* Ý nghĩa của những quy phạm pháp luật về các biện pháp ngăn chặn
1.1.3. Phân loại các biện pháp ngăn chặn
Như đã chỉ ra ở trên, BLTTHS năm 1988 và năm 2003 đều quy định hệ thống các BPNC có bảy biện pháp, gồm: bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm, việc giám sát đối với người chưa thành niên phạm tội. Việc thực hiện các BPNC này có nét đặc thù, như: phương thức tác động của các BPNC, việc cách ly đối tượng khỏi cộng đồng, việc phê chuẩn của VKS. Cho nên, việc phân loại các BPNC theo những tiêu chí trên sẽ hợp lý và có ý nghĩa quan trọng đối với lập pháp, thực tiễn áp dụng pháp luật, như sau:
- Căn cứ theo phương thức tác động của các BPNC, thì có thể phân loại chúng thành hai nhóm: a) Nhóm thứ nhất, những BPNC tác động lên thể chất của đối tượng bị áp dụng, gồm: bắt, tạm giữ, tạm giam; b) Nhóm thứ hai, những BPNC tác động lên tâm lý của đối tượng bị áp dụng, gồm: cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm và việc giám sát đối với người chưa thành niên phạm tội.
Các BPNC tác động lên đối tượng bằng hai phương thức khác nhau. Nếu biện pháp bắt người, tạm giữ, tạm giam tác động lên thể chất của đối tượng bị áp dụng, thì biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hay tài sản có giá trị để bảo đảm, việc giám sát đối với người chưa thành niên lại tác động lên tâm lý của chính đối tượng bị áp dụng.
Tác động lên thể chất của đối tượng bằng việc khóa còng số 8, buộc dây vào tay đối tượng, có thể dùng vũ lực, vũ khí nếu đối tượng chống đối, cản trở việc thi hành công vụ hoặc buộc đối tượng chỉ được ở trong một khuôn viên nhất định trong nhà tạm giữ, trại tạm giam. Tác động tâm lý được thể hiện bằng việc sẽ áp dụng biện pháp tạm giam nghiêm khắc hơn đối với bị can,
bị cáo và sung công tiền hoặc tài sản đã đặt khi chính họ vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan. Không những thế, khi bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan, thì tổ chức hoặc cá nhân đứng ra nhận bảo lĩnh phải chịu một trong những hình thức trách nhiệm theo Điều 92 BLTTHS, như: trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỷ luật hoặc có thể cả TNHS nếu che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm… Chính vì thế, đối tượng nhận bảo lĩnh còn có thể bị áp dụng biện pháp cưỡng chế khác. Như vậy, việc áp dụng các BPNC đã tác động tâm lý đến bị can, bị cáo, người có liên quan đến việc thực hiện tội phạm chưa bị khởi tố và cả tổ chức, cá nhân khác do phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý vì đối tượng vi phạm nghĩa vụ cam đoan.
Việc áp dụng các BPNC thuộc nhóm thứ nhất sẽ hạn chế quyền và tự do cá nhân nhiều hơn so với việc áp dụng các BPNC thuộc nhóm thứ hai. Việc phân loại theo phương thức tác động có ý nghĩa quan trọng không những đối với lập pháp để có trình tự, thủ tục thực hiện chặt chẽ, chính xác, kịp thời, nhanh chóng mà không vi phạm quyền và tự do cá nhân được Hiến pháp, pháp luật bảo vệ mà còn đối với thực tiễn áp dụng các biện pháp ấy đòi hỏi phải nghiêm chỉnh chấp hành những quy định của pháp luật từ phía cơ quan (người) có thẩm quyền tố tụng.
Thực hiện các BPNC thuộc nhóm thứ hai có sự tham gia của cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân thể hiện quan điểm xã hội hóa hoạt động pháp luật của Đảng và Nhà nước ta đi vào cuộc sống. Thống kê số liệu áp dụng các BPNC thuộc nhóm này cho phép đánh giá hiệu quả của chúng đối với các BPNC thuộc nhóm kia.
- Căn cứ vào sự cách ly đối tượng khỏi cộng đồng, các BPNC có thể chia thành ba nhóm: a) Nhóm thứ nhất, các biện pháp khởi đầu để thực hiện việc cách ly, tức là đưa đối tượng từ ngoài xã hội vào nơi giam giữ: bắt người gồm: bắt khẩn cấp, bắt quả tang, bắt theo lệnh truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam; b) Nhóm thứ hai, các biện pháp buộc đối tượng phải cách ly khỏi cộng đồng, gồm: tạm giữ, tạm giam; c) Nhóm thứ ba, các biện pháp không
buộc đối tượng phải cách ly khỏi cộng đồng, gồm: cấm đi khỏi nơi trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm và việc giám sát đối với người chưa thành niên phạm tội.
- Các biện pháp bắt người thuộc nhóm thứ nhất nằm ở "trận tuyến hàng đầu của cuộc đấu tranh chống tội phạm"[58, tr. tr. 60].Hoạt động bắt người do Cơ quan điều tra thực hiện là chủ yếu và được tiến hành ở ngoài xã hội để đưa đối tượng vào nơi giam, giữ. Hoạt động này yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ cao mới bảo đảm hiệu quả. Từ đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng tiến hành bắt. Phân loại các biện pháp bắt người này có ý nghĩa thực tiễn.
Khi áp dụng các BPNC thuộc nhóm thứ hai, nhà nước cần có một bộ máy thực hiện chức năng quản lý. Khi số lượng đối tượng bị tạm giữ, tạm giam tăng lên sẽ gây khó khăn cho bộ máy quản lý, cơ sở vật chất nơi giam giữ và kinh phí hoạt động cho bộ máy ấy lại tăng lên gây lãng phí cho Nhà nước. Hiện nay, nhiều nơi giam giữ trong tình trạng quá tải. Việc phân loại theo sự cách ly đối tượng có ý nghĩa dự báo cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Còn việc áp dụng các BPNC thuộc nhóm thứ ba cũng có ý nghĩa thực tiễn như đã nói ở trên.
- Căn cứ vào sự phê chuẩn của VKS, các BPNC do Cơ quan điều tra áp dụng có thể được chia làm hai nhóm: a) Nhóm thứ nhất, các biện pháp cần phải có sự phê chuẩn của VKS, gồm: bắt khẩn cấp, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, gia hạn tạm giữ, tạm giam, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm; b) Nhóm thứ hai, các biện pháp không có sự phê chuẩn của VKS, gồm: bắt quả tang, bắt theo lệnh truy nã, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hay tài sản có giá trị để bảo đảm và việc giám sát đối với người chưa thành niên phạm tội. Việc phân loại này có ý nghĩa tăng cường trách nhiệm của VKS trong việc áp dụng các biện pháp tác động lên thể chất và tài sản của đối tượng bảo đảm có căn cứ, chính xác, cũng như trách nhiệm phối hợp của cả hai cơ quan là VKS và Cơ quan điều tra trong giai đoạn điều tra [37, tr. 60].