7. Cấu trúc của luận văn
3.1.2.4. Cảm giác hoang mang, bất an, rối bời không lối thoát
Cuộc sống, sự vật hiện tượng hiện lên muôn hình, muôn vẻ. Con người luôn luôn phải đón nhận vô vàn những tác động, đứng trước nhiều ngã rẽ và sự lựa chọn. Có thể phía trước sẽ là một con đường rộng mở, có thể sẽ chỉ là một ngõ cụt? Có thể là niềm vui, có thể là nỗi buồn? Có thể là sự sống, có thể là cái chết? Đứng trước những sự thay đổi đến chóng mặt, sự tha hóa của chính cái tôi, thân phận con người cũng trở nên bé nhỏ, liên tục bị đảo lộn, trở nên hoang mang, bất an, rối bời hơn bao giờ hết. Nó mong muốn được giải phóng, nhưng không phải chuyện dễ dàng. Cảm giác ấy đã được Mai Văn Phấn chuyển thành cấu tứ cho các bài thơ: Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ,
Quay theo mái nhà, Nghe tin bạn mất trộm, Biến tấu con quạ, Bài học, Hắn II, Sống hồn nhiên, Trong căn phòng, Giả thiết cho buổi sáng hôm sau...
Trong căn phòng “còn mang một nửa bóng tối” là một cách hình dung
về thế giới tinh thần của con người. Nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm đã viết: “Nửa sáng và nửa tối có lẽ là một trình hiện về ý thức, vô thức và tiềm thức. Phần ý thức phải chăng là ánh sáng? Phần vô thức, tiềm thức phải chăng là bóng tối? Không hẳn? Bởi ở đấy, ánh sáng đang đi ra từ vô thức, từ bóng tối, từ thế giới ẩn mật của con người, cứu rỗi ý thức tha hóa thành bóng tối. Tiếng nấc hụt yếu hèn là biểu hiện của ẩn mật, là một tình trạng của kìm nén và sợ
hãi. Bởi thế, âm vang nào nếu không phải là tiếng vọng từ vô thức, tiềm thức, cất lên một thảm trạng cần thay đổi, cần phải được chiếu sáng, cần phải được hiện hình” [22,52]. Trong bài thơ “gọi tên sự tù mù” và sự sáng là một tâm thế đang náo động trong sự bí bách chật vật, trong những hoang mang chưa tìm thấy sự bấu víu nào trong những chuyển động của bóng tối và ánh sáng. “Sự tù mù không hẳn là bóng tối. Điều này gợi lên từ chính hàm ẩn của tính từ này. Sự tù mù của ánh sáng, bóng tối tù mù, hiện thực tù mù, cuộc đời tù mù, các giá trị tù mù... Tương tự như thế, sự sáng không hẳn là tồn tại nơi ánh sáng. Chân lý không phải ở số đông. Bởi thế, gọi tên sự sáng cũng là gọi tên một giá trị, một khả năng khai minh từ trong bóng tối hoặc hoặc từ trong những tù mù, bất định” [22,52]. Song hành này đã thể hiện niềm hoang mang như là một sự kết liên với tâm thái bi quan sẵn có:
Đèn bật sáng Mọi vật nhìn rất rõ Chiếc gạt tàn kia Bóng tối đã hình dung Ý tưởng mới hiện hình
Những điều chưa kịp giải thích
Cũng nằm yên trong ánh sáng chan hòa Còn mang một nửa bóng tối
Tôi lấy hơi cho những âm vang...
Hãy cùng đọc bài thơ Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ:
Pha xong ấm trà Quay ra
Ông khách không còn ở đó Gọi điện thoại
Người nhà bảo ông mất đã bảy năm Nhầm lẫn
Mọi sự đảo lộn
Không nhớ bức chân dung hạ xuống bao giờ Đâu rồi chiếc đồng hồ chạy bằng dây cót Bộ ấm chén giả cổ ai cho?
...Luồng tử khí cao chừng một mét sáu dựng đứng trước mặt chốc lại cúi gập.
Bài thơ được cấu tứ dựa trên dòng cảm giác hoang mang đầy rẫy những bất an. Tiêu đề có chữ “trấn tĩnh” chỉ như là một gợi ý cho một tâm thế tạm thời, còn điều hiển lộ ra trước độc ra lại là sự “nhầm lẫn”, bất an cao độ. Chủ thể đã không còn xác định được một cách đích xác mình đang đứng ở chỗ nào, mình đang sống hay là đã chết, sao lại có thể nhầm lẫn một cách nghiêm trọng đến vậy, điềm nhiên pha trà mời một vị khách đã mất bảy năm. Tất cả mọi sự đảo lộn quay cuồng trong nhà, sự đảo lộn xung quanh đã làm cho chủ thể u mê, chóng chánh. Cái tôi mỹ cảm quay cuồng.
Trong bài Giả thiết cho buổi sáng ngày hôm sau lại như một dự cảm đầy bất an, rối bời về thân phận con người. Con người cứ trầm tĩnh, “không buồn, không giận”, không quan tâm đến sự đỏi thay của thế sự, chỉ ngồi “buông câu” di dưỡng tinh thần an lạc. Mọi sự cứ tưởng thế là đã yên ổn nhưng không phải, vì “châu chấu, cào cào sẽ chui vào bụng” khi ngáp, những con cá đen sẽ vùng dậy dưới bình minh đen, con người không thể ngồi im trước những “lưỡi câu có ngạnh”. Đó là lúc, con người phải đối diện với sự thức, cảm thấy bất an vô cùng:
Về già ông ít nói
Không buồn, không giận
Suốt đêm ngồi buông câu bên vũng bùn Để di dưỡng tinh thần?
Không dám ngáp Bởi mất cảnh giác
...Có thể dưới bình minh đen Chất ngất những con cá đen
Gió móc vào ông lưỡi câu có ngạnh...
Có thể nói, “với những dự cảm bất an về thân phận, thơ Mai Văn Phấn không ru ngủ người ta, mà đánh thức linh thị con người trong niềm khắc khoải hiện sinh. Tư duy và mĩ cảm của anh khởi sự từ niềm bất an ấy. Ngôn ngữ thơ biểu hiện tính phân mảnh của hiện thực trong một lô gíc mới. Những ngẫu hợp của đời sống chen chúc trong cấu trúc câu thơ ngỡ như thiếu mạch lạc. Nhưng rõ ràng đã đem lại cho người đọc một cảm giác chân thực về những gì đang xoay động quanh ta. Sự hoài nghi và chối từ trật tự, mĩ cảm cũ hướng tới một thế giới mà ở đó mọi khả năng đều có thể xảy ra. Sự trực nhận của cảm giác xui khiến tư duy phủ nhận những khuôn thước cũ đã chật hẹp, lỗi thời, những chuẩn mực đã méo mó, không còn khả năng định vị. Tâm thế của con người trong bối cảnh sống chất ngất rủi ro đã hướng tư duy và mĩ cảm của tác giả vào từ trường hậu hiện đại. Hôm sau nghĩa là còn chưa tới. Niềm khải thị về nghiệm sinh dẫu đầy bất an nhưng sẽ có ý nghĩa cho một tương lai khả hữu hơn” [22,84].