Thực trạng tổ chức không gian, tuyến điểm du lịch

Một phần của tài liệu quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng tây nguyên đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 (Trang 40)

II. HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH VÙNG TÂY NGUYÊN

4.Thực trạng tổ chức không gian, tuyến điểm du lịch

4.1. Phân vùng lãnh thổ du lịch

Theo Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam thời kỳ 1995 - 2010, Vùng Tây Nguyên là tiểu vùng thuộc Vùng Du lịch Nam Trung Bộ vàNam Bộ với TP.Hồ Chí Minh là trung tâm đầu mối chi phối các hoạt động du lịch của các địa phương khác trong Vùng. Bản thân Tây Nguyên là một tiểu vùng du lịch, vì vậy không có phân vị không gian nhỏ hơn.

Chiến lược phát triển du lịch cả nước cũng đã định hướng Đà Lạt là một cực của Trung tâm du lịch Nha Trang - Ninh Chữ - Đà Lạt. Chính vì thế, trong quá trình phát triển, không gian Tiểu vùng Tây Nguyên đã hình thành hai khu vực Bắc và Nam. Khu vực phía Bắc bao gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, phát triển liên kết với nhau thông qua đường Hồ Chí Minh. Phía Nam bao gồm toàn bộ tỉnh Lâm Đồng, có liên hệ mật thiết với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ.

Không gian phía Bắc với đặc thù tài nguyên là các giá trị văn hóa, nên phát triển du lịch ở khu vực này chủ yếu là du lịch văn hóa. Ngoài ra, khu vực này có các cửa khẩu quốc tế đường bộ, điển hình là cửa khẩu Bờ Y, nên phát triển du lịch ở đây còn gắn với các khu thương mại - du lịch cửa khẩu biên giới. Trung tâm du lịch không hình thành rõ nét, nhưng TP.Buôn Ma Thuột là trung tâm kinh tế - xã hội khu vực nên được phát triển với vai trò trung tâm du lịch khu vực phía Bắc; các trung tâm phụ là TP.Kon Tum và TP.Pleiku.

Không gian phía Nam với đặc điểm tài nguyên nổi bật về khí hậu, cảnh quan… nên phát triển du lịch nghỉ dưỡng núi. Đà Lạt là trung tâm của khu vực.

4.2. Thực trạng hệ thống các khu, tuyến, điểm và đô thị du lịch

Những năm gần đây cùng với quá trình đầu tư phát triển hạ tầng và những điều kiện tiếp cận điểm đến, nhiều khu du lịch, công trình kinh tế - xã hội trên địa bàn Vùng Tây Nguyên ra đời kéo theo các hoạt động du lịch trở thành các điểm du lịch có sức thu hút khách mới làm phong phú thêm hệ thống khu, điểm du lịch.

4.2.1. Hệ thống khu du lịch: Trong quá trình thực hiện quy hoạch, căn cứ tiềm năng, điều kiện và yêu cầu phát triển, đảm bảo khả năng cạnh tranh, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010 đã định hướng hệ thống 21 khu du lịch quốc gia, trong đó Vùng Tây Nguyên có 2 khu được ưu tiên tập trung quy hoạch và đầu tư phát triển, đó là Khu du lịch tổng hợp sinh thái nghỉ dưỡng Đankia Đà Lạt và Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hồ Tuyền Lâm.

Do nguồn lực đầu tư còn hạn chế, cơ chế huy động nguồn lực chưa được hấp dẫn, vì vậy cho đến nay hệ thống các khu du lịch quốc gia vẫn chưa phát triển hoàn chỉnh. Trong số 2 khu du lịch quốc gia được đề xuất thì chỉ mới có 1

khu hoạt động có hiệu quả tương xứng với tầm vóc là khu du lịch quốc gia, đó là khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hồ Tuyền Lâm.

Khu du lịch quốc gia Đankia Đà Lạt được quy hoạch, nhưng việc thực hiện quy hoạch còn hạn chế cả về nguồn lực và cơ chế quản lý, vì vậy phát triển không đúng định hướng như quy hoạch. Phần lớn các khu du lịch quốc gia chưa được quy hoạch hoặc quy hoạch nhưng thiếu tính khả thi, do vậy chưa phát triển du lịch một cách đồng bộ hoặc phát triển còn tự phát. Bên cạnh đó, do chưa có tiêu chí cụ thể nên cho đến nay chưa có khu du lịch nào được công nhận là khu du lịch quốc gia theo quy định của Luật Du lịch.

Thời gian gần đây, do nhu cầu phát triển, một số khu du lịch hình thành xứng đáng với vai trò khu du lịch quốc gia như khu du lịch VQG Yok Đôn gắn với Buôn Đôn, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen…

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch các tỉnh trong Vùng khi xác định danh mục các khu, điểm du lịch quốc gia và địa phương đều chỉ dựa trên sự nổi trội của tài nguyên, khả năng khai thác mà chưa xác định quy mô ranh giới cụ thể. Bên cạnh đó, do còn thiếu các quy hoạch chi tiết các khu du lịch dẫn đến những bất cập trong quản lý tài nguyên và đất đai. Theo đó, hiện nay, ngành du lịch chưa thống kê được hiện trạng cũng như nhu cầu đất phát triển du lịch. Đây là một thực tế cần phải đối mặt, dẫn đến sự phát triển tự phát, chồng chéo làm ảnh hưởng đến công tác quản lý tài nguyên du lịch vùng.

4.2.2. Hệ thống các điểm du lịch: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam (1995 - 2010) xác định hệ thống các điểm du lịch quốc gia; trên cơ sở đó trong quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn từng địa phương cũng đã xác định các điểm du lịch địa phương. Các điểm du lịch được phân thành ba nhóm: điểm du lịch sinh thái, điểm du lịch văn hóa và điểm du lịch sinh thái kết hợp văn hóa. Việc xác định điểm du lịch quốc gia chủ yếu dựa trên đánh giá về vị trí, quy mô, đặc điểm tài nguyên và mức độ hấp dẫn du lịch.

Tuy nhiên, việc đánh giá xác định hệ thống điểm du lịch quốc gia của vùng cũng như cả nước còn rất định tính và đạt được ở mức độ tương đối do vậy cho đến nay chưa có điểm du lịch được công nhận là điểm du lịch quốc gia trên địa bàn vùng Tây Nguyên, cũng như vậy hệ thống điểm du lịch địa phương chưa được công nhận một cách chính thức theo quy định của Luật Du lịch.

4.2.3. Hệ thống tuyến du lịch: Trên thực tế đã hình thành các tuyến du lịch sau: - Tuyến du lịch Đường Hồ Chí Minh kết nối các trung tâm du lịch lớn của vùng (Kon Tum - Pleiku - Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa) theo đường Hồ Chí Minh và là một trong những tuyến du lịch quốc gia quan trọng. Đây có thể được coi là tuyến du lịch «Con đường Xanh Tây Nguyên» - là tuyến du lịch mang đầy đủ bản sắc của vùng Tây Nguyên.

- Tuyến du lịch Đà Lạt - TP.Hồ Chí Minh theo quốc lộ 20 là tuyến tham quan cảnh quan, nghỉ cuối tuần.

- Tuyến du lịch Buôn Ma Thuột - Pleiku - các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ theo quốc lộ 19, kết hợp giữa các sản phẩm du lịch văn hóa, rừng núi Tây Nguyên với du lịch biển Duyên hải Nam Trung Bộ.

- Tuyến du lịch Pleiku - Lệ Thanh - Bắc Campuchia - Lào - Thái Lan. Đây là tuyến du lịch kết nối giữa Tây Nguyên với các nước ASEAN và vùng Duyên hải Nam Trung bộ theo quốc lộ 19, kết hợp giữa các sản phẩm du lịch văn hóa sinh thái vùng núi và du lịch biển.

Nhìn chung, các tuyến du lịch được hình thành dựa trên sự phân bố điểm du lịch và các yếu tố về địa lý và giao thông. Tuy nhiên, do chưa định hình được hệ thống điểm du lịch; sự gắn kết, bổ trợ về tài nguyên, nguồn lực và sản phẩm du lịch còn mờ nhạt, chưa nổi bật để tạo sức hấp dẫn và mang thương hiệu tầm quốc gia vàquốc tế, vì vậy cho đến nay chưa có khả năng canh tranh cao.

4.2.4. Hệ thống đô thị du lịch: Bên cạnh hệ thống các khu, tuyến, điểm du lịch, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2010 đã định hướng phát triển 12 đô thị du lịch của cả nước, trong đó Vùng Tây Nguyên có một đô thị du lịch, đó là thành phố Đà Lạt. Mặc dù, trong thời gian vừa qua Đà Lạt đã phát triển mạnh du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tham quan, hàng năm thu hút một số lượng lớn khách du lịch. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển do không có các tiêu chí cụ thể, chưa có các cơ chế, chính sách về quy hoạch, đầu tư và quản lý phát triển đúng nghĩa nên mang lại hiệu quả chưa cao.

Một phần của tài liệu quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng tây nguyên đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 (Trang 40)