6. Kết cấu luận văn
3.2.2. Ngôn ngữ trữ tình giàu chất thơ
Hồ Anh Thái là nhà văn luôn cổ suý cho khuynh hướng sáng tác đa phong cách, đa giọng điệu. Ở mỗi tác phẩm ra đời, nhà văn bao giờ cũng cố gắng tránh lặp lại người khác và lặp lại chính mình. Tiểu thuyết của tác giả bao giờ cũng chứa một cái gì rất lạ truyền đến cho người đọc một cảm giác rất thích thú. Tuy nhiên cái lạ ở đây không bao hàm những cái quái dị, lâm ly kỳ bí mà tác giả cố tình tạo ra để câu khách. Các tác phẩm của nhà văn phản ánh một cách nhìn cuộc đời, con người và một trường liên tưởng đi chệch với những logic thông thường để hướng đến một thế giới với muôn nghìn mảnh vỡ khác nhau. Tiểu thuyết của nhà văn hầu hết đều xuất hiện yếu tố ảo, chính yếu tố này tạo nên nét lung linh trong thế giới mà anh tạo dựng nên. Điều mà người đọc dễ nhận thấy nhất là các tiểu thuyết của tác giả gần như cuốn nào cũng lặp lại môtíp có một tấm màn mỏng được giăng mắc trong không gian. Tấm màn này được tác giả dệt nên từ chất liệu thiên nhiên như sương, ánh sáng của trăng, không khí vì vậy nó mang trong mình một vẻ đẹp của cõi liêu trai. Hồ Anh Thái đem tấm màn ngăn không gian ra làm hai thế giới: giữa thực và
ảo, giữa hiện đại và cổ tích, giữa vô minh và giác ngộ. Tấm màn có một không hai này đưa người đọc từ những xô bồ của cuộc sống đến với những phút giây thăng hoa cảm xúc bởi nét đẹp, nét thơ hiện lên từ trong ngôn ngữ của tiểu thuyết. Tiểu thuyết Đức Phật nàng Savitri mở đầu xuất hiện màn sương trắng dày đục phủ khắp vùng biên giới Ấn Độ - Nepal khiến cho tất cả mọi người không xác định được lối đi trừ nàng Savitri. Tiểu thuyết kết thúc với “Không gian cứ vàng nhợt mãi ra như giặt quá tay” [66, tr.43]. Tác giả sử dụng tấm màn sương dày đục và không gian vàng nhợt ở đầu và cuối tác phẩm không chỉ làm cho vùng biên giới Ấn Độ - Napel thêm hư ảo mà còn ngăn con người ra làm hai thế giới: vô minh và giác ngộ. Ở tiểu thuyết Trong sương hồng hiện ra xuất hiện một màn sương hồng làm cho không gian của thời quá khứ trở nên thơ mộng hơn “Một làn sương hồng từ từ kéo ngang qua mặt sông, che khuất dần cảnh vật. Bắt đầu là hòn cù lao xanh mướt ngô non nổi trên mặt sông khi mùa cạn, sau đó là ngọn cau và tháp chuông nhà thờ bên kia sông cũng mờ dần và biến mất. Sương hồng phủ lên bãi cát phẳng lặng lúc tinh mơ, chưa có một dấu chân nào tàn nhẫn giày lên” [63, tr.218]. Dòng thời gian lúc này đang ở thời quá khứ, không gian được tác giả miêu tả từ xa đến gần. Ngôn ngữ nhà văn dùng để miêu tả rất thanh, từng câu từng từng chữ đều được tác giả trau chuốt tạo nên một bức tranh thiên nhiên trữ tình, giàu chất thơ. Khung cảnh tuy mang vẻ đẹp cổ điển nhưng ngôn ngữ mà tác giả dùng lại mang tính hiện đại. Hình ảnh ẩn dụ trong cụm từ “chưa có dấu chân nào tàn nhẫn giày lên” vừa chỉ sự yên tĩnh của thiên nhiên vào buổi sáng nhưng lại cũng phản ánh được thái độ trân trọng thiên nhiên và tinh thần hướng đến sự thanh cao của tác giả. Đây là sự đúc gọt trong ngôn từ mà Lưu Hiệp từng nói trong Văn tâm điêu long “Đúc gọt là uốn nắn lại tư tưởng tình cảm sửa chữa, trau chuốt lại hình thức của lời văn. Làm cho cái bản chất theo đúng khuôn phép gọi là “đúc”, cắt tỉa lại những lời rườm rà gọi là “gọt”.” [44, tr.108]. Tiểu thuyết Người và xe chạy dưới ánh trăng thể hiện tư duy thơ trong văn xuôi qua hình ảnh cả tiếng chuông rung, cả người và xe nhuộm đầy ánh trăng trôi vụt qua và “biến mất sau lối ngoặt”,cuộc gặp gỡ giữa Trang và Toàn mang đậm âm hưởng câu chuyện tình của chàng Chữ Đồng Tử và nàng Tiên Dung. Ngôn ngữ giàu
chất thơ trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái luôn dung dị, nhẹ nhàng và có một nét duyên ngầm. Ngôn từ trong lời văn của tác giả không chỉ đẹp ở dáng vẻ bên ngoài, ở sự trau chuốt công phu mà còn khó khả năng đi sâu vào, biểu đạt được những khoảng lặng trong tâm hồn của con người, những cảm xúc được kìm chế tận đáy sâu của tâm hồn “Chính từ nỗi mất mát, và những ý nghĩ này, nên Toàn rút lui vào trong cánh cửa do chính mình dựng lên chăng? Có khi sự mất mát lại khiến cho con người thích lao vào chỗ đông người, thích nhảy vào những nơi ồn ã để bù lấp khoảng trống hụt hẫng của mình cơ mà? Nhưng với Toàn, nó đã cứa vào trái tim non trẻ của anh, để lại những đường răng không thôi ứa máu”. [62, tr.93]. Tiểu thuyết Hồ Anh Thái có sự liên kết chặt chẽ giữa cái thẩm mỹ ở hình thức sử dụng ngôn ngữ và nội dung ý nghĩa biểu đạt bên trong của nó. Mối quan hệ này giống như mối quan hệ của cánh hoa và đài hoa, cánh hoa và đài hoa nâng đỡ nhau, đầu và đuôi là một thể thống nhất như Lưu Hiệp từng nói.
Chất trữ tình và tư duy thơ trong văn xuôi của Hồ Anh Thái biểu thị rất rõ qua cấu trúc câu. Phổ biến trong tiểu thuyết của nhà văn là các dạng câu có tính chất đối xứng. Lưu Hiệp trong Văn tâm điêu long nói về cái đẹp trong lời văn cân đối như sau: “Nói cái đẹp của đối lời là cốt ở tinh và khéo. Cái quý nhất trong đối việc là phải đối thích đáng”. [44, tr.116]. Các câu văn trong tiểu thuyết của tác giả thực hiện phép đối dựa trên nguyên tắc lời văn đi sóng đôi với nhau, ý văn này xuất hiện kéo theo ý văn kia ra đời. Ý nâng đỡ ý, câu nâng đỡ câu tạo cho cấu trúc câu trở nên hài hoà, cân đối. Dạng câu đối xứng thường xuất hiện trong tiểu thuyết thời kỳ sau của nhà văn. Sự đối xứng câu trong cấu trúc Mười lẻ một đêm ngoài tác dụng tạo tính cân đối và nét duyên trong lời văn của tiểu thuyết thì còn mang tính trào phúng cao: [69, tr. 14], “Bên này gã vẩn mải miết dốc ngược đầu trần trụi. Bên kia bà mẹ đắm chìm trong tiếng mõ cốc cốc tiếng chầu văn a à ới à” [69, tr.22], “Con gái luôn nghiêm túc chín chắn bao dung. Bà mẹ luôn tươi trẻ hiếu động nông nổi lầm lỡ” [69, tr.55], … . Tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế xuất hiện dạng câu đối xứng có tần số cao, hầu như trang nào chúng ta cũng gặp dạng câu này: “Đầu vào là một cái quan tài bằng gỗ. Đầu ra là một lọ tro” [ 65, tr.36], “Xác ở Bắc đưa
vào Nam. Xác Nam đưa ra Bắc” [35, tr.93,] “ Mọi nỗi đau đều được thời gian xoa dịu. Mọi sai lầm đều có thể sửa chữa được” [35, tr.93], , … . Chúng tôi nhận thấy rằng chính tính chất cân đối ở câu văn khiến cấu trúc ngôn ngữ trongtiểu thuyết vừa đẹp, vừa lạ, cốt cách của văn chương cổ điển được tác giả vận dụng nhuần nhuyễn để phổ vào hình thức ngôn ngữ hiện đại tạo nên phong cách văn chương Hồ Anh Thái. Ngôn ngữ trữ tình giàu chất thơ không chỉ thể hiện ở dạng câu có tính chất đối xứng mà còn thể hiện ở nhịp điệu của câu văn. Các điệp ngữ, điệp từ xuất hiện tạo nên các vế tiểu đối trong câu văn. Dạng câu lặp lại một từ hay một ngữ nhằm tạo nhạc điệu được nhà văn sử dụng hầu hết ở các tiểu thuyết giai đoạn từ sau 1986 đến năm 2000: “Đôi đứng, đứng run giật cả cây dương. Cặp ngồi, ngồi động thấu cả ngọn dương giãy dụa. Cặp nằm, nằm quằn quại cả gốc cây khoảng cát”[65, tr.18], “Anh Thế nghĩ vậy. Tôi nghĩ vậy. Nhiều người nghĩ vậy” [65, tr.129], “Cha lập công ty của cha, mẹ lập công ty của mẹ, con lập công ty của con. Úm ba la, ba ta đều là giám đốc” [65, tr.137].Ngôn ngữ trữ tình giàu chất thơ trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái luôn có sự uyển chuyển trong âm điệu, vần sử dụng và nhịp điệu biến đổi linh hoạt, khi nhanh, khi chậm, khi lặp lại, khi đối xứng nhau tạo nên tính thơ và tính nhạc cho lời văn. Nếu ngôn ngữ đời thường khiến cho người đọc chứng kiến một cuộc đời phồn tạp thì ngôn ngữ trữ tình trong tiểu thuyết của nhà văn đưa người đọc về với những “giấc mơ dài”, giấc mơ của sự bình yên, cái đẹp trong cuộc sống. Mặt khác, việc thơ hoá trong lời văn tiểu thuyết có tác dụng làm nhoè đi ranh giới giữa cái thực và cái ảo. Người đọc bước vào tiểu thuyết của Hồ Anh Thái như bước vào cõi liêu trai, quên đi những đau khổ khó khăn mà mình vấp phải trong cuộc đời để có phút giây được sống lại những cảm xúc tinh tế của lòng mình trong sự du dương của nhịp điệu lời văn để từ đó nhìn nhận con người và thế giới một cách sâu sắc hơn. Ngôn ngữ trữ tình giàu chất thơ trong tác phẩm của nhà văn vừa là sự kế thừa ngôn ngữ sử thi của dòng văn học trước vừa là sự cách tân sáng tạo dựa trên thi pháp tiểu thuyết mới. Chính vì điều đó mà tiểu thuyết Hồ Anh Thái không chỉ là sự khẳng định cái đẹp của tiếng Việt mà còn có khả năng thanh lọc tâm hồn con người, đưa người đọc đến với cái chân, thiện, mỹ của cuộc đời.