6. Kết cấu luận văn
3.2.3. Ngôn ngữ đời thường mang tính thị dân
Cuộc sống xung quanh chúng ta biến đổi từng phút, từng giờ. Chất liệu văn học bao giờ cũng được lấy từ cuộc đời thực vì thế không thể bất biến trong khi vạn vật diễn ra chung quanh nó đều thay đổi. Cái nhìn văn học mang đậm chất sử thi giai đoạn trước mất đi vị trí ưu thế của mình. Xu hướng nhìn hiện thực như nó vốn có xuất hiện và dần khẳng định vị trí của trên văn đàn. Để diễn tả một hiện thực đa chiều với sự tồn tại muôn mặt của nó các nhà văn hôm nay thường sử dụng ngôn ngữ gần gũi với đời sống hằng ngày nhưng lắm góc nhiều cạnh hơn. Tiểu thuyết Hồ Anh Thái xoá bỏ đi cái nhìn mang tính sử thi để tiến gần hơn với cuộc sống thực của con người hiện đại. Điểm qua các sáng tác về tiểu thuyết của nhà văn, nhất là các tiểu thuyết giai đoạn sau chúng tôi nhận thấy có một lượng lớn các lớp từ ngữ mới của cuộc sống thành thị du nhập vào trong tác phẩm . Các lớp từ mới này đại đa số là nhà văn góp nhặt được từ cuộc sống nơi đô thị và một phần nhỏ là tác giả sáng tạo nên. Đây là một trong những đặc điểm hình thành nên phong cách Hồ Anh Thái. Một điều đặc biệt trong tất cả các tiểu thuyết nhà văn là đều phản ánh cuộc sống thành thị với những mẫu nhân vật ở nơi phồn hoa, đặc biệt là tầng trí thức cao và cán bộ ngoại giao. Hồ Anh Thái nói về xu hướng chọn đối tượng để viết của mình như sau “Dịp đầu năm, có tờ báo mời viết truyện ngắn nhằm vào đối tượng độc giả nông dân, tôi phải lập tức trình bày: tôi không viết gì về nông thôn cả. Nếu không có hai lần đi sơ tán thời chống Mỹ thì tôi không có một tí kỷ niệm nào về cánh đồng, ao đầm, mùa màng…Có lẽ chính là hoàn cảnh đã chọn đề tài cho tôi, sống đâu quen đấy, làm gì biết nấy. Không thể gọi là đã hiểu, nhưng có thể nói tôi thuộc về môi trường sống của mình” [69, tr.322]. Với quan niệm viết những gì mình biết, nhà văn dựng lên trong tiểu thuyết của mình bộ mặt của Hà Nội và Sài Gòn với sự giàu xổi của giới trí thức, sự kệch cỡm nơi phòng khách và cuộc sống buồn tẻ nơi đô thành. Khi ở vị trí người kể truyện toàn tri trong Mười lẻ một đêm, nhà văn đã nói lên nhận định của mình về cuộc sống của những con người nơi được tiếng là đông vui, tấp nập và ồn ào “Đêm xuống rồi, suốt một ngày bị giam rồi, chịu
không nổi bốc điện thoại hỏi được người đầu tiên thì hắn chỉ nghĩ đến chuyện nhậu. Cái đời thị dân tẻ nhạt không còn thú giải trí nào ngoài nhậu nó ra thế này đây. Không đọc sách không xem phim không đi nhà hát. Chỉ nhậu. Bây giờ có gọi điện báo cháy nhà khéo người ta cũng tưởng rủ đi nhậu” [69, tr.28]. Ngôn ngữ xã hội hiện đại được tác giả đưa vào tác phẩm giúp khoảng cách giữa hiện thực cuộc sống và nội dung phản ánh trong tác phẩm thu lại gần hơn.
Nói về chốn đô thành mà không kể về các ngón nghề ăn chơi của tầng lớp quý tộc cũng giống như người dân quê lên thành phố chơi mà chưa đặt chân đến trung tâm của thành phố ấy. Lại nói khắp lượt các cảnh ăn chơi của tầng lớp thượng lưu mà không sử dụng tiếng lóng thì cũng giống như người dân quê ấy đến trung tâm của nơi đô hội rồi mà không dời gót tham quan đến nơi gọi là biểu tượng của trung tâm ấy. Như một quy ước bất thành văn, hầu hết các nhà văn khi viết về giới giang hồ hay kể về những trò giải trí theo kiểu đế vương của tầng lớp thượng lưu thì hầu như đều sử dụng tiếng lóng. Vũ Trọng Phụng khi viết phóng sự về các cô gái đi lấy tây hay trò cờ gian bạc bịp đều sử dụng hệ thống tiếng lóng để diễn tả các ngón nghề của lớp người này. Nguyên Hồng khi viết tiểu thuyết Bỉ vỏ vận dụng rất nhiều tiếng lóng dùng trong giới ăn cắp, gái điếm, … . Ngôn ngữ trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái là một hợp âm hỗn độn của phố phường. Nhà văn không sử dụng tiếng lóng theo kiểu đại trà mà ngược lại, hệ thống tiếng lóng mà tác giả đưa vào được chọn lọc kỹ, dùng nó để nêu bật được lối sống ăn chơi, hưởng lạc của lớp quý tộc. Các từ lóng được nhà văn sử dụng như: Tú Bà (chủ chứa gái mại dâm), một con bò lạc trinh nguyên (gái bán trinh), thềm lục địa (bộ phận dưới của phụ nữ), đóng thuế công an (hối lộ), vòm khác (động chứa gái khác), cà phê xanh (quán cà phê chứa gái mại dâm), tàu nhanh (quan hệ tình dục diễn ra nhanh chóng), mặt hàng tươi sống
(gái bán dâm), … . Mỗi một tiếng lóng được đưa vào đều làm tròn chức năng của nó. Có thể dùng thành ngữ “Trăm phát trăm trúng” để khái quát lên sự thành công trong việc sử dụng tiếng lóng để diễn tả cuộc sống xô bồ nơi thị thành của Hồ Anh Thái.
Hệ thống thông tin bùng nổ trong cuộc sống hiện đại sản sinh ra những lớp từ ngữ mới. Các từ mới này xuất hiện trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái như những nhân tố tạo nên diện mạo của cuộc sống con người nơi đô thị. Các lớp từ chỉ công nghệ thông tin, các từ ngữ chỉ mới xuất hiện trong xã hội hiện đại đều hiện diện trong tiểu thuyết của nhà văn: môbaiphôn, vinaphôn, internét, Sài gòn by night, đô, chân dài (cô gái có vóc dáng như người mẫu), cave (gái làm tiền), cốp, víp (nhân vật quan trọng), ôsin (người giúp việc), sếp (cấp trên), gay, đồng cô (người đồng tính), choice (thuốc tránh thai), OK (bao cao su), sex (giới tính, làm tình), … . Thêm vào đó tiếng nước ngoài xuất hiện khá dày trong tiểu thuyết của nhà văn: good morning, gelơri, gang of four, good bye, The Apocalypse, Captain’s Studio, bupffe, to be or not to be?, … . Hệ thống ngôn ngữ mới này được nhà văn sử dụng như một phương tiện để diễn đạt cuộc sống xô bồ, hỗn tạp nơi thành thị. Nó gợi vào tâm trí người đọc sự liên tưởng về một cuộc sống tạm bợ, sống gấp, sống nhanh nơi những thành phố được mệnh danh là văn minh, hiện đại.
Khi đọc tiểu thuyết Hồ Anh Thái, chúng ta nhận ra rằng nhà văn đã hấp thu vào tác phẩm của mình nhiều tiếng nói và ngôn ngữ khác nhau ở cả hai lĩnh vực văn học và ngoài văn học. Các loại ngôn ngữ này được nhà văn gạn lọc, phát triển lên và lập trình chúng lại theo tư duy nghệ thuật tiểu thuyết của mình. Trên cái nền của tiếng nói và ngôn ngữ được sáng lập lại ấy, tác giả sẽ xây dựng phong cách ngôn ngữ của mình. Ngôn ngữ mang tính thị dân hiện đại trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái có sự phối hợp rất nhuần nhuyễn giữa các lớp ngôn ngữ của thời hiện đại với ngôn ngữ của tác giả. Sự phân biệt giữa lời phát ngôn của nhân vật và lời của người kể chuyện bị san bằng bởi nhà văn viết liền một mạch, không ngoặt kép, không trích dẫn, không xuống hàng “Trên nước bạn mà toàn gái ta, một cuộc hội ngộ ba miền Bắc Trung Nam. Ra nước ngoài mà gặp gái ta, bao nhiêu là cảm xúc đồng hương đồng bào nổi lên tạo cảm hứng. Anh giai thích gì? Em này Huế, em kia Thanh, em ngồi bán màng trinh nhân tạo kia thành Nam, em kia nữa Phòng, em kia nữa Vũng Tàu. Thích miền nào có miền ấy” [70, tr.84].
Khác với ngôn ngữ trữ tình, giàu chất thơ, ngôn ngữ mang tính thị dân trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái lắm góc nhiều cạnh. Nó hiện lên với tất cả dáng vẻ xù xì, thô ráp của nó. Bên cạnh đó nó không kém phần “bạo liệt” “Mày có muốn tao rạch bộ đồ tắm này, một đường sau lưng, một đường đằng trước, ở ngay chỗ mày đệm băng vệ sinh hành kinh hay không?” [65, tr.13]. Ngôn ngữ “bạo liệt” là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự kiện Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khước từ việc trao giải thưởng năm 2003 cho tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế dù cuốn sách nhận được quá nữa số phiếu bầu ở vòng sơ khảo và chung khảo. Mỗi nhà văn đều có một nhãn quan riêng về thế giới và họ đưa chúng vào tác phẩm theo sự nhận định của chính họ. Hiện thực hiện lên trong tác phẩm Hồ Anh Thái không phải là hiện thực mang tính ước lệ. Ngược lại, nhà văn tạo dựng vào tiểu thuyết của mình một thế giới vừa giống thực với những chi tiết góp nhặt được từ cuộc sống phồn tạp vừa giống như muôn vạn mảnh vỡ khác nhau. Chính vì vậy nếu nhà văn chỉ dùng những ngôn ngữ thông thường để phản ánh cuộc đời và thế giới ấy thì Nguyễn Huy Thiệp sẽ không thể nói rằng sự nhốn nháo trong văn Hồ Anh Thái cũng là một kiểu
“ Đời thế mà vui”. Ngôn ngữ trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái khi nói về cuộc sống con người nơi đô thị tuy hơi thô ráp nhưng cái sự thô ráp và nhiều góc cạnh này được nhà văn chọn lọc rất kỹ lưỡng khi đưa vào tác phẩm của mình. Nếu nói về tính bạo liệt trong ngôn ngữ khi miêu tả tình dục trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái, nếu ta so sánh với tác phẩm Trăm năm cô đơn của Marquez (nhà văn đoạt giải Nobel văn học) thì có thể khẳng định rằng ngôn ngữ khi miêu tả tình dục của Marquez mang tính bạo liệt gấp nhiều lần, tính bạo liệt càng tăng lên khi các mối quan hệ tình dục giữa nam và nữ xảy ra với những người cùng huyết thống. Tuy tính “bạo liệt” trong ngôn ngữ tiểu thuyết là điều không thể phủ định được nhưng tác phẩm của Hồ Anh Thái vẫn thể hiện được sự sáng tạo trong ngôn ngữ, cái tâm hướng về nẻo thiện và mong muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.