Học cách phân biệt màu sắc, trạng thái và kích thước

Một phần của tài liệu Bách khoa tri thức chăm sóc con trẻ toàn diện (tập 2) (Trang 39)

Sự vật xung quanh trẻ đều có màu sắc, trạng thái và kích thước. Nhờ đó trẻ sẽ dần nhận thức sự vật,

nhận thức thế giới.

a. Phát triển tri giác về màu sắc của trẻ

Khi mới sinh, cảm quan đầu tiên của trẻ đó là những màu sắc rực rỡ, đặc biệt là màu hồng. Đương nhiên, giáo dục về màu sắc cho trẻ cũng giống như giáo dục về các lĩnh vực khác, nếu không giáo dục một cách có ý thức, có thể dẫn tới sự mất cân bằng. Trẻ từ 1 đến 3 tuổi cần được hướng dẫn nhận biết những màu sắc cơ bản là màu hồng, màu vàng và màu xanh. Ví dụ quả táo màu hồng, quả chuối màu vàng, bầu trời màu xanh. Thường xuyên tạo sự liên tưởng giữa màu sắc và các sự vật, hiện tượng thân thuộc của trẻ, tiếp tục dạy trẻ nhận biết thêm các màu: trắng, đen, xám, màu da cam, màu hạt dẻ. Ví dụ, lúc ăn cơm có rau xanh, khi đi công viên hoặc ngồi trên thảm cỏ xanh sẽ giúp trẻ làm quen với màu xanh. Cũng có thể đặt hai tờ giấy bóng kính màu lam và màu vàng chồng lên nhau, hướng về phía ánh nắng trẻ sẽ thích thú trước sự biến đổi của màu sắc - xuất hiện màu xanh thẫm. Giúp trẻ nhận biết màu đen bằng cách cho trẻ quan sát đôi giày da màu đen thường đi trong mùa đông hoặc qua gương cho trẻ quan sát mái tóc còn đen nhánh của chính mình; nhận ra màu trắng khi quan sát tờ giấy trắng hoặc mái tóc bạc trắng trên đầu bà…Thế giới này thật đa dạng về màu sắc, tuỳ từng trường hợp cụ thể mà bạn dạy trẻ nhận biết các màu, đây không chỉ là tri thức, mà còn là sự giáo dục về cái đẹp, hun đúc cái đẹp, tạo hứng thú đối với màu sắc của trẻ.

b. Dạy trẻ quan sát hình dạng.

Nếu không dạy trẻ quan sát hình dạng, trẻ sẽ có cảm giác mơ hồ đối với thế giới xung quanh. Một khi được dạy cách nhận biết hình dạng thì trí nhớ của trẻ sẽ biến đổi rõ rệt. Trước hết, cần dạy trẻ phân biệt các vật với ba hình dạng cơ bản, đó là: hình tròn, hình vuông, hình tam giác. Trên cơ sở đó, tiếp tục dạy trẻ quan sát. Mỗi vật thể đều có hình dạng khác nhau như: Hình dạng xe ôtô là sự kết hợp của hình chữ nhật và hình tròn. Hình dạng cái chén là sự kết hợp của hình chữ nhật và nửa hình tròn

Hình dạng chiếc đèn bàn là sự kết hợp của hình thang và hình bầu dục. Hai cánh cửa tủ lạnh là sự kết hợp của hình vuông và hình chữ nhật. Đối với các sự vật đều tiến hành phân tích thành sự kết hợp của các hình nào đó, đồng thời lý giải ý nghĩa của sự kết hợp này. Đây chính là cơ sở tạo nên hình tượng; Cho trẻ chơi các trò chơi xếp hình sẽ có lợi cho việc nhận biết hình dạng và làm phong phú trí tưởng tượng của trẻ.

c. Dạy trẻ phân biệt kích thước

Lớn, nhỏ là các khái niệm tương đối. Chỉ khi so sánh hai vật ta mới biết vật nào lớn, vật nào nhỏ. Ví dụ: bát ăn cơm của bé lại nhỏ hơn bát ăn cơm của cha mẹ, thế nhưng so sánh giữa bát ăn cơm và bát đựng canh thì bát ăn cơm lại nhỏ hơn. Giày của bố thì to, của mẹ thì nhỏ, nhưng khi so với giày của bé thì giày của mẹ lại to hơn giày của bé. Thông thường, trẻ từ 2-3 tuổi thì có thể phân biệt được to nhỏ. Trong cuộc sống hàng ngày cần tranh thủ sử dụng các dụng cụ ăn cơm, các vật phẩm khác để dạy trẻ so sánh to nhỏ. Cha mẹ cần phải kiên nhẫn, thông qua phân biệt màu sắc, hình dạng, kích thước ta có thể hiểu được trình độ nhận biết và năng lực lý giải của trẻ, khuyến khích trẻ suy nghĩ, tự quan sát, so sánh và phát hiện mối liên hệ giữa các sự vật.

7. Sớm bồi dưỡng khả năng ngôn ngữ cho trẻ

Trẻ nhỏ tuy chưa thể nói nhưng đã sớm có phản ứng đối với ngôn ngữ. Khi đang khóc, bé nghe thấy tiếng mẹ: "Nào, con đừng khóc nữa, mẹ đây rồi" thì trẻ liền ngừng khóc. Nếu che chiếc khăn vào mắt bé và mẹ bé vừa ngồi vào bên cạnh vừa làm việc vừa nói chuyện với bé thì bé lại cảm thấy thích thú, nhưng khi không có tiếng mẹ bé sẽ nhanh chóng oà khóc. Trẻ được khoảng 7 - 8 tháng tuổi, khi mẹ vừa vỗ tay, vừa nói: "Mẹ bế nào" thì trẻ sẽ duỗi tay hoặc nghiêng mình về phía mẹ. Lúc này, trẻ đã có thể hiểu ngôn ngữ. Khi trẻ chưa thể học cách phát âm một cách chính xác, cha mẹ có thể tận dụng mọi cơ hội để thường xuyên trò chuyện với trẻ, một mặt nhằm tăng khả năng hiểu ngôn ngữ, mặt khác có thể kích thích tính tích cực giao tiếp của trẻ. Kể từ khi trẻ bắt đầu hiểu được ý nghĩa lời nói, người lớn ngoài việc chú ý tính quy phạm về mặt ngôn ngữ, từ vựng ra còn phải chú ý lối nói giản đơn, đừng ngại trẻ không hiểu mà phải chiều theo trẻ dùng ngôn ngữ của trẻ (lối nói trùng lặp), ví dụ: "nhấc nhấc chân lên" hay "há to miệng để ăn cơm"… Khi bắt đầu nói, người lớn phải nói tiếng phổ thông; nếu ban đầu dạy trẻ lối nói lặp, sau mới dạy nói mang tính quy phạm thì một mặt sẽ làm tăng gánh nặng phải học nhiều ngôn ngữ của trẻ, mặt khác, nói nhiều từ trùng điệp sẽ sinh ra nói lắp. Do đó, khi dạy trẻ tập nói phải bắt đầu từ những cách nói đơn giản và mang tính quy phạm. Khi trẻ bắt đầu tập nói, cần ra sức kích thích khả năng nói của trẻ, tuyệt đối không được nói thay. Ví dụ: cha mẹ biết trẻ thích ăn táo thì có thể hỏi trẻ: "Con thích ăn táo phải không?". Trẻ sẽ gật đầu hoặc đưa tay ra xin, cha mẹ liền đưa cho, như vậy là chưa hợp lý. Luôn nhớ là phải kích thích trẻ nói, tạo cơ hội cho trẻ nói. Lúc này, cha (mẹ) nên giữ lại quả táo trên tay dạy trẻ phát âm từ "quả táo". Sau đó, lại yêu cầu trẻ tự nói: "Con muốn ăn táo" nhằm cổ vũ trẻ nói. Nếu trẻ nói đúng, cần khen trẻ: "Con thật thông minh, hãy nói lại lần nữa cho bố nghe nào". (Chủ ngữ "con" là đại từ, trẻ có thể chưa hiểu được nên có thể tỉnh lược chủ ngữ). Lúc bình thường, có thể đọc một số bài ca dao đơn giản, hoặc vừa chơi với trẻ vừa đọc các lời bài hát vì môi trường ngôn ngữ tốt có thể giúp phát triển khả năng ngôn ngữ của trẻ, tuyệt đối không được xem tivi là "bảo mẫu" của trẻ bởi xem tivi sẽ không tạo ra sự giao tiếp qua lại về ngôn ngữ, điều này không có lợi cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ.

Một phần của tài liệu Bách khoa tri thức chăm sóc con trẻ toàn diện (tập 2) (Trang 39)