7. Cấu trúc của luận văn
1.2. Thơ Mai Văn Phấn: những trăn trở không ngừng xoay quanh hai chữ “sáng tạo”
chữ “sáng tạo”
Nhà phê bình Trần Thiện Khanh trong bài viết “Tư duy về thơ: trường hợp Mai Văn Phấn” đã đưa ra quan điểm: “Có thể nói Mai Văn Phấn thuộc số ít nhà thơ có tham vọng tạo dựng cho thi ca một diện mạo mới từ và trong nhịp điệu đời sống hiện đại. Ông cổ súy cho sự đa dạng về khuynh hướng sáng tác, cởi mở và chấp nhận mọi sự thể nghiệm chuyển đổi. Tư duy Mai
Văn Phấn luôn nắm bắt, thậm chí quy chiếu mọi thứ có giá trị vào những trạng thái có tính chất bước ngoặt, đột biến, bứt phá, mở đường, những cuộc cách mạng, những điểm chập nổ, sự đổ vỡ những giá trị cũ, thường xuyên hướng đến những chuyển động lệch nhịp của thơ ca” [40]. Lời nhận xét ấy tuy chưa thể khái quát được trọn vẹn những đóng góp của Mai Văn Phấn cho nền thơ Việt Nam hiện đại nhưng lại là một gợi mở quý báu giúp chúng ta hiểu rõ hơn về công việc làm thơ của ông. Đối với Mai Văn Phấn, những tác phẩm thơ chính là những đứa con tinh thần vô giá, là kết quả của những trăn trở không ngừng xoay quanh hai chữ “sáng tạo”.
“Sáng tạo” với Mai Văn Phấn đó là quá trình “vượt thoát khỏi cá tính”, “vong thân” và “phủ định bản ngã”. Ông khẳng định: “Quá trình vượt thoát khỏi cá tính chính là quá trình vong thân... Quá trình vong thân là khoảng cách giữa những giai đoạn tạm ngừng sáng tạo. Đó là quãng thời gian đông cứng, vô nghĩa nhất... Sau mỗi lần vượt thoát, có cảm giác mình vừa may mắn tỉnh ngộ, tái sinh, hay được đầu thai vào một thân xác khác” [77,400]. Nhưng “sáng tạo của nhà thơ hoàn toàn khác với sáng tạo của một nghệ nhân hay người thợ thủ công. Bài thơ vừa viết, tôi quan niệm không thuộc về tôi nữa, mà thuộc về người khác, thuộc về đám đông. Với bài thơ này, nhà thơ đã hoàn thành sứ mệnh, xin hãy coi anh ta đã chết. Nhà thơ muốn tiếp tục tồn tại phải được tái sinh trong một bài thơ khác đang chờ đợi phía chân trời. Đó là một cuộc lột xác khác, thêm một lần lên đường, một cú nhảy vượt thoát...” [77,455]. Vì vậy “sáng tạo là quá trình sản sinh những nhân tố mới không mô phỏng hay phát triển những giá trị đã định hình, mà tạo sự khác hẳn, biệt lập (đôi khi đối lập) với cái đã được định giá” [77,423]. Những trăn trở sáng tạo của Mai Văn Phấn được tập trung thể hiện qua quan niệm về thơ và nhà thơ.
Trước hết là trong quan điểm về thơ. Mai Văn Phấn là một trong những nhà thơ có quan điểm về thơ rất mới mẻ và có sự thống nhất khá cao. Ngay từ đầu, ông đã lựa chọn cho mình một hướng sáng tác văn học khác hẳn cách sáng tác văn học truyền thống: “Thơ tôi có nhiều chặng đường, nơi kết thúc
mỗi giai đoạn chính là điểm xuất phát cho cuộc khai phóng khác. Nhưng bất kỳ giai đoạn nào tôi luôn đặt sự chân thành lên trên hết, mong tìm được chính xác và rõ nét nhất chân dung tinh thần của mình, khám phá chính mình ở thời điểm đó... Tôi luôn mong tìm được giọng điệu hiện đại mang đậm bản sắc Việt. Dù cách tân theo hướng nào, thơ không thể đi lại con đường mà thi ca thế giới đã đi, cũng như không thể lẫn sang thơ của các dân tộc khác” (Trong lần trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Vanvn.net). Rõ ràng, ý thức cách tân, “khai phóng” luôn được xem là một nhiệm vụ hàng đầu khi sáng tạo thơ, tuy nhiên điều đáng nói ở đây chính là sự ý thức về bản năng và con đường sáng tạo, đó phải là một lối đi rộng mở nhưng đồng thời phải hướng đến một vùng đất, một địa hạt riêng nào đó mà “không thể đi lại con đường mà thi ca thế giới đã đi, cũng như không thể lẫn sang thơ của các dân tộc khác”.
Với Mai Văn Phấn, thơ ca chính là Cái Đẹp. “Dù viết theo bất kỳ khuynh hướng nào, thơ ca luôn mang vẻ đẹp nguyên khởi, nhằm phục sinh, tái tạo thế giới, mãi đối lập với cái xấu và gian tà. Thơ ca là ánh sáng đẩy lùi bóng tối, là nước mát làm xanh tươi mặt đất, là vị thuốc chữa lành những vết thương tâm hồn, đánh thức thiên lương con người để họ không rơi vào vũng lầy tha hóa, sống nhân hậu thân thiện hơn” [80]. Khi bước vào con đường văn chương với tư cách là một người nghệ sĩ chân chính, nhà thơ có quyền lựa chọn cho mình nhiều cung cách sáng tạo khác nhau nhưng có lẽ điểm chung nhất giữa họ là sáng tạo ra các giá trị thẩm mỹ, gởi gắm vào đó hết thảy cái đẹp của cuộc đời. Với Mai Văn Phấn, cái đẹp ấy nó mang giá trị “nguyên khởi”, có giá trị thanh lọc, đánh thức tâm hồn con người, tẩy rửa những bộn bề ngổn ngang giữa đời sống thực tại, vớt vát con người khỏi những vũng đen, hố đen của sự tha hóa biến chất. Theo quan điểm này, Mai Văn Phấn đã khoác lên thơ một nhiệm vụ rất cao cả, dĩ nhiên mọi việc không phải dễ dàng, không phải bỗng chốc thành hiện thực, đó là cả một quá trình kiếm tìm, thay đổi và “vong thân”. Chính vì vậy mà trong quan điểm về thơ, thi nhân đã
nhấn mạnh: “Thơ ca ngoài mục đích tải đạo, tuyên truyền, mô phỏng, diễn tả... nó còn tìm cách đặt tên lại sự vật, định hình lại thế giới” [77, 454].
Sáng tạo trong thơ ca đã trở thành nhiệm vụ bất di, bất dịch của người nghệ sĩ khi đặt chân lên vùng đất nghệ thuật. Vì vậy, với riêng Mai Văn Phấn: “Thơ ca thường được coi là ngôi đền thiêng cho người làm thơ, nhưng thực ra là cái chợ cho người đọc”... [77, 398]. Nhà thơ sáng tạo ra các tác phẩm với tất cả niềm tin tưởng, say mê, gởi gắm vào đó tất cả những dụng ý thẩm mỹ, thể hiện tài năng trong cách bố trí câu vần, nhịp điệu, bỏ qua hết thảy mọi thứ tầm thường đang diễn ra xung quanh mình. Thi sĩ giành riêng cho nghệ thuật một mảnh trời để sáng tạo, để soi ngắm, đối chiếu giữa một thế giới người đọc rộng lớn ở ngoài kia.
Quan niệm về thơ như thế đã đẩy thêm đà cho cuộc chạy sáng tạo, cách tân thơ. Mai Văn Phấn xác định: “Với mỗi người làm thơ, điều quan trọng là biết lạnh lùng với chính bản thân mình, dũng cảm một cách trung thực và chính xác, biết mình là quầy hàng khô hay anh chữa khóa trong một cái chợ” [77,398]. Và “đổi mới thi pháp trước hết là nhằm chống lại sự thoái hóa, trơ mòn thẩm mỹ của người đọc, tạo những không gian thơ đa dạng, thiết lập hệ quy chiếu mới trong cách tiếp cận tác phẩm” [77,423]. Quả thực như nhà thơ Vương Tâm đã viết: “Nhiều nhà thơ và các nhà lý luận phê bình đã và đang muốn xếp thơ Mai Văn Phấn vào chủ nghĩa này nọ. Trừu tượng ư?. Hay siêu thực? Hoặc suy tưởng triết lý? Hay chủ nghĩa tượng trưng? Hậu hiện đại!? Cổ điển mới!?…Thật ra anh đều nghiên cứu và đã trải nghiệm. Mỗi tập thơ là một sự vượt thoát, hay vong thân, mà anh thường đầy hứng khởi sáng tạo. Nhưng cuối cùng anh đã gọi được hồn mình, trong 36 giá đồng trong thế giới tâm linh, và tìm ra ánh sáng thơ của riêng mình” [93], Mai Văn Phấn đã nhìn thấy được ánh sáng của thơ, nhìn thấy rõ tính cấp thiết trong việc tạo ra một lối thơ riêng độc đáo bằng cách trau chuốt, dũa mài, vượt qua khỏi kiểu thơ thị hiếu tầm thường, xác lập cho thơ những giá trị mang tính định hướng, nhân bản. Từ đây, thơ đã làm thay đổi hẳn nhãn quan tiếp nhận của người
đọc, phá vỡ những cách tiếp cận thơ truyền thống mang tính cố định hóa trong tư duy thẩm mỹ người đọc, xác lập một hệ quy chiếu mở rộng, khơi thông các ngõ cụt trên con đường tiếp cận với các tác phẩm thơ. Truyền thống từ đây sẽ được nhìn nhận trong tính vận động liên tục, không chỉ đơn thuần là sự kế thừa, nó cũng liên tục là những cuộc vong thân. Nói cách khác, đó là quá trình sáng tạo để tìm đến những giá trị cao hơn mang tính dân tộc. Bằng những quan niệm tiên tiến, đổi mới quyết liệt trong cách tiếp cận vấn đề, hoà đồng với hơi thở của đời sống đương đại, mỗi nhà thơ như vậy đều có trách nhiệm làm phong phú tính truyền thống.
Không dừng lại ở đó, Mai Văn Phấn còn đặt ra yêu cầu cho “thơ hay” trong sáng tạo: “Với tôi, thơ hay trong khoảng im lặng giữa các con chữ, là mang đến cho ta niềm ngạc nhiên về thế giới, sự run rẩy trong tâm thức” [77,388], “thơ hay cũng không nhất thiết lệ thuộc vào vần điệu, tiết tấu, phải dễ thuộc, dễ nhớ, vì thơ ngoài để thuộc lòng còn để đọc và cảm nhận” [77,389], “thơ hay cũng không quy định bởi trường phái, thể loại, cũ và mới, truyền thống hay hiện đại” [77,389]. Vẫn biết chất liệu để tạo nên các tác phẩm nghệ thuật không gì khác ngoài ngôn từ nhưng nhà thơ phải biết khai thác và vận dụng chất liệu đó vào sáng tác, tạo ra những “con âm”, “con chữ” mới lạ, độc đáo trong nhiều khả năng kết hợp lạ, giúp nó đa trở nên đa nghĩa, không bị hạn hẹp bởi các nghĩa thông dụng. Và Mai Văn Phấn đã thành công ở phương diện này, thi sĩ làm thơ những chẳng khác gì một cuộc dạo chơi, một cuộc ngao du trong trường ngôn ngữ, gác bỏ mọi sự lệ thuộc vào vần điệu, tiết tấu, đi ngược với tư duy về thơ như là một “thứ thuốc bổ” giúp dễ nhớ, dễ đọc. Chính vì thế mà thơ Mai Văn Phấn không hề dễ đọc, không có chỗ cho dự dễ dãi “thơ Mai Văn Phấn không dễ đọc. Nó không có chỗ cho sự ù lỳ, dễ dãi. Thơ Mai Văn Phấn là sự cô đặc ý tưởng và chữ nghĩa” (Đình Kính). Mai Văn Phấn sáng tạo ra các bài thơ hay bằng những giây phút “xuất thần”, “đốn ngộ” nhưng có lẽ điều chủ yếu vẫn là ở tài năng sáng tạo được gọt giũa thông qua kinh nghiệm, tri thức phong phú đa dạng về đời sống, tài năng:
“Thơ hay có thể đến tình cờ với một số thi sĩ trong khoảnh khắc đốn ngộ, xuất thần...nhưng đa số các nhà thơ có được thơ hay qua quá trình tu luyện, tích lũy kiến thức phong phú, một hành trình bới tìm vỉa quặng của tâm hồn, đợi đến khi chín muồi, cảm xúc sẽ chợt nhòa hợt hiện và nhà thơ viết với tất cả choáng ngợp của mình” [77,391]. Sẽ không khó để người đọc nhận ra trong thơ Mai Văn Phận thứ “vỉa quặng” cô đặc được đúc kết bằng những hệ thống ngôn từ và ý tưởng, tuy nhiên để “đào bới” được nó thì không còn cách nào khác là độc giả phải tự trải nghiệm, suy ngẫm, phát hiện và đồng cảm với nhà thơ. Hệ quả tất yếu là đôi lúc, họ không khỏi choáng ngợp trước một lối thơ “ảo”, càng đi sâu càng ảo: “thơ ca càng ảo bao nhiêu càng đem lại sự chân thực bấy nhiêu... Hiện thực trong thơ được hiện hữu trên một mặt phẳng cong” [77,400].
Thứ hai là nhiệm vụ đặt ra đối với nhà thơ trong quá trình sáng tạo. Mai Văn Phấn đưa ra yêu cầu về việc tạo ra sự khác, khắc hẳn, biệt lập (đôi khi là đối lập) với cái đã được định giá bằng những lần “vượt thoát”, “vong thân” và “phủ định bản ngã”. Nhà thơ không thể đứng im một chỗ, không chờ đợi kết quả ở sự lặp lại nhàm chán: “Thật kinh hãi khi phải ngắm nhìn một nghệ sĩ cứ đứng mãi một chỗ mà biểu diễn quá nhiều lần một tiết mục tới gần như vô cảm, nói cách khác là thương hại những ai thâm canh triền miên trên một mảnh đất đã cỗi cằn” [77, 399]. Sáng tạo của nhà thơ luôn là một quá trình phủ định cái cũ để hướng đến cái mới, giá trị mới của nghệ thuật: “Tôi quan niệm tác phẩm sau khi được công bố tồn tại độc lập với người làm ra nó. Sự lưu luyến hay không xin dành cho người đọc và thử thách khắc nghiệt của thời gian. Tôi không có thói quen chiêm bái những con đường cũ của mình, không quay vái lạy chiếc áo vừa trao trên giá” [77, 430]. Muốn như thế, nhà thơ cần phải được tự do, được làm chủ ngòi bút, làm chủ thế giới: “Bây giờ sáng tạo trong một quan niệm riêng, tôi thực sự thấy tự do tuyệt đối, được làm vua những con chữ của mình” [77, 431].
Sau mỗi lần tự phủ định, nhà thơ đã biến thành một người khác, thậm chí đối lập hẳn với mình của khi trước, thấy mình “người” hơn. Bởi lẽ sau khi các đứa con tinh thần lần lượt ra đời thì “Bài thơ tôi vừa viết xong là bài thơ cũ. Tôi là người luôn mới” [77,425] vì “Tôi được bài thơ dạy lại mình cách viết” [77,441]. Nhưng hơn hết, “Với mỗi người làm thơ, điều quan trọng là biết lạnh lùng với chính bản thân mình, dũng cảm nhìn lại một cách trung thực và chính xác, biết mình là quầy hàng khô hay anh chữa chìa khóa trong một cái chợ” [77, 399], nhà thơ cần có đủ kiến thức thi ca, có nền tảng văn hóa và xã hội sâu rộng, có bản lĩnh khám phá và cả lòng dũng cảm, bình tĩnh trước sức ép công luận, dám chấp nhận đơn độc trên con đường mới, mở ra một không gian thơ khác, tiếng nói khác. Như thế nghĩa là Mai Văn Phấn đã chấp nhận từ bỏ “ve vuốt” sở thích đám đông để hướng đến những giá trị mang tính trường tồn: “Những ai chỉ để tâm ve vuốt sở thích của đám đông, người đó sẽ làm nghèo đi sự phong phú của khu vườn thi ca rất nên sinh động” [77,423]... Có thể nói rằng, Mai Văn Phấn thực sự là nhà thơ của những “trăn trở sáng tạo” không ngừng nghỉ với một niềm ám ảnh thường trực “đến lúc nào đó không còn đủ ý chí và nghị lực để tự phủ định” [77,425].