THỰC TRẠNG CẢI CÁCH DỊCH VỤ CÔNG Ở TỈNH CAO BẰNG 1 Xây dựng, hoàn thiện thể chế hành chính về dịch vụ công

Một phần của tài liệu Cải cách dịch vụ công qua thực tiễn tỉnh Cao Bằng (Trang 55)

2.2.1. Xây dựng, hoàn thiện thể chế hành chính về dịch vụ công trên địa bàn tỉnh

Chương trình Cải cách thủ tục hành chính đã được triển khai ở tỉnh Cao Bằng ngay sau khi Quyết định 136/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực vào ngày 17 tháng 9 năm 2001. Thủ tục hành chính "một cửa" được thực hiện ở các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị; Ngày 29/12/2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý phê duyệt danh mục dự án hỗ trợ kỹ thuật "Hỗ trợ cải cách hành chính công tỉnh Cao Bằng (SPAR-CB) giai đoạn II" do Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ viện trợ; Đề án 30 - Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý giai đoạn 2007 - 2010 ban hành kèm theo Quyết định số 30/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2007 - được ban hành và thực hiện mục tiêu loại bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp, với kỳ vọng đây sẽ là "quả đấm thép" để đột phá vào thành trì thủ tục hành chính lâu nay. Chương trình này được thực hiện trong một khoảng thời gian không dài nhưng đến thời điểm này, bằng rất nhiều nỗ lực, tỉnh Cao Bằng đang tiến gần hơn đến đích của giai đoạn 2 - Giai đoạn rà soát các kiến nghị đơn giản hóa. Như vậy, về mặt pháp lý đã có nhiều văn bản đặt ra định hướng, mục tiêu và giải pháp nhằm xây dựng một nền hành chính công dân chủ, trong sạch, chuyên nghiệp hiệu quả và hiệu lực.

Yêu cầu về mặt hoàn thiện thể chế hành chính đối với cấp tỉnh rất khó xác định. Dựa vào các nguyên tắc tổ chức và hoạt động, cấp tỉnh hầu hết chỉ ban hành những văn bản mang tính cụ thể hóa các văn bản của Trung ương. Bởi vậy, bản thân quá trình hoàn thiện thể chế này không hoàn toàn tạo nên hiệu quả chi phối các mối quan hệ và quá trình xã hội, kinh tế, chính trị. Song dựa vào lí luận: "cải cách thể chế là sự thiết lập và thực thi các quy tắc và thủ tục nhằm cải thiện chất lượng của nền hành chính nhà nước, cụ thể là cải thiện các mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội, nhằm tạo điều kiện cho cơ

chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hoạt động có hiệu quả" [7] thì cấp tỉnh là chủ thể trực tiếp thực thi các quy tắc và thủ tục nhằm cải thiện chất lượng hành chính. Điều nhấn mạnh ở đây, trong nhiệm vụ hoàn thiện về thể chế của cấp tỉnh chỉ xem xét trên các khía cạnh về sự hoàn chỉnh, kịp thời trong triển khai các quan điểm, chủ trương, chính sách của Trung ương và hiệu quả thực thi các quy tắc, thủ tục đã được định ra. Để thực hiện các yêu cầu về cải thiện dịch vụ công, xã hội hóa dịch vụ công và để triển khai thực hiện hiệu quả những văn bản trên của Chính phủ, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng hệ thống văn bản triển khai thực hiện dưới các hình thức nghị quyết, quyết định, chỉ thị. Dựa vào đặc điểm, nhu cầu của địa phương Cao Bằng mỗi năm Hội đồng nhân dân tỉnh đều ban hành Nghị quyết định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo các mục tiêu cụ thể. Đối với từng ngành, lĩnh vực riêng, nếu xét thấy cần thiết chỉ đạo thực hiện hoặc cụ thể hóa luật, nghị định, quyết định (của trung ương) thì Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành văn bản chỉ đạo. Trong khoảng thời gian từ năm 2005 trở về đây văn bản của tỉnh Cao Bằng được chú trọng hoàn thiện hơn cả về chất lượng và tính kịp thời, hiệu quả điều chỉnh. Ngoài định kỳ ban hành Nghị quyết theo kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên ban hành các quyết định, chỉ thị chỉ đạo các ngành, các huyện, thị thực hiện.

Để đánh giá tập trung hơn mức độ cải cách về thể chế hành chính, xin được chia thành những nhóm tác động sau:

- Các thể chế về điều tiết về tổ chức, hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Soi trên nội dung các văn bản có thể thấy điểm đáng ghi nhận là Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh việc tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Ngoài việc ban hành quy chế hoạt động của Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân tỉnh còn ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh, Quy chế phân cấp quản lý tài sản công, Quy chế phân cấp

quản lý bảo hiểm y tế cho các đối tượng khó khăn; phòng chống tham nhũng... Với thẩm quyền của mình, có thể nói tỉnh Cao Bằng đã xây dựng được hệ thống các quy chế giúp các cơ quan chuyên môn của tỉnh có cách tổ chức, làm việc chuyên nghiệp hơn với sự liên kết chặt chẽ hơn. Các cơ quan chuyên môn, và hệ thống cơ quan hành chính cấp dưới (huyện, xã) của Ủy ban nhân dân tỉnh đã được phân cấp thẩm quyền trong một số lĩnh vực cụ thể bằng quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh. Như vậy, hệ thống thể chế về mặt tổ chức được xây dựng ở mức đáp ứng căn bản hoạt động của các cơ quan hành chính. Định ra được một số quy chế riêng cho cơ chế hoạt động cũng như sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn.

- Thể chế liên quan đến việc điều tiết kinh tế thị trường. Ở phạm vi nhất định, cấp tỉnh được phân cấp quyết định những vấn đề thuộc về điều tiết kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngoài thẩm quyền quyết định các vấn đề về trợ giá, trợ cước và các chính sách khác nhằm khắc phục sự thiếu khuyết của thị trường tự do thì việc Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh định hướng điều tiết kinh tế thị trường bằng việc hoàn thiện, xây dựng hệ thống văn bản, quy định, chính sách là điều cần thiết. Bắt nguồn từ việc xác định cung ứng dịch vụ công phải chuyển giao mạnh mẽ hơn cho khu vực phi nhà nước và cung cấp dịch vụ công theo những quy luật nhất định của kinh tế thị trường, tỉnh đã ban hành một số chính sách về ưu đãi đầu tư. Năm 2004, Cao Bằng lần đầu tiên đưa ra cơ chế ưu đãi đầu tư riêng cho tỉnh, Quyết định số 3097/2004/QĐ-UB ngày 06/12/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành một số cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tiếp theo là Quyết định số 1079/2004/QĐ-UB ngày 25/6/2004 ban hành một số chính sách đối với khu kinh tế cửa khẩu. Tuy nhiên cả hai văn bản này đều bị Thủ tướng đình chỉ, hủy bỏ một số nội dung tại Quyết định 1387/2005/QĐ-TTg ngày 29/12/2005 về việc xử lý các quy định về ưu đãi, khuyến khích đầu tư trái pháp luật do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ban hành. Năm 2007, tỉnh Cao Bằng tiếp tục ban hành Quyết định số 1498/2007/QĐ-UBND về việc

ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, quyết định 3176/QĐ-UBND ngày 31/12/2008 phê duyệt kế hoạch hành động phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2008-2010. Tỉnh Cao Bằng cũng đã thường xuyên tổ chức các hội nghị thu hút đầu tư với kỳ vọng tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong lĩnh vực thu hút đầu tư, khuyến khích mở rộng các hoạt động kinh tế trên địa bàn tỉnh. Cùng với cơ chế ưu đãi này, tỉnh cũng đã xây dựng nhiều quy hoạch phát triển kinh tế nói chung và đưa ra một số định hướng phát triển trong các chương trình phát triển kinh tế từng năm.

- Thể chế điều tiết mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân. Hiệu quả dịch vụ công được thể hiện rõ nhất trong mối quan hệ này. Nỗ lực cải cách thể chế bằng những quy định có lợi hơn tỷ lệ thuận với mức độ hài lòng của người dân về các dịch vụ do nhà nước trực tiếp hoặc gián tiếp đem lại. Xét trên khía cạnh hoàn thiện thể chế, chính sách, tỉnh Cao Bằng đã ban hành các văn bản về cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, quy định phân cấp về quản lý tài sản công và đặc biệt là ban hành một số quy định hỗ trợ đối với các đối tượng khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Dựa trên những phân tích trên, tôi cho rằng nhiệm vụ cải cách về mặt thể chế hành chính trong cung cấp dịch vụ công của tỉnh Cao Bằng chỉ thực sự có những thay đổi đáng kể từ năm 2007 đến nay. Theo đó, một số lĩnh vực cung cấp dịch vụ công cũng có được những thành quả khả quan, dung hòa được các mối quan hệ giữa nhà nước, nhân dân và các tổ chức. Bên cạnh đó, hạn chế về về mặt thể chế vẫn còn nhiều: Các quy định của tỉnh vẫn chưa đủ sức tạo ra những thay đổi mạnh mẽ và còn thiếu đồng bộ. Có thể nói văn bản của tỉnh ban hành chưa dựa vào những phân tích, khảo sát cụ thể để ban hành quy hoạch một cách chủ động, mà phần lớn vẫn thụ động ban hành do sự thay đổi của văn bản trung ương. Một số văn bản chưa hết hiệu lực đã được thay thế bởi văn bản mới dẫn đến tình trạng chồng chéo, khó phân định nội dung thực hiện; chưa có một văn bản nào quy định trách nhiệm giải trình và chế tài xử lý đối với cá nhân không hoàn thành tốt trọng trách công vụ.

Một phần của tài liệu Cải cách dịch vụ công qua thực tiễn tỉnh Cao Bằng (Trang 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)