Thơ Mai Văn Phấn: khúc ca đắc thắng của lý trí

Một phần của tài liệu Nghệ thuật cấu tứ trong thơ mai văn phấn (Trang 42 - 46)

7. Cấu trúc của luận văn

1.4. Thơ Mai Văn Phấn: khúc ca đắc thắng của lý trí

Nhà văn Đình Kính trong khi bàn về những đổi mới trong thơ Mai Văn Phấn đã khẳng định: “Anh đã biết tự ý thức để nhanh chóng bứt khỏi giai đoạn bản năng, điều rất khó vượt qua, là cái ngưỡng dễ đánh lừa, là cái bẫy mị không ít người, để trở thành một nhà thơ đúng nghĩa” [38]. Vậy điều gì đã giúp Mai Văn Phấn vượt qua được những “bản năng”, những “bẫy mị” đó, phải chăng là “ý thức”, là sự nhận thức tinh tường, sự am hiểu, khả năng suy luận sâu sắc đa chiều (lý trí)? Nếu bỏ qua sự đối chiếu, so sánh đối lập thường thấy với tình cảm, cảm xúc, ước muốn, nhu cầu hay sự say mê và xem “lý trí là khả năng nhận thức sự vật bằng suy luận” (Dẫn theo Từ điển tiếng Việt) thì thơ Mai Văn Phấn luôn luôn ngập đầy những suy luận, là kết quả của những nhận thức lý tính được tích tụ và dồn nén cao độ. Thơ ông là khúc ca đắc thắng của lý trí.

Tính lý trí trong thơ Mai Văn Phấn được thể hiện trên nhiều bình diện khác nhau: đó là khả năng suy luận, nhận thức đúng đắn về con đường sáng tạo thơ ca để tìm ra cho được cá tính riêng của mình trong dòng chảy thơ đương đại; là những nhận thức mới mẻ, tiến bộ về bản chất của thơ và nhà thơ; là sự mạnh dạn, tỉnh táo cao độ trong việc vận dụng những lối viết mới thông qua việc cách tân thi pháp thơ; đó cũng là khả năng vận dụng một vốn tri thức văn hóa sâu rộng vào thơ vượt qua được những đòi hỏi của thị hiếu tầm thường trong thưởng thức. Hơn hết, tính lý trí của thơ Mai Văn Phấn được thể hiện trong ý thức tạo lập không gian, cách nhà thơ khai triển, mô tả và giải thích về thế giới trong khi bản thân được cởi mở, cởi bỏ mọi ràng buộc về tâm lý, xã hội, và thời đại...

Mai Văn Phấn là một trong số rất ít những nhà thơ luôn luôn có ý thức sáng tạo không ngừng. Ý thức tạo lập một khung trời thơ riêng đã không cho phép ông lặp lại mình bởi lẽ: “Là một thi sĩ đúng nghĩa, nếu không sáng tạo, tức là không làm ra sản phẩm mới, coi như anh ta đã chết” [77,450]. Chứng kiến sự đổ vỡ của những giá trị cũ kỹ đến ê chề, Mai Văn Phấn bình tĩnh và tỉnh táo định vị lại dòng chảy thi ca đương đại trong quá trình hội nhập, nhìn nhận đánh giá lại bản thân bằng một thái độ hết sức khách quan và trong cái lạnh lùng đó, sự hoảng loạn đã giúp ông làm những cuộc vượt thoát khỏi cá tính. Ông thẳng thắn, mạnh dạn bày tỏ những quan điểm mới mẻ và tiến bộ của mình về thơ và nhà thơ. Những quan niệm này có tác dụng định hướng cho thi sĩ trong quá trình sáng tác, chi phối mạnh mẽ đến từng tác phẩm, đến mỗi lần nhà thơ đặt bút xuống: “Tôi thường chuẩn bị kỹ trước khi đặt bút xuống” [77,447]. Con đường sáng tạo thơ ca của Mai Văn Phấn luôn có tính chủ đích rõ ràng.

Mai Văn Phấn luôn có ý thức rõ rệt trong hành động cách tân thơ, đẩy thơ vượt qua các giới hạn, vận dụng nhiều thể nghiệm mới mẻ trong cách viết. Ông chủ trương đổi mới thi pháp thơ bằng nhiều cuộc cách mạng về nội dung và hình thức để chống lại sự thoái hóa, trơ mòn thẩm mỹ của người đọc, tạo

những không gian thơ đa dạng, thiết lập được một hệ quy chiếu hoàn toàn mới trong cách tiếp cận tác phẩm. Ông vận dụng các khuynh hướng, trào lưu thơ hiện đại trên thế giới như chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa siêu thực, Biểu hiện, Tân hình thức, Cổ điển mới... nhưng với tư cách là những “gợi mở” đích thực cho việc đi tìm một “chủ nghĩa hậu hiện đại kiểu Việt Nam”. Mai Văn Phấn không ngần ngại thể nghiệm những lối viết mới, tự mình trải nghiệm, “thong dong” trong một cõi thơ đi từ truyền thống đến hiện đại để rồi xác lập một giọng thi ca riêng như bây giờ. Những tìm kiếm, thể nghiệm đó đã được tính toán một cách khá kỹ lưỡng chứ không thể nói là bản năng.

Ý thức về sự tích lũy, chuẩn bị kỹ càng của người làm thơ trước khi cầm bút sáng tạo tác phẩm. Mai Văn Phấn đã khẳng định: “Tôi thường chuẩn bị kỹ trước khi đặt bút xuống. Có lúc tứ bài thơ vụt đến bất ngờ, tưởng như của nhặt được nhưng thực ra nó đã được tích lũy vô tình ở đâu đó đã lâu” [77,447]. Sự tích lũy mà ông nói đến được lấp đầy dần theo sự tuổi tác, kinh nghiệm sống, sự trải nghiệm với thực tại xã hội nhưng hơn hết là sự tăng tiến của trình độ học vẫn, kỹ năng, tài năng, kinh nghiệm sáng tác của cá nhân nhà thơ. Vậy nên trong sáng tạo, Mai Văn Phấn đã nhấn mạnh: “Nhà thơ phải tự trang bị cho mình kiến thức tổng hợp ở mọi lĩnh vực. Nhà thơ, theo tôi phải là nhà văn hóa” [77,457]. Với ông, người làm thơ cũng phải có ý thức để tạo nên tính chuyên nghiệp chứ không phải là việc sáng tạo ra những bài thơ nhất thời chỉ soi mói, vuốt ve sở thích và thị hiếu tầm thường của người đọc. Đó không phải là cách để cứu cánh cho số phận, tương lai của một nhà thơ chân chính. Khi đã có ý thức sáng tạo, cách làm việc thật sự nghiêm túc, nhà thơ hoàn toàn có thể nghĩ đến việc tạo ra một tác phẩm như là những cột mốc, bước ngoặt quan trọng trong lộ trình văn học. Mai Văn Phấn đã làm được điều đó.

Cách tạo lập không gian thơ, tạo lập hình tượng, phân tích, mô tả về thế giới... trong thơ Mai Văn Phấn luôn có tính chủ đích chứ không phải là hành động bản năng. Cũng giống như bất kỳ một nhà thơ nào khác, trước khi bắt tay vào viết tác phẩm, Mai Văn Phấn chờ đợi và định hướng riêng cho mình

một cái “tứ”: “Nhà thơ hồi hộp thấy tứ thơ xuất hiện giống con tàu vũ trụ đang tìm cách đậu xuống mặt đất” [77,421]. Sau đó tiếp tục tập trung tư tưởng, suy ngẫm của mình để dồn nén, cô đặc mọi cảm xúc để chúng bung nở một cách có điều khiển: “Thơ Mai Văn Phấn là sự bung mở trong dồn nén cảm xúc, nhưng không chỉ thế, nó là sự dồn nén cảm xúc có ý thức. Bởi vậy thơ anh là sự hòa trộn giữa cảm, giữa tình, giữa lý, văn hóa và học vấn” [38]. Bước tiếp sau, ông sẽ sử dụng ngôn từ để phô bày, gọi tên, môt tả về không gian, sự vật như là nó vốn có. Mai Vấn Phấn xây dựng cho mình một thế giới sự vật luôn chuyển động triền miên, chuyển động xoáy ốc, có khi dâng cao tột đỉnh, có khi lại bám xiết vào nhưng phải được tuân theo một lô gic, một quy luật nhất định nào đó mà có lẽ chỉ nhà thơ mới kiểm soát được. “Trong cái thế giới động đó, Mai Văn Phấn như thể bị ngợp song anh vẫn tỉnh táo vùng ra, vùng ra trong nỗi đam mê hưng phấn cùng ý thức phải nhìn cho thấu, phải lý giải cho đúng và gọi đích danh sự vật” [38]. Từ đây, đọc thơ Mai Văn Phấn, người đọc sẽ thấy được cái chất “đời”, chất “người” rất thực trong thơ. Các cảm xúc được phô bày cũng rất thực bởi lẽ ẩn dấu đằng sau một hệ thông ngôn từ đã được chọn lọc, căn đếm, giũa mài là những trăn trở, suy tư dài dằng dặc: “thơ anh có nỗi đau, niềm trăn trở, sự ngẫm ngợi; và thơ anh là tâm trạng của một ý thức, một trách nhiệm” [38]. Rõ ràng, nếu không có một tư duy, lý trí đúng đắn thì Mai Văn Phấn không thể làm được như thế.

Nói tóm lại, với những thành công của mình, “Mai Văn Phấn đã cắm một cột mốc thơ đáng ghi nhận trên hành trình chinh phục ngôi đền thơ hiện đại. Đến nay đã ngót ba mươi năm. Chặng đường thơ sắp tới của anh còn dài và xa trước mặt. Mà cột mốc hôm nay đã đánh dấu một trưởng thành”[27].

Chương 2

DẤU ẤN CỦA NHỮNG KIỂU CẤU TỨ TRUYỀN THỐNG TRONG THƠ MAI VĂN PHẤN

Một phần của tài liệu Nghệ thuật cấu tứ trong thơ mai văn phấn (Trang 42 - 46)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(153 trang)
w