Khái niệm cấu tứ

Một phần của tài liệu Nghệ thuật cấu tứ trong thơ mai văn phấn (Trang 46 - 49)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.1. Khái niệm cấu tứ

Cấu tứ là một phương diện quan trọng của hoạt động sáng tác văn học. Nó thể hiện quá trình suy ngẫm của tác giả để định hình, tổ chức cả hai mặt nội dung và nghệ thuật một tác phẩm. Nó đóng vai trò tạo nên phong cách nghệ thuật, biểu hiện tư tưởng, quan niệm nghệ thuật về con người và cuộc sống của nhà văn. Cấu tứ là linh hồn của tác phẩm, cung cấp cho độc giả một thế đứng, thế nhìn, cách cảm nhận để thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Cấu tứ là mô hình nghệ thuật của tác phẩm. Tuy nhiên, không phải bất cứ cấu tứ nào cũng có thể cho thấy phong cách, tư tưởng nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật về thế giới và con người của chủ thể sáng tạo. Đó phải là những kiểu cấu tứ có tính lặp lại, xuyên suốt hoặc thống nhất trong nhiều tác phẩm.

Cấu tứ được xác lập như thế nào? Ban đầu ấn tượng, sự ám ảnh về một vấn đề nhân sinh nào đó dồn nén, tích luỹ tạo thành ý. “Ý do sự suy nghĩ mà ra”. Rồi ý vận động phát triển biện chứng tạo thành tứ. Sau đó, nhà văn lại tiếp tục suy ngẫm, lựa chọn cách để tổ chức tứ của mình theo một dụng ý riêng để tạo nên hiệu quả nghệ thuật cao nhất. Người đọc khi tiếp cận với tác phẩm văn học phải tìm cho ra cái mạch ngầm chảy trong cơ thể nghệ thuật đó. Nhà văn khi lập tứ phải tìm cách biểu đạt ý một cách hàm súc, kín đáo. Đặc biệt là ý phải tập trung vào một hướng, tác giả phải “cấp cho nó một khuôn khổ nhất định”. Nhưng chưa đủ, tứ muốn đứng được nhất thiết chủ thể sáng tạo phải làm nổi lên cái thần.Từ chất liệu cũ hoàn toàn có thể sáng tạo ra tứ mới. Cấu tứ từ đó mà trở nên đa dạng, độc đáo và chặt chẽ.

Cấu tứ có tính thời đại, tính lịch sử và đậm phong cách cá nhân. Nhà phê bình Trần Thiện Khanh khẳng định: “Văn học cổ hướng tới cái ta đạo lý, do vậy cách cấu tứ thơ, truyện đều qui phục nhiệm vụ giáo huấn có tính qui phạm này.Văn học hiện đại đào sâu vào bản thể cá nhân, những suy nghĩ nhiều chiều, phức tạp nên tứ thơ, tứ truyện hướng tới sự độc đáo, không lặp lại. Mỗi nghệ sĩ đều có cái gu riêng trong việc chọn tứ và có sở trường, kinh nghiệm riêng trong cách cấu tứ để gợi cảm, gợi nghĩ từ phía người thưởng thức” [40]. Vậy nên cấu tứ luôn chịu sự chi phối của cái nhìn về con người, thế giới của loại hình tác giả. Đối với kiểu tác giả ngôn chí chẳng hạn thì bài thơ thường được cấu tứ theo mô hình của chí, đạo, “cốt để di dưỡng tính tình”, cấu tứ thực hiện chức năng xã hội - đạo lí. Tứ trong sáng tác của người này khác người kia chẳng qua do tính cách và cảnh ngộ của từng người.Tứ của người tài tử khác với tứ của người hành đạo, ẩn dật, thiền gia khác đạo gia. Có cái tứ nảy sinh “ở rừng suối gò hoang”, “công danh sự nghiệp”, lại có cái tứ “ở gió mây trăng tuyết”, niềm cảm thương, nỗi uất ức hoài tài bất ngộ... Có tác phẩm cấu tứ theo cảm xúc, thái độ thẩm mỹ, trí liên tưởng, tưởng tượng, có tác phẩm cấu tứ theo số phận, tích cách con người, dân tộc. Cũng có tác phẩm cấu tứ “giả cổ tích”, “giả huyền thoại”, mô phỏng theo sử thi... Chẳng hạn: “nếu tứ truyện của Nguyễn Tuân triển khai theo tính cách tài hoa nghệ sĩ, ngang chướng, lập dị của nhân vật thì tứ truyện của Nam Cao luôn bám sát sự ăn mòn nhân cách, nhân hình của hoàn cảnh sống và miếng cơm manh áo. Nguyễn Công Hoan có biệt tài phát hiện, thể hiện những tính cách bi hài kịch. Kiểu nhân vật diễn trò, đóng kịch tung hoành trong thế giới nghệ thuật của ông là một thành công đáng ghi nhận. Trong khi đó tác phẩm của Vũ Trọng Phụng luôn khái quát trung thực mô hình xã hội chó đểu, nhố nhăng, lưu manh, với đủ thứ kỹ nghệ, đủ ngón lừa lọc. Nếu như nhà văn này cấu tứ truyện ngắn, tiểu thuyết, phóng sự theo không gian (từ nông thôn đến thành thị, từ hạ lưu đến thượng lưu, điều tra từ bên trong rồi mở rộng không gian toàn xã hội bằng cách tái thiết cơ cấu tổ chức bịp bợp, me tây, du côn

giang hồ, tham nhũng ở dạng chỉnh thể...) thì Thạch Lam lại thường cấu tứ theo thời gian, theo cảm giác mong manh, mơ hồ, hết sức tinh tế và nhân bản của nhân vật (Hai đứa trẻ, Gió lạnh đầu mùa, Dưới bòng hoàng lan, Trong

bóng tối buổi chiều...). Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan chú ý đến

những con người có địa vị, thanh thế to lớn trong xã hội. Thạch Lam lại bổ sung một phạm vi hiện thực khác: bình dị, lặng lẽ, chìm khuất, nhỏ nhoi. Cái tứ của Nam Cao khám phá qui luật số phận tha hoá, sống mòn, sống thừa, chất nghịch dị. Cái tứ của Thạch Lam là qui luật và khoảnh khắc tâm hồn; Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan tìm tòi con đường thành đạt, bám trụ và len lỏi của con người...” [40].

Vai trò của cấu tứ được xoay quanh hai chữ “cốt tử”. Mỗi nhà thơ, nhà văn đều phải tìm tòi, suy ngẫm để xác định cho ra cấu tứ riêng cho tác phẩm của mình. Nếu như coi tứ truyện là bằng chứng về sự tìm tòi công phu, sáng tạo nghiêm túc của nhà văn, là mô hình tư duy, mô hình về thực tại được nhà văn khám phá thì tứ trong thơ cũng là một sáng tạo độc đáo không kém, cho thấy được những lý giải, cách cảm, cách suy luận riêng của mỗi nhà thơ. Lưu Hi Tải cho rằng: “Nếu hình thành ý tứ trước khi viết, tác giả sẽ viết nhàn nhã. Nếu cầm bút viết, rồi ý mới nảy sinh, thì chân tay lúng túng” (Nghệ khái văn

khái). Cấu tứ trở thành một phương tiện có chức năng thống nhất giữa mặt

chủ quan của người sáng tạo (quan niệm về thế giới con người, cách nhìn, cách cảm, mơ ước, kinh nghiệm riêng của nghệ sĩ, cá tính sống và cá tính sáng tạo của họ...) với mặt khách quan (hiện thực).

Một tác phẩm văn học mà không có cấu tứ thì chỉ như một cái xác không hồn. Nhiều nhà văn cấu tứ tác phẩm dựa trên những lần vụt sáng, lóe sáng hay vụt đến nhưng cũng có khi phải nung nấu, nghiền ngẫm trong thời gian dài. Xét cho cùng tất cả đều do hiện thực khách quan tác động một cách bền bỉ, mạnh mẽ vào thế giới nội tâm nhà văn, nhà thơ. Không có sự thể nghiệm nhân sinh, khảo sát sự lý, kiến giải riêng, không “nắm vững qui tắc

viết” và tìm “lấy một điểm để xâu suốt tất cả” thì không có cấu tứ mới mẻ, độc đáo.

Có thể nói, trong sáng tạo văn học, đặc biệt là thơ ca, cấu tứ có vai trò vô cùng quan trọng, như là một thách thức sáng tạo mà người nghệ sỹ cần phải vượt qua, nếu không sẽ không thể có tác phẩm chứ chưa nói đến những tác phẩm hay, để đời.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật cấu tứ trong thơ mai văn phấn (Trang 46 - 49)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(153 trang)
w