Cấu tứ dựa trên mô hình cấu trúc phổ quát của bài thơ

Một phần của tài liệu Nghệ thuật cấu tứ trong thơ mai văn phấn (Trang 52 - 57)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.1. Cấu tứ dựa trên mô hình cấu trúc phổ quát của bài thơ

Kết cấu là một phương diện cơ bản của sáng tác nghệ thuật. Nó bao gồm rất nhiều bình diện. Tuy nhiên, trong giới hạn của đề tài này, chúng tôi

xin nhấn mạnh đến những kiểu cấu tứ quen thuộc được triển khai từ 2 bình diện kết cấu bề mặt và kết cấu bề sâu của tác phẩm thơ trữ tình. Bao gồm:

Cấu tứ dựa trên việc xây dựng, tạo lập các hình tượng trong thơ. Cách tổ chức tác phẩm dựa trên việc xây dựng và tổ chức hình tượng có sức khái quát cao luôn là khao khát và thách thức lớn đối với mỗi nhà thơ. Nhưng chính nó là yếu tố tạo nên tính hấp dẫn cho thi phẩm. Các tác giả dân gian đã từng sáng tạo nên hình tượng con cò gợi ta liên tưởng đến hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam chịu thương chịu khó, tận tụy suốt đời vì chồng vì con cho nên đọc ca dao mà như đọc sâu vào cả tâm hồn Việt: “Nước non lận đận một

mình/ Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay”. Hay như tác phẩm Đồng chí

(Chính Hữu) được cấu tứ dựa trên việc xây dựng hình tượng anh lính bộ độ cụ Hồ trong kháng chiến chống Pháp với đầy đủ diện mạo “áo rách vai, chân không giày”, tình cảm sẻ chia “đêm rét chung chăn”... và đặc biệt là hình ảnh “đầu súng trăng treo” đã lột tả được hết thảy vẻ đẹp vừa hiện thực vừa lãng mạn bay bổng của người chiến sĩ cách mạng: “Đêm nay rừng hoang sương

muối/ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo”... Kiểu cấu tứ

này còn tiếp tục được triển khai trong nhiều sáng tác viết về người lính trong kháng chiến chống Pháp như: Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm), Tây Tiến (Quang Dũng), các tập thơ Từ ấy, Việt Bắc (Tố Hữu)...

Cấu tứ dựa trên việc tổ chức hệ thống sự kiện. Cũng giống như trong tác phẩm tự sự, trong tác phẩm thơ trữ tình cũng có các sự kiện nhưng chủ yếu là khai thác cảm xúc suy nghĩ của con người trước các sự kiện đó. Chúng biến đổi, tác động mạnh mẽ đến các hình ảnh, hình tượng, nhân vật trong thơ, chi phối đến quá trình lựa chọn các thủ pháp nghệ thuật, đến tiến trình phát triển của tư tưởng, cảm xúc trong thơ. Ví như tác phẩm Đêm nay Bác không

ngủ của Minh Huệ, bài thơ được cấu tứ dựa trên chuỗi sự kiện có thực thông

qua những lần thức giấc của anh đội viên, bài thơ từ đó mà được nối kết thành một chỉnh thể và người ta có thể tóm tắt được nó: Trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp, trên đường đi kiểm tra khâu chuẩn bị của Chiến dịch

Biên giới, Bác Hồ đến thăm một đơn vị chủ lực rồi nghỉ chân tại nơi đóng quân của bộ đội. Đêm khuya, trời mưa lâm thâm và rất lạnh. Anh đội viên thức dậy lần đầu, thấy Bác ngồi bên bếp lửa rồi đi dém chăn cho từng người, anh năn nỉ mời Bác đi ngủ. Lần thứ ba thức dậy, anh thấy Bác vẫn thức. Trời đã gần sáng, anh tâm tình với Bác và thức luôn cùng Bác. Hay trong bài Từ ấy của Tố Hữu lại được cấu tứ dựa trên một sự kiện quan trọng, có tính chất

quyết định, làm thay đổi hoàn toàn nhận thức, tư tưởng tình cảm và con đường đấu tranh của người thanh niên cách mạng đó là sự kiện Tố Hữu được kết nạp Đảng năm 1939. Toàn bộ nội dung, hình ảnh, tình cảm của bài thơ đều được triển khai từ sự kiện đó nên người đọc sẽ thấy “bừng nắng hạ” “mặt trời chân lý – chói qua tim” “hồn tôi – vườn hoa lá”, “ta – là con của vạn nhà, em của vạn kiếp phôi pha, anh của vạn đầu em nhỏ...”

Cấu tứ dựa trên việc tổ chức hệ thống cảm xúc. Cảm xúc là một trong những yếu tố không thể thiếu được trong sáng tác thơ trữ tình. Nó là một loại hình tượng vốn vô hình song có thể gọi tên nó một cách trực tiếp hoặc dùng hình ảnh hoặc tương quan giữa các sự vật để biểu hiện. Cấu tứ dựa trên việc tổ chức sắp xếp các nguồn cảm xúc sao cho chúng được bung nở, biểu hiện một cách tự nhiên nhất, cho thấy được trạng thái tâm hồn của nhà thơ cũng là một thách thức lớn. Muốn tổ chức được nguồn cảm xúc, nhà thơ phải không ngừng liên tưởng, kết nối, hòa trộn các hình ảnh, sự vật, thời gian, không gian... Từ đó, dòng suy tư trữ tình sẽ nâng cao các hình ảnh đã chìm ngập đâu đó trong đáy sâu tâm hồn, làm sống dậy một loạt ấn tượng kinh nghiệm, loại bỏ, lựa chọn và kết hợp chúng, tạo thành những tương quan, những thuộc tính thẩm mĩ mới. Hạt gạo làng ta trong cảm nhận của Trần Đăng Khoa có cả nắng mưa, gió bão, hương sen, hồ nước đầy, giọt mồ hôi mẹ. Quê hương của Đỗ Trung Quân là ấn tượng về chùm khế ngọt, bướm vàng bay, cầu tre nhỏ, đường đi học. Ở đây kinh nghiệm cá nhân (những hồi ức, đặc biệt những hồi ức ấu thơ) và kinh nghiệm tập thể (những ấn tượng chung mang tính cộng đồng) hòa trộn tạo nên dòng cảm xúc bất tận.

Cấu tứ dựa trên việc tạo lập và tổ chức bố cục của bài thơ trữ tình. Bố cục của một văn bản thơ hoàn chỉnh bao gồm có nhan đề, các câu thơ, khổ thơ tạo thành các đoạn thơ, các đoạn thơ đó hợp lại tạo thành một tác phẩm thơ trọn vẹn. Mỗi thành phần như vậy, ứng với một nhiệm vụ chức năng, chứa đựng những nội dung nhất định để triển khai các thi ảnh, sự kiện, thủ pháp nghệ thuật làm sáng tỏ hình tượng nghệ thuật. Rất nhiều nhà thơ đã vận dụng vào việc sắp xếp bố cục để tạo nên những kiểu cấu tứ độc đáo cho tác phẩm của mình. Hình tượng nghệ thuật trong thơ sẽ từ từ xuất hiện theo sự xuất hiện của từng phần văn bản thơ. Chẳng hạn, cách đặt nhan đề Quê hương của nhà thơ Giang Nam ngay từ đầu đã giúp người đọc định hình được tâm thế, thể hiện tinh thần cơ bản của nội dung bài thơ, gợi ý cho người đọc hiểu chủ đề chính của bài thơ, giúp họ nhớ và phân biệt với hững bài thơ khác trước khi thâm nhập sâu vào nội dung tác phẩm: “Thuở còn thơ ngày hai buổi đến

trường /Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ/Ai bảo chăn trâu là khổ ?/ Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao”. Các câu thơ, khổ thơ còn lại trong bài

cũng tập trung làm sáng tỏ định hướng của nhan đề. Hay Bài thơ về tiểu đội

xe không kính của Phạm Tiến Duật được cấu tứ dựa trên sự tổ chức các khổ

thơ, mỗi một khổ như là một trạng thái, một cái “rung” của đất trời giữa đạn bom chiến tranh và cũng là cái “rung” mãnh liệt trong thẳm sâu tâm hồn người chiến sĩ gắn liền với chiếc xe không kính: “Không có kính ừ thì có bụi/

Không có kính ừ thì ướt áo...”

Cấu tứ dựa trên sự đa dạng của điểm nhìn trần thuật. Điểm nhìn trần thuật là một trong những yếu tố quan trọng của sáng tạo nghệ thuật. Điểm nhìn là góc độ miêu tả, đánh giá - cảm thụ về thế giới và con người trong tác phẩm. Nó quy định tính chất tư tưởng, cảm xúc và quan hệ thẩm mĩ của hình tượng, thể hiện được chiều sâu tâm lí nhân vật, cá tính sáng tạo của nhà văn, cho thấy tính cấu trúc của cái nhìn tác giả, thể loại, thời đại, trào lưu. Có nhiều loại điểm nhìn: điềm nhìn bên ngoài, điểm nhìn bên trong, điểm nhìn quá khứ, hiện tại, đồng hiện... Cấu tứ dựa trên việc tổ chức các điểm nhìn theo

một dụng ý nghệ thuật cũng được coi là một sáng tạo độc đáo của thi ca. Nguyễn Duy đã từng tổ chức điểm nhìn của mình theo một trật tự xuôi từ quá khứ đến hiện tại trong bài Ánh trăng, và tồn tại trong mỗi điểm nhìn ấy thể hiện quá trình tư duy, cách cảm về thiên nhiên, sự biến đổi của lòng người qua không gian và thời gian, hai con người – một của quá khứ, một của hiện tại như là đang đối diện, chất vấn với nhau về lẽ sống, về cuộc đời: “Hồi nhỏ sống với đồng… – Vầng trăng thành tri kỷ/ Từ hồi về thành phố… - Như người dưng qua đường”. Còn với Nguyễn Du, để làm sáng tỏ nỗi đau đớn của

nàng Kiều khi phải trao duyên lại cho người em, ông đã kết hợp cả hai điểm nhìn trong cùng một phát ngôn: “Mai sau dù có bao giờ/ Đốt lò hương ấy so

tơ phím này/ Trông ra ngọn cỏ lá cây/ Thấy hiu hiu gió thì hay chị về”

(Truyện Kiều)...

Cấu tứ dựa trên việc triển khai cách nhìn nhận, đánh giá và giải thích thế giới nghệ thuật. Những quan điểm này phụ thuộc vào quan điểm triết học, mĩ học, hiện thực, thế giới và con người của tác giả. Quan điểm đó có khi gắn với phần ý thức và vô thức của thời đại. Nó là tầng bậc bên trong chi phối cấu tứ hệ thống hình tượng và cả văn bản. Do vậy, cần phát hiện ra những tầng bậc của kiểu cấu tứ này. Thí dụ như, quan niệm về mô hình thế giới được tạo thành từ những cặp đối lập là một kiểu cấu tứ dựa trên việc nhìn nhận, đánh giá, giải thích thế giới, chi phối khá nhiều tác phẩm: Đêm đại dương, Người

gieo hạt buổi chiều (V. Huygô), Nhớ rừng (Thế Lữ), Ông đồ (Vũ Đình

Liên)... những đối lập về không gian, thời gian, về nhân vật, về mơ ước và hiện thực, khát vọng và tài năng, cuộc sống vật chất đè nén và những khát vọng tinh thần lớn... Trong Thi pháp học cấu trúc, J. Culler coi điều quan trọng nhất của phân tích cấu trúc là tìm “cặp đối lập” này. Trong bài thơ Thề

non nước của Tản Đà, hình thức bề mặt là lời nhớ nhung của non, lời an ủi vỗ

về của nước, nhưng cấu tứ bề sâu là sự tách rời của nước và non, hai yếu tố vốn họp thành non nước toàn vẹn trong tâm thức người Việt. Non thì còn mà nước vắng mặt khiến cho non héo hắt, khô gầy. Quan điểm đánh giá, giải

thích, nhìn nhận này gắn với ý thức và vô thức thời đại khi đất nước đang mất vào tay xâm lược nên bài thơ có ngụ ý nhớ nước. Cũng như vậy, hình tượng con hổ mất tự do trong bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ cũng có phần được liên tưởng đồng dạng với thân phận nô lệ của dân tộc...

Một phần của tài liệu Nghệ thuật cấu tứ trong thơ mai văn phấn (Trang 52 - 57)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(153 trang)
w