II. HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH VÙNG TÂY NGUYÊN
9. Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển du lịch
9.1. Ứng dụng KHCN trong hoạt động quản lý
Ứng dụng KHCN trong hoạt động quản lý du lịch chủ yếu được thể hiện ở việc áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Nhìn chung, việc áp dụng này trong quản lý cấp tỉnh ở Tây Nguyên chỉ đạt mức thấp. Ngoài việc tất cả các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong vùng có trang thông tin điện tử (giới thiệu tiềm năng du lịch, dự án đầu tư, thống kê du lịch...), việc khai thác khả năng của ICT phục vụ cho công tác quản lý còn hạn chế, rất nhiều vấn đề có thể ứng dụng ICT để nâng cao hiệu quả quản lý điều hành như quản lý tài nguyên du lịch, quản lý các doanh nghiệp du lịch, quản lý cấp phép lữ hành... đều chưa được áp dụng.
Trong thời gian gần đây, được sự quan tâm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cũng như của Chính quyền các tỉnh trong Vùng, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã được đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật để ứng dụng KHCN trong thực tiễn, đặc biệt là trong giao lưu trực tuyến giữa các Sở với Bộ...
Ở các doanh nghiệp du lịch, việc ứng dụng ICT trong hoạt động quản lý khả quan hơn cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch. Nhiều khách sạn từ 3 sao trở lên đã có áp dụng các phần mềm quản lý doanh nghiệp và khách hàng, áp dụng quy trình quản lý theo tiêu chuẩn ISO... Tuy nhiên, việc ứng dụng ICT trong quản lý tại các doanh nghiệp du lịch cũng còn những hạn chế nhất định. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của doanh nghiệp về lợi ích của ICT, quy mô doanh nghiệp nhỏ, hạ tầng thiếu ổn định...
9.2. Ứng dụng KHCN trong kinh doanh du lịch
9.2.1. Ứng dụng KHCN trong xúc tiến, quảng bá: Ở các doanh nghiệp du lịch trong Vùng, việc ứng dụng công nghệ trong xúc tiến quảng bá cũng đã được quan tâm và có những kết quả nhất định. Hầu hết các doanh nghiệp đều có website quảng bá và bước đầu đã mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không xem website là một công cụ tiếp thị chính vì số lượng đơn đặt hàng qua mạng ít, chủ yếu vẫn sử dụng các công cụ giao tiếp truyền thống như email, internet, điện thoại, máy fax.
9.2.2. Ứng dụng KHCN trong kinh doanh trực tuyến: Qua khảo sát các doanh nghiệp (lữ hành và khách sạn) ở khu vực Tây Nguyên cho thấy hầu hết những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, đặc biệt là dịch vụ lữ hành quốc tế, đã xây dựng trang web nhằm quảng bá sản phẩm của mình. Các tiện ích trên website
được cung cấp ở nhiều cấp độ khác nhau. Một số trang web lữ hành cho phép khách du lịch đặt vé, đưa ra yêu cầu về lộ trình, thỏa thuận giá cả, lựa chọn khách sạn và thụ hưởng một số dịch vụ giá trị gia tăng. Nhiều khách sạn đã tham gia vào hệ thống đặt phòng toàn cầu. Nhiều website đã chấp nhận thanh toán qua thẻ tín dụng. Tuy nhiên, nhìn chung, các website này chủ yếu dừng lại ở mức giới thiệu sản phẩm và chính sách cung cấp sản phẩm.
Cùng với việc phát triển các website dịch vụ lữ hành, nhiều khách sạn và nhà hàng cũng xây dựng cho mình website riêng nhằm quảng bá hình ảnh và nhận đặt phòng, đặt tiệc. Hầu như tất cả khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế từ 3 sao trở lên ở trong vùng hiện đều có trang web, và nhiều khách sạn nhỏ cũng bắt đầu xây dựng website riêng của mình.
Nhìn chung, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch ở các doanh nghiệp trong vùng dù đã được quan tâm và cải thiện một cách đáng kể nhưng vẫn chưa mang tính đồng bộ, mức độ đầu tư chưa tương xứng với quy mô, phần lớn chỉ mới đạt ở mức cơ bản. Trong khi lượng khách nước ngoài đến vùng ngày càng nhiều, thì du lịch là “miền đất hứa” cho việc ứng dụng công nghệ thông tin. Do vậy, các khách sạn phải tiếp tục nâng cao công nghệ đặt phòng qua mạng, trong khi các công ty lữ hành phải phát triển hơn nữa hệ thống bán tour trực tuyến.