Nghệ thuật cấu tứ

Một phần của tài liệu Nghệ thuật cấu tứ trong thơ mai văn phấn (Trang 49 - 52)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.2. Nghệ thuật cấu tứ

Có thể hiểu, nghệ thuật cấu tứ chính là nghệ thuật tổ chức của một tác phẩm nghệ thuật (ở đây là tác phẩm văn học): tổ chức hình ảnh, hình tượng và các yếu tố tạo nên tác phẩm thành một chỉnh thể theo một dụng ý nghệ thuật nhất định, đạt hiệu quả thẩm mỹ cao nhất, có khả năng khái quát đời sống, thể hiện tư tưởng của nhà văn. Nghệ thuật cấu tứ là phạm trù thẩm mỹ quan trọng của nghệ thuật. Riêng trong thơ ca, nó là thước đo của chất lượng thi ca, nó đem lại cho độc giả những hứng thú và khả năng hưởng thụ thẩm mĩ vô hạn.

Nghệ thuật cấu tứ thể hiện rõ dụng ý nghệ thuật của nhà thơ. Tồn tại trong một tác phẩm thơ bao giờ cũng là một hệ thống ngôn từ, hình ảnh, cảm xúc, thủ pháp nghệ thuật... mà thi nhân đã dày công sáng tạo ra. Thế nhưng việc tổ chức, sắp xếp chúng theo một cách thức nào đó để có hiệu quả và giá trị cao lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Có người đã cho rằng, nhà thơ sáng tạo ra tác phẩm một cách thủ công, ít nhiều theo kiểu “ăn may”. Tức là anh ta cứ nghĩ ra tất cả từ ngữ, hình ảnh, hình tượng... mà anh ta muốn rồi đem lắp ghép lại một cách thủ công, tùy cho độc giả đánh giá, suy luận. Giống như trò chơi xúc xắc, người chơi chỉ việc lấy viên xúc xắc, lắc thế nào tùy ý, không cần phải suy ngẫm và khi ném xúc xắc xuống, được mặt nào thì ăn mặt ấy. Đó là cách nhìn sai lệch bởi lẽ, khi sáng tạo ra tác phẩm, nhà thơ bao giờ cũng muốn đứa con tinh thần phải thể hiện rõ nhất quan điểm, tư tưởng của mình về con người, về đời sống, về chính mình vì vậy việc sắp xếp, tổ chức các yếu tố cấu thành tác phẩm phải là một quá trình, thậm chí là một quá trình có dụng ý nghiêm ngặt.

Nghệ thuật cấu tứ là phương tiện để khái quát hiện thực. Thông qua nghệ thuật cấu tứ, các hiện tượng, sự vật, con người được liên kết lại trong một chỉnh thể nhằm thể hiện một nội dung đời sống nhất định. Chẳng hạn quê hương trong kỉ niệm của Đỗ Trung Quân là một tổng thể của những sắc màu, hương vị, âm thanh, hình ảnh, con người mang dấu ấn của tuổi thơ: Quê

hương là chùm khế ngọt/ Cho con trèo hái mỗi ngày/ Quê hương là đường đi học/ Con về rợp bướm vàng bay... (Quê hương). Trong chỉnh thể đó, nhà thơ

có thể xác định được đâu là phần trọng tâm chính yếu để có thể làm nổi bật nó, gây ấn tượng mạnh mẽ đối với người đọc, khái quát một cách sống động về hiện thực. Chẳng hạn cái đối lập trong hình ảnh: Triệu tấn bom không thể

nào làm sổ/ Một hạt cườm trên cổ chim tơ (Vòng cườm trên cổ chim cu - Chế

Lan Viên), biểu hiện sự bất diệt của đất nước và con người Việt Nam những tháng ngày chống Mĩ...

Nghệ thuật cấu tứ như là một phương tiện biểu đạt tư tưởng, cảm xúc. Tư tưởng sống động của nhà thơ hoàn toàn có thể được biểu hiện qua nghệ thuật cấu tứ. Đó có thể là tư tưởng của một đấng nam nhi chí lớn sống giữa đất trời khao khát lập được công danh của Phạm Ngũ Lão trong tác phẩm

Thuật hoài, hay là tư tưởng về việc khẳng định chủ quyền độc lập dân tộc,

truyền thống văn hóa lịch sử đấu tranh kiên cường của con người Việt Nam trong Đại cáo bình Ngô – Nguyễn Trãi... Bên cạnh việc biểu đạt tư tưởng thì nghệ thuật cấu tứ cũng góp phần không nhỏ trong việc thể hiện cảm xúc của thi nhân. Chẳng hạn, trong ca dao có câu: Qua đình ngả nón trông đình/ Đình

bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu, chính cách tổ chức hình ảnh như thế

mới giúp ta thấy sức nặng và độ sâu sắc của tình yêu, nhấn mạnh được nguồn cảm xúc dạt dào mà tác giả dân gian đang hướng đến. Hoặc là cách tổ chức những hình ảnh và cảm xúc theo quan hệ không gian, thời gian (quá khứ - hiện tại, hữu hạn - vô hạn, ngắn ngủi - trường tồn, còn - mất, thực - hư, xa - gần, mờ - tỏ, cao - rộng) đã diễn tả được một cách độc đáo tâm trạng bàng hoàng, tiếc nuối, cô đơn của nhà thơ Thôi Hiệu khi nghĩ về thân phận của con

người trong cảnh mênh mông trường tồn của vũ trụ (Hoàng Hạc lâu)... Nhờ vậy, độc giả khi tiếp cận tác phẩm sẽ không phải xét hỏi: ông ấy nghĩ gì? Thái độ ra sao? Cảm xúc như thế nào? Họ sẽ dần khám phá và phát hiện mạch ngầm chảy cuộn trong đó, lắng và thấu hiểu mọi vang động của tiếng lòng thi nhân.

Nghệ thuật cấu tứ tạo nên giá trị thẩm mỹ và sức hấp dẫn của hình tượng. Nhờ có nghệ thuật tổ chức tác phẩm mà thế giới hiện thực được khái quát có được giá trị thẩm mĩ cao, nghĩa là hướng tới cái đẹp, cái mới mẻ, hấp dẫn, giàu ý nghĩa nhân văn. Hình tượng trong tác phẩm cũng vì thể mà hiện lên rõ nét, có khả năng khái quát, gia tăng sức biểu cảm, gây ấn tượng mạnh mẽ với người đọc. Chẳng hạn hình tượng “trăng” trong thơ của Hàn Mặc Tử đã vượt thoát xa khỏi thế giới tự nhiên vốn dĩ của nó và được khái quát lên như một người bạn tri âm, tri kỷ gắn bó sâu nặng, như những nỗi niềm trong trẻo ẩn khuất sau muôn vàn đớn đau...

Nghệ thuật cấu tứ phản ánh quá trình tư duy, tài năng, sáng tạo của người nghệ sĩ. Các hình ảnh, sự kiện: hương ổi, gió se, sương chùng chình,

sông dềnh dàng, chim vội vã, đám mây vắt mình, nắng, cơn mưa, tiếng sấm, hàng cây trong bài Sang thu được tổ chức trong một mối liên hệ tư duy từ bất

ngờ đến dần quen để từ đó Hữu Thỉnh bộc lộ những chiêm nghiệm của mình về cuộc đời, về thời gian. Cách tổ chức tác phẩm văn học là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá tài năng, sự sáng tạo và con mắt thẩm mỹ của các nhà thơ. Thi nhân thay đổi cách tổ chức tác phẩm cũng chính là tự đổi mới khuôn mặt của mình, lạ hóa sự xuất hiện của chính mình trong mỗi tác phẩm. Cách tổ chức tác phẩm cũng là một thử thách, thách thức độ vững tay của từng cây bút, nếu không vượt qua được thì nhà thơ sẽ không bao giờ có thi phẩm hay, độc giả tiếp cận cũng sẽ cảm thấy dần quen thậm chí là nhàm chán. Như trường hợp thơ Mai Văn Phấn thì có thể thấy, quá trình đi từ tập thơ đầu tiên Giọt nắng cho đến những tập thơ sau này Bầu trời không mái

giả lại thấy ông là một người hoàn toàn khác. Bước vào từng tập thơ của thi sĩ chính là bước vào địa hạt của sự sáng tạo không ngừng mà trước hết là ở việc tổ chức tác phẩm nghệ thuật.

Và cuối cùng, nghệ thuật cấu tứ là một trong những yếu tố tạo nên phong cách nhà thơ. Mỗi một nhà thơ đều có cách tổ chức tác phẩm riêng khiến cho độc giả khi tiếp cận tác phẩm thì nhận ra đó chính là anh ta chứ không phải bất kỳ ai khác. Để minh chứng cho điều này hãy thử nhìn lại phong trào Thơ mới, hãy đọc lại nhận định của Hoài Thanh trong tiểu luận

Một thời đại trong thi ca, sẽ thấy, trong rất nhiều những nội dung khái quát về

Thơ mới, ông lại tìm ra được cái chất riêng của Xuân Diệu: “Ngay lời văn Xuân Diệu cũng có vẻ chơi vơi. Xuân Diệu viết văn tựa trẻ con học nói, hay như người ngoại quốc mới võ vẽ tiếng Nam. Câu văn tuồng bỡ ngỡ. Nhưng cái dáng bỡ ngỡ ấy chính là chỗ Xuân Diệu hơn người. Dòng tư tưởng quá sôi nổi không thể đi theo những đường có sẵn. Ý văn xô đẩy, khuôn khổ câu văn phải lung lay”. Hoặc là cái chất thơ của Mộng Tuyết: “Hoặc nhẹ nhàng, hoặc hí hởn, hoặc hàm súc lâm ly, hoặc nhớ nhung bát ngát, hoặc xôn xao rạo rực, tuồng chi là lời một thiếu nữ, khi tự tình, khi đùa giỡn, khi tạ lòng người yêu. Người xem thơ bỗng thấy lòng run run như khi được đọc thư tình gửi cho một người bạn: người thấy mình đã phạm vào chỗ riêng tư của một tâm hồn, trong tay dường như đang nắm cả một niềm ân ái”... Còn đối với thơ sau 1975, người ta quy nó vào những khuynh hướng, dòng chảy với một tập hợp các nhà thơ nhưng bao giờ Hoàng Hưng cũng “đi tìm mặt” theo cách riêng của mình, Lê Đạt thả “Bóng chữ” chẳng giống ai và Mai Văn Phấn thì “rời bỏ bầy đàn”... Tất cả đều có cách tổ chức tác phẩm riêng để tạo nên phong cách.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật cấu tứ trong thơ mai văn phấn (Trang 49 - 52)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(153 trang)
w