1. Quan điểm phát triển du lịch
Quan điểm phát triển du lịch Vùng Tây Nguyên trước hết phải phù hợp với các quan điểm phát triển du lịch của cả nước trong “Chiến lược và Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Ngoài ra, với đặc thù riêng, phát triển du lịch Vùng Tây Nguyên cần đảm bảo một số quan điểm sau:
a) Tăng cường liên kết phát triển du lịch vùng để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về du lịch của mỗi địa phương và của toàn vùng.
b) Phát triển đồng thời du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng núi..., trong đó lấy du lịch văn hóa với hạt nhân là giá trị văn hóa các dân tộc Tây Nguyên làm nền tảng để phát triển các loại hình du lịch.
c) Khai thác phát triển sản phẩm du lịch đặc thù là du lịch xanh để tăng khả năng cạnh tranh.
d) Chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, tạo việc làm và gắn với xóa đói giảm nghèo và phát triển nông thôn mới.
đ) Phát triển du lịch vùng Tây Nguyên không thể tách rời với phát triển du lịch của các vùng phụ cận, mà trước hết là Vùng Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ, với TP.Hồ Chí Minh là trung tâm đầu mối phân phối khách cho cả nước, và với vị trí và vai trò là địa bàn chiến lược trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.
2. Mục tiêu phát triển du lịch
2.1. Mục tiêu chung
- Hình thành sự liên kết phát triển du lịch vùng một cách toàn diện, đồng bộ; xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng, có thương hiệu... Đến năm 2020 phát triển du lịch Tây Nguyên trở thành một ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển; đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng; góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo và phát triển nông thôn; đảm bảo an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội.
- Phát triển du lịch Tây Nguyên tương xứng với vị trí và vai trò trong việc tạo sản phẩm du lịch độc đáo cho du lịch Việt Nam, gắn với việc“...Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác tiềm năng và thế mạnh về tài nguyên
nhân văn, văn hóa lịch sử, giá trị truyền thống các dân tộc thiểu số; tập trung phát triển du lịch sinh thái rừng núi, thác, hồ. Phát huy có hiệu quả tài nguyên khí hậu đặc thù để hình thành và phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ở thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Măng Đen (Kon Tum)…».
2.2. Các mục tiêu cụ thể
+ Về kinh tế: Phát triển du lịch Vùng Tây nguyên phải đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng đóng góp của Ngành vào tổng sản phẩm GDP của các địa phương trong Vùng, góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
+ Về văn hóa - xã hội: Ngoài mục tiêu về kinh tế, phát triển du lịch Vùng Tây Nguyên còn nhằm giữ gìn, phát huy và bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc; nâng cao trình độ dân trí và đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội; góp phần xóa đói giảm nghèo ở các vùng có nhiều tiềm năng, nhưng đời sống người dân còn khó khăn...
Phát triển du lịch còn phải quan tâm đến lợi ích của cộng đồng dân cư nơi có tài nguyên du lịch; tạo mọi điều kiện để họ có thể tham gia vào các hoạt động du lịch; san xẻ lợi ích cho họ; có như vậy mới họ mới thực sự trở thành chủ nhân của nguồn tài nguyên du lịch và có trách nhiệm bảo vệ và tôn tạo nguồn tài nguyên đó. Mục tiêu này càng có ý nghĩa đối với Vùng Tây Nguyên - một vùng sâu vùng xa, đời sống của người dân còn rất khó khăn và phụ thuộc nhiều vào các nguồn tài nguyên tại chỗ, đặc biệt là tài nguyên rừng.
+ Một số chỉ tiêu phát triển cụ thể: Trên cơ sở các mục tiêu chiến lược về phát triển du lịch cả nước đã được xác định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030…; các chỉ tiêu phát triển cụ thể của du lịch Vùng Tây Nguyên như sau:
+ Về khách du lịch quốc tế:
- Năm 2015 đạt 450 nghìn lượt khách - Năm 2020 đạt 800 nghìn lượt khách - Năm 2025 đạt 1,2 triệu lượt khách - Năm 2030 đạt 1,8 triệu lượt khách
+ Về khách du lịch nội địa:
- Năm 2015 đạt 2,7 triệu lượt khách - Năm 2020 đạt 3,9 triệu lượt khách - Năm 2025 đạt 5,1 triệu lượt khách - Năm 2030 đạt 6,8 triệu lượt khách + Về tổng thu nhập du lịch:
- Năm 2015 đạt 5.330 tỷ đồng (tương đương 260 triệu USD) - Năm 2020 đạt 11.070 tỷ đồng (tương đương 540 triệu USD) - Năm 2025 đạt 17.835 tỷ đồng (tương đương 870 triệu USD)
+ Về đóng góp của du lịch trong GDP:
- Giai đoạn 2011-2015 tăng trưởng 10,3%/năm và đạt 4.040 tỷ đồng (tương đương 197 triệu USD) vào năm 2015.
- Giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng 13,2%/năm và đạt 7.524 tỷ đồng (tương đương 367 triệu USD) vào năm 2020.
- Giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng 9,4%năm và đạt 11.770 tỷ đồng (tương đương 574 triệu USD) vào năm 2025.
- Giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng 7,2%/năm và đạt 16.600 tỷ đồng (tương đương 810 triệu USD) vào năm 2030.
+ Về cơ sở lưu trú du lịch: - Năm 2015 có 22.000 buồng khách sạn - Năm 2020 có 30.000 buồng khách sạn - Năm 2025 có 37.000 buồng khách sạn - Năm 2030 có 47.000 buồng khách sạn + Về chỉ tiêu việc làm:
- Năm 2015 đạt 22.260 lao động trực tiếp - Năm 2020 đạt 39.210 lao động trực tiếp - Năm 2025 đạt 55.500 lao động trực tiếp - Năm 2030 đạt 75.200 lao động trực tiếp