II. HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH VÙNG TÂY NGUYÊN
10. Đánh giá chung về thực trạng phát triển du lịch Vùng Tây Nguyên
10.1. Những thành công đạt được
- Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở các tỉnh trong Vùng ngày càng được kiện toàn về cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ, thực hiện tốt chức năng tham mưu quản lý, phát triển du lịch ở mỗi địa phương. Từ năm 2005 trở lại đây, ở hầu hết các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo Phát triển Du lịch để tạo điều kiện cho công tác quản lý nhà nước về du lịch dần đi vào nề nếp, tạo tiền đề cho du lịch phát triển đúng hướng, đạt hiệu quả.
- Khách du lịch đến Tây Nguyên tăng nhanh và đạt trung bình 14,9%/năm giai đoạn 2000 - 2011 (cao hơn mức trung bình cả nước là 10,6%/năm), trong đó khách du lịch quốc tế tăng trưởng 15,12%/năm, khách du lịch nội địa ở mức 12,43%/năm. Tổng thu nhập du lịch tăng trung bình 29,7%/năm.
- Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ở các tỉnh đã được quan tâm đầu tư nâng cấp và xây dựng mới đã tạo nên một diện mạo mới cho các đô thị, cho các khu du lịch…, từng bước đáp ứng được nhu cầu cho phát triển du lịch.
- Nguồn nhân lực du lịch ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, số lao động có trình độ đào tạo đại học và sau đại học ngày càng gia tăng, các hình thức đào tạo ngày càng đa dạng…, đang từng bước đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch trong xu thế hội nhập.
- Công tác đầu tư phát triển hạ tầng du lịch từng bước được hoàn thiện, chất lượng các công trình đều bảo đảm..., đã và đang góp phần quan trọng vào cải
thiện môi trường du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận đến các khu, điểm du lịch.
- Du lịch đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, gắn với an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đối với một lãnh thổ có đường biên giới dài, và các điều kiện hạ tầng xã hội nhìn chung còn khó khăn, hoạt động phát triển du lịch đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương, thu hút ngày càng nhiều các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động kinh doanh du lịch, tạo động lực cho các ngành kinh tế khác cùng phát triển, góp phần nâng cao mức đóng góp vào GDP, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, ổn định an ninh chính trị tại các địa bàn trong Vùng.
10.2. Những yếu kém hạn chế
- Mặc dù tốc độ tăng trưởng về số lượng khách và tổng thu nhập tương đối cao, nhưng tỉ trọng so với cả nước còn rất thấp, chưa được cải thiện và chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế so sánh về du lịch. Từ năm 2000 đến nay tỉ trọng số lượt khách du lịch quốc tế đến Tây Nguyên chỉ chiếm chưa đến 2% (trung bình 1,58%) tổng số lượt khách du lịch quốc tế đi lại trong cả nước; khách du lịch nội địa khoảng trên dưới 4%. Tổng thu nhập toàn Vùng trong giai đoạn này chỉ chiếm trung bình khoảng 4,3% tổng thu nhập của cả nước.
- Xuất phát điểm và sức cạnh tranh của du lịch Vùng Tây Nguyên so với các vùng khác trong cả nước... còn thấp. Sản phẩm và dịch vụ du lịch của Vùng Tây Nguyên chưa đặc sắc, còn trùng lặp, chất lượng thấp và sức cạnh tranh còn hạn chế. Việc xây dựng các sản phẩm du lịch thời gian qua còn mang tính chủ quan, dựa vào khai thác tài nguyên sẵn có của các địa phương, thiếu đầu tư và chưa dựa vào thế mạnh đặc thù về tiềm năng tài nguyên và nhu cầu thị trường. Đặc biệt là các chương trình tham quan bản làng văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, các chương trình trekking... còn trùng lặp giữa các địa phương. Trong phát triển các sản phẩm du lịch, việc liên kết, hợp tác giữa các địa phương còn hạn chế. Những sản phẩm du lịch đặc thù chung cho Tây Nguyên với thương hiệu cạnh tranh chưa được phát triển.
- Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch mặc dù đã được cải thiện đáng kể, nhưng nhìn chung chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch hiện nay. Tính đa dạng và chất lượng các dịch vụ còn hạn chế. Hiện nay, phần lớn các cơ sở lưu trú ở Tây Nguyên có quy mô nhỏ. Hiện tại trong Vùng mới có 140 khách sạn được xếp hạng từ 1 - 5 sao với tổng số 4.638 phòng, tập trung chủ yếu ở Lâm Đồng, Kon Tum và Đắk Lắk... Tình trạng chung của du lịch Tây Nguyên là vẫn thiếu những cơ sở lưu trú được trang bị đồng bộ, dịch vụ đầy đủ, chất lượng cao; thừa những cơ sở có trang bị yếu kém, chất lượng dịch vụ thấp.
- Hoạt động kinh doanh lữ hành của các doanh nghiệp du lịch Tây Nguyên còn mỏng và thiếu tính chuyên nghiệp, khả năng cạnh tranh và vươn ra thị trường nước ngoài còn yếu, hiệu quả kinh doanh lữ hành thấp. Năng lực về nghiệp vụ của hầu hết các doanh nghiệp lữ hành hiện còn nhiều hạn chế. Khách du lịch quốc tế đến Tây Nguyên hiện nay chủ yếu do các doanh nghiệp lữ hành ở các
trung tâm phân phối khách lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh khai thác, đưa đến. Các doanh nghiệp lữ hành tại các địa phương chỉ tổ chức dịch vụ từng phần nên hiệu quả kinh doanh không cao. Đối với thị trường khách du lịch nội địa, các doanh nghiệp lữ hành chủ yếu mới thực hiện nối tour và thực hiện một số dịch vụ tại địa phương.
- Hoạt động đầu tư chỉ mới tập trung ở một số địa bàn có điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối phát triển và đang có lượng khách lớn. Nhiều địa bàn có tài nguyên du lịch hấp dẫn nhưng chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng du lịch. Đến nay, Lâm Đồng là địa phương dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư phát triển du lịch, các địa phương khác mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng các dự án kêu gọi đầu tư.
- Chất lượng lao động du lịch ở Tây Nguyên chưa cao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình phát triển du lịch. Số lượng lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ trọng còn cao, đội ngũ cán bộ quản lý có năng lực và kinh nghiệm chuyên ngành du lịch còn ít... Thực trạng này đã làm cho chất lượng dịch vụ du lịch nhìn chung còn thấp hơn so với yêu cầu, đòi hỏi của khách du lịch.
- Môi trường du lịch có dấu hiệu ô nhiễm và xuống cấp, gây ảnh hưởng đến hoạt động phát triển du lịch. Đáng chú ý là tại một số khu vực du lịch trọng điểm như thác Pren, thác Dray Sáp, khu du lịch Buôn Đôn... môi trường đang có dấu hiệu ô nhiễm. Một số khu du lịch trọng tâm khác như khu du lịch sinh thái Măng Đen, khu du lịch hồ Tuyền Lâm... đang trong quá trình đầu tư xây dựng nên môi trường cũng ít nhiều bị ô nhiễm. Tình trạng chèo kéo khách, ép giá, cạnh tranh thiếu lành mạnh... đã bắt đầu xuất hiện.
- Công tác thống kê du lịch còn yếu kém do liên quan tới nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực…, chính vì vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đánh giá, nhận diện các yếu tố tác động và dự báo các chỉ tiêu phát triển ngành cũng như hoạt động điều hành du lịch ở từng địa phương và toàn Vùng.
10.3. Nguyên nhân của những hạn chế
- Tây Nguyên là Vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhất là vùng núi phía Tây nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, trình độ dân trí còn thấp và không đồng đều. Đây cũng là khu vực nhạy cảm về sắc tộc, tôn giáo, và an ninh quốc phòng của đất nước nên chính trị xã hội có nhiều tiềm ẩn bất ổn, và cho đến nay nhiều đối tượng khách quốc tế chưa được phép đến Tây Nguyên.... Những điều trên đã ảnh hưởng đến sự phát triển của du lịch.
- Cơ sở hạ tầng xã hội, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch nhìn chung còn kém phát triển, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho khách tiếp cận đến các khu, điểm du lịch. Hệ thống giao thông hiện nay vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, nên chưa thật sự thuận lợi cho việc thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư, đây là yếu tố bất lợi cho ngành du lịch.
- Hoạt động liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong công tác chỉ đạo, quy hoạch phát triển du lịch, phát triển các sản phẩm, thực hiện các chương trình
du lịch, xúc tiến quảng bá mở rộng thị trường... còn nhiều hạn chế, chưa tạo ra được hình ảnh chung về du lịch cũng như tạo sức hấp dẫn du lịch cho toàn Vùng.
- Môi trường, chính sách đầu tư chưa hấp dẫn, chưa có các cơ chế đặc thù ưu đãi để thu hút vốn đầu tư (đối với vùng núi, vùng sâu, vùng xa như Tây Nguyên) để tăng cường phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng của các địa phương. Đầu tư cho du lịch Tây Nguyên còn manh mún và tự phát, còn thấp kém hơn so với các khu vực khác do chi phí đầu tư cao, độ rủi ro lớn, chưa tận dụng được nguồn nhân lực tại chỗ... Tuy thế, vẫn chưa có các văn bản điều chỉnh riêng, chưa có chính sách đột phá để khuyến khích phát triển du lịch trên địa bàn.
- Nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về việc xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh nói riêng và toàn Vùng nói chung chưa thật sự sâu sắc, chưa tạo được sức mạnh tổng hợp để phát triển kinh tế du lịch của mỗi địa phương.
- Công tác quản lý Nhà nước về du lịch mặc dù đã được kiện toàn nhiều, nhưng vẫn còn những hạn chế: việc triển khai thực hiện các quy hoạch, các dự án còn chậm, quản lý quy hoạch chưa tốt; chưa kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong đầu tư, đặc biệt là môi trường đầu tư, trong đó có năng lực thẩm định, thủ tục hành chính và giải phóng mặt bằng vẫn là một trong những nguyên nhân chính làm chậm tiến độ triển khai các dự án.
- Cơ chế, chính sách phát triển du lịch tuy đã được cải thiện, nhưng chưa thực sự tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh chậm được tháo gỡ, giải quyết kịp thời cho doanh nghiệp, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư có nguồn vốn lớn, trình độ công nghệ cao, quản lý hiện đại... để tạo bước đột phá trong phát triển du lịch. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quản lý và khai thác tài nguyên còn hạn chế, còn tình trạng chồng chéo, chia cắt trong sự phân công, phân cấp quản lý giữa ngành và lãnh thổ.
- Các doanh nghiệp du lịch còn thụ động trong việc xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh và mở rộng thị trường. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào kinh doanh du lịch chưa được các doanh nghiệp quan tâm…