Đào tạo nguồn nhân lực du lịch

Một phần của tài liệu quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng tây nguyên đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 (Trang 47)

II. HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH VÙNG TÂY NGUYÊN

8. Đào tạo nguồn nhân lực du lịch

8.1. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch, trong những năm qua ngành du lịch các tỉnh Vùng Tây Nguyên đã rất quan tâm đến công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên và xác định đó là nhiệm vụ thường xuyên. Từ năm 2003 đến nay, Ngành Du lịch các tỉnh Tây Nguyên đã tổ chức được nhiều khóa tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ quản lý, lễ tân, phục vụ buồng, bàn, bar… cho hàng nghìn học viên là cán bộ, lao động ngành; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ lái xe. Ngoài ra, các tỉnh còn tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm ở một số nước như Mỹ, New Zeland, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan... Bên cạnh đó, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn phối hợp với các cơ sở đào tạo trong và ngoài Vùng tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về Quản lý khách sạn - nhà hàng, nghiệp vụ lễ tân, các lớp ngoại ngữ chuyên ngành du lịch và đặc biệt là tổ chức các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ vận chuyển khách du lịch đến từ các công ty lữ hành vận chuyển du lịch.

Các tỉnh còn tham gia các chương trình đào tạo nguồn nhân lực du lịch của Tổng cục Du lịch do dự án EU hỗ trợ như: khóa tập huấn về bảo vệ môi trường du lịch, tập huấn về quy hoạch du lịch, tham dự các hội thảo về nguồn nhân lực du lịch và cử cán bộ, nhân viên trong ngành tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong và ngoài nước.

8.2. Các cơ sở đào tạo

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (chủ yếu tập trung ở Đà Lạt) có 6 cơ sở đào tạo về du lịch, bao gồm 2 trường đại học (Đại học Đà Lạt và Đại học Dân lập Yersin - Đà Lạt); 4 trường Cao đẳng (Cao đẳng nghề Đà Lạt, Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, Cao đẳng Du lịch Đà Lạt, Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Lâm Đồng).

Tỉnh Đắk Lắk có 2 cơ sở có khoa đào tạo nghề du lịch là trường Trung cấp Kinh tế Công nghệ Tây Nguyên và trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Đắk Lắk. Ngoài ra, các tỉnh vùng Tây Nguyên còn phối hợp với các trường, các cơ sở đào tạo du lịch ở Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh trong công tác bồi dưỡng bổ sung kiến thức, đào tạo mới, đào tạo lại đội ngũ lao động ngành của tỉnh mình.

Một phần của tài liệu quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng tây nguyên đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 (Trang 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(154 trang)