Chức năng quản lý của nhà nước bao gồm các hoạt động quản lý và điều tiết đời sống kinh tế - xã hội thông qua các công cụ quản lý vĩ mô như pháp luật, chiến lược, quy hoạch, chính sách, kế hoạch và kiểm tra, kiểm soát. Đây là chức năng tất yếu nhằm bảo đảm duy trì sự tồn tại của nhà nước, bảo đảm trật tự xã hội và phát triển xã hội theo định hướng của nhà nước. Mặc dù vai trò của nhà nước không được quan tâm bằng những việc nhà nước nên làm song vai trò của nhà nước mặc nhiên có tính quyết định phần lớn hiệu quả cung cấp dịch vụ công. Chức năng này được cụ thể bằng việc nhà nước hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, đề ra chính sách, cải cách bộ máy nhà nước
cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển và chính nhà nước đề ra cải cách trong cung cấp dịch vụ công nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn dịch vụ công cho các đối tượng có nhu cầu. Qua các cơ chế, chính sách đó, chức năng quản lý của nhà nước được duy trì nhằm đảm bảo việc cung cấp dịch vụ công hiệu quả, thể hiện ở những mặt sau:
- Vai trò tạo ra sân chơi bình đẳng
Nhà nước sử dụng công cụ quản lý vĩ mô như pháp luật, quy hoạch, chính sách và đưa ra các chuẩn chất lượng, các tiêu chí về quy trình cung cấp dịch vụ công, qua đó tạo một hành lang pháp lý bình đẳng cho mọi đối tượng tham gia cung cấp dịch vụ công. Nhà nước ban hành và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức tự quản của cộng đồng và cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ công. Vai trò này xác định trách nhiệm cao nhất của nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ công. Bao gồm việc vạch rõ những lĩnh vực dịch vụ cần khuyến khích sự tham gia của khu vực phi nhà nước, chính sách hỗ trợ tài chính, chính sách thuế, điều kiện vật chất, chính sách đào tạo, kiểm tra và kiểm soát. Nói chung, nhà nước có vai trò tạo ra môi trường pháp lý chung cho tất cả các đơn vị cung ứng dịch vụ công, đảm bảo thực hiện bằng pháp luật và những cơ chế cần thiết. Điều quan trọng là với vai trò này nhà nước giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa nhà nước, xã hội và lợi ích của các tổ chức và cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ công; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, không ngừng cải thiện chất lượng dịch vụ công cho xã hội.
- Vai trò quản lý, kiểm tra và giám sát các đơn vị, cá nhân cung ứng dịch vụ công, kiểm soát chất lượng dịch vụ công.
Nhà nước đặt ra các tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ công và chính nhà nước sẽ là người quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng đó. Nhà nước thiết lập các cơ quan chuyên môn quản lý, giám sát tiêu chuẩn đối với từng lĩnh vực riêng. Qua đó đánh giá chất lượng dịch vụ dựa vào sự so sánh với chuẩn
mực đã định. Một ý nữa là nhà nước giám sát chặt chẽ và thường xuyên đối với các hoạt động cung ứng dịch vụ công của các đơn vị phi nhà nước. Trên cơ sở đó đánh giá và hạn chế được những tiêu cực do chạy theo lợi nhuận, bởi trên thực tế lợi ích về kinh tế của các doanh nghiệp, cá nhân cung ứng dịch vụ công thường không đồng nhất với lợi ích của nhà nước và công dân.
- Vai trò điều tiết dịch vụ công
Như đã nhắc ở trên, nhà nước có chức năng xây dựng chính sách và quy hoạch, lường trước những nhu cầu cần được cung ứng. Trên cơ sở khảo sát thực tế nhà nước sẽ là người chịu trách nhiệm phân bổ những lĩnh vực cần thiết và quyết định mức cung ứng cho phù hợp với từng khu vực, vùng miền.
Mục đích của cải cách là nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ công nhằm đảm bảo phúc lợi công và phúc lợi chung cho người dân. Một khi sự phục vụ của của các chủ thể cung cấp dịch vụ công không đáp ứng được nhu cầu thiết yếu và nhu cầu lựa chọn của người dân thì những bước thay đổi cần thiết được áp dụng. Trong thẩm quyền của nhà nước, những cải cách sẽ được tiến hành từ những chủ trương được thể chế một cách cụ thể.