* Ý nghĩa của những quy phạm pháp luật về các biện pháp ngăn chặn
1.3.1. Thời kỳ phong kiến Việt Nam đến trước Cách mạng tháng Tám năm
Mặc dù khác nhau về bản chất, pháp luật TTHS về các BPNC được sử dụng trong các thời kỳ đó như là phương tiện có hiệu quả để bảo vệ sự thống trị của giai cấp cầm quyền, nhưng cũng phản ánh các giá trị truyền thống của dân tộc ta, chuẩn mực đạo đức, chủ nghĩa nhân đạo được thể hiện trong các văn bản pháp luật của từng thời kỳ tương ứng.
1.3.1. Thời kỳ phong kiến Việt Nam đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 Tám năm 1945
Vào thế kỷ thứ I, sau cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, trong lời tâu của Mã Viện lên vua Hán Quang Vũ của Trung Quốc có nói đến "Luật Việt khác với Luật Hán hơn 10 điều" [27, tr. 28]. Luật Việt đó chắc chắn phải có trước thời kỳ Bắc thuộc, tức thời Văn Lang - Âu Lạc. Cho đến nay, chưa có nguồn tài liệu nào khẳng định về sự tồn tại chữ viết trong thời đại này, nên có thể tạm thời cho rằng: ở nước Văn Lang - Âu Lạc chưa có văn bản pháp luật thành văn. Năm 179 trước Công Nguyên, Triệu Đà là vua nước Nam Việt đã xâm lược và chinh phục được Âu lạc, mở đầu cho thời kỳ Bắc thuộc của nhiều triều đại phong kiến Trung Quốc. Tư liệu lịch sử pháp luật của thời kỳ này rất
ít ỏi, nhưng có thể thấy hai nguồn pháp luật, như: luật pháp của của phong kiến Trung Hoa được đem sang áp dụng ở nước ta và Luật lệ cổ truyền của người Việt.
Trong suốt quá trình thống trị nước ta, chính quyền đô hộ không thể trực tiếp cai trị tới cấp xã nên phải thừa nhận sự tồn tại hiệu lực thực tế của luật lệ người Việt. Luật lệ này được coi là phương tiện hữu hiệu của nhân dân ta chống lại ách nô dịch và âm mưu đồng hóa của chính quyền đô hộ, đồng thời, củng cố sự bền vững của tổ chức làng xã, từng bước đặt nền móng cho sự ra đời của một Nhà nước mới độc lập, tự chủ vào thế kỷ X.
Từ năm 939, Ngô Quyền xưng vương, chấm dứt hơn một nghìn năm đô hộ của chế độ phong kiến Trung Hoa; Triều đại nhà Ngô tồn tại được 26 năm (939- 965), tiếp theo, thời kỳ 12 lãnh chúa phong kiến nổi dậy cát cứ, đánh nhau tranh giành quyền lực mà được sử sách gọi là thời kỳ "loạn mười hai sứ quân" tồn tại được 3 năm (965-968) và thời kỳ của nhà Đinh tồn tại được 12 năm (968-980) xưng đế, đặt tên nước, định niên hiệu riêng, công khai khẳng định vua nước Việt ngang hàng với hoàng đế Trung Hoa; Sau đó, là thời kỳ nhà tiền Lê kéo dài được 29 năm (980-1009).
Trong suốt thời kỳ từ năm 939 đến năm 1009, do những lý do khác nhau, Nhà nước phong kiến Việt Nam chưa quan tâm đến hoạt động lập pháp nên không có tư liệu để đánh giá thực trạng pháp luật trong giai đoạn này.
Trong 215 năm (1010-1225) tồn tại của triều đại nhà Lý, vào năm 1024, vua Lý Thái Tông cho sửa lại luật lệ, chia môn loại, biên tập điều khoản của Bộ Hình thư thành ba tập. Đây là Bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta, nhưng đến nay, đáng tiếc là không tìm được nó. Sử sách chỉ ghi lại được một số chiếu do các vua nhà Lý ban hành, trong đó có nội dung về TTHS, như: "Đã phân quyền xét xử cho thái tử và các quan" [59, tr. 16], "Các ty xử án, kẻ nào tranh bậy không hợp điều luật pháp chế, thì xử trượng" [13, tr. 316], nhưng không nói gì về các biện pháp bắt, giam, giữ.
Triều đại nhà Trần tồn tại 175 năm (1225-1400) và vào năm 1230, vua Trần Thái Tông cho khảo định lại những luật lệ của các triều vua trước đó, sửa đổi hình luật, lễ nghi, soạn thành Quốc triều hình luật, gồm 20 quyển. Đến năm 1342, vua Trần Dụ Tông ra lệnh Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn biên soạn bộ Hoàng triều đại điển và khảo soạn Bộ hình thư để ban hành. Hiện nay, cả hai bộ luật này đều không tìm thấy. Nghiên cứu các chiếu thời đó thì cũng không thấy các biện pháp bắt, giam, giữ.
Triều đại nhà Hồ tồn tại 7 năm (1400-1407) đã tiếp nhận một cơ đồ suy kiệt, rệu rã từ vương triều Trần để lại, đồng thời, phải hứng chịu tình trạng rối ren, bất lực của bộ máy nhà nước, sự trống trải của kho tàng do sản xuất kiệt quệ và trực tiếp đối đầu với xâm lăng của đại quân nhà Minh. Do đó, hoạt động lập pháp không có gì đáng kể.
Sau khi đánh tan quân xâm lược nhà Minh, giành lại độc lập, chủ quyền, triều đại nhà Lê tồn tại 155 năm (1428-1527 và 1533-1789). Triều Lê phát triển rực rỡ ở đoạn đầu được 99 năm. Đến năm 1789, sợ hãi phong trào Tây Sơn, vua Lê Chiêu Thống chạy sang trung Quốc. Với diễn biến đó, các sử gia chia triều Lê thành hai thời kỳ: Lê Sơ kéo dài 99 năm (1428-1527) và Lê Trung Hưng kéo dài 256 năm (1533-1789).
Thời kỳ Lê Sơ đánh dấu sự phát triển và hoàn thiện nhất của cổ luật trong lịch sử tồn tại của chế độ phong kiến Việt Nam. Bằng chứng cho đánh giá này là Quốc triều hình luật (Bộ Luật Hồng Đức) ra đời vào năm 1483 dưới thời vua Lê Thánh Tông. Nó được cấu trúc theo chương và điều luật. Và tại chương Đoán ngục có tới 18 điều luật, tại chương Bộ vong có tới 9 điều luật đề cập tới việc bắt, giam, giữ; còn lại các chương khác, như: Vệ cấm, Vi chế, Quân chính, Thông gian, Đạo tặc, Đấu tụng, Trá ngụy đều có những quy định bảo đảm thực hiện các BPNC, như:
+ Xác định trách nhiệm:"…nếu tự tiện sai bắt, thì cũng bị phạt"theo Điều 667 [13, tr. 291] và mốc thời hạn đầu tiên để giải quyết các loại án:
"Ngày bắt bị cáo đến hầu kiện làm ngày đầu để xác định thời hạn bị quá hạn không xét xử" theo Điều 671[13, tr. 291].
+ Quy TNHS đối với người thiếu trách nhiệm trong việc áp dụng BPNC: Những tù bị giam, kẻ nào đáng giam mà không giam, đáng gông cùm mà không gông cùm; hay cho bỏ cùm, nếu tù phạm tội biếm, thì người coi tù bị phạt 60 trượng; nếu người phạm tội đồ trở lên, thì sẽ xử tăng dần một bậc, nếu thay thế chỗ giam, thì xử giảm một bậc. Những tù phạm không đáng giam mà giam, không đáng gông cùm mà gông cùm, thì người coi tù bị phạt 70 trượng (theo Điều 658) [13, tr. 224];
"Nếu tù nhân phạm tội nặng, bị thương cần xét nghiệm, bị bệnh cần cấp thuốc men, thức ăn mà không trình lên để xin cấp; những tù nhân phạm tội nhẹ, đáng cho người thân bảo lĩnh mà không cho, thì người coi tù bị phạt 80 trượng; nếu vì cớ ấy mà chết, thì xử biếm hai tư" (theo Điều 663) [13, tr. 226].
Khoảng năm 1661, thể hiện sự chặt chẽ về thủ tục giam, chế độ giam, đề cao trách nhiệm của nha môn và tính nhân đạo khi có chuyển biến của tình hình xã hội, vua Lê Thần Tông đã lệnh: "Phàm các nha môn xét xử, những tù nặng tội, phải tội chết đã tâu và được ưng chuẩn, thì giao cho quan Đề lĩnh đem tống giam ngay, để đợi xét lại mới cho thi hành. Những tù tội nhẹ giam ở ngục các nha môn, thì nhà ngục phải cho rộng rãi, thường xuyên quét dọn và lau rửa những gông cùm" [13, tr. 291]; "Những nha môn Trấn thủ, Lưu chủ, Thừa ty và phủ, huyện ở ngoại nhiệm có tù còn giam, thì cho Hiến ty tra xét…; nếu quan Hình khoa, quan Hiến ty xét xử không minh, để tù giam lâu, lỡ rồi chết, thì vợ con thân thích kêu ở nha môn Đại lý tự, xét ra có thực, thì sẽ trị tội" [10, tr. 540-542]. Do tình trạng đói kém vào năm 1712, vua Lê Dụ Tông đã hạ lệnh: "Tha các tù tội nhẹ hiện đương bị giam" [92, tr. 89].
Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Phúc Ánh lên làm vua (1802) lấy niên hiệu là Gia Long, thiết lập ra triều Nguyễn là triều đại phong kiến
cuối cùng trong lịch sử Việt Nam kéo dài được 143 năm cho đến năm 1945. Vua Gia Long giao cho Tiền quân Bắc thành tổng trấn Nguyễn văn Thành (1757-1817) phụ trách soạn thảo Bộ luật có tên là Hoàng Việt luật lệ (Bộ luật Gia Long) có hiệu lực thi hành trên phạm vi toàn quốc từ năm 1813. Bộ luật Gia Long là một Bộ luật hoàn chỉnh nhất được cấu tạo bởi 22 quyển, 398 điều luật. Đáng chú ý, các quyển 18 và 19 của Bộ luật này có rất nhiều quy định về việc bắt và giam giữ, như: Người bị bắt đi bắt tội nhân theo Điều 21; Tội nhân chống cự khi bị bắt theo Điều 22; Tù trốn khỏi nơi giam và tù phá ngục chạy trốn theo Điều 23 trong quyển 18 và Hạn bắt giặc trộm theo Điều 28; Tù nên giam cấm mà không giam cấm theo Điều 20; Cố bắt nhốt, cố tra xét người thường theo Điều 2; Giam ngâm lâu theo Điều 4; Lăng ngược tù nhân theo Điều 4 trong quyển 19.
Trong Bộ luật này có nhiều quy phạm đáng nghiên cứu, cụ thể như: + "Phàm đàn bà phạm tội, trừ phạm tội gian dâm và tội chết mới giam cầm, còn những tội khác, thì trách phạt, giao cho thân thuộc có chế độ tang phục lan li bảo quản. Tùy nha môn cho phép, không được đồng loạt giam cấm. Ai trái, bị phạt 40 roi" [26, tr. 1023] theo Điều 385.
+ Phàm tù bị giam trong ngục mà không có gia thuộc, thì phải xin cấp áo cơm, có bệnh, thì phải xin cấp thuốc men cho họ, nếu không xin cấp, gặp lúc họ bệnh nặng (trừ tử tội không bị khóa trói) đều phải mở xiềng (không xin lệnh trên mà mở là phạm tội phạt roi) nên bảo quản cho họ ra ngoài (phải xin lệnh trên bảo vệ. Nếu bệnh chí nguy (nặng) nên cho phép gia nhân vào trông nom, không xin trên cho phép, thì ti ngục, quản điển, ngục tốt bị phạt 50 roi. Nhân đó họ chết, nếu tử tội chết, thì cai ngục bị phạt 50 roi; tội lưu chết, bị phạt 80 trượng; tội đồ chết, bị phạt 100 trượng [26, tr. 977]. Những quy định trên cho thấy, tư tưởng nhân đạo trong pháp luật TTHS đối với người bị giam khi đau ốm, cùng với chế tài nghiêm khắc đối
với những người quản lý giam giữ do thiếu trách nhiệm để cho người bị giam chết trong ngục và thủ tục tố tụng chặt chẽ đối với người bị kết án phạt tử hình. Về kỹ thuật lập pháp, Bộ luật Gia Long vẫn chưa phân biệt được biện pháp tạm giam trong giai đoạn điều tra, cũng như, biện pháp tù giam ở giai đoạn thi hành án mà sử dụng chung thuật ngữ là giam hoặc giam cấm.
Từ nửa đầu thế kỷ thứ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta, thực hiện chính sách chia để trị và xây dựng hệ thống pháp luật thực dân nửa phong kiến, nên ở ba miền có ba BLTTHS khác nhau được áp dụng cho từng miền:
Ở Nam Kỳ, BLTTHS của Pháp được áp dụng đối với vụ án mà bị can, bị cáo là người Pháp. Nếu bị can, bị cáo là người Việt Nam, thì ngoài việc áp dụng BLTTHS nói trên còn áp dụng sắc lệnh của Tổng thống Pháp ngày 25/7/1864 [57, tr. 463]. Ở Bắc Kỳ, các Tòa án áp dụng BLTTHS được ban hành từ ngày 01/11/1818. Ở Trung Kỳ, Tòa án lại áp dụng BLTTHS được ban hành năm 1935. Đến nay, các nhà sưu tầm mới chỉ tìm được BLTTHS đã được áp dụng tại Bắc Kỳ, còn hai Bộ luật kia vẫn chưa tìm thấy.
BLTTHS được áp dụng trên vùng Bắc Kỳ có một số nội dung liên quan đến các BPNC, như: Tại ngoại hậu cứu ở chương IV; Tạm tha người có tội ở chương VI; Ân chuẩn ở chương VII; Giam thất ở chương XII. Nghiên cứu BLTTHS này cho thấy:
- Thủ tục truy nã được quy định tại Điều 14: "… nếu không có trát nã của quan thẩm phán, thì không được nã tróc" [7, tr. 479]; "… nếu đã biết họ tên người bị nã, thì phải biên cho rõ và phải kể những tin tức đã tiếp nhận được, để cho dễ tìm người và dễ nhận diện. Trong trát lại phải lược nói cái duyên cớ có bị nã và biên năm tháng ngày, do quan thẩm phán phát trát nã ký tên và kiềm ấn" [7, tr. 465];
Và Điều 16 còn quy định: "Trát nã đã chấp hành rồi, phải giả lại quan thẩm phán nguyên phátra trát nã ấy và cũng trong một lúc giải nộp các người bị can đã nã được trong trát nã. Khi nào chưa có trát nã, mà quan thẩm phán
thấy có giải nạp người bị can đến, nếu xét ra đáng giam cứu người bị can ấy, thì phải làm ngay một cái trát nã cho hợp luật" [7, tr. 467].
- Đáng chú ý hơn, BLTTHS này còn có quy định chi tiết các trường hợp phải tha người đã bị giam cứu nếu hết thời hạn tạm giam hoặc bằng thời hạn phạt tù, kể cả trường hợp án đang bị kháng cáo:
Phàm nghĩ xử về những hình phạt bác đoạt quyền tự do, nếu người bị nghĩ đã bị giam cứu, thì phải chiếu cái kỳ hạn đã bị giam cứu mà vừa cái kỳ hạn hình phạt, thì sau khi kết án nhất định phải tha ngay người ấy khấu trừ về cái kỳ hạn hình phạt. Nếu cái kỳ hạn giam cứu người bị can đã vừa cái kỳ hạn hình phạt, thì tuy gặp trường hợp kháng cáo chưa có án nhất định phải tha ngay người ấy. Nếu cái kỳ hạn giam cứu người bị can đã vừa cái kỳ hạn hình phạt, thì tuy gặp trường hợp kháng cáo chưa có án nhất định Tòa đệ tam cấp, cũng được tha ngay người ấy theo Điều 103 [7, tr. 515-517]. Mặc dù, pháp luật TTHS được áp dụng tại Bắc Kỳ chịu sự ảnh hưởng của pháp luật TTHS Pháp, nhưng xét về khía cạnh pháp lý thì có sự tiến bộ về kỹ thuật lập pháp mang giá trị khoa học đáng được tham khảo, như: các BPNC đã được tách biệt với hình phạt tù giam, thủ tục truy nã, các trường hợp phải tha người đã bị giam cứu nếu hết thời hạn tạm giam hoặc bằng thời hạn phạt tù, kể cả trường hợp án đang bị kháng cáo.
Tóm lại, nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của pháp luật Việt Nam kể từ khi Nhà nước Âu lạc hình thành cho đến Cách mạng tháng 8 thành công, thấy: Trải qua thời gian dài 85 năm kể từ khi triều đại Ngô Quyền giành được độc lập (939), đến triều Lý Thái Tông (1024) mới có Bộ Hình thư là Bộ luật thành văn đầu tiên nhà nước phong kiến Việt Nam. Hơn 400 năm sau nữa, dưới thời vua Lê Thánh Tông, Quốc triều hình luật (Bộ luật Hồng Đức) năm 1483 mới có quy định về các BPNC. Sau này, còn thấy các BPNC được quy định tại nhiều văn bản pháp luật khác.
Các BPNC được áp dụng ở thời kỳ này còn mang tính chất cụ thể, chi tiết, liệt kê, thiếu tính khái quát, tổng thể, hầu hết mang tính chất bắt buộc, dứt khoát và nêu cụ thể biện pháp xử lý. Chứng tỏ kỹ thuật lập pháp còn ở mức độ thấp. Tuy nhiên, chúng đã thể hiện tinh thần nhân đạo nên có giá trị kế thừa để hoàn thiện pháp luật về các BPNC ở thời kỳ sau.