7. Cấu trúc của luận văn
3.2.1. Liên văn bản và liên văn bản trong thơ
Liên văn bản (tiếng Pháp: Intertextualité; Anh: Intertextuality) là một thuật ngữ cơ bản trong việc phân tích tác phẩm nghệ thuật hậu hiện đại. Nó không chỉ được dùng như một phương tiện phân tích văn bản văn học mà còn để xác định cảm quan về thế giới và bản thân con người đương đại, đó là cảm quan hậu hiện đại. Khái niệm này do nhà ký hiệu học, nhà phê bình chủ nghĩa nữ quyền người Pháp Julia Kristeva đề xuất lần đầu tiên vào cuối những năm 60 của thế kỷ XX trong bài viết “Bakkhtin, từ, đối thoại và tiểu thuyết” trên cơ sở nghiên cứu kĩ lưỡng công trình của M. Bakhtin: Vấn đề nội dung, chất
liệu và hình thức trong nghệ thuật sáng tác ngôn từ (1924). Theo Kristeva,
“Văn bản không được hình thành từ những ý đồ sáng tác riêng tây của người cầm bút mà chủ yếu là từ những văn bản khác đã hiện hữu trước đó: Mỗi văn bản là một sự hoán vị của các văn bản, nơi lời nói từ các văn bản khác gặp gỡ nhau, tan loãng vào nhau và trung hoà sắc độ của nhau” [36]. Trong khi miêu tả tính biện chứng của tồn tại văn học, bà cho rằng: “Ngoài cái thực tồn tại bên cạnh nhà nghệ sĩ, anh ta còn có quan hệ với văn học trước đó và văn học cùng thời với mình, văn học mà anh ta luôn cùng nó đối thoại, và cuộc đối
thoại này được hiểu như cuộc đấu tranh của nhà văn với những hình thức văn học hiện tồn” [36]. Nói một cách khác đi, không có văn bản nào thực sự cô lập, một mình một cõi, như một sự sáng tạo tuyệt đối: văn bản nào cũng chịu sự tác động của văn bản văn hoá (cultural text), cũng chứa đựng ít nhiều những cấu trúc ý thức hệ và quyền lực thể hiện qua các hình thức diễn ngôn khác nhau trong xã hội. Kristeva còn xem văn bản có tính sản xuất (productivity): Lúc nào nó cũng là một quá trình vận động và tương tác liên tục. Từ đó, đi xa hơn, bà cho rằng mỗi văn bản là một liên văn bản, ở đó, các văn bản khác cùng hiện hữu để góp phần chi phối và làm thay đổi diện mạo của văn bản ấy; mỗi văn bản là một sự hấp thụ và chuyển thể của văn bản khác, là một tấm vải mới dệt từ những trích dẫn cũ, ở đó, có vô số những mảnh vụn của các mã ngôn ngữ, các quy ước văn học, các khuôn mẫu nhịp điệu, các hình thức diễn ngôn vốn từng phổ biến trong xã hội. Tuy nhiên, theo Kristeva, cũng nên lưu ý, “phần lớn những mảnh vụn này là vô danh và có khi vĩnh viễn không ai có thể truy nguyên được xuất xứ của chúng, đó chỉ là những trích dẫn tự động, từ vô thức, và không mang bất cứ một dấu hiệu đặc biệt nào để nhận diện sự trích dẫn ấy cả” [36].
Tác giả Nguyễn Văn Hùng đã tổng hợp và chia sẻ: “Quan niệm về tính liên văn bản của Julia Kristeva nhanh chóng nhận được sự đồng tình của nhiều triết gia lớn, những người sẽ khai triển khái niệm tính liên văn bản theo nhiều hướng khác nhau, mở rộng nội hàm của nó. Trong số đó, đáng lưu ý là quan điểm của nhà lý luận thuộc chủ nghĩa cấu trúc và hậu cấu trúc (A.J. Greimas, R. Barthes, J. Lacan, M. Foucault, J. Derrida…). Kế thừa những thành tựu của những nhà nghiên cứu đi trước, đến lượt mình, nhà nghiên cứu người Pháp G. Genette trong cuốn Palimpsestes: La litérature au second
degré (Palimpsestes: văn học bậc nhì) xuất bản năm 1982 đã biến khái niệm
tính Liên văn bản thành tính xuyên văn bản (transtextualité), một khái niệm khá rộng, thâu tóm cả năm khái niệm khác nhỏ hơn: 1. Intertextualité (liên văn bản) - sự cùng hiện diện trong một văn bản của hai hay nhiều văn (trích
dẫn, điển tích, đạo văn…) 2. Paratextualité (cận văn bản) như là quan hệ giữa văn bản với phụ đề, lời nói đầu, đề bạt, đề từ… 3. Métatextualité (siêu văn bản) như sự chú giải hoặc viện dẫn văn bản trước đó một cách có phê phán. 4. Architextualité (kiến trúc văn bản) được hiểu như mối quan hệ thể loại giữa các văn bản. 5. Hypertextualité (ngoa dụ văn bản): như sự cười cợt hay giễu nhại của văn bản này đối với văn bản khác” [36].
Như vậy, qua sự phân tích ý kiến của các nhà lý luận, chúng ta thấy có hai cách hiểu như sau về liên văn bản: “Một mặt, liên văn bản được hiểu như một thủ pháp văn học xác định (trích dẫn, ám chỉ, bình giải, nhại, bắt chước, vay mượn). Mặt khác, liên văn bản còn được hiểu như là thuộc tính bản thể của mọi văn bản (bất kỳ văn bản nào cũng là liên văn bản, R. Barthes)” [34]. Chính vì vậy, khi xếp chồng lên nhau các văn bản, cho phép người nghiên cứu tìm thấy những mã văn bản: mã văn hóa, mã lịch sử… mà trung tâm của nó là mã của hình tượng văn học.
Dựa trên các cơ sở lý luận trên, chúng tôi xác định khái niệm liên văn bản: đó là sự liên hệ giữa một văn bản với những văn bản khác giúp tạo sinh nghĩa cho văn bản. Các văn bản này có thể liên kết với nhau, kêu gọi nhau thông qua sự tương tác với người đọc. Người đọc bằng vốn văn hóa, tri thức của mình sẽ tự tạo liên tưởng với các văn bản khác. Tuy nhiên, sự liên tưởng của người đọc cũng cần có những “chìa khóa” để kích hoạt hoặc đi theo một vài “mũi tên” chỉ đường kín đáo của nhà thơ chứ không phải liên tưởng một cách hồ đồ, tùy tiện. Liên văn bản đã được vận dụng vào trong các sáng tác văn học, đặc biệt là trong thơ, mỗi bài thơ không hề tồn tại một cách cô lập mà thường xuyên có mối liên hệ với các văn bản khác. Và với thơ, tính liên văn bản có thể mở đến vô cùng với mọi chiều kích.
Khi nghiên cứu về thơ Mai Văn Phấn, chúng tôi cũng đã phát hiện được nhiều dấu ấn của quan hệ liên văn bản, chúng giống như là những “khớp nối đa chiều” tạo sinh ý nghĩa làm cho cấu tứ thơ trở nên độc đáo và hấp dẫn.