* Ý nghĩa của những quy phạm pháp luật về các biện pháp ngăn chặn
2.1.4.1. Việc hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn
GS.TS. Nguyễn Như Ý quan niệm, hủy bỏ theo nghĩa của động từ là "bỏ đi, không coi là còn giá trị" [96, tr. 854]. Theo nghĩa này, hủy bỏ BPNC là bỏ biện pháp đang được áp dụng đó đi bởi vì nó không còn giá trị nữa.
Hủy bỏ các BPNC có những đặc điểm: a) Cơ quan có thẩm quyền: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, HĐXX; b) Thời điểm ra quyết định: khi vụ án bị đình chỉ hoặc khi HĐXX thấy việc áp dụng không còn cần thiết; c) Người đang bị áp dụng BPNC không bị tiếp tục áp dụng bất cứ BPNC nào nữa nếu không bị áp dụng BPNC về một tội phạm khác; d) Nếu vụ án bị đình chỉ, thì TTHS chấm dứt.
Có thể tổng hợp các quy định trong BLHS và BLTTHS thành hai trường hợp hủy bỏ BPNC, như sau:
* Trường hợp thứ nhất, khi vụ án bị đình chỉ bởi một trong mười bốn
căn cứ được quy định tại BLHS, gồm: 1) Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo Điều 19; 2) Nếu khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa theo Điều 25; 3) Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm… theo Điều 25; 4) Có quyết định đại xá theo Điều 25; 5) Người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục theo khoản 2 Điều 69 và trong BLTTHS, gồm: 6) Người bị hại rút yêu cầu khởi tố đối với 11 loại tội phạm theo Điều 105; 7) Không có sự việc phạm tội theo khoản 1 Điều 107; 8) Hành vi không cấu thành tội phạm theo khoản 2 Điều 107; 9) Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu TNHS theo khoản 3 Điều 107; 10) Người mà hành vi của họ đã có bản
án, quyết định đình chỉ vụ án đã có hiệu lực pháp luật theo khoản 4 Điều 107; 11) Đã hết thời hiệu truy cứu TNHS theo khoản 5 Điều 107; 12) Tội phạm đã được đại xá theo khoản 6 Điều 107; 13) Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết theo khoản 7 Điều 107; 14) Đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm theo khoản 2 Điều 164. Tuy nhiên, còn tìm được năm trường hợp khác phải hủy bỏ BPNC do được miễn TNHS được quy định ở phần riêng BLHS mà BLTTHS không đề cập tới, đó là: 1) Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo khoản 3 Điều 80; 2) Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc, nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác theo khoản 6 Điều 289; 3) Người môi giới hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác theo khoản 6 Điều 290; 4) Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội về các tội phạm không phải là các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại khoản 1 Điều 313 theo khoản 2 Điều 314; 5) Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm theo khoản 3 Điều 314.
*Trường hợp thứ hai: khi HĐXX thấy việc áp dụng BPNC không còn
cần thiết nữa với năm căn cứ trong BLTTHS là: 1) Bị cáo không có tội; 2) Bị cáo được miễn TNHS hoặc miễn hình phạt; 3) Bị cáo bị xử phạt bằng các hình phạt không phải là hình phạt tù; 4) Thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian bị cáo đã bị tạm giam; 5) Bị cáo phạt tù, nhưng cho hưởng án treo theo Điều 227.
Tổng hợp lại, trong cả hai Bộ luật nói trên có hai mươi bốn căn cứ trả tự do cần được liệt kê đầy đủ ở BLTTHS để nguyên tắc bảo đảm pháp chế XHCN được thực thi.
Trong 24 trường hợp trả tự do này, thì có sáu trường hợp liên quan đến việc bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi cho người bị oan
do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng gây ra, đó là: 1) Không có sự việc phạm tội; 2) Hành vi không cấu thành tội phạm; 3) Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu TNHS; 4) Người mà hành vi của họ đã có bản án, quyết định đình chỉ vụ án đã có hiệu lực pháp luật theo khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 107 BLTTHS; 5) Đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm theo khoản 2 Điều 164 BLTTHS); 6) Bị cáo không có tội theo Điều 227 BLTTHS.