- Nuôi giàn hay dây treo: Nuôi giàn thường dùng để chỉ hình thức nuôi các
1.4.1. Nhân tố tự nhiên
Các nhân tố tự nhiên là tiền đề cơ bản cho sự phát triển và phân bố thủy sản. Mỗi loại thuỷ sản chỉ có thể sinh trưởng và phát triển trong những điều kiện tự nhiên nhất định. Các điều kiện tự nhiên quan trọng hàng đầu là khí hậu, thủy văn, sinh vật. Các yếu tố này sẽ quyết định khả năng nuôi trồng, khai thác các loài thuỷ sản trên từng lãnh thổ, khả năng áp dụng các hình thức sản xuất, đồng thời có ảnh hưởng lớn đến năng suất và sản lượng thủy sản.
1.4.1.1. Đất đai
Ðất để nuôi trồng thủy sản là đất có mặt nước nội địa, bao gồm ao, hồ, đầm,
phá, sông, ngòi, kênh, rạch; đất có mặt nước ven biển; đất bãi bồi ven sông, ven
biển; bãi cát, cồn cát ven biển; đất sử dụng cho kinh tế trang trại; đất phi nông nghiệp có mặt nước được giao, cho thuê để nuôi trồng thủy sản.
Đất đai để nuôi trồng thuỷ sản quyết định đến sự tồn tại và phát triển của các loài thủy sản. Đất nuôi trồng thủy sản còn quyết định quy mô phát triển nuôi
trồng, thể hiện ở chỗ nếu diện tích có khả năng nuôi trồng lớn thì quy mô để phát triển nuôi trồng thuỷ sản cũng lớn.
1.4.1.2. Nước
Không những là một nhân tố quan trọng, mà nước còn được xem như một nguồn lực đặc biệt để phát triển ngành thủy sản. Sản xuất thủy sản không thể tiến hành nếu không có mặt nước (thủy vực). Thủy vực là tư liệu sản xuất chủ yếu, không thể thay thế được của ngành: vừa là đối tượng lao động, vừa là công cụ lao động. Nó không chỉ là nơi trú ngụ của các loài sinh vật, mà còn là nguồn cung cấp thức ăn, dưỡng khí cho vật nuôi thông qua sức sản xuất sinh học của thủy vực.
Với tư cách là nguồn lực của thủy sản, mặt nước có hai loại: nguồn lực tự nhiên và nguồn lực nhân tạo. Thủy vực tự nhiên là mặt nước hình thành một cách tự nhiên, có thể sử dụng vào mục đích phát triển thủy sản. Thủy vực nhân tạo là mặt nước do con người tạo ra và trở thành môi trường sinh sống của các loài thủy sản, ví dụ: đào ao thả cá, chuyển đất canh tác sang nuôi trồng thủy sản, xây dựng hồ đập,…
Theo tính chất môi trường nước, có thể chia mặt nước phát triển thủy sản thành ba loại: nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Tính chất mặt nước quy định yếu tố giống loài thủy sản sinh sống hoặc nuôi trồng, phù hợp với đặc điểm sinh thái riêng của mỗi loài.
Nguồn nước phục vụ nuôi trồng thuỷ sản yêu cầu về chất lượng khá nghiêm ngặt, nước không bị ô nhiễm, độ đục thấp, hàm lượng ôxi tan trong nước cao, hàm lượng chất hữu cơ trong nước thấp, hàm lượng các chất độc trong nước thấp hoặc
không có (thuốc bảo vệ thực vật, H2S,…). Để sử dụng nguồn nước mặt cho nuôi
trồng thuỷ sản đạt hiệu quả cao và phát triển bền vững phải chú ý giải pháp quản lý, giải pháp kỹ thuật, giải pháp công cộng,… làm cơ sở để hạn chế sự ô nhiễm nguồn nước mặt trên diện rộng, bảo vệ chất lượng môi trường nước.
1.4.1.3. Khí hậu
Các điều kiện thời tiết, khí hậu có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động nuôi trồng thuỷ sản. Tính chất khí hậu quy định tính chất và sự phong phú của các loài thủy sản. Điều này còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất thủy sản theo mùa vụ hay
quanh năm. Bên cạnh đó, các điều kiện thời tiết, khí hậu cũng thúc đẩy hoặc kìm
hãm các hoạt động thủy sản, ảnh hưởng lớn đến năng suất khai thác và nuôi trồng
thủy sản.
Những tai biến thiên nhiên như lũ lụt, hạn hán, bão…gây thiệt hại nghiêm trọng cho nuôi trồng thuỷ sản, ảnh hưởng lớn đến hoạt động đánh bắt trên biển. Lũ lụt, nước biển dâng sẽ tác động mạnh đến hệ thống ao hồ nuôi trồng thuỷ sản, làm tăng những điều kiện bất lợi cho việc nuôi trồng thuỷ sản.
Đối với nuôi trồng thuỷ sản, có nhiều nhân tố như: gió, nhiệt độ, không khí, môi trường nước, chế độ mưa, độ mặn…đã ảnh hưởng đến điều kiện sống, khả năng sinh sản và di trú của đàn cá.
Nhiệt độ đóng một vai trò quan trọng cho quá trình sinh trưởng của sinh vật nói chung và các loài nuôi trồng thuỷ sản nói riêng. Mỗi loài có khoảng nhiệt độ thích ứng riêng. Khả năng chống chịu của chúng nằm trong khoảng giới hạn nhất định. Sự tăng nhiệt độ có thể làm suy giảm sản lượng thuỷ sản trong các ao hồ. Thay đổi nhiệt độ còn là điều kiện phát sinh của nhiều loài địch bệnh xảy ra cho các loài nuôi.
Tác động của thời tiết cũng ảnh hưởng mạnh tới môi trường ao nuôi. Thời tiết nắng nóng tạo điều kiện cho quá trình phân huỷ yếm khí các chất hữu cơ trong ao nuôi, đặc biệt ở đáy ao, tạo ra nhiều khí độc tích tụ ở đáy, gây ô nhiễm cho môi trường ao nuôi, ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng và phát triển của thuỷ sản.
Đối với nghề nuôi thuỷ sản mặn, lợ, độ mặn là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng và phát triển của loài nuôi. Khi xảy ra mưa lớn, độ mặn trong các ao nuôi giảm đi đột ngột vượt ra khỏi khả năng chịu đựng làm cho tôm, cá bị sốc, chết hoặc chậm lớn.
1.4.1.4. Sinh vật
Sinh vật tự nhiên là cơ sở để thuần dưỡng, tạo nên các giống thủy sản. Đồng thời, sinh vật còn là đối tượng nuôi trồng, khai thác của ngành thủy sản. Nguồn lợi giống loài thủy sản là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của sản phẩm thủy sản. Sự đa dạng về số lượng và số loài sinh vật sống dưới
nước ảnh hưởng đến quy mô, cơ cấu ngành thủy sản.
Sinh vật còn là nguồn thức ăn tự nhiên cho các loài thủy sản. Rừng ngập mặn là môi trường sống lý tưởng của nhiều giống loài thủy sản.