Nghệ thuật tiểu thuyết Hồ Anh Thái từ sau năm 2000 đến nay

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 57 - 67)

6. Kết cấu luận văn

1.2.2. Nghệ thuật tiểu thuyết Hồ Anh Thái từ sau năm 2000 đến nay

Giai đoạn từ sau năm 2000 đến nay, tiểu thuyết Hồ Anh Thái có sự chuyển biến rõ rệt về khả năng chiếm lĩnh tầng sâu hiện thực cũng như tư duy nghệ thuật. Thời gian này nhà văn ra mắt bạn đọc các tiểu thuyết như Cõi người rung chuông tận thế (2003), Đức Phật, nàng Savitri và Tôi (2006), Mười lẻ một đêm (2006), SBC là săn bắt chuột (2011). Tiểu thuyết Hồ Anh Thái giai đoạn này tạo nên phong cách của nhà văn. Khi bàn về sự chuyển đổi giọng điệu và phong cách của nhà văn, Hồ Anh Thái đã nói “Hiện thực và không gian nghệ thuật của mỗi cuốn sách đòi hỏi một cách xử lý riêng, một giọng điệu riêng, văn phong riêng. Tôi tránh lặp lại người khác và lặp lại chính mình. Tôi cho rằng, người có phong cách chính là không khư khư bám lấy một phong cách cố định, bất biến. Có phong cách tức là phải đa giọng điệu, dù anh có đổi giọng đến như thế nào thì vẫn là trên cái nền tảng văn hoá của anh, trên tầm nhìn của anh vào thế giới và nhân sinh mà thôi. Cho rằng thay đổi giọng điệu sẽ làm loãng phong cách của chính mình là một cách

hiểu đơn giản và làm cho người sáng tạo lười biếng, ngại làm mới mình” [65, tr.246].

Nếu hiện thực trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái giai đoạn từ 1986 đến năm 2000 là một hiện thực đa chiều, hiện thực này gắn liền với hiện thực của đất nước thời kinh tế thị trường thì hiện thực được phản ánh trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái từ sau năm 2000 đến nay hiện lên như một vở hài kịch với tất cả sự biến đổi muôn mặt của nó.Gởi cái nhìn sắc cạnh của mình vào cõi nhân sinh, cuộc đời xuất hiện trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái không phải là một màu hồng mà là với tất cả những trớ trêu, nghịch cảnh. Chính vì vậy mà hiện thực có mặt trong các sáng tác sau này của nhà văn không còn nguyên vẹn và hài hoà nữa. Cuộc sống của Hà Nội và Sài Gòn với sự giả dối của giới trí thức, sự kệch cỡm của những phòng khách, sự chán ngắt của lớp thị dân cùng với thói trưởng giả của giới thượng lưu được Hồ Anh Thái phản ánh sâu sắc trong các tiểu thuyết của mình. Trong giai đoạn sáng tác này, nhà văn cố gắng tạo ra một thế giới vừa giống thực bằng cách góp nhặt những chi tiết từ đời sống thực ngập đầy biểu tượng kết hợp với các yếu tố ảo.Với góc độ tiếp cận hiện thực như vậy, nhà văn đã xây dựng trong tác phẩm của mình những bi kịch trong cõi người và cũng từ đây chân dung cuộc đời hiện lên với nhiều góc khuất, nhiều trạng thái, nhiều giá trị tốt xấu đan cài lẫn lộn. Mai Trừng trong tiểu thuyết

Cõi người rung chuông là một cô gái mang lời nguyền của cha mẹ khi họ bị chết thảm khốc trong chiến tranh: trừng trị cái ác. Bằng công năng mà mình không thể điều khiển được, cô đã làm chết những kẻ muốn xâm hại cô nhưng cũng đồng thời lại làm tổn hại cả người yêu của cô. Từ đây, một câu hỏi mang đậm chất triết lý đã được đặt ra: như thế nào là ác, như thế nào là thiện ?. Muốn trả lời được câu hỏi này đòi hỏi mỗi người phải có một tri thức, một kinh nghiệm sống cùng với những suy tư, trăn trở của mình trước cuộc đời.

Chiều sâu trong cái nhìn nghệ thuật của nhà văn được bộc lộ trước hết ở việc tác giả biết vượt qua lối mòn của tư duy xem văn học như tấm gương phản ánh hiện thực để nhìn cuộc đời như nó vốn có. Hiện thực trong các tiểu thuyết của nhà văn

bao giờ cũng nhiều góc cạnh, nhiều chiều. Độ sắc trong cái nhìn hiện thực của tác giả còn thể hiện ở chỗ tất cả những bi kịch của cuộc đời và cõi nhân sinh hiện lên trong tác phẩm giống như những mảnh vỡ. Các nhà văn hậu hiện đại vẫn gọi những mảnh vỡ của cuộc đời là “Hiện thực phân mảnh”. Vì nhìn cuộc đời như những mảnh vỡ thế nên trong các tiểu thuyết của Hồ Anh Thái luôn có sự song hành giữa cái ác và cái thiện, cái cao cả và cái thấp hèn, cái sang trọng và cái nhếch nhác, cái thanh cao xen lẫn với cái phàm tục. Tuy nhiên điều cần bàn đến ở đây là phía sau những bi kịch nhân sinh nhà văn vẫn hướng niềm hy vọng vào con người, vẫn khát khao hướng cuộc đời và con người vào cái đẹp trong cuộc sống.

Điều đặc biệt trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái giai đoạn sau là hiện thực mà nhà văn phản ánh không chỉ là con người và xã hội Việt Nam mà tác giả còn nói về đất nước Ấn Độ với chiều kích không gian được nới rộng ra cả thời cổ đại và hiện đại thông qua nhân vật nàng Savitri. Đất nước và lịch sử Đức Phật được tác giả dựng lên rất công phu bằng cách di chuyển liên tục điểm nhìn trần thuật, sử dụng yếu tố ảo, nghệ thuật hư cấu, khai thác nhiều nguồn tư liệu triết học Phật giáo và lịch sử Phật giáo, ….Thành công nhất của cuốn tiểu thuyết này là xây dựng một hình ảnh Đức Phật vừa giản dị vừa gần gũi với thế giới con người.

Nếu nhân vật trong các tiểu thuyết của nhà văn giai đoạn từ năm 1986 đến năm 2000 được xây dựng dựa trên cơ sở có sự đan xen giữa cả hai mặt tốt và xấu thì nhân vật trong các tiểu thuyết giai đoạn sau ngày càng dị thường hoá. Cái dị thường này được nhà văn xác lập bằng cách xác định những sở thích dị thường đến gần như là không tưởng. Thuật ngữ văn học gọi lớp nhân vật này là nhân vật nghịch dị. Nhân vật Cốc trong tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế là kẻ đại diện cho lối sống thác loạn, anh ta chỉ thích tìm khoái cảm trong việc bóp cổ một con vật. Hoạ sĩ Chuối Hột trong tiểu thuyết Mười lẻ một đêm thì lại có sở thích thoát y ở bất cứ nơi nào.Sở thích khoả thân này của hoạ sĩ Chuối Hột được tác giả khuếch trương đến cực đại: “Bốn mươi tám cái xuân xanh là bốn mươi tám mùa cởi mở. Thời trang yêu thích nhất là bộ cánh lúc lọt lòng mẹ” [69, tr.19].

Thế giới hiện đại luôn ẩn chứa sự bất ổn. Nó không còn là sự sở hữu của một gia tộc hay một cá nhân. Mỗi con người trong thế giới hiện đại có một số phận riêng và không thể đồng nhất số phận của một vài cá nhân với số phận của nhân loại. Quan niệm lấy con người làm trung tâm phản ánh trong văn học gần như không còn cơ sở để tồn tại như Alain Robbe – Grillet đã nói: “Ngày nay, thế giới của chúng ta ít chắc chắn về chính nó, có thể nó khiêm tốn hơn vì nó đã chối bỏ sự vạn năng của con người, nhưng nó lại cũng đầy tham vọng hơn vì nó nhìn vượt lên trên điều đó. Sự tôn sùng độc đáo của “ tính người” đã nhường chỗ cho một nhận thức rộng hơn, ít tính chất coi loài người là trung tâm vũ trụ hơn” [53, tr.37]. Con người xuất hiện trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái bị phân tán thành một chủ thể phi trung tâm, bao gồm nhiều mảnh vụn và chúng hoà tan vào khung cảnh chung. Nhân vật như một con rối trong bàn tay điều khiển điêu luyện của tác giả. Chúng xuất hiện và hành động nhằm mục đích minh hoạ cho nhận định của tác giả về cuộc đời đầy những bất an và nghịch lý. Tiểu thuyết Mười lẻ một đêm bắt đầu bằng sự hiện diện của hai nhân vật “ Người đàn ông”“Người đàn bà”, nhưng hai nhân vật này không phải là trung tâm của truyện được kể. Họ xuất hiện với vai trò của người kể chuyện. Qua câu chuyện của hai nhân vật này, hàng lớp nhân vật khác xuất hiện như “Bà mẹ”, “Ông víp” “ hoạ sĩ Chuối Hột”, “Thằng bé”,…

Tiểu thuyết Hồ Anh Thái giai đoạn từ sau năm 2000 đến nay cũng có những thành công đáng kể trong việc xây dựng con người bản năng. Nếu tính dục của các nhân vật trong tiểu thuyết giai đoạn trước còn có sự kìm chế bởi những định kiến xã hội thì dục tính trong các nhân vật của tiểu thuyết giai đoạn sau lại được bộc lộ một cách vượt quá tự nhiên. Nàng Savitri trong tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và Tôi ngang tàng, phóng túng và đối kháng với mọi giáo điều. Nàng sống với tất cả bản năng của mình – nàng quan hệ thể xác với hầu hết đàn ông mà nàng quen biết. Thế nhưng trên tất cả sự đam mê về dục lạc ấy là tình yêu thánh thiện và vô vọng của nàng dành cho Đức Phật vẫn mãi trường tồn qua muôn kiếp làm người của nàng.

Nhân vật trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái giai đoạn sau phần lớn là những nhân vật nghịch dị nên yếu tố sex cũng mang yếu tố nghịch dị. “Bà mẹ” trong tiểu thuyết Mười lẻ một đêm là nhân vật đậm chất nghịch dị. Cái dâm của người đàn bà này được nhấn mạnh như một điểm đen trên văn bản. Năm lần đò và vô vàn những cuộc tình ái không thể đếm được, sự ham hố nhục dục của bà không hề giảm mà nó lại càng tăng theo cấp số nhân. Yếu tố sex nghịch dị còn xuất hiện và lặp đi lặp lại trong nhân vật “Giáo sư” cha của “Cô Báo” trong tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột.

Bên cạnh những cách tân về nghệ thuật xây dựng nhân vật, kết cấu và cốt truyện trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái được nhà văn thể hiện theo thi pháp kết cấu và cốt truyện của tiểu thuyết hiện đại. Với lối kết cấu nén rất chặt cùng cốt truyện lồng ghép, cốt truyện phân mảnh khiến cho hiện thực hiện lên trong tiểu thuyết của nhà văn trở nên ngổn ngang, đa chiều kích.

Mỗi con người đều có cách nhìn khác nhau về cuộc sống diễn ra xung quanh mình. Nhà văn có thực tài bao giờ cũng có cái nhìn độc đáo trước sự biến đổi khôn lường về thế giới. Hồ Anh Thái không nhìn cuộc đời bằng con mắt của cổ tích. Cuộc sống hiện hình qua tác phẩm của nhà văn có muôn mặt và muôn màu, nó hợp thành một tác phẩm nghệ thuật mang dáng dấp của một hợp âm phố phường. Trước một cuộc sống đa diện và đa chiều như vậy, nếu nhà văn giữ đều đều một giọng kể sẽ giống như một giáo viên ru ngủ học sinh ngay trong giờ giảng bài của mình. Trên cơ sở vốn sống văn hoá phong phú, nhà văn là người luôn thay đổi giọng điệu của mình cho phù hợp với từng văn cảnh được miêu tả trong văn bản. L.Tolstoi đã từng nói rằng cái khó nhất của một nhà văn khi bắt đầu xây dựng một tác phẩm là phải chọn cho mình một giọng điệu phải thích hợp. Ngôn ngữ là cái có sẵn nhưng giọng điệu không phải tự nhiên mà có. Nó là một hiện tượng nghệ thuật độc đáo được tích hợp và tổ chức một cách công phu. Một nhà văn có bản lĩnh bao giờ cũng lựa chọn cho mình và nhân vật của mình một giọng nói trùng khít với tính cách và môi trường mà anh ta đang tồn tại. Các tiểu thuyết giai đoạn từ sau năm 2000 đến nay của Hồ Anh Thái mang một giọng điệu khác so với các tiểu thuyết ở giai đoạn

trước. Màu sắc trữ tình không mất đi mà biến hoá sang một dáng vẻ khác, mang hơi thở của cuộc sống hiện đại. Giọng tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế được cấu tứ theo mạch của một bài thơ trữ tình. Mỗi chương của cuốn tiểu thuyết được tổ chức như một khổ thơ với sự lặp lại của vần điệu. Nhìn chung tiểu thuyết Hồ Anh Thái xuất hiện sau này thì chất giọng giễu nhại đóng vai trò chủ đạo. Nó xuất hiện như một giọng chính trong một bản hợp âm ở các tiểu thuyết giai đoạn này. Giọng điệu giễu nhại, đả kích sâu cay là giọng điệu chủ lực của các tiểu thuyết Mười lẻ một đêm, Cõi người rung chuông tận thế, SBC là săn bắt chuột. Bên cạnh giọng điệu đả kích, giễu nhại, một loạt thanh âm khác xuất hiện như giọng điệu triết lý, giọng điệu vô âm sắc, … . Tất cả các giọng điệu này hợp lại tạo thành giọng tiểu thuyết đa thanh trong phong cách viết tiểu thuyết của Hồ Anh Thái.

Tiểu kết

Văn học Việt Nam từ sau năm 1986 có sự khởi sắc trong văn xuôi, trong đó tiểu thuyết vẫn đóng vai trò chủ đạo bộc lộ rất rõ ưu thế của mình trong thời kỳ đổi mới. Tiểu thuyết trỗi dậy như một như một thể loại mang tính bức phá về mọi mặt như đội ngũ những người viết trở nên đông đảo, các cuộc thi viết tiểu thuyết diễn ra khá dày đặc, bạn đọc có thể làm quen với các tác giả ở hải ngoại và các tác giả Việt Nam cũng có cơ hội giới thiệu các sáng tác của mình với bạn đọc trên khắp cả thế giới. Từ đây, không chỉ một nền văn học Việt Nam được biết đến mà còn có cả đất nước Việt Nam, văn hoá Việt Nam và những con người Việt Nam được người người đọc trên thế giới hướng đến. Tiểu thuyết Việt Nam từ năm 1986 đến nay đổi mới chủ đề, nội dung phản ánh và tất yếu dẫn đến những cách tân về mặt nghệ thuật. Đây là những nỗ lực đáng ghi nhận của các nhà văn trên con đường hoàn thiện nền văn học nước nhà.

Hồ Anh Thái là nhà văn nổi lên như một hiện tượng trên văn đàn từ sau năm 1986. Tiểu thuyết của tác giả có sự thống nhất nhưng không đồng nhất về nội dung, nghệ thuật ở hai chặng đường từ năm 1986 đến năm 2000 và từ sau năm 2000 đến nay. Quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn giai đoạn trước hướng đến

con người cá nhân luôn tự ý thức về chính mình và nhận thức được thế giới xung quanh.Tác giả rất chú ý đến việc khai thác con người bản năng cũng như những thay đổi của cuộc sống thời đại. Bên cạnh cái nhìn mới mẻ của nhà văn về hiện thực và con người thì giọng điệu trữ tình xen lẫn với giọng hài hước tinh tế là giọng điệu chủ đạo trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái giai đoạn này. Tiểu thuyết của nhà văn giai đoạn từ sau năm 2000 đến nay kế thừa và phát triển quan niệm nghệ thuật về hiện thực và con người cũng như giọng điệu, kết cấu, cốt truyện trong văn học giai đoạn 1986 lên một tầng cao hơn. Hình tượng nhân vật trong tiểu thuyết giai đoạn sau là những lớp người hiện đại nơi thành thị. Với giọng văn chủ đạo là hài hước và giễu nhại, tác giả đã dựng lên trang viết của mình một trần thế ngả nghiêng, đầy rẫy sự tức cười. Nhưng đằng sau những tiếng cười ấy là tấm lòng tha thiết của tác giả mong cuộc đời sẽ đẹp hơn sau những trang viết của mình.

CHƯƠNG 2: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT TRẦN THUẬT, KẾT CẤU VÀ CỐT TRUYỆN TIỂU THUYẾT HỒ

ANH THÁI

Tiểu thuyết Hồ Anh Thái tạo nên một sự khác lạ trên mặt bằng văn xuôi giai đoạn 1986. Tác giả là một nhà văn không ngại làm mới mình trên hành trình sáng tác. Hệ thống nhân vật trong các tác phẩm của nhà văn từ hiện thực ngồn ngộn của cuộc sống đi qua suy tưởng của tác giả rồi đến với người đọc một cách sinh động. Chúng ta có thể bắt gặp những chân dung về những lớp người của thời đại trong các sáng tác của tác giả nhưng không nhìn thấy được bất kỳ một bản photocopy nào của con người thực trong nhân vật của nhà văn. Để có được một hệ thống nhân vật phong phú và đa dạng trong tiểu thuyết của mình, Hồ Anh Thái sử dụng rất nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau. Không chỉ thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, tiểu thuyết của nhà văn họ Hồ còn khẳng định tài năng của mình qua hệ thống kết cấu và cốt truyện mang phong cách sáng tác của thi pháp tiểu thuyết hiện đại. Đây là những nỗ lực không ngừng trong công việc viết văn. Hồ Anh Thái là

Một phần của tài liệu đặc điểm nghệ thuật trong tiểu thuyết hồ anh thái (Trang 57 - 67)