nhà nước đảm nhiệm cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ đảm nhận
Tình trạng độc quyền trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ công làm triệt tiêu động lực đổi mới tự thân của nhà nước. Điều này là một trong những nguyên nhân làm các cơ quan nhà nước trở nên trì trệ, chất lượng hàng hóa và dịch vụ công không được cải thiện. Thêm nữa, ngân sách hạn hẹp không đủ chi phí, đầu tư cho các dịch vụ công cùng lúc nên việc tạo ra sự đa dạng trong cung cấp dịch vụ công là vô cùng khó khăn. Không chỉ vậy, nguồn cán bộ cũng không đủ đáp ứng hết các nhu cầu dịch vụ công trong xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng dịch vụ công cung ứng.
Nhận thức được sự hạn chế này Nhà nước ta đã chủ trương đổi mới một bậc trong cung ứng dịch vụ công theo hướng huy động nguồn lực từ các thành phần ngoài nhà nước tham gia vào quá trình cung ứng dịch vụ công. Nghị quyết 90/CP của Chính phủ, Nghị định 73/1999/NĐ-CP năm 1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa và thể thao thể hiện một bước đổi mới quan trọng trong việc mở rộng chủ thể cung cấp dịch vụ công ra ngoài khu vực nhà nước: "Nhà nước khuyến khích phát triển rộng rãi các cơ sở ngoài công lập phù hợp với quy hoạch của nhà nước trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao…" [4]. Sau đó, thêm một số văn bản ra đời nhấn mạnh việc chuyển giao cung cấp dịch vụ công cho tư nhân, tổ chức phi chính phủ như Thông tư 16/BYT-TT ngay 19/8/2000 về hướng dẫn tiêu chuẩn, điều kiện chuyên môn, hồ sơ, thủ tục, thẩm quyền thành lập cơ sở khám chữa bệnh bán công; Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 về đẩy mạnh xã hội hóa
các hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa và thể thao; Nghị định 10/2002/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/1/2002 về đổi mới cơ chế quản lý đối với đơn vị sự nghiệp có thu. Đặc biệt, một số dịch vụ hành chính công trước đây vẫn được coi là đặc quyền của nhà nước, thì nay đã được chuyển giao cho khu vực tư nhân. Ví dụ như dịch vụ công chứng được thực hiện từ ngày 1/7/2007, theo Luật Công chứng và Nghị định 79/2007/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký; các dịch vụ pháp lý (tư vấn pháp luật, hỗ trợ tư pháp); dịch vụ trắc địa.
Tiếp tục cải cách theo hướng xóa bỏ hoàn toàn cơ chế bao cấp đối với các cơ sở công lập bằng cách chuyển đổi các cơ sở công lập cung ứng dịch vụ công vẫn còn hoạt động theo cơ chế sự nghiệp sang cơ chế tự chủ cung ứng dịch vụ công; chuyển các cơ sở công lập cung ứng dịch vụ công sang hình thức dân lập, tư nhân hoặc doanh nghiệp; khuyến khích các cơ sở cung ứng dịch vụ công ngoài công lập phát triển. Huy động tiềm lực trí tuệ và tài chính cho cung ứng dịch vụ công. Đồng thời cải cách chế độ thu, chi hợp lý. Ngoài những dịch vụ xã hội công, nên chuyển một số dịch vụ hành chính công cho tư nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ thực hiện dưới sự quản lý chặt chẽ của nhà nước bằng hành lang pháp lý.
Mô hình thành lập các trung tâm hỗ trợ hành chính như một số địa phương (Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội) đã thực hiện cũng được người dân đồng tình. Bởi các trung tâm này đã góp phần khắc phục một phần sự ách tắc trong cung cấp dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính, đáp ứng được nhu cầu của người dân, giảm bớt khối lượng công việc cho các cơ quan nhà nước tồn tại bấy lâu.