các dịch vụ công
Thủ tục hành chính được nhắc đến ở đây là một loại quy phạm pháp luật quy định trình tự về thời gian, về không gian khi thực hiện một thẩm
quyền nhất định của bộ máy nhà nước, là cách thức giải quyết công việc của các cơ quan Nhà nước trong mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức và cá nhân công dân. Thủ tục hành chính không chỉ tác động đến nhiều mặt của đời sống người dân mà còn có ảnh hưởng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, nhất là đối với việc xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Công khai, đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ góp phần giảm bớt nạn tham nhũng, sách nhiễu của cán bộ nhà nước đối với người dân, tổ chức. Hơn thế, nó góp phần làm nên một nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu quả nằm trong phương châm vì nhân dân phục vụ.
Sau Chương trình tổng thể cải cách hành chính, Đề án 30 (Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 10/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ) của chính phủ - đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010. Công việc được thực hiện theo đề án này chủ yếu là rà soát các thủ tục hành chính đã được triển khai ở trung ương và cấp tỉnh. Căn cứ vào kết quả rà soát, những thủ tục không hiệu quả hoặc không cần thiết sẽ bị loại bỏ. Năm 2010, giai đoạn 1 của đề án này đã được tổng kết và được đánh giá là có hiệu quả, các thủ tục đã phần nào giảm bớt. Nhìn lại thực tế 10 năm thực hiện, việc cải cách chưa đạt được yêu cầu trên. Thủ tục hành chính ở nước ta vẫn còn tồn tại nhiều nhược điểm: Vẫn còn mang nặng tính hình thức, thể hiện ở điểm đòi hỏi quá nhiều giấy tờ, gây phiền hà và mất thời gian cho người dân. Thủ tục còn nặng nề, và phải qua nhiều cửa, nhiều cấp trung gian. Trách nhiệm cá nhân của người thực hành công vụ dường như không được nhắc đến. Những hạn chế này gây hậu quả tiêu cực tới việc thực hiện quyền tự do, lợi ích và công việc của người dân, gây trở ngại cho giao lưu quốc tế và tạo cơ hội cho tham những, lãng phí. Bởi vậy tiếp tục cải cách thủ tục hành chính là một việc cần phải làm.
Cải cách thủ tục hành chính không thể nằm ngoài các mối quan hệ với cải cách toàn diện, tổng thể nền hành chính ở các lĩnh vực khác từ thể chế, bộ máy đến nhân sự và các cơ chế xung quanh nó. Bên cạnh đó, xây dựng tiêu
chí đánh giá chất lượng, các chuẩn về thủ tục hành chính cũng là điều không kém quan trọng. Nó giúp đánh giá quá trình cải cách đã được thực hiện đến đâu và có những chuyển biến gì. Tuy nhiên đây là vấn đề mang tính tiếp diễn và khó giải quyết. Dựa trên hai nguyên tắc chính là xây dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng hệ thống cơ quan nhà nước trên nền tảng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách thủ tục hành chính được xem như là một khâu giải quyết những vướng mắc trong mối quan hệ giữa nhà nước và công dân.
Trong tương lai, để cải thiện một loạt vấn đề liên quan đến cung cấp dịch vụ công, mối quan hệ của nhà nước với người dân và đảm bảo tính công bằng, hiệu quả của các quyết định hành chính, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng sau:
- Giảm bớt các thủ tục, giấy tờ không cần thiết; giảm thiểu phiền hà, nhũng nhiễu đối với các tổ chức và người dân tìm đến dịch vụ.
- Công khai, minh bạch các thủ tục hành chính: những yêu cầu về thông tin hồ sơ; biểu mẫu hành chính, biểu mẫu khai báo; các loại phí và lệ phí, thời hạn, các cơ chế phối hợp, điều chuyển…
- Phòng ngừa tham nhũng và loại bỏ tác phong "cửa quyền", tăng cường giải trình trách nhiệm. Phân biệt rõ hơn trách nhiệm hành chính giữa các cơ quan và cán bộ trong xử lý công việc liên quan đến người dân.
- Cải thiện chất lượng và hiệu quả dịch vụ.