7. Cấu trúc của luận văn
1.3. Thơ Mai Văn Phấn: cuộc hành hương gập ghềnh về cõi riêng
Nhà thơ Vân Long đã từng nhận xét: “Một nhà thơ dễ bằng lòng với mình, sẽ kéo dài giai đoạn này có thể vẫn là một tên tuổi sáng giá. Nhưng Mai Văn Phấn, ngược với vẻ ngoài thư sinh, anh là người say mê leo núi, vượt biển không biết mỏi, mục tiêu luôn ở phía chân trời…” [53] để từ đó tạo cho mình một chỗ đứng riêng, một phong cách độc đáo mà như Mai Văn Phấn đã từng chia sẻ: “Với tôi, phong cách của nhà thơ không được đơn điệu, nó giống như cái Ru-bích, một trò chơi của trẻ con, anh muốn xem màu gì thì xin hãy quay. Nhưng chắc chắn quay chiều nào, cách nào anh vẫn nhận ra diện mạo tinh thần của thi sĩ” [77,425]. Vậy nên ông không ngần ngại “rời bỏ bầy đàn để quẫy vào biển động”: Anh là con cá miệng dàn dụa trăng/ Rời bỏ bầy
xưa nay đã có biết bao nhiêu kẻ yêu thơ đào xới, lật tìm, sứ mạng của thi nhân lúc nãy chính là sáng tạo để độc giả biết đến mình như một cá tính, một thực thể sinh động riêng biệt. Quá trình sáng tạo thơ Mai Văn Phấn là cuộc hành hương gập ghềnh về cõi riêng.
Thử điểm lại hành trình thơ của Mai Văn Phấn theo sự vận động lịch sử của nó để thấy được sự “gập ghềnh” khi đi tìm cõi riêng ấy. Trong thực tế, có thể chia thơ Mai Văn Phấn thành nhiều chặng đường khác nhau tuy nhiên chúng tôi thống nhất cách chia được nhiều nhà nghiên cứu phê bình đồng tình là chia thơ ông thành 3 chặng: chặng một là từ điểm khởi đầu cho đến năm 1995, chặng hai là từ 1995 đến năm 2000 và chặng thứ 3 là từ năm 2000 cho đến nay.
Ở chặng thơ đầu tiên (từ khởi đầu đến năm 1995): Mai Văn Phấn cho ra mắt bạn đọc hai tập thơ Giọt nắng (1992) và Gọi xanh (1995). Với hai tập thơ này, Mai Văn Phấn đã tuyên bố với mọi người rằng ông chính thức đặt chân vào làng thơ. Sự thành công của hai tập thơ vừa kể tên không chỉ được thể hiện bằng các giải thưởng về thơ của tuần báo Văn nghệ và giải thưởng văn học Nguyễn Bỉnh Khiêm, sự hoan nghênh cổ vũ, đón đợi nhiệt thành của giới nghiên cứu phê bình và độc giả yêu thơ mà hơn hết là thông qua đó, người ta thấy được những tín hiệu mới lạ từ một gương mặt mới đang khao khát chuyển dòng trên dòng sông nghệ thuật. Sự mới lạ được nhà thơ kiến tạo trong chính những tác phẩm của mình thông qua nghệ thuật lạ hóa các ẩn dụ, làm nhòa dần các tầng nghĩa, xây dựng các hình tượng nghệ thuật có tính phát triển, ít nhiều vượt qua được mỹ cảm thơ đương thời: “Em lần theo bóng mây
trôi/ Thấm qua sóng lá vô hồi/ Đẫm vào anh tiếng chim đôi bất ngờ/ Làm vang lên những dây tơ vừa chùng” (Em xa). Tuy nhiên, những mỹ cảm mới
ấy lại được Mai Văn Phấn thể hiện khá rụt rè trong một thi pháp chung có tính truyền thống. Bởi vậy, thành công của hai tập thơ chưa đạt được độ chín cần thiết.
Đến chặng đường thơ thứ hai (từ 1995 đến năm 2000): Mai Văn Phấn đánh dấu sự trở lại của mình với tập thơ Cầu nguyện ban mai (1997), Nghi lễ
nhận tên (1999) và trường ca Người cùng thời (1999). Việc tìm ra diện mạo
của nhà thơ ngày càng trở nên khó khăn hơn bởi lẽ ý thức về sự “khác” và “ngày càng khác” trở nên rõ rệt hơn khi Mai Văn Phấn đã nhận ra được bản mệnh của mình. Ông say sưa đi vào những chuyển động trong cấu trúc tư duy nghệ thuật cũng như hình thái thơ đa dạng để từ đó bật dậy trong một cuộc cách tân “rốt ráo, quyết liệt” khiến người khác phải giật mình nếu không muốn nói là bất ngờ và sợ hãi. Bởi lẽ khát khao nhận thức hiện thực ở bề sâu, bề sau, bề xa buộc ông phải đổi mới cách nhìn, cách lí giải về hiện thực. Tác giả Lê Hồ Quang nhận định: “Thơ Mai Văn Phấn giờ đây có khi chỉ là những
Dàn ý hay Bài tập mùa xuân, hoặc những ý tưởng bất chợt Đến trong ý nghĩ.
Những câu chữ bề bộn, chảy tràn trang, phá vỡ ranh giới thơ và văn xuôi, không hề có dấu câu, miên man như những ý nghĩa không sắp đặt, không
quán tính, đảo lộn mọi quy ước phổ thông. Trong những tổ chức ngôn từ
chừng như phi logic, nhà thơ đang đến gần hơn với tiếng nói của trực giác, vô thức, tâm linh” [85]. Có thể nói, dấu ấn hiện đại chủ nghĩa đã và đang chảy tràn trong mỗi trang thơ Mai Văn Phấn mà rõ nhất là ở trường ca Người cùng
thời. Đó là một sự “chuyển giọng” lớn trong cấu trúc, nhịp điệp, ý tưởng, cách
lắp ghép các mảng khối... thông qua các chương của tác phẩm. Nếu nói
Người cùng thời tập trung được tinh hoa sáng tác trong chặng thơ này thì
cũng không có gì là quá lời. Có thể nói, ở chặng này, thơ Mai Văn Phấn đã có những bước đi tự tin và vững chãi trước khi đặt lên một đài cao riêng biệt.
Chặng đường thơ thứ ba (từ năm 2000 đến nay): Mai Văn Phấn liên tục “gây sốt” bằng việc công bố các tập thơ mà ở đó những tìm tòi thể nghiệm thi pháp thơ đã đạt tới trình độ “khác hẳn”, “biệt lập”. Đó là các tập: Vách nước (2003), Hôm sau (2009), Và đột nhiên gió thổi (2009), Thơ tuyển cùng tiểu
luận và trả lời phỏng vấn (2011), Hoa giấu mặt (2012), Bầu trời không mái che (2012), Vừa sinh ra ở đó, (2013) cùng rất nhiều những bài thơ khác được
sáng tác đăng trên các báo, tạp chí văn nghệ và đăng trên website
maivanphan.vn. Trong đó “Vách nước là tập thơ khá khó đọc. Phần lớn các
bài thơ trong tập thơ này được viết theo lối tự động tâm linh hoặc những mê sảng của ý thức, sự trỗi dậy của vô thức, tiềm thức. Thế giới là một hỗn độn ngẫu nhiên, phi tuyến tính, phi trật tự, phi logic” [22,81]. Còn “Bầu trời
không mái che ngổn ngang ký ức và tưởng tượng, chồng chất lập thể đến cực
đoan những đứt nối, bất chợt của ý thức, tâm tưởng” [22,88]. Đặc biệt là đến tập thơ Vừa sinh ra ở đó, Mai Văn Phấn đã đi được một chặng đường rất xa, bỏ lại sau lưng tất cả những sự rối rắm, ngoằn ngoèo để vươn tới một thế giới tinh khiết bằng thi pháp đậm chất tượng trưng mà biểu hiện rõ nhất là việc tiết chế trong kỹ thuật, tính biểu tượng trong cấu trúc không gian, cô đặc trong ngôn từ... Đến đây, “ta hình dung thấy một miền đất mới hoàn toàn, với những quy hoạch, kiến trúc và vật liệu mới. Điều gây ấn tượng mạnh mẽ nhất là những ý tưởng, liên tưởng, tưởng tượng và hệ thống ngôn ngữ cách biệt và có lúc trái nghịch với lối thơ đang chế ngự trên diễn đàn hiện nay của nước ta” [23]. Những thủ pháp của lối viết hậu hiện đại đã ngấm rất sâu vào trong từng tầng vỉa của ngòi bút thơ, lối viết “tự nhiên” giúp Mai Văn Phấn không bị gò bó, thỏa sức thể hiện ý tưởng sáng tạo làm nên những đột phá. Tác giả Lê Hồ Quang khẳng định: “Trong những sáng tác từ sau 2000 đến nay, thi pháp thơ Mai Văn Phấn cập nhật những khuynh hướng sáng tạo mới mẻ của thế giới, tiếp tục biến đổi sâu sắc. Thay cho cái nhìn mang tính nhất phiến trước đây là một cái nhìn phân mảnh đầy hoang mang và bất an, sản phẩm của một thời đại cũng đầy bất an và biến động. Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra
ngõ, Không thể tin, Quay theo mái nhà, Anh tôi, Đúng vậy, Chỉ là giấc mơ, Còn cậu hãy đứng đằng kia… phản chiếu một cái nhìn nghịch dị, hài hước,
không kém phần tỉnh táo về một thế giới bị xô lệch, con người bị biến dạng, trở nên méo mó, không khác gì những sản phẩm chế tác từ đồ phế thải [85].
Đúng như Vân Long đã khẳng định: “Mai Văn Phấn là một trường hợp thật riêng khác mà phải qua một quá trình dài ta mới nhận ra, bởi anh luôn
không chịu ổn định một phong cách nào, luôn tự phá vỡ thế đứng ngỡ như tạm ổn định để bước sang một giai đoạn thể nghiệm mới” [53]. Cuộc hành hương đi tìm cái riêng trong thơ Mai Văn Phấn không hề đơn giản, dễ dàng, nó trải qua một quá trình tiến triển, liên tục “phủ định” để “khẳng định” và “Mai Văn Phấn như con kình ngư dư sức, con đại bàng khát tầm bay không giới hạn” [53]. Nhìn lại toàn cảnh hành trình sáng tạo thơ Mai Văn Phấn như thế chúng ta mới thấy rõ được những thay đổi, biến đổi mạnh mẽ trong tư duy thơ, thi pháp thơ ông. Trong một dòng chảy chung của nền thơ Việt Nam sau 1975 có tính chất “bất ổn” và thậm chí là “khủng hoảng”, ông mạnh dạn từ bỏ những thị hiếu tầm thường, những cách viết có tính truyền thống, một mình rẽ sang hướng khác bằng những lần “vượt thoát”, “vong thân” liên tục. Mỗi một tập thơ ra đời, Mai Văn Phấn dần “khác” và ngày càng “khác lạ” hơn nữa, ông xuất hiện với tư cách là một cá tính riêng biệt bởi quan niệm “sáng tạo đồng thời với việc khai sinh một thế giới riêng biệt”. Và chính cái riêng biệt ấy đã giúp độc giả nhận ra đó là Mai Văn Phấn chứ không phải ai khác.