Như đã phân tích ở phần trên (đặc điểm văn hóa, xã hội), có thể đánh giá trình độ dân trí nhìn chung của tỉnh Cao Bằng là thấp. Cơ hội, điều kiện để thay đổi tình trạng này không nhiều do phụ thuộc vào nhiều yếu tố như
môi trường, hoàn cảnh sống, điều kiện kinh tế… Đối với việc tạo nguồn cán bộ, Cao Bằng vẫn là một tỉnh thường xuyên được Bộ Giáo dục và Đào tạo "ưu tiên" nhiều chỉ tiêu cử tuyển cho học sinh được đào tạo tại các trường đại học lớn, tuy nhiên hiện trạng này cũng gây nên tác dụng ngược lại. Những học sinh này, khi ra trường thường không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của công việc.
Bên cạnh đó tình trạng tiêu cực trong thi tuyển công chức, viên chức tại các lĩnh vực cung ứng dịch vụ công đã khiến đội ngũ cán bộ yếu kém thực sự. Môi trường làm việc không chuyên nghiệp ảnh hưởng đến thái độ của cán bộ, nhiều khi giải quyết công việc bằng cảm tính và vẫn bị chi phối bới nhiều mối quan hệ cá nhân. Tôi trực tiếp khảo sát tại một số xã, thấy rằng công chức xã vẫn còn thói quen cũ, ngày làm việc có đến trụ sở nhưng không có việc để làm, thậm chí còn có tình trạng uống rượu tại cơ quan ngay trong giờ hành chính. Xuất phát từ một nền giáo dục thấp, môi trường điều kiện học tập khó khăn là một trong những nguyên nhân khiến cán bộ có trình độ, năng lực thấp, không đáp ứng được yêu cầu các vị trí đương nhiệm.
Chế độ cử tuyển được thực hiện theo Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định về chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Đây là chính sách tạo điều kiện cho nhóm người thiệt thòi trong xã hội được tham gia vào hệ thống giáo dục công ở các bậc đại học, cao đẳng và trung cấp. Cao Bằng cũng là một tỉnh miền núi có nhiều xã thuộc diện được cử tuyển con em đi học (theo Quyết định số 163, 164 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ) nhằm bổ sung nguồn cán bộ cho địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chế độ cử tuyển, nhiều vấn đề bất cập lại nảy sinh. Đó là việc thiếu công bằng trong khi xét, lựa chọn đối tượng cử tuyển dẫn đến người dân mất lòng tin vào việc thực hiện chính sách ưu đãi của chính quyền địa phương (Phụ lục 2).