.13]. Điểm cao tay trong nghệ thuật xây dựng yếu tố ảo trong tác phẩm của Hồ Anh Thái trước hết là ở việc tác giả đưa yếu tố ảo vào trong không khí của huyền thoại, sau đó kết thúc truyện kể về nghĩa quân này giống như các môtíp thần thoại khác là các nhân vật thanh toán xong tất cả các nợ nần thù hận truyền kiếp. Lời nguyền báo oán ba đời của nghĩa quân Tần Đắc đã được thực hiện xong. Đến đây thì người đọc hoàn toàn
rơi vào trạng thái yên tâm rằng mọi chuyện đã kết thúc, rằng đây là một câu chuyện huyền thoại mang đầy vẻ ma quái và rất hấp dẫn thường được các phụ nữ trong đội Năm kể cho nhau nghe, rằng câu chuyện này được dựng lên có chức năng giống như một câu chuyện ma và nó được tác giả sử dụng như là một trong những thủ pháp để tạo dựng những tính cách đặc trưng của người phụ nữ khi miêu tả về thế giới phụ nữ (phụ nữ vẫn thường mang trong mình những nỗi sợ hãi về một thế giới ma quái). Nhưng rất đột nhiên người đọc bị tác giả kéo tuột ra khỏi những phán đoán rất logic của mình bởi tất cả các câu chuyện huyền hoặc ấy được tác giả kết nối vào hiện thực qua thông tin đời thứ tư của kẻ phải chịu lời nguyền báo thù “Tới Cương là đời thứ tư. Lời nguyền báo thù hẳn không còn động đến anh ta nữa, nhưng vị đắng của chết chóc vẫn còn sót lại.”[63, tr.157]. Như vậy câu chuyện về nghĩa quân Tần Đắc lúc này không phải là câu chuyện tự tưởng tượng của những người phụ nữ trong đội Năm nữa mà là một câu chuyện hoàn toàn có thật. Cái ảo ở đây không không bị tác giả đánh đắm trong sự huyền bí mà đặt nó vào hiện thực. Cái ảo lúc này tồn tại được phải dựa vào hiện thực. Đây cũng là một nghệ thuật đắc dụng trong thủ pháp xây dựng yếu tố ảo của tác giả. Nó giúp đưa người đọc từ nhận thức này sang nhận thức khác, tạo được sự bất ngờ nơi người đọc tiểu thuyết. Bằng việc kể về sự kiện phong nữ thần Đồng Trinh của Savitri ở hiện tại, Hồ Anh Thái đã ngầm chứng minh với người đọc rằng mối liên hệ huyền bí của nàng công chúa Savitri với cô hướng dẫn viên du lịch Savitri trong tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và Tôi là hoàn toàn có thật. Yếu tố tâm linh trong sự liên hệ giữa hai con người ở hai chặng thời gian khác nhau này từ khó tin chuyển thành không thể không tin, từ phi lý chuyển sang hoàn toàn có thể lý giải được.
Tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế dựng lên một thế giới hỗn tạp của cõi người. Trong thế giới này cái thiện xuất hiện rất ít ỏi, cái ác lại chồng lên nhau. Tội ác hiện diện trong từng hành động, từng nếp nghĩ của con người. Cái quả mà con người nhận được từ những hành động của mình là sự trừng phạt. Ở ba chương đầu của tác phẩm là ba cái chết được xếp liên tiếp nhau. Cách thức họ gây tội ác với người khác và con vật ra sau thì khi chết họ ở trong tư thế như vậy. Điều này ứng
với câu thành ngữ “gieo nhân nào gặp quả đó” trong nhân gian. Tiếp theo ba cái chết này là cái chết chuẩn bị ập đến với nhân vật “Tôi” và hàng loạt cái chết khác xảy ra suốt chiều dài cuốn tác phẩm. Điều đặc biệt là những kẻ làm ác này không chịu sự quả báo bởi luật trời mà lại bị một cô gái có công năng trừng phạt cái ác tiêu diệt. Công năng của cô gái này không nằm trong ý muốn của cô mà lại nằm trong ý muốn của cha mẹ cô. Trước khi chết mẹ cô đã truyền lời nguyền sang con gái rằng mai này lớn lên con bà sẽ đi trừng trị cái ác. Chính bản thân Mai Trừng phải lẫn trốn những sự trừng phạt này nhưng kẻ làm ác vẫn tìm đến cô để rồi nhận lấy cái chết thảm. Hành trình giải lời nguyền đưa Mai Trừng và nhân vật Tôi trở về chiến trường xưa nơi cha mẹ Mai Trừng hi sinh. Trong nghi thức giải toả lời nguyền, người đọc chứng kiến hai cõi cùng tồn tại song song trong một không gian với dòng thời gian được tác giả kéo chậm lại rồi căng dần nó lên. Thế giới cõi âm bắt đầu bằng trạng thái như bị nhập đồng của Mai Trừng.Tiếp sau khung cảnh này là nghi thức giải lời nguyền, một cuộc đối đáp không có lời nói trực tiếp nhưng người đọc vẫn hiểu nội dung cuộc đối đáp của người cõi âm và người dương gian qua trạng thái của cỏ cây xung quanh.
Trong tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế, nhà văn Hồ Anh Thái còn “chụp” được cảnh một điệu múa ma quái dưới ngọn lửa của các cô gái làng chơi trong một đêm ế khách ở bãi tắm Bình Sơn “Ngọn lửa cứ phất phơ lên xuống, khép kín thành một đường parapôn. Có hàng chục vòng lửa như thế đằng sau ghềnh đá. Cuộc đốt vía tập thể, vũ điệu lửa tập thể. Những vũ nữ kiên gan dạng chân compa hai mươi lăm độ, đứng yên mà lắc mình theo đà vung tay cầm ngọn lửa, điêu luyện như đã đứng đấy cả nghìn năm rồi” [65, tr.17]. Ngọn lửa đốt vía tập thể hiện lên trong tiểu thuyết khiến cho chúng ta mường tượng nó giống như những ngọn lửa ma trơi đang bay vô định giữa những ngôi mộ mới chôn ở nghĩa địa. Cái ngọn lửa được đốt lên cùng với vũ điệu xua tan đi cái xúi quẫy của những cô gái làng chơi trong một đêm ế khách vừa mang tính ma quái nhưng cũng lại là những điệu múa mà người đọc vẫn nhìn thấy hàng ngày ngoài đời. Hình ảnh vừa ảo vừa thực ấy được tác giả sử dụng không nhằm mục đích gây cười, trái lại giọng văn ở đây chùng
xuống đầy xót xa thương cảm cho kiếp người “Vòng lửa lại cháy rừng rực, lại luyến láy phừng phừng từ nơi xuất phát ấy, vung lên đến trời, ngoặt lối ra sau lưng để cầu xin những gì họ bỏ lại đằng sau”[65, tr.16]. Khi xây dựng một thế giới tâm linh dựa trên nền hiện thực trong tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế, Hồ Anh Thái dường như hướng lòng mong muốn tha thiết về một xã hội hướng thiện, con người trở nên bao dung hơn. Trong một xã hội, bên cạnh cái thiện còn có cả cái ác, thậm chí cái ác có đôi khi còn chiến thắng cả cái thiện nhưng khi cái thiện dành phần chiến thắng (như sự kết thúc có hậu của tiểu thuyết này) thì con người sẽ lôi được cái ác ra trước ánh sáng. Và việc mà mỗi cá nhân cần làm trong thời đại ngày nay không phải trừng phạt nó mà ngược lại là cảm hoá nó, hướng nó về nẻo thiện. Tuy nhiên chúng tôi nhận thấy khi xây dựng nhân vật Mai Trừng là cô gái nhận sứ mệnh đi diệt trừ cái ác, rất nhiều cái chết thảm khốc diễn ra ngay trước mắt cô nhưng tất cả những diễn biến tâm lý khi cô gái chứng kiến những cái chết này hầu như không được tác giả khắc hoạ sâu sắc. Nếu như tính cách của cô gái này cùng với những năng lực dự cảm của cô được phát triển ở tầng sâu hơn thì hồi chuông mà tác giả gióng trong “cõi người” sẽ có hiệu quả cao hơn.
SBC là săn bắt chuột là cuốn tiểu thuyết khai thác chất liệu từ những sự kiện hàng ngày trong cuộc sống. Tồn tại bên cạnh thế giới hiện thực của con người còn có một thế giới chuột đầy hư ảo. Cũng giống như xã hội của con người, chuột cũng có chức danh trong hàng ngũ của mình, có chuột trùm, phó tướng, vợ bé, … . Kết thúc tiểu thuyết là một đám ma chuột được tổ chức đình đám có hàng có lớp, có cả những kìm nén tiếng khóc than. Khung cảnh đám tang càng tăng thêm vẻ hư ảo và huyền bí khi hàng vạn con chuột vì đau thương trước cái chết của chủ tướng đã đồng loạt lao đầu xuống dòng sông Hồng tự tử. Hình ảnh tự tử tập thể của loài chuột vào cuối cuốn tiểu thuyết khiến cho người đọc giật mình và trăn trở về một thế giới con người đầy mưu mô và sẵn sàng hại nhau bất chấp cả tình thân trải dài cả cuốn tiểu thuyết. Việc dựng nên một thế giới chuột vốn là loài sống trong cống và ăn cả xác người chết nhưng lại là loài sống có nghĩa có tình với đồng loại của mình phải chăng Hồ Anh Thái muốn con người hôm nay hãy nghĩ nhiều hơn về những việc mà
con người đã từng làm cho nhau để từ đó định hướng lại những cư xử của mình trong cuộc sống. Xem chừng như dù viết về cái ảo hay về sự tráo trở của con người trong xã hội đi chăng nữa thì cái tâm của nhà văn vẫn mong con người tìm về với sự trắc ẩn và lòng hướng thiện. Trên tất cả những điều đó chúng tôi cảm nhận được Hồ Anh Thái dù viết rất nhiều về cái xấu của con người nhưng dường như nhà văn này đã thấu hiểu tất cả những đau khổ mà con người dù nghèo hay giàu dù ở cấp bậc địa vị nào cũng đều ẩn trong mình những nỗi đau riêng “Tôi ba mươi lăm tuổi. Tuổi ấy Đức Phật được giác ngộ. Có nhiều người đi qua tuổi ba mươi lăm mà mãi mãi không giác ngộ. Có những người giác ngộ trước cả tuổi ba mươi lăm. Ngộ muộn hay ngộ sớm, họ tất thảy đều đáng thương” [65, tr.241].